Môi trường là gì? Vì sao chúng ta phải bảo vệ môi trường?

Môi trường là gì? Môi trường gồm những gì? Tại sao phải bảo vệ môi trường? Cùng Vietjack.me đi tìm câu trả lời nhé.

1 111 15/09/2024


Môi trường là gì? Vì sao chúng ta phải bảo vệ môi trường?

1. Môi trường là gì?

Môi trường là một tổ hợp gồm các yếu tố tự nhiên và nhân tạo bao quanh một hệ thống, cá thể hoặc sự vật nào đó. Chúng sẽ tác động lên hệ thống này, xác định xem xu hướng và tình trạng tồn tại.

Một định nghĩa rõ ràng hơn, môi trường là một tổ hợp gồm các yếu tố tự nhiên và các yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau. Các yếu tố này ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống, sự tồn tại và phát triển của con người cũng như thiên nhiên.

Tóm lại, môi trường là một khách thể gồm vật chất, điều kiện hoàn cảnh… bao quanh khách thể hoặc các hoạt động của khách thể diễn ra trong chúng.

2. Môi trường gồm những gì?

Môi trường bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Môi trường tự nhiên gồm tất cả các yếu tố xuất hiện một cách tự nhiên trên Trái Đất. Nó là một môi trường mà các vật thể sống tương tác với nhau. Môi trường tự nhiên cung cấp cho chúng ta không khí để thở, cung cấp các loại tài nguyên khoáng sản, đất để trồng cấy, xây dựng nhà cửa, chân nuôi… Môi trường tự nhiên bao gồm 4 thành phần chính gồm thạch quyển; thuỷ quyển; khí quyển và sinh quyển. Cụ thể như sau:

- Thạch quyển hay còn gọi là địa quyển/môi trường đất. Đây là bộ phận gồm vỏ Trái Đất có bề dày 60-70km ở phần lục địa. Sâu hơn nữa là 2-8km dưới đáy đại dương. Các quần xã sinh vật sẽ sinh sống trên môi trường đất.

- Thuỷ quyển hay còn gọi là môi trường nước. Đây là phần nước trên Trái Đất, bao gồm: sông, hồ, suối, đại dương, nước ngầm, hơi nước, băng tuyết.

- Khí quyển hay còn gọi là môi trường không khí. Đây là tầng không khí bao quanh Trái Đất.

- Sinh quyển hay còn gọi là môi trường sinh vật. Đây là bộ phần gồm thực vật, động vật và con người. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loại sinh vật nhỏ bé khác như ký sinh, cộng sinh, biểu sinh… Tất cả điều này đã tạo nên sự đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên.

Không giống môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo là tất cả các yếu tố nhân tạo như thành phần hoá học, tính chất vật lý… Những yếu tố này do con người tạo ra và bị con người chi phối.

Ngoài ra còn có khái niệm về môi trường xã hội. Môi trường xã hội là mối quan hệ giữa người với người. Đó là các luật lệ, cam kết, thể chế, ước định… ở các cấp khác nhau. Môi trường xã hội có nhiệm vụ định hướng con người theo một khuôn khổ nhất định để cho sự phát triển được thuận lợi, khiến cuộc sống của con người khác với sinh vật khác.

Mặc dù các nhân tố này trái ngược nhau nhưng lại cùng tồn tại, đan xen nhau và tương tác chặt chẽ với nhau. Các thành phần sẽ luôn chuyển hoá và theo chu kỳ nhất định tạo sự cân bằng. Sự cân bằng này tạo cho sinh vật trên Trái Đất phát triển ổn định. Chu kỳ thường gặp là tuần hoàn cacbon, nitơ, lưu huỳnh… Các chu kỳ này được gọi chung là địa hoá học.

Trong khi đó, sinh vật và môi trường xung quanh tương hỗ lẫn nhau về cả năng lượng và vật chất thông qua các thành phần môi trường và hoạt động của hệ mặt trời.

3. Yếu tố ảnh hưởng tới môi trường

- Tự nhiên

Cụ thể gồm động đất, núi lửa phun trào, sóng thần, nước biển dâng…Những hiện tượng này xảy ra là do lớp vỏ Trái Đất không đồng đều và nó có tác động nhất định đối với tự nhiên.

- Con người

Có thể nói, đây là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến môi trường tự nhiên hiện nay. Con người có tốc độ sinh trưởng và trí thông minh vượt trội. Vì vậy, con người cũng là tác nhân ảnh hưởng lớn nhất đến thiên nhiên.

Chính từ những hoạt động nhỏ nhất như vứt rác bừa bãi hay các hành động lớn hơn như xây cất, trồng trọt…đã làm môi trường dần bị huỷ hoại. Lòng tham của con người càng lớn, thiên nhiên bị huỷ hoại càng nhanh. Cụ thể, để xây cất, trồng trọt, con người phải phá rừng (đặc biệt là rừng đầu nguồn), xẻ núi. Việc phá rừng, xẻ núi sẽ đem lại những hậu quả:

Đối với đời sống

+ Theo nguyên lý, khi quang hợp, cây sẽ hấp thụ CO2 và thải ra khí O2. Điều này sẽ làm bầu khí quyển trong lành hơn và tốt cho sức khoẻ con người cũng như động vật. Nếu rừng bị tàn phá, bầu khí quyển sẽ không được lọc gây ô nhiễm trầm trọng.

+ Gây lũ lụt, sạt lở, xói mòn đất

Đối với môi trường tự nhiên

+ Môi trường sống của sinh vật sẽ bị huỷ hoại. Từ đó khiến các sinh vật dần dần bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng.

+ Gây nên hiệu ứng nhà kính, sự ấm lên toàn cầu… Một vài yếu tố khác như thiên thạch, sự thay đổi quỹ đạo các hành tinh… cũng ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

4. Tại sao phải bảo vệ môi trường?

- Môi trường là tất cả những gì xung quanh chúng ta, bao gồm không khí, nước, đất và các sinh vật sống. Môi trường rất quan trọng đối với sự phát triển tồn tại của con người và các sinh vật khác.

Chính vì vậy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của con người. Môi trường có trong sạch thì không khí chúng ta thở mới trong lành, nguồn nước chúng ta sử dụng mới an toàn, đất đai chúng ta canh tác mới màu mỡ. Khi môi trường bị ô nhiễm, con người sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, như các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, ung thư,...

Bảo vệ môi trường là góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Một môi trường trong sạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, du lịch,... Nhờ đó, kinh tế - xã hội sẽ phát triển bền vững.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn nhân loại. Môi trường là tài sản chung của nhân loại, do đó, mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

- Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng môi trường của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng. Từ những điều nhỏ nhất như khói bụi cho đến những điều lớn như biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt hơn, mưa axit, nước biển dâng, sa mạc hoá…

Theo điều tra, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang nóng hơn gần 40°C so với kỷ băng hà cách đây 13.000 năm. Đặc biệt, trong 100 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình tăng 0.6 – 0.7°C và trong 100 năm tới sẽ tăng khoảng 1.4-5.8°C.

Sự nóng lên toàn cầu như vậy có tác động không nhỏ đến môi trường và xã hội. Cụ thể, nhiệt độ tăng sẽ làm băng tan và mực nước biển cũng tăng theo, gia tăng các cơn bão, suy giảm tầng ozon… Ngoài ra, một số loài không kịp thích ứng có thể bị tuyệt chủng.

Đặc biệt, con người sống trong môi trường bị ô nhiễm sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Khi sống trong môi trường bị ô nhiễm, con người có thể mắc các bệnh về phổi, tim mạch, gan, giảm trí thông minh ở trẻ em…

Vì vậy, việc cấp thiết hiện nay đó là bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm. Nhận thức được vấn đề này, Liên Hợp Quốc đã quyết định ngày 5/6 là Ngày môi trường thế giới.

5. Nguyên tắc bảo vệ môi trường là gì?

Môi trường là gì? Vì sao chúng ta phải bảo vệ môi trường?  (ảnh 1)

Theo quy định Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nguyên tắc bảo vệ môi trường bao gồm những nội dung như sau:

- Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

- Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

- Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

- Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

- Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

- Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.

6. Yêu cầu bảo vệ môi trường trong giấy phép môi trường được quy định như thế nào?

Môi trường là gì? Vì sao chúng ta phải bảo vệ môi trường?  (ảnh 1)

Căn cứ theo quy định Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường 2020, yêu cầu bảo vệ môi trường trong Giấy phép môi trường được quy định như sau:

- Có công trình, biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu; trường hợp xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi.

- Có biện pháp, hệ thống, công trình, thiết bị lưu giữ, vận chuyển, trung chuyển, sơ chế, xử lý đáp ứng yêu cầu quy trình kỹ thuật và quản lý đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.

- Có kho, bãi lưu giữ phế liệu đáp ứng quy định; hệ thống thiết bị tái chế; phương án xử lý tạp chất; phương án tái xuất đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

- Có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; trang thiết bị, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quan trắc môi trường.

- Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; cải tạo, phục hồi môi trường; bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.

7. Các biện pháp bảo vệ môi trường

Môi trường là gì? Vì sao chúng ta phải bảo vệ môi trường?  (ảnh 1)

- Sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên

- Hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

- Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng có thể tái tạo.

- Áp dụng khoa học hiện đại vào trong đời sống để giảm ô nhiễm

- Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng

- Phân loại rác thải

- Hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon

- Không lãng phí đồ ăn

- Trồng nhiều cây xanh

- Ưu tiên các sản phẩm tái chế

- Tuyên truyền và nâng cao ý thức mọi người về bảo vệ môi trường

1 111 15/09/2024