Hủy hoại tài sản là gì? Mức hình phạt tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Bộ luật Hình sự

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản diễn biến ngày một tăng, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tài sản của công dân, ảnh hưởng đến trật tự chung và kéo theo nhiều hệ lụy của toàn xã hội. Bài viết xoay quanh vấn đề về huỷ hoại tài sản.

1 323 08/12/2023


Hủy hoại tài sản là gì? Mức hình phạt tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Bộ luật Hình sự

1. Huỷ hoại tài sản là gì?

Hủy hoại tài sản là gì? Mức hình phạt tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Bộ luật Hình sự (ảnh 1)

Hủy hoại tài sản là cố ý làm cho tài sản của người khác mất giá trị sử dụng ở mức độ không còn hoặc khó có khả năng khôi phục lại được.

Huỷ hoại tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác.

2. Các yếu tố cấu thành tội huỷ hoại tài sản

2.1. Khách thể của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Khách thể của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng tương tự như các tội xâm phạm quyền sở hữu khác, nhưng tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội có tính chất chiếm đoạt như cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt.

Vì vậy, nếu huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định người phạm tội đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nếu huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhằm mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của con người thì hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trở thành thủ đoạn của hành vi giết người hoặc cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

2.2. Chủ thể của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Chủ thể của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là chủ thể thường. Nghĩa là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đều có thể trở thành chủ thể của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này có hai khoản nhưng không có trường hợp nào quy định là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

2.3. Mặt khách quan của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Hành vi phạm tội: Do điều luật quy định hai hành vi phạm tội khác nhau nên mỗi hành vi phạm tội có hành vi khách quan khác nhau.
Huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn. Ví dụ: Đốt cháy một căn nhà, một chiếc xe ôtô cháy thành tro bụi. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định thì sự phân biệt rạch ròi hành vi huỷ hoại với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản không phải trong trường hợp nào cũng được xác định khác nhau hoàn toàn. Sự khác biệt giữa huỷ hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản chủ yếu căn cứ vào hậu quả của hành vi gây ra đối với tài sản, nếu tài sản bị hư hỏng hoàn toàn không có khả năng khôi phục thì coi là huỷ hoại, nếu tài sản không bị mất hẳn giá trị sử dụng và có khả năng khôi phục lại toàn bộ hoặc một phần giá trị sử dụng thì coi là cố ý làm hư hỏng tài sản.
Làm hư hỏng tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần). Ví dụ đập vỡ kính xe, đập vỡ tường nhà,...
Hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: Đốt cháy, đập phá, dùng thuốc nổ, dùng chất độc, hoá chất hoặc lợi dụng thiên tai để huỷ hoại tài sản…Thực tiễn xét xử cho thấy có những trường hợp nếu chỉ căn cứ vào hành vi thì khó xác định đó có phải là hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hay không nhưng nếu không coi là huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng thì khó có thể xác định người phạm tội phạm tội gì.

Hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Khác với những quy định của các Bộ luật Hình sự trước đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định hậu quả của hành vi là yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm mà quy định những loại tài sản mà người phạm tội khi thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng đối với những tài sản này sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội này đó là: tài sản có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại

2.4. Mặt chủ quan của tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thực hiện hành vi phạm tội của mình với lỗi cố ý.Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Nếu người phạm tội có mục đích khác, còn việc huỷ hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích khác thì không phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.

3. Mức hình phạt tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Bộ luật Hình sự

Hủy hoại tài sản là gì? Mức hình phạt tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Bộ luật Hình sự (ảnh 1)

Mức hình phạt tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi 2017) như sau:

* Khung 1:

Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

- Tài sản là di vật, cổ vật.

* Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

- Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Tài sản là bảo vật quốc gia;

- Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

- Để che giấu tội phạm khác;

- Vì lý do công vụ của người bị hại;

- Tái phạm nguy hiểm.

* Khung 3:

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

* Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Mức phạt hành chính hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác

...

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;

...

Như vậy hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

5. Một số bản án về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác

- Bản án 10/2018/HS-ST ngày 24/01/2018 về tội cố ý làm hư hỏng tài sản

Ngày 06/01/2017, Nguyễn Hữu H, đến cơ sở kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân Game “Đ.M” do anh Lê Văn L làm chủ để chơi bắn cá. Trong quá trình chơi do thua hết số tiền 3.000.000 đồng, Hòa bực tức dẫn đến mâu thuẫn, cãi nhau với người trông coi quán là chị Nguyễn Trúc L. Sau đó, H sử dụng búa đập mạnh khoảng bốn cái theo hướng từ trên xuống vào màn hình của chiếc máy chơi game bắn cá, làm màn hình hư hỏng hoàn toàn.

- Bản án 32/2019/HS-ST ngày 30/05/2019 về tội cố ý làm hư hỏng tài sản

Ngày 03/3/2019 LVM trú tại: Bản Kham, xã MC, huyện ML, tỉnh SL, đi ra phía sau trụ sở Ủy ban nhân dân xã MC dùng đá ném làm vỡ 2 tấm kính chắn cầu thang tầng 2 và 07 tấm kính chắn tầng 3. Sau đó LVM đi về nhà lấy dao đi vào trụ sở dùng dao chặt phá các ô cửa kính. Tổng cộng làm hỏng 30 tấm kính của các ô cửa của trụ sở Ủy ban nhân dân xã MC, huyện ML, tỉnh SL. Ủy ban nhân dân xã MC, huyện ML, tỉnh SL yêu cầu bồi thường và khắc phục hậu quả là 8.060.000.

1 323 08/12/2023