Tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2024

Tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2024 để được gọi nhập ngũ 2024 được pháp luật quy định cụ thể như thế nào? Cùng tìm hiểu với Vietjack.me nhé!

1 326 26/03/2024


Tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2024

1. Lịch khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2024

Tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2024 (ảnh 1)

Căn cứ quy định tại Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì hằng năm, gọi công dân nhập ngũ một lần vào tháng hai hoặc tháng ba; trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai. Đối với địa phương có thảm họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm thì được điều chỉnh thời gian gọi nhập ngũ.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì có thể xác định thời gian gọi công dân đi nghĩa vụ quân sự năm 2024 sẽ diễn ra vào khoảng tháng 2/2024 hoặc tháng 3/2024.

Và tại Khoản 4 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định thời gian khám sức khỏe từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12 hằng năm. Thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai theo quy định tại Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Do đó, có thể xác định thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho đợt nhập ngũ đầu năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 01/11/2023 đến hết ngày 31/12/2023; các địa phương căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để sắp xếp lịch khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho phù hợp. Trường hợp gọi công dân nhập ngũ lần 2 vào năm 2024 thì thời gian khám sức khỏe lần 2 sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2024

Căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây: Lý lịch rõ ràng; Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; Có trình độ văn hóa phù hợp.

Trong đó, tiêu chuẩn sức khỏe gọi công dân nhập ngũ được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP như sau:

- Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

- Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.

3. Quy định khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2024

Tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2024 (ảnh 1)

(1) Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

- Thành phần Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

+ Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện gồm: bác sỹ, nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện, cán bộ chuyên môn Phòng Y tế, quân y Ban Chỉ huy quân sự huyện và các đơn vị có liên quan.

+ Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự gồm:

++ 01 Chủ tịch: do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đảm nhiệm;

++ 01 Phó Chủ tịch: Phó giám đốc phụ trách chuyên môn;

++ 01 Ủy viên Thường trực kiêm Thư ký Hội đồng do cán bộ chuyên môn Phòng Y tế đảm nhiệm;

++ Các ủy viên khác.

+ Số lượng ủy viên Hội đồng, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhưng phải bảo đảm đủ số lượng và trình độ thực hiện khám sức khỏe theo quy định tại Khoản 2, đủ bộ phận theo quy định tại Khoản 5 Điều này, trong đó phải có tối thiểu từ 3 - 5 bác sỹ. Khám về nội khoa, ngoại khoa phải do các bác sỹ nội khoa và ngoại khoa đảm nhiệm; các chuyên khoa khác, có thể bố trí bác sỹ hoặc y sỹ, kỹ thuật viên thuộc chuyên khoa đó đảm nhiệm.

- Nguyên tắc làm việc của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

+ Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định các vấn đề theo đa số;

+ Trường hợp các thành viên của Hội đồng không thống nhất về phân loại và kết luận sức khỏe thì Chủ tịch Hội đồng ghi vào phiếu sức khỏe kết luận theo ý kiến của đa số. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng. Những ý kiến không thống nhất phải được ghi đầy đủ vào biên bản, có chữ ký của từng thành viên trong Hội đồng, gửi Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện.

- Nhiệm vụ của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

+ Chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện về việc triển khai khám sức khỏe, phân loại và kết luận sức khỏe cho từng công dân được gọi nhập ngũ;

+ Tổng hợp báo cáo kết quả khám sức khỏe gửi Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) theo quy định; bàn giao toàn bộ hồ sơ sức khỏe cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện (qua Phòng Y tế huyện).

- Nhiệm vụ của các thành viên trong Hội đồng Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

+ Chủ tịch Hội đồng:

++ Điều hành toàn bộ hoạt động của Hội đồng; chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện về chất lượng khám sức khỏe công dân thuộc diện được gọi làm nghĩa vụ quân sự;

++ Quán triệt, phổ biến kế hoạch khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; hướng dẫn các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, chức trách, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Hội đồng khám sức khỏe;

++ Triệu tập và chủ trì họp Hội đồng để kết luận đối với những trường hợp có ý kiến không thống nhất về kết luận sức khỏe;

++ Tổ chức hội chẩn và ký giấy giới thiệu cho công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự đi kiểm tra ở các cơ sở y tế khi cần thiết;

++ Trực tiếp kết luận phân loại sức khỏe và ký vào phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

++ Tổ chức họp rút kinh nghiệm công tác khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự và báo cáo với Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện.

+ Phó Chủ tịch Hội đồng:

++ Thay mặt Chủ tịch Hội đồng khi vắng mặt;

++ Trực tiếp khám sức khỏe, tham gia hội chẩn khi cần thiết;

++ Tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

+ Ủy viên Thường trực, kiêm Thư ký Hội đồng:

++ Lập dự trù, tổng hợp và quyết toán kinh phí, thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

++ Chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất, hồ sơ sức khỏe và các tài liệu cần thiết khác để Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự làm việc; tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

++ Tham gia khám sức khỏe, hội chẩn khi cần thiết;

++ Thực hiện đăng ký, thống kê và giúp Chủ tịch Hội đồng làm báo cáo lên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện và Sở Y tế theo Mẫu 3a và Mẫu 5c Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

+ Các ủy viên Hội đồng:

++ Trực tiếp khám sức khỏe và tham gia hội chẩn khi cần thiết;

++ Chịu trách nhiệm về chất lượng khám và kết luận sức khỏe trong phạm vi được phân công;

++ Tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi được triệu tập.

(2) Nội dung khám sức khỏe

- Khám về thể lực; khám lâm sàng các chuyên khoa theo các chỉ tiêu quy định tại Mục II, Mẫu 2 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP; trong quá trình khám, trường hợp công dân được khám có một trong các chuyên khoa xếp điểm 5 hoặc điểm 6 thì người khám chuyên khoa đó có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe xem xét, quyết định việc có tiếp tục khám các chuyên khoa khác;

- Trường hợp cần xét nghiệm cận lâm sàng phục vụ cho kết luận sức khỏe theo yêu cầu của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện ma túy;

- Phân loại sức khỏe theo các quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

(3) Quy trình khám sức khỏe

- Lập danh sách các đối tượng là công dân thuộc diện được gọi nhập ngũ đã qua sơ tuyển sức khỏe trên địa bàn được giao quản lý;

- Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe;

- Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP;

- Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đối với các trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe gọi nhập ngũ hằng năm theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Hoàn chỉnh phiếu sức khỏe theo quy định tại Mục II Mẫu 2 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 3a Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

(4) Tổ chức các phòng khám sức khỏe

- Việc bố trí các phòng khám phải theo nguyên tắc một chiều, khép kín, thuận lợi cho người khám và bảo đảm đủ điều kiện tối thiểu để khám đối với từng chuyên khoa.

- Số lượng các phòng khám căn cứ vào số lượng nhân viên y tế của Hội đồng khám sức khỏe và tình hình thực tế để bố trí:

+ Phòng khám thể lực;

+ Phòng đo mạch, Huyết áp;

+ Phòng khám thị lực, Mắt;

+ Phòng khám thính lực, Tai - Mũi - Họng;

+ Phòng khám Răng - Hàm - Mặt;

+ Phòng khám Nội và Tâm thần kinh;

+ Phòng khám Ngoại khoa, Da liễu;

+ Phòng xét nghiệm;

+ Phòng kết luận.

Trường hợp có khám tuyển công dân nữ thực hiện khám sản phụ khoa theo hướng dẫn tại Mục IV Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

- Trang bị, dụng cụ y tế tối thiểu của Hội đồng khám sức khỏe theo Danh mục quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

(5) Đối với các huyện có Bệnh viện thì Bệnh viện đa khoa huyện chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều này.

Căn cứ: Điều 6 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP

1 326 26/03/2024