Tư pháp quốc tế là gì? Các nguyên tắc cơ bản của tư pháp quốc tế

Tư pháp quốc tế là hệ thống các quy phạm pháp luật xung đột điều chỉnh quan hệ tài sản và nhân thân phi tài sản trong các lĩnh vực dân sự, tố tụng dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài. Bài viết xoay quanh tìm hiểu về tư pháp quốc tế.

1 207 lượt xem


Tư pháp quốc tế là gì? Các nguyên tắc cơ bản của tư pháp quốc tế

1. Tư pháp quốc tế là gì?

Tư pháp quốc tế là gì? Các nguyên tắc cơ bản của tư pháp quốc tế (ảnh 1)

Tư pháp quốc tế là hệ thống các quy phạm pháp luật xung đột điều chỉnh quan hệ tài sản và nhân thân phi tài sản trong các lĩnh vực dân sự, tố tụng dân sự, thương mại, lao động, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài.

2. Đối tượng điều chỉnh

Tư pháp quốc tế là một ngành luật mà đối tượng điều chỉnh của nó bao gồm các quan hệ nội dung có tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài và các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài. Sự tồn tại của yếu tố nước ngoài trong các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế minh chứng rõ ràng nhất cho sự khác biệt giữa tư pháp quốc tế và luật dân sự với tư cách là hai ngành luật khác nhau trong hệ thống pháp luật quốc gia. Sự khác biệt giữa đối tượng điều chỉnh của hai ngành luật này còn thể hiện ở chỗ, đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế rộng hơn, bao gồm các quan hệ nội dung có tính chất dân sự và các quan hệ tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài, trong khi đó, đối tượng điều chỉnh của luật dân sự chỉ là các quan hệ dân sự nội địa. Đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là các quan hệ có tính chất dân sự và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài.

Học lí và thực tiễn về tư pháp quốc tế chưa có sự thống nhất về cách hiểu đối với yếu tố nước ngoài trong quan hệ tư pháp quốc tế, song thường dựa vào một trong ba dấu hiệu chính sau đây

- Dấu hiệu chủ thể tham gia quan hệ

Đây là trường hợp có ít nhất một bên chủ thể tham gia quan hệ là "người nước ngoài". Người nước ngoài ở day được hiểu là cá nhân người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài thậm chí là cả quốc gia nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế.

Dấu hiệu chủ thể còn có thể được thể hiện ở khía cạnh khác, đó là trong một số quan hệ nhất định, các bên tham gia quan hệ mặc dù có cùng quốc tịch nhưng các bên có trụ sở thương mại hay nơi cư trú ở các nước khác nhau. Trong trường hợp này, quan hệ phát sinh vẫn là quan hệ có yếu tố nước ngoài.

- Dấu hiệu đối tượng của quan hệ

Theo dấu hiệu này, một quan hệ có tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ mà đối tượng của quan hệ này tồn tại ở nước ngoài. Đối tượng của quan hệ có thể là tài sản hoặc lợi ích khác.

- Dấu hiệu về căn cứ làm phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ

Theo dấu hiệu này, quan hệ có yếu tố nước ngoài là quan hệ mà căn cứ làm phát sinh, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ xảy ra ở nước ngoài.

3. Phương pháp điều chỉnh

3.1. Phương pháp thực chất

Phương pháp thực chất là phương pháp trực tiếp giải quyết ngay quan hệ pháp lí phát sinh bừng cách xác định trực tiếp quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ. Phương pháp này được thực hiện trên cơ sở áp dụng các quy phạm pháp luật thực chất được xây dựng trong pháp luật quốc gia, điều ước quốc tế và tập quán quốc tế có liên quan. Như vậy khi áp dụng phương pháp thực chất để điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế cụ thể, vấn đề pháp lí có yếu tố nước ngoài sẽ được giải quyết ngay bằng quy phạm pháp luật thực chất đã được xây dựng sẵn trong đó chỉ rõ quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vu của các bên liên quan cũng như đưa ra giải pháp cụ thể cho các vấn đề liên quan.

Quy phạm pháp luật thực chất tồn tại trong điều ước quốc tế và tập quán quốc tế, theo quy ước, được gọi là quy phạm pháp luật thực chất thống nhất.

Bên canh quy phạm pháp luật thực chất thống nhất, tư pháp quốc tế còn có quy phạm pháp luật thực chất nội địa (hay thông thường) là quy phạm pháp luật thực chất được xây dựng trong pháp luật quốc gia.

Xét về nội dung quy phạm thực chất, có thể nhận thấy, có hai loại quy phạm pháp luật thực chất: một là quy phạm pháp luật thực chất điều chỉnh các quan hệ pháp luật nội dung có yếu tố nước ngoài như hợp đồng, sở hữu tài sản hữu hình,...

3.2. Phương pháp xung đột

Phương pháp xung đột là phương pháp điều chỉnh quan hệ một cách gián tiếp. Phương pháp này không đưa ra phương án giải quyết trực tiếp ngay quan hệ mà điều chỉnh quan hệ bằng cách lựa chọn một hệ thống pháp luật cụ thể trong số những hệ thống pháp luật có liên quan, rồi dùng hệ thống pháp luật được chọn ấy để giải quyết quan hệ. Như vậy, bằng phương pháp này, quan hệ pháp lí phát sinh chỉ được giải quyết thấu đáo khi áp dụng trực tiếp các quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật quốc gia được viện dẫn tới (được chọn để điều chỉnh quan hệ). Muốn chọn ra hệ thống pháp luật cụ thể để giải quyết vấn đề pháp lí phát sinh, tư pháp quốc tế đã xây dựng nên hệ thống các quy phạm pháp luật xung đột (quy phạm xung đột). Đây chính là hệ thống quy phạm pháp luật giúp cho việc lựa chọn pháp luật được thực hiện trên thực tế. Quy phạm pháp luật xung đột được xây dựng trong pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế hữu quan. Cũng giống như quy phạm pháp luật thực chất, quy phạm pháp luật xung đột trong điều ước quốc tế được gọi là quy phạm pháp luật xung đột thống nhất, còn quy phạm pháp luật xung đột trong pháp luật quốc gia được gọi là quy phạm pháp luật xung đột nội địa (hay thông thường).

Nói chung, phương pháp xung đột là phương pháp phức tạp hơn, khó áp dụng hơn so với phương pháp thực chất. Tuy nhiên, phương pháp xung đột là phương pháp đặc thù và chủ yếu của tư pháp quốc tế bởi chính phương pháp này mới đảm bảo cho việc điều chỉnh quan hệ tự pháp quốc tế khách quan nhất, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan trong quan hệ được bảo vệ triệt để nhất.

4. Nguyên tắc cơ bản của Tư pháp quốc tế Việt Nam

4.1 Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia

Chủ quyền quốc gia là thuộc tính chính trị, pháp lý tự nhiên, vốn có của mỗi quốc gia, bao gồm quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế.

Nội dung nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia như sau:

– Các quốc gia bình đẳng về mặt pháp lý;

– Mỗi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ;

– Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng chủ thể của các quốc gia khác;

– Sự toàn vẹn về lãnh thổ và tính độc lập về chính trị là bất di bất dịch;

– Mỗi quốc gia có quyền tự do lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, xã hội, kinh tế, và văn hóa của mình;

– Mỗi quốc gia có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ và tận tâm các nghĩa vụ quốc tế của mình và tồn tại hòa bình cùng các quốc gia khác;

Nguyên tắc này cũng có một số ngoại lệ sau:

Một là: Trường hợp các quốc gia bị hạn chế chủ quyền do có hành vi vi phạm nghiêm trọng PL quốc tế.

Hai là: Trường hợp quốc gia tự hạn chế chủ quyền: đây là trường hợp quốc gia tuyên bố trung lập.

4.2 Nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế

Nội dung của nguyên tắc này như sau:

– Cấm xâm chiếm lãnh thổ quốc gia khác trái với các quy định của luật quốc tế;

– Cấm các hành vi trấn áp bằng vũ lực;

– Không được cho quốc gia khác sử dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành xâm lược chống lại quốc gia thứ ba;

– Không tổ chức, xúi giục, giúp đỡ hay tham gia vào nội chiến hay các hành vi khủng bố tại quốc gia khác;

– Không tổ chức hoặc khuyến khích việc tổ chức các băng nhóm vũ trang, lực lượng vũ trang phi chính quy, lính đánh thuê để đột nhập vào lãnh thổ quốc gia khác;

Nguyên tắc này có một số ngoại lệ sau:

Một là: Khi quốc gia thực hiện quyền tự vệ hợp pháp.

Hai là: Khi quốc gia sử dụng sức mạnh vũ trang để trừng phạt quốc gia có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế theo Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Ba là: Các dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết có quyền sử dụng sức mạnh vũ trang để giành quyền dân tộc tự quyết của mình.

4.3 Nguyên tắc hòa bình trong giải quyết tranh chấp quốc tế

Tranh chấp quốc tế là hoàn cảnh thực tế mà các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế có quan điểm mâu thuẫn trái ngược nhau, đồng thời có những yêu cầu, đòi hỏi về mặt lợi ích trái ngược nhau cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế.

Nội dung của nguyên tắc: khi có tranh chấp quốc tế nảy sinh, các quốc gia có nghĩa vụ phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

4.4 Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác

Công việc nội bộ của quốc gia là những công việc thuộc thẩm quyền tự quyết của mỗi quốc gia. Nguyên tắc này có nội dung như sau:

– Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe dọa can thiệp khác nhằm chống lại chủ quyền, nền tảng chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia;

– Cấm dùng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biện pháp khác để bắt buộc quốc gia khác phụ thuộc mình;

– Cấm tổ chức, khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của quốc gia khác;

– Cấm can thiệp vào cuộc đấu tranh nội bộ ở quốc gia khác;

– Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa phù hợp với nguyện vọng của dân tộc;

Nguyên tắc này cũng có một số ngoại lệ sau:

– Khi quốc gia có hành vi vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người thì các quốc gia khác có quyền áp dụng các biện pháp nhằm can thiệp, bảo đảm các quyền, giá trị chung của con người.

– Khi trong nội bộ quốc gia xảy ra các cuộc xung đột vũ trang mà các cuộc xung đột này có nguy cơ lan rộng gây ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế thì trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các quốc gia khác có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia đó.

– Một quốc gia có quyền can thiệp vào nội bộ một quốc gia khác nếu quốc gia đó yêu cầu.

4.5 Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda)

Theo nguyên tắc này, các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện một cách tận tâm, thiện chí, trung thực, đầy đủ tất cả các cam kết quốc tế của mình.

Các quốc gia không được phép viện dẫn bất kỳ sự khác biệt nào giữa luật quốc tế và luật quốc gia để từ chối thực hiện cam kết quốc tế của mình.

Các quốc gia cũng không được phép ký kết tham gia các điều ước quốc tế có nội dung mâu thuẫn với các cam kết quốc tế mà quốc gia đã là thành viên

Nguyên tắc này cũng có một số ngoại lệ sau:

Một là: Khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ điều ước thì bên còn lại có quyền viện dẫn sự vi phạm đó để từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình.

Hai là: Khi xuất hiện sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh khách quan.

Ba là: Khi xuất hiện quy phạm jus cogens mới có nội dung mâu thuẫn với các cam kết quốc tế.

4.6 Nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết

Quyền dân tộc tự quyết bao gồm: Việc được thành lập quốc gia độc lập hay cùng với các dân tộc khác thành lập quốc gia liên bang trên cơ sở tự nguyện; việc tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội; tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp của bên ngoài hay là quyền của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ và ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự; tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý, …

4.7 Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác

Các quốc gia có nghĩa vụ tiến hành hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên phạm vi quốc tế, cũng như duy trì hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách tiến hành các biện pháp tập thể có hiệu quả.

Các quốc gia phải hành động phù hợp với nguyên tắc của liên hợp quốc, ngay cả các quốc gia chưa phải thành viên của liên hợp quốc của phải tôn trọng các nguyên tắc này.

1 207 lượt xem