Nhân thân là gì? Đặc điểm của nhân thân? Quyền nhân thân của cá nhân theo Bộ luật Dân sự 2015

Nhân thân là một trong những quyền về dân sự được gắn liền với chính bản thân của người đó, theo đó nhân thân được hình thành và phát sinh, thay đổi, chấm dứt bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và đặc điểm của nhân thân, các vấn đề xoa quanh quyền nhân thân là gì, cùng tìm hiểu với Vietjack.me nhé!

1 208 25/03/2024


Nhân thân là gì? Đặc điểm của nhân thân? Quyền nhân thân của cá nhân theo Bộ luật Dân sự 2015

1. Nhân thân là gì?

Nhân thân là gì? Đặc điểm của nhân thân? Quyền nhân thân của cá nhân theo Bộ luật Dân sự 2015 (ảnh 1)

Theo khía cạnh pháp luật, nhân thân là một trong những quyền về dân sự được gắn liền với chính bản thân của người đó. Theo đó, nhân thân được hình thành và phát sinh, thay đổi và chấm dứt bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ như khai sinh, kết hôn, khai tử, quốc tịch, xác định các quan hệ cha con, vợ chồng, họ tên, quê quán, dân tộc,…

Nhân thân được hiểu chủ yếu là các yếu tố nói đến con người với tính cách là thành viên của xã hội, là người tham gia vào các quan hệ xã hội, là thực thể xã hội. Khái niệm này chỉ bao gồm những đặc điểm về tâm lý, xã hội và có thể có một số đặc điểm về sinh học có ý nghĩa về mặt xã hội như giới tính, tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, trình độ giáo dục, hệ thống giá trị, thái độ, cách cư xử…..

2. Quyền nhân thân của cá nhân theo Bộ luật Dân sự 2015

Nhân thân là gì? Đặc điểm của nhân thân? Quyền nhân thân của cá nhân theo Bộ luật Dân sự 2015 (ảnh 1)

Quyền nhân thân của cá nhân được đề cập từ Điều 26 đến Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

2.1. Quyền có họ, tên

- Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

- Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014.

- Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

- Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.

- Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

2.2. Quyền thay đổi họ

- Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

+ Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

+ Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

+ Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

+ Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

+ Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

+ Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

+ Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

+ Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

- Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

- Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

2.3. Quyền thay đổi tên

- Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

+ Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

+ Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

+ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

+ Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

+ Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

+ Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

+ Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

- Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

- Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.

2.4. Quyền xác định, xác định lại dân tộc

- Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.

- Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

- Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:

+ Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

+ Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.

- Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.

- Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.

2.5. Quyền được khai sinh, khai tử

- Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.

- Cá nhân chết phải được khai tử.

- Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

- Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định.

2.6. Quyền đối với quốc tịch

- Cá nhân có quyền có quốc tịch.

- Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy định.

- Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật.

2.7. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

- Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

+ Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

+ Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

- Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

2.8. Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể

- Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

- Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

- Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có sự đồng ý của người đó trước khi chết;

+ Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết;

+ Theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định.

2.9. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

- Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

- Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

- Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

- Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

2.10. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

- Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

- Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

- Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 và luật khác có liên quan.

2.11. Quyền xác định lại giới tính

- Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

- Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan.

2.12. Chuyển đổi giới tính

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan.

2.13. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2.14. Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình

- Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.

Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.

- Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật hôn nhân và gia đình 2014 và luật khác có liên quan.

3. Đặc điểm của nhân thân

Nhân thân là gì? Đặc điểm của nhân thân? Quyền nhân thân của cá nhân theo Bộ luật Dân sự 2015 (ảnh 1)

Pháp luật dân sự điều chỉnh quan hệ nhân thân, quy định có một số đặc điểm, tính chất cơ bản như sau:

Mang giá trị tinh thần:

Quan hệ nhân thân theo Luật dân sự quy định có liên quan tới lợi ích tinh thần. Lợi ích tinh thần cũng là những giá trị tinh thần do pháp luật công nhận mà đông đảo người dân tôn trọng như danh dự, địa vị và uy tín,… Tuy nhiên ngoài lợi ích tinh thần ấy thì quan hệ nhân thân còn bao gồm cả kết quả của các hoạt động sáng tạo của con người trong các lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực văn chương, hội hoạ, văn học, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ,… Như vậy quan hệ nhân thân bao gồm cả những giá trị lợi ích về tinh thần liên quan đến quyền tài sản.

Tính chất phi tài sản:

Quan hệ nhân thân mang tính chất phi tài sản. Nó không xác định được bằng tiền – Giá trị tinh thần của quan hệ nhân thân và tiền tệ không thể trao đổi ngang giá.

Tính gắn liền với chủ thể:

Quyền nhân thân luôn gắn liền với chủ thể. Pháp luật dân sự thừa nhận quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không chuyển dịch qua chủ thể khác (tính không thể chuyển giao). Các quyền dân sự nói chung và quyền nhân thân nói riêng là do pháp luật công nhận cho mỗi chủ thể dựa trên những điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù. Như vậy thông thường và phổ biến trong các giao dịch dân sự quyền nhân thân không thể là đối tượng của giao dịch dân sự. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt pháp luật cho phép quyền nhân thân có thể được chuyển giao (ví dụ khoản 2 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể tác giả có quyền được chuyển nhượng quyền công bố tác phẩm).

Tính không thể bị tước bỏ:

Những quyền nhân thân không thể bị giới hạn hay tước đi, kể cả khi pháp luật quy định. Mỗi chủ thể có những giá trị nhân thân khác biệt hơn đều phải bảo hộ giống nhau nếu các giá trị đó bị xâm hại.

Tính không thể chuyển dịch, chuyển giao:

Về nguyên tắc, khi một cá nhân sinh ra, họ đã có trong mình những quyền nhân thân nhất định. Quyền nhân thân này được pháp luật duy trì và bảo hộ. Quyền nhân thân đầu tiên mà các cá nhân được hưởng khi sinh ra là quyền được đăng ký khai sinh. Do đó, có thể khẳng định, quyền nhân thân không bị phụ thuộc hay chi phối bởi bất cứ yếu tố nào như độ tuổi, trình độ, môi trường sống,…

Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, vẫn có một số trường hợp đặc biệt quyền nhân thân được pháp luật quy định có thể chuyển giao, chuyển nhượng; như ví dụ đã nêu trên về quyền chuyển nhượng quyền công bố tác phẩm của tác giả theo pháp luật dân sự.

4. Phân loại quan hệ nhân thân

Như đã phân tích ở trên, trong pháp luật dân sự có thể chia quan hệ nhân thân thành 2 nhóm chính: Quan hệ nhân thân gắn với tài sản và Quan hệ nhân thân không gắn với tài sản:

Quan hệ nhân thân gắn với tài sản: là nhóm các quan hệ xuất phát từ các giá trị tinh thần ban đầu, thông qua hoạt động sáng tạo, các chủ thế sẽ được hưởng các lợi ích vật chất từ việc chuyển giao, chuyển quyền đối với quyền nhân thân trên.

Quan hệ nhân thân không gắn với tài sản: Các quan hệ nhân thân không gắn với tài sản đó là các quan hệ nhân thân xuất phát từ giá trị tinh thần và các giá trị tinh thần này không có nội dung kinh tế và hoàn toàn không thể chuyển giao được.

5. Phân biệt quyền nhân thân và quan hệ nhân thân

– Quyền nhân thân: Là một trong các quyền dân sự được pháp luật quy định và bảo hộ tại Điều 24 và Điều 51 Bộ luật dân sự về quyền nhân thân.

Do vậy quyền nhân thân có sự quan hệ trực tiếp đến cá nhân ngay lúc người ta mới ra đời và kết thúc khi cá nhân mất. Mỗi cá nhân đều bình đẳng về quyền nhân thân. Quyền nhân thân là cơ sở căn bản tạo nên quan hệ nhân thân.

– Quan hệ nhân thân: Là quan hệ xã hội liên quan đến giá trị nhân thân của cá nhân, tổ chức. Bao gồm: quan hệ nhân thân gắn liền với tài sản như quyền tác giả, quyền sáng chế,… và quan hệ nhân thân không gắn liền với tài sản như họ tên, quốc tịch, uy tín, danh dự,…

Quan hệ nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định và về nguyên tắc thì không thể dịch chuyển cho chủ thể khác, phát sinh trên nền tảng quy phạm pháp luật – là thoả thuận giữa người với nhau xác lập một quyền nhân thân của cá nhân hoặc tập thể, là những quy định của quyền nhân thân được quy định tại Bộ luật dân sự, phù hợp với từng điều kiện pháp lý và khả năng chủ thể. Theo đó có những quy định về quyền nhân thân mới làm phát sinh quan hệ nhân thân.

1 208 25/03/2024