Cách tính 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật

Hiện nay, dù không có tên trong di chúc nhưng vẫn có một số đối tượng được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Vậy những người đó là ai? Cách tính thừa kế cho các đối tượng đó thế nào? Bài viết dưới đây Vietjack.me sẽ giải đáp:

1 152 28/04/2024


Cách tính 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật

1. Suất của một người thừa kế theo pháp luật là gì?

Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế…

Có thể thấy, việc để lại di sản của mình cho ai hoàn toàn là quyền của người lập di chúc, không ai có thể can thiệp cũng như hạn chế quyền này của người lập di chúc.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của một số người thừa kế của người lập di chúc, Điều 644 Bộ luật Dân sự khẳng định:

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động

Trong đó, người thừa kế theo pháp luật được chia thành các hàng thừa kế gồm:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Đặc biệt, khoản 2, khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự nêu rõ:

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Do đó, suất của một người thừa kế là phần di sản mà một người thừa kế ở các hàng thừa kế nêu trên được hưởng khi di sản của một người được chia theo pháp luật trong trường hợp:

- Không có di chúc, di chúc không hợp pháp;

- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

- Người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc không được quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, để xác định suất của một người thừa kế theo pháp luật, phải biết được tổng giá trị di sản thừa kế mà một người để lại, số lượng người thừa kế được hưởng di sản thừa kế đó. Khi đó, công thức tính suất của một người thừa kế theo pháp luật như sau:

Suất của một người thừa kế theo pháp luật = Tổng giá trị di sản thừa kế / số người hưởng di sản thừa kế hợp pháp

Ví dụ:

Ông Nguyễn Văn A. có một số tiền là 900 triệu đồng nhưng chưa kịp dùng đến thì chết mà không để lại di chúc. Người thừa kế của ông A chỉ 03 người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất là vợ và hai người con. Như vậy, căn cứ quy định trên, suất của một người thừa kế theo pháp luật của ông A là: 900 triệu đồng/3 = 300 triệu đồng/người.

2. Cách tính 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật

Như đã phân tích ở trên, Điều 644 Bộ luật Dân sự nêu rõ, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản chia theo pháp luật một trong hai trường hợp:

- Những đối tượng trên không được người lập di chúc cho hưởng di sản;

- Những đối tượng trên chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất trong di chúc.

Căn cứ cách tính suất của một người thừa kế theo pháp luật đã nêu ở trên thì con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động được hưởng di sản thừa kế như sau:

Di sản được hưởng = 2/3 x (Tổng giá trị di sản thừa kế / số người hưởng di sản thừa kế hợp pháp)

Trong đó:

Tổng giá trị di sản thừa kế: Là phần giá trị di sản thừa kế còn lại sau khi đã thanh toán các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo thứ tự nêu tại Điều 658 Bộ luật Dân sự:

- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

- Chi phí cho việc bảo quản di sản;

- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

- Tiền công lao động;

- Tiền bồi thường thiệt hại;

- Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;

- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;

- Tiền phạt;

- Các chi phí khác.

Số người hưởng di sản thừa kế hợp pháp: Là người thừa kế trong cùng hàng thừa kế thứ nhất hoặc hàng thừa kế thứ hai hoặc hàng thừa kế thứ ba (trừ người từ chối nhận di sản thừa kế và người không được quyền hưởng di sản theo khoản 2 Điều 644 Bộ luật Dân sự) nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ví dụ 1:

Bà Nga có chồng là ông Minh và có duy nhất một người con trai là ông Thanh, bà không còn cha, mẹ. Vì mâu thuẫn chồng nên trước khi chết đã lập di chúc để lại tài sản riêng của mình có giá trị là 600 triệu đồng cho một mình ông Thanh.

Theo quy định thì hàng thừa kế thứ nhất của bà Nga là ông Thanh và ông Minh. Do đó, nếu chia theo pháp luật thì ông Minh và ông Thanh sẽ được nhận phần di sản thừa kế bằng nhau và cùng bằng 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, do mâu thuẫn, bà Nga không để lại di sản cho chồng nhưng theo Điều 644 Bộ luật Dân sự, ông Minh vẫn thuộc đối tượng người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc và được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật.

Theo đó, ông Minh vẫn được hưởng phần di sản bằng: 2/3 x 300 triệu đồng = 200 triệu đồng.

Do đó, di sản của bà Nga sẽ được chia như sau:

- Ông Minh (chồng bà Nga) được hưởng 200 triệu đồng;

- Ông Thanh (con trai bà Nga) được hưởng 400 triệu đồng.

Ví dụ 2:

Ông Nguyễn Văn An có một số tiền là 900 triệu đồng. Ông A có mẹ là bà Hoa, vợ là bà Lan và hai người con là Dương và Tâm. Trong đó, Dương đã trên 18 tuổi và Tâm mới có 05 tuổi.

Ông An chết có để lại di chúc cho ông Dương và ông Tâm và bà Hoa và truất quyền hưởng di sản thừa kế của bà Lan vì cho rằng bà Lan đã có tài sản riêng.

Ông Dương không muốn nhận di sản theo di chúc của ông An và đã làm văn bản từ chối nhận di sản thừa kế hợp pháp.

Ông An không phải thanh toán bất cứ một khoản chi phí nào liên quan đến thừa kế.

Ông Dương đã từ chối nhận di sản thừa kế của ông An nên người nhận di sản theo di chúc của ông An là ông Tâm và bà Hoa. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự, bà Lan (vợ ông An) dù không được chia thừa kế theo di chúc nhưng vẫn được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật của ông An.

Vậy:

Tổng giá trị tài sản của ông An: 900 triệu đồng.

Ông An có 02 người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật là ông Tâm và bà Hoa do bà Lan bị truất quyền thừa kế, ông Dương từ chối nhận thừa kế.

Do đó, 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật của ông An được tính như sau:

2/3 x 900 triệu đồng/3 = 200 triệu đồng.

Như vậy, di sản của ông An sẽ được chia như sau: ông Tâm = bà Hoa = 350 triệu đồng; bà Lan nhận di sản thừa kế = 200 triệu đồng.

1 152 28/04/2024