Quan hệ nhân thân là gì? Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân

Quan hệ nhân thân là quan hệ xã hội liên quan đến giá trị nhân thân của cá nhân, tổ chức. Quan hệ nhân thân bao gồm các quan hệ nhận thân gắn với tài sản và quan hệ nhân thân không gắn với tài sản. Cụ thể:

1 366 11/12/2023


Quan hệ nhân thân là gì? Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân

1. Quan hệ nhân thân là gì ?

Quan hệ nhân thân là gì? Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân (ảnh 1)

Quan hệ nhân thân là các quan hệ pháp luật dân sự có đối tượng các giá trị nhân thân của một chủ thể. Bản thân mỗi một chủ thể sẽ có rất nhiều yếu tố nhân thân làm nên đặc điểm riêng biệt, sự khác biệt giữa chủ thể đó với tất cả chủ thể khác trong xã hội (tính chuyên biệt, riêng có). Với rất nhiều các yếu tố nhân thân đó, có những yếu tố nhân thân có giá trị to lớn, cần được bảo vệ, ghi nhận riêng biệt và được thừa nhận là giá trị nhân thân. Chính những giá trị nhân thân ấy tạo nên nền tảng để nhà làm luật thừa nhận, quy định quyền nhân thân cho từng chủ thể đó.

Các quan hệ nhân thân có những đặc điểm riêng biệt:

Thứ nhất, đối tượng của quan hệ nhân thân không trị giá được thành tiền. Đây là nét đặc trưng để phân biệt với đối tượng của quan hệ tài sản. Tài sản luôn mang trong mình hai đặc tính: giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị nhân thân không xác định được giá trị bằng tiền và không có bất kỳ một cơ sở nào để có thể tính được giá trị quy thành tiền cho nên những quan hệ nhân thân không thể có sự trao đổi ngang giá được.

Thứ hai, các quan hệ nhân thân đem lại các lợi ích phi vật chất cho các chủ thể. Rất nhiều người lầm tưởng khi tác giả của một cuốn sách được trả tiền nhuận bút, tiền sử dụng hình ảnh của một cá nhân... cho thấy quan hệ nhân thân đã tạo nên lợi ích vật chất cho người có quyền nhân thân. Thực tế, đây là các quyền phái sinh từ việc xác lập các quan hệ nhân thân giữa người có giá trị nhân thân với chủ thể khác. Bản thân quan hệ nhân thân là quan hệ xác lập với đối tượng không giá trị được thành tiền, không mang tính trao đổi ngang giá thì đương nhiên sẽ không thể tạo nên các giá trị vật chất cho các chủ thể trong quan hệ đó. Nên chính vì thế, những giá trị thu được khi xác lập quan hệ nhân thân chính là các lợi ích không mang tính vật chất.

Thứ ba, quan hệ nhân thân được xác lập với một bên chủ thể được ghi nhận quyền nhân thân và thực hiện quyền nhân thân của mình. Cơ sở để có thể xác lập được quan hệ nhân thân chính là chủ thể có quyền nhân thân và thực hiện quyền nhân thân của mình. Khi chủ thể được pháp luật ghi nhận quyền nhân thân của mình, thực hiện quyền nhân thân của mình thì chính là nguồn gốc để hình thành nên các quan hệ nhân thân. Chủ thể xác lập quyền nhân thân liên quan đến họ, tên của mình bởi vì chủ thể đó được ghi nhận quyền có họ, tên hoặc quyền thay đổi họ, tên.

Các quan hệ nhân thân được chia thành hai nhóm:

1.1. Những quan hệ nhân thân gắn với tài sản

Có nhiều quyền nhân thân chỉ được hình thành khi gắn với tài sản được tạo ra cụ thể. Ví dụ như, một tác giả của một bài hát chỉ được thừa nhận khi tác giả đó sáng tác được một bài hát cụ thể. Tương tự, quyền tác giả đối với phát minh, sáng chế sẽ chỉ được thừa nhận nếu như phát minh, sáng chế đó được tạo ra cụ thể. Các quyền nhân thân gắn với tài sản này được ghi nhận thể hiện tính chất đặc thù trong cơ chế hình thành và được thừa nhận của quyền nhân thân gắn với tài sản. Từ đó dẫn đến, các quan hệ nhân thân gắn với tài sản là những quan hệ nhân thân được xác lập bởi chủ thể mà chủ thể có quyền nhân thân gắn với tài sản và xác lập để thực hiện quyền này của mình.

Tuy là quan hệ nhân thân gắn với tài sản nhưng giá trị tài sản này cũng không chi phối đến tính chất của quan hệ nhân thân. Tức là, giá trị tài sản không làm cho giá trị quyền nhân thân xác định được nên quan hệ nhân thân gắn với tài sản vẫn không phải là quan hệ có tính trao đổi ngang giá tương đương.

1.2. Những quan hệ nhân thân không gắn với tài sản

Nhiều giá trị nhân thân ghi nhận các yếu tố nhân thân của một chủ thể mà không gắn với bất kỳ một tài sản nào như họ, tên, quốc tịch, quyền được sống, tính mạng, sức khoẻ, uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc mô, bộ phận cơ thể, quyền hiến xác, giới tính và giới tính được chuyển đổi. Trên cơ sở các giá trị nhân thân này, nhà làm luật ghi nhận các quyền nhân thân mà được hình thành không dựa trên sự ra đời, tồn tại của một tài sản cụ thể mà nó gắn với cá nhân khi cá nhân đó ra đời. Ghi nhận các quyền nhân thân này là cơ sở để các chủ thể mang quyền xác lập các quan hệ liên quan đến quyền của mình. Nói một cách khác, chính việc tham gia vào các quan hệ nhân thân, các chủ thể mới được thực hiện quyền nhân thân của mình.

Luật dân sự năm 2015 không điều chỉnh tất cả các quan hệ nhân thân trong xã hội, mà chỉ điều chỉnh những quan hệ nhân thân là căn cứ để xác định tư cách chủ thể trong quan hệ xã hội. Cho nên, các quan hệ về bầu cử, ứng cử vào Quốc hội, vào Hội đồng nhân dân các cấp không thuộc đối tượng của luật dân sự vì dù nó gắn với nhân thân của từng cá nhân nhưng không phải để xác định tư cách chủ thể trong quan hệ xã hội.

Như vậy, luật dân sự là ngành luật điều chỉnh các quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản phát sinh trong đời sống tư với sự ngang bằng về địa vị pháp lý của các chủ thể.

Chấm dứt quan hệ nhân thân: Các quan hệ nhân thân cũng chấm dứt, trong đó điển hình là quan hệ hôn nhân. Quan hệ hôn nhân của người bị tuyên bố chết với chồng hoặc vợ của mình chấm dứt kể từ ngày xác định là ngày cá nhân đó chết. Người chồng hoặc vợ sẽ được hưởng thừa kế phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân

Quan hệ nhân thân là gì? Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân (ảnh 1)

Mặc dù không có định nghĩa cụ thể về quan hệ nhân thân nhưng tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP có quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân gồm:

- Quan hệ vợ, chồng: Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân…

- Quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh, quyết định nhận cha mẹ con, quyết định nuôi con nuôi…

- Quan hệ anh, chị, em ruột: Giấy khai sinh, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã…

- Quan hệ cụ nội, cụ ngoại, ông bà nội, ông bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú bác ruột, người giám hộ: Quyết định cử người giám hộ, xác định của Ủy ban nhân dân cấp xã…

- Người chưa thành niên: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn…

- Không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ, quyết định của Tòa tuyên bố cha mẹ mất tích, chết…

3. Quan hệ nhân thân của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết

Với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì quan hệ nhân thân được quy định tại Điều 72 Bộ luật Dân sự được giải quyết như người đã chết.

Riêng với người đã được tuyên bố chết nhưng được Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó đã chết thì sẽ được khôi phục các quan hệ nhân thân trừ các mối quan hệ sau đây:

- Nếu đã ly hôn thì quyết định ly hôn của người bị tuyên bố đã chết trước đó vẫn còn hiệu lực.

- Nếu vợ, chồng của người bị tuyên bố là đã chết kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân này vẫn có hiệu lực.

- Vợ/chồng người bị Tòa án quyết định hủy tuyên bố đã chết chưa kết hôn thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn.

Như vậy, nếu một người trước đó bị Tòa án tuyên bố đã chết sau đó được Tòa án hủy quyết định này thì sẽ được khôi phục quan hệ nhân thân như trước khi bị tuyên bố chết ngoại trừ các trường hợp nêu trên.

1 366 11/12/2023