Hiến máu nhân đạo là gì? Những lợi ích mà việc hiến máu đem lại

Một trong những nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta là hoạt động hiến máu nhân đạo. Những lợi ích mà hiến máu đem lại? Điều kiện đi hiến máu? Những địa chỉ hiến máu trên cả nước. Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.

1 474 lượt xem


Hiến máu nhân đạo là gì? Những lợi ích mà việc hiến máu đem lại

I. Hiến máu nhân đạo - một nghĩa cử cao đẹp

          Một cơ thể sống không thể thiếu máu, bởi xuyên suốt trong cơ thể là một hệ thống dây thần kinh, không có máu hỗ trợ thì cơ thể không có khả năng duy trì sự sống. Máu được tạo thành từ các tế bào gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Huyết tương chiếm 55% và các tế bào máu chiếm phần còn lại 45%, các tế bào máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Hồng cầu vận chuyển O₂ và CO₂. Huyết tương duy trì máu ở trạng thái lỏng để lưu thông dễ dàng trong mạch; vận chuyển các chất dinh dưỡng, các chất cần thiết khác và các chất thải. Có thể nói, không một ai có thể sống và tồn tại mà không có dòng máu đỏ chảy xuyên suốt cơ thể. Với sự phát triển của khoa học hiện nay, chưa có bất kì biện pháp nào nuôi cấy ra máu nhân tạo để có thể cung cấp hoặc thay thế hoàn toàn nguồn máu tự nhiên cho cơ thể sống khi cần thiết. Vì vậy, nguồn máu tự nhiên từ việc hiến máu từ những người khỏe mạnh ở cộng đồng mang tính chất riêng biệt và rất cần được dự trữ, bảo quản với điều kiện nghiêm ngặt. Hơn nữa, mỗi ngày mỗi giờ, hàng trăm người bệnh thiếu máu do chấn thương, tai nạn, bệnh tật, phẫu thuật,… cần được truyền lượng máu phù hợp nhất định.

Hiến máu nhân đạo không hề làm hại đến sức khỏe của người hiến nếu hiến với dung lượng phù hợp, thậm chí còn có phản ứng tốt giúp cơ thể người thanh lọc và tái tạo lại hệ thống máu, hỗ trợ trao đổi chất trong cơ thể tốt hơn.

Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, hoạt động nhân đạo của một người. Hiến máu phát sinh hoàn toàn trên nguyên tắc tự nguyện của người hiến, việc hiến máu này chủ yếu nhằm mục đích phục vụ cho việc cứu giúp những bệnh nhân điều trị đang cần máu gấp, đồng thời một số cũng phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y khoa. Hiến máu nhân đạo được xem là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện tinh thần tương thông tương ái, cứu giúp nhau và mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc cho xã hội.

Hiến máu nhân đạo là hoạt động phát triển rất rộng rãi, không chỉ ở trong nước mà còn rất phát triển ở nước ngoài. Hiến máu nhân đạo tiếng Anh là Blood Donation. Từ các nước đã và đang phát triển cũng rất cần đến hoạt động hiến máu tình nguyện.

Khi một người tham gia hiến máu tự nguyện sẽ được cấp Giấy chứng nhận đã tham gia hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh, thành phố. Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện này được dùng để nhằm bồi hoàn máu, số lượng máu mà người hiến máu được bồi hoàn lại được tối đa bằng số lượng máu người đó đã hiến máu và Giấy chứng nhận có giá trị được sử dụng tại tất cả các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn cả nước.

II. Điều kiện để được hiến máu

Người hiến máu phải có đủ điều kiện những điều kiện sau đây:

- Người hiến máu phải là người khỏe mẹ và việc hiến máu trên tinh thần tự nguyện không bị đe dọa, cưỡng ép;

- Người hiến máu phải ở trong độ tuổi từ 18 tuổi đến 60 tuổi;

- Người hiến máu phải đáp ứng cân nặng từ đủ 42kg đối với nữ và từ đủ 45kg đối với nam;

- Lượng máu mà mỗi người được hiến tối thiểu trong một lần hiến không được quá 9ml/kg/cân nặng;

- Huyết sắc tố của người hiến máu phải từ đủ 120g/l trở lên;

- Người hiến máu không bị nhiệm HIV hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV cũng như là không mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường máu như các bệnh: Viêm gan B, Viêm gan C, các bệnh giang mai,......

- Nếu trường hợp đã từng hiến máu rồi thì thời gian hiến máu của lần trước đó phải cách lần hiến máu hiện tại 12 tuần;

- Người hiến máu là phụ nữ thì phải là phụ nữ không có thai hoặc không thuộc trường hợp phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;

- Lưu ý khi đi hiến máu người hiến máu phải đem theo các loại giấy tờ tùy thân của mình, có thể là Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân; Hộ chiếu; Các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có dán ảnh;....

1. Những trường hợp không được hiến máu

- Tuổi dưới 18 và trên 60

- Tình trạng sức khỏe

- Mắc các bệnh mạn tính hoặc cấp tính theo quy định

- Huyết áp tâm thu > 160 mmHg hoặc <100 mmHg

- Huyết áp tâm trương > 100 mmHg hoặc < 60 mmHg

- Nhịp tim >90 lần/phút hoặc <60 lần /phút

- Gầy, sút cân nhanh trên 10% cân nặng cơ thể trong thời gian 6 tháng

2. Các đối tượng không nên hiến máu

Những đối tượng không thỏa một trong các tiêu chuẩn nêu trên sẽ không được chấp thuận tham gia hiến máu. Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thông tư số 26/2013/TT-BYT về Hướng dẫn hoạt động truyền máu, thì các đối tượng sau cần phải trì hoãn hiến máu gồm:

2.1. Những người phải trì hoãn hiến máu trong 12 tháng

- Khi phục hồi hoàn toàn sau các can thiệp ngoại khoa;

- Khỏi bệnh sau khi mắc các bệnh lý truyền nhiễm qua đường máu như bệnh sốt rét, giang mai,...

- Người kết thúc đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sau khi bị động vật cắn, hoặc tiêm, truyền máu, các chế phẩm máu và chế phẩm sinh học nguồn gốc từ máu;

- Sau khi sinh con hoặc chấm dứt thai nghén.

Người kết thúc đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cần trì hoãn hiến máu trong 12 tháng

2.2. Những người phải trì hoãn hiến máu trong 06 tháng

- Sau xăm trổ trên da;

- Sau bấm lỗ tai, bấm mũi, bấm rốn hoặc tại các vị trí khác của cơ thể;

- Khi có sự phơi nhiễm với máu và dịch cơ thể từ người có nguy cơ hoặc đã nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu;

- Khỏi bệnh sau khi mắc một trong các bệnh thương hàn, nhiễm trùng huyết, bị rắn cắn, viêm tắc động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, viêm tủy xương, viêm tụy.

2.3. Những người phải trì hoãn hiến máu trong 04 tuần

- Khỏi bệnh sau khi mắc một trong các bệnh sau: viêm đường tiết niệu, viêm dạ dày ruột, viêm da nhiễm trùng, viêm phế quản, viêm phổi, sởi, ho gà, quai bị, sốt xuất huyết, kiết lỵ, rubella, tả;

- Kết thúc đợt tiêm vắc-xin phòng rubella, sởi, thương hàn, tả, quai bị, thủy đậu, BCG.

2.4. Những người phải trì hoãn hiến máu trong 07 ngày

- Khỏi bệnh sau khi mắc một trong các bệnh sau: cúm, cảm lạnh, dị ứng mũi họng, đau nửa đầu Migraine, viêm họng;

- Trước hay sau chu kỳ kinh nguyệt với nữ giới;

- Tiêm các loại vắc-xin theo quy định.

- Với những người có sử dụng Aspirin hoặc trong thành phần thuốc đang sử dụng có thành phần là Aspirin thì không được hiến máu trong thời gian 7 ngày kể từ ngày tạm hoãn dừng thuốc (đối với phương thức hiến máu bằng gạn tách tiểu cầu thì là 10 ngày);

2.5. Một số nghề nghiệp và hoạt động đặc thù

Người hiến máu nếu làm một số công việc và thực hiện các hoạt động đặc thù sau đây chỉ được hiến máu trong ngày nghỉ, hoặc chỉ được thực hiện các công việc, hoạt động này sau khi hiến máu ít nhất 12 giờ:

- Người làm công việc trên cao hoặc dưới độ sâu: Phi công, công nhân làm việc trên cao, lái cần cẩu, người leo núi, thợ mỏ, thủy thủ, thợ lặn;

- Người vận hành các phương tiện giao thông công cộng: Lái xe buýt, lái tàu hoả, lái tàu thuỷ;

- Các trường hợp khác: Vận động viên chuyên nghiệp, người vận động và tập luyện nặng.

III. Vì sao bạn nên hiến máu nhân đạo?

1. Được kiểm tra sức khỏe

Khám sức khỏe là phần bắt buộc trước khi hiến máu. Bạn sẽ được kiểm tra cân nặng, mạch, huyết áp, có thiếu máu hạy không.. sau đó bạn sẽ được một bác sĩ thăm khám trực tiếp nhằm đảm bảo bạn không mắc các bệnh lý nội khoa nặng khác như suy tim, suy gan, suy thận, thiếu máu mãn tính, bệnh ác tính...

Như vậy mỗi lần hiến máu, bạn sẽ cơ hội được khám sức khỏe miễn phí, bên cạnh đó bác sĩ cũng sẽ giúp bạn phát hiện sớm một số bệnh lý tiềm ẩn nếu có như tăng huyết áp, bệnh tim mạch...

2. Được thực hiện một số xét nghiệm máu

Mẫu máu của bạn sẽ được xét nghiệm nhóm máu, các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai.

Như vậy việc hiến máu giúp bạn biết mình nhóm máu gì và có mắc các bệnh truyền nhiễm thông thường hay không?

Giúp kích thích khả năng tạo máu của cơ thể

Thành phần máu bao gồm tế bào máu và huyết tương chúng luôn được đổi mới hàng ngày. Mỗi tế bào máu có đời sống nhất định như hồng cầu là 120 ngày. Tiểu cầu 8-12 ngày. Mỗi ngày số lượng tế bào máu bị tiêu huỷ sinh lý do tới giới hạn của đời sống là khoảng 25-50 ml máu. Tủy xương là cơ quan tạo máu chính, nó sản sinh các tế bào máu mới tương đương với lượng máu bị hủy sinh lý. Khi máu ngoại vi thiếu hụt dưới tác động của cơ chế kích thích tạo máu, tủy xương sẽ tăng sinh gấp 7-8 lần bình thường để tạo ra hồng cầu và các tế bào máu mới. Sau thời gian hiến máu khoảng từ 3-4 tuần các thành phần máu được hồi phục gần như bình thường. Do đó khi hiến máu việc thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng số lượng tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài đảm bảo chức năng tốt hơn. Thực tế, chỉ có phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản mới có quá trình mất máu sinh lý mỗi tháng do chu kỳ kinh nguyệt. Các đối tượng khác như nam giới, phụ nữ sau mãn kinh, các tế bào hồng cầu được thay mới một cách chậm chạp, khả năng ứng phó với sự mất máu sẽ kém đi nếu thiếu máu đột ngột xảy ra. Chính vì thế, đi hiến máu định kỳ là một dịp để nguồn máu trong huyết quản trở nên tươi mới hơn cũng như hệ tạo máu thường xuyên được trau dồi.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Hiến máu thường xuyên có thể giúp bạn kiểm soát được hàm lượng sắt. Lượng sắt dư thừa hình thành trong cơ thể có thể gây tổn thương oxi hóa, đây là nguyên nhân chính gây tổn thương mô.

Vì vậy, hiến máu không chỉ giúp kiểm soát hàm lượng sắt trong cơ thể mà còn giảm đáng kể nguy cơ bệnh tim nói chung. Ngoài ra, nó cũng cải thiện sức khỏe tim bằng cách làm giảm nguy cơ lão hóa sớm, đột quỵ và đau tim.

Hiến máu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch giảm nguy cơ đau tim

Giảm nguy cơ bệnh gan và ung thư

Mặc dù chưa có nghiên cứu xác nhận rằng hiến máu làm giảm nguy cơ tổn thương và ung thư gan nhưng có vẻ như nó có tác dụng tích cực lên gan. Cơ chế của tác động này dựa trên chuyển hóa sắt. Vì dư thừa sắt trong cơ thể gây áp lực cho gan, gây ra rối loạn ở gan, hiến máu giúp ổn định lại hàm lượng sắt trong cơ thể, do vậy giảm nguy cơ tổn thương gan.

Ngoài ra, sắt dư thừa tích tụ trong gan gây oxy hóa mô gan, tổn thương cơ quan này, trong một số trường hợp có thể dẫn tới ung thư gan. Vì vậy, thường xuyên hiến máu làm giảm nguy cơ mắc ung thư gan.

Tạo cảm giác hài lòng

Hiến máu nhân đạo, người hiến máu làm việc thiện san sẻ với cộng đồng, có ý thức đảm bảo an toàn cho người nhận, bản thân giữ gìn sức khỏe có lối sống lành mạnh để tiếp tục tham gia hiến máu trở lại. Hiến máu đem lại cho bạn cảm giác tuyệt vời vì nghĩ rằng bạn có thể cứu giúp tính mạng của ai đó.

IV. Dấu hiệu thường gặp sau khi hiến máu

Hiến máu nhân đạo thật sự là một điều tốt đẹp và đơn giản mà bất cứ ai đáp ứng các điều kiện cơ bản cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc hiến máu cũng có những phản ứng phụ không mong muốn có thể xảy ra mà bạn nên lưu ý.

1. Có vết bầm

Khi hiến máu, bạn sẽ ngồi hoặc nằm trên ghế dựa, tay bạn sẽ được đặt trên bàn hay tay vịn ghế bên cạnh. Kỹ thuật viên lấy máu sẽ buộc garo quanh tay bạn để giữ nhiều máu hơn trong tĩnh mạch.

Sau khi sát trùng vùng da dưới khuỷu tay, kỹ thuật viên sẽ đưa một cây kim đã tiệt trùng vào tĩnh mạch của bạn. Kim sẽ lấy và dẫn máu bạn qua ống plastic rồi đến túi trữ máu. Kim sẽ được cố định vào tay bạn trong khoảng 10 phút hay đến khi lượng máu cần lấy đã đủ.

Khi kim đâm vào tĩnh mạch thường sẽ khiến bạn có vết bầm xung quanh chỗ kim đâm. Nhưng bạn đừng lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường và xảy ra hầu hết với mọi người hiến máu. Vết bầm ban đầu sẽ là màu tím hay đỏ rồi từ từ sẽ chuyển thành vàng xanh rồi tự biến mất.

2. Chảy máu

Sau khi bạn đã hiến máu, kỹ thuật viên sẽ lấy kim ra khỏi tĩnh mạch và dán băng cá nhân tại nơi tiêm. Họ có thể băng cả cánh tay của bạn để ngăn dòng máu chảy. Bạn nên giữ nguyên như thế ít nhất là 4 hay 5 tiếng để máu có thể ngưng chảy.

Thỉnh thoảng máu vẫn tiếp tục chảy sau khi đã băng sau vài giờ, trường hợp này bạn nên ép mạch máu tại nơi kim đâm và nâng cánh tay lên cao trong 3 đến 5 phút. Nếu máu vẫn không ngừng chảy, bạn nên đến khám bác sĩ ngay.

3. Buồn nôn

Sau khi hiến máu, bạn sẽ được quan sát trong 15 phút trước khi ra về. Tại đó, bạn sẽ được nghỉ ngơi, uống nước hay nước trái cây và ăn nhẹ.

Ăn uống và nghỉ ngơi sẽ giúp bạn giảm đi sự choáng váng, đau đầu nhẹ hay buồn nôn gây ra do hiến máu. Đa số mọi người đều trải qua những tác dụng phụ này.

4. Đau tại chỗ tiêm

Bạn có thể bị đau khi kim đâm vào tĩnh mạch cánh tay nhưng bạn có thể không cảm thấy đau khi máu đã được dẫn vào ống plastic. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy đau tại nơi kim đâm vào sau khi hiến máu xong, nhất là khi tay bạn có vết bầm.

5. Cảm thấy mệt mỏi

Sau khi hiến máu, bạn có thể cảm thấy cơ thể yếu ớt và mệt mỏi hơn bình thường, đặc biệt là ở cánh tay nơi bạn được lấy máu. Bạn nên tránh các hoạt động mạnh sau khi hiến máu 5 giờ.

V. Lời khuyên khi bạn đi hiến máu

Để phòng tránh các tác dụng phụ ngoài ý muốn và đảm bảo sức khỏe khi đi hiến máu, bạn cũng nên có sự chuẩn bị về tâm lý và thể chất.

Hiến máu có thể khiến bạn mất nhiều thời gian khoảng 1 giờ 15 phút từ khi bạn vào trung tâm hiến máu và rời khỏi. Quá trình sẽ gồm thời gian bạn được thăm khám, hoàn thành giấy tờ, kiểm tra máu và 15 phút nghỉ ngơi sau khi hiến máu. Tuy nhiên, việc lấy máu chỉ mất khoảng 10 phút. Do đó, trước khi hiến máu, bạn cần sắp xếp lịch trình hoạt động phù hợp và lưu ý những điều sau đây nhé:

- Chỉ hiến máu khi tình trạng sức khỏe tốt: Dù việc hiến máu là tốt đối với bạn nhưng nếu bạn đang không khỏe hay nhiễm virus nào đó như HIV hay viêm gan B thì bạn không nên đi hiến máu.

- Phụ nữ có thể uống sắt trước khi hiến máu: Đặc biệt là phụ nữ lại rất dễ thiếu máu và thiếu sắt, vì thế nếu bạn biết mình bị thiếu máu thì không nên đi hiến máu cho đến khi khối lượng hồng cầu của bạn trở về bình thường. Nếu bạn thật sự muốn hiến máu thì bạn có thể uống một viên sắt trước khi đi hiến máu.

- Chườm đá để giảm vết bầm do hiến máu: Một số phản ứng phụ thường hay gặp như vết bầm, bạn có thể chườm lạnh tại vùng bị bầm vài phút sau mỗi vài giờ trong 24 giờ đầu sau hiến máu.

- Nghỉ ngơi sau khi hiến máu: Nếu bạn thấy choáng váng, đau đầu nhẹ hay buồn nôn sau khi đã nghỉ ngơi, bạn có thể nằm xuống và nâng chân lên cho đến khi thấy khỏe hơn. Bạn nên khám bác sĩ tại trung tâm hiến máu nếu tình trạng trên còn diễn ra sau vài giờ hiến máu.

VI. Hiến máu nhân đạo ở đâu?

Trước hết, theo Nghị quyết liên tịch 01/2003/NQLT-BYT-CTĐ các cơ quan ban ngành phải chịu trách nhiệm về hoạt động hiến máu nhân đạo gồm: Hội Chữ thập đỏ – chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân tham gia phong trào hiến máu tình nguyện và Ngành y tế – chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật lấy máu và sản xuất chế phẩm máu, lưu giữ và đảm bảo sử dụng an toàn truyền máu; hỗ trợ Trung tâm hiến máu nhân đạo của Chữ thập đỏ về chuyên môn, kỹ thuật. Việc hiến máu nhân đạo có thể diễn ra ở những địa điểm hiến máu cố định của địa phương, ngoài ra cũng có thể tại các cơ quan, đoàn thể như nhà trường, Ủy ban nhân dân, cơ quan đoàn thể,…

1. Những điểm hiến máu nhân đạo cố định:

Những điểm hiến máu nhân đạo cố định là những địa điểm trong phạm vi đất nước được nhà nước thông qua tiêu chí hoạt động và cho phép là nơi tổ chức hiến máu tình nguyện thường xuyên liên tục.

Những lợi ích của những điểm hiến máu nhân đạo cố định có thể nhận định như: Tiết kiệm chi phí tổ chức, chi phí đi lại; dễ dàng tìm kiếm; tiết kiệm thời gian, không phải chờ đợt hiến máu quá lâu như những điểm hiến máu theo sự kiện. Hơn thế nữa, những điểm hiến máu cố định giúp khắc phục tình trạng khan hiếm máu, nhất là thời gian dịch bệnh COVID 19 hoành hành, việc nguồn máu ngày càng cạn kiện, nhưng tình trạng dịch bệnh khiến những tình nguyện viên cũng rất khó đủ điều kiện để hiến máu.

Nhược điểm của những điểm hiến máu nhân đạo cố định đó là hơi nhàm chán và thiếu không khí náo nhiệt sôi nổi như những điểm hiến máu lưu động.

2. Những điểm hiến máu lưu động:

Những điểm hiến máu lưu động là những địa điểm được lựa chọn tổ chức tạm thời việc hiến máu nhân đạo tại trường học, cơ quan,…

Tại trường học, học sinh/ sinh viên luôn là lực lượng đông đảo và có những đóng góp lớn nhất trong phong trào hiến máu tình nguyện. Một bộ phận sinh viên hoặc nhà trường được cho phép đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức những điểm hiến máu lưu động. Trên thực tế, có sự liên kết giữa các câu lạc bộ của trường học và các cơ sở hiến máu, nên ngày càng nhiều điểm hiến máu lưu động được diễn ra, đáp ứng được nhu cầu hiến máu của phần đông mọi người.

Ưu điểm của các điểm hiến máu lưu động là đội ngũ tình nguyện viên trẻ, sôi nổi, nhiệt huyết, việc tổ chức với những phần đổi thưởng hấp dẫn là những lý do vì sao những điểm hiến máu lưu động lại thu hút mọi người tham gia với số lượng lớn đến thế.

Nhược điểm là đôi khi lịch hiến máu tại các điểm này chỉ có thời hạn nhất định, trong thời gian ngắn mỗi đợt, nên người tham gia hiến máu đôi khi sẽ không chủ động được lịch hiến máu cho phù hợp.

VII. Địa chỉ những điểm hiến máu cố định:

Tùy vào từng địa phương sẽ có những điểm hiến máu cố định khác nhau:

1. Những điểm hiến máu cố định ở Hà Nội:

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội), từ 7h30 đến 19h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).

Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội: hoạt động từ 8h – 12h và 13h30 – 17h từ thứ 3 đến Chủ nhật (Nghỉ thứ 2 và ngày lễ)

- Điểm hiến máu cố định Quận Hoàn Kiếm (26 Lương Ngọc Quyến, Hà Nội), số điện thoại: (024) 3718 3154.

- Điểm hiến máu cố định quận Thanh Xuân (132 Quan Nhân, Hà Nội), số điện thoại: (024) 3207 9699. Hiện điểm tạm nghỉ để sửa chữa.

- Điểm hiến máu cố định quận Đống Đa (số 10, ngõ 122 đường Láng, Hà Nội), số điện thoại: (024) 3203 0032.

- Điểm hiến máu cố định Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km13+500, Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì), số điện thoại: (024) 32 000 407.

- Điểm hiến máu cố định quận Ba Đình (78 Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội).

2. Những điểm hiến máu cố định ở Thành phố Hồ Chí Minh:

- Bệnh viện Truyền máu – Huyết học (118 Hồng Bàng, quận 5), từ 7h đến 16h30 tất cả các ngày.

- Trung tâm Hiến máu nhân đạo (106 Thiên Phước, quận Tân Bình), từ 7h đến 16h30 từ thứ 2 đến thứ 6 (Thứ 7 và Chủ nhật làm việc đến 11h).

- Bệnh viện Chợ Rẫy (tầng 1, Trung tâm Truyền máu, 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TPHCM, từ 7h đến 16h thứ 2 đến thứ 6.

3. Những điểm hiến máu cố định ở một số tỉnh thành khác:

Tại Hải Phòng: Trung tâm Huyết học – Truyền máu Hải Phòng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng (Số 1, đường Nhà Thương, quận Lê Chân, HP), từ 8h đến 11h và 14h đến 16h tất cả các ngày.

Tại Thái Nguyên: Trung tâm Huyết học (tầng 7, nhà 15 tầng) Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, số 479, đường Lương Ngọc Quyến, T.P Thái Nguyên, giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6. Số điện thoại: 0385.116.115.

Tại Đà Nẵng: Khoa Huyết học -Truyền máu, Bệnh viện Đà Nẵng, 103 Quang Trung (Đà Nẵng), tất cả các ngày.

Tại Thanh Hóa:

- Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hoá (số 263 đường Trần Phú, phường Ba Đình, Tp Thanh Hoá), từ 7h30 – 11h30 thứ 4 hàng tuần. Liên hệ: 0966883377

- Chùa Đại Bi (Đường Mật Sơn, phường Đông Vệ, Tp Thanh Hoá), từ 7h30 – 11h30 các ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng.

- Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Tại Quảng Ngãi: Khoa Huyết học Truyền máu, Lầu 1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi (đường Lê Hữu Trác – TP Quảng Ngãi), từ 7h đến 17h tất cả các ngày.

Tại Bình Định: Trung tâm Huyết học – Truyền máu, tầng 4, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, số 106 Nguyễn Huệ, thành phố Quy Nhơn, giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6.

Khi muốn hiến máu nhân đạo thì nên liên hệ đến Bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố hoặc Hội Chữ thập đỏ gần nhất để được hướng dẫn về địa điểm hiến máu.

Thêm vào đó, cần trang bị cho mình những kiến thức cụ thể trước khi hiến máu, dù đây là nghĩa cử cao đẹp rất đáng tôn vinh. Đối tượng hiến máu nhân đạo phải đáp ứng đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về tuổi, sức khỏe theo bộ y tế ra quyết định và đặc biệt phải từ sự tự nguyện của người tham gia hiến máu. Trước, trong và sau khi hiến máu cũng cần dành thời gian nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để phục hồi lại sức khỏe sau hiến máu một cách an toàn và nhanh nhất.

 

1 474 lượt xem