Bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975

Vì tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước luôn là vấn đề hệ họng của các quốc gia nên bộ máy nhà nước nói chung thường có cấu trúc tổ chức ổn định. Sự ổn định của bộ máy nhà nước cũng bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước nói chung.

1 348 30/11/2023


Bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khắc vào dòng chảy lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, đến nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước ta đã và đang vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn, không ngừng phát triển và hoàn thiện vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cũng như các nhà nước khác, bộ máy của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tạo nên bởi hệ thống các cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ quyền hạn khác nhau từ trung ương đến cơ sở, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước Việt Nam.

Quá trình ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được đánh dấu bằng những giai đoạn lịch sử cơ bản sau:

Bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975  (ảnh 1)

1. Giai đoạn thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945 – 1959)

Trong giai đoạn này, bộ máy Nhà nướcViệt Nam gồm các cơ quan:
- Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do công dân Việt Nam bầu ra 3 năm một lần.
- Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân viên Ban thường vụ Nghị viện không được tham dự vào Chính phủ. Chính phủ gồm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng và có thể có Phó Thủ tướng.
- Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính:
+ Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã và xã do phổ thông đầu phiếu trực tiếp bầu ra. Như vậy ở cấp bộ và cấp huyện không có Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân quyết định những vấn đề thuộc về địa phương mình.
+ Ủy ban hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Ủy ban Hành chính chịu trách nhiệm đối với cấp trên và đối với với Hội đồng nhân dân địa phương mình.
- Cơ quan tư pháp:
Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có: Tòa án tối cao; các Tòa án phúc thẩm; các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Hệ thống Công tố nằm trong các Tòa án.
Trong giai đoạn này, bộ máy nhà nước được tổ chức theo Hiến pháp năm 1946 là bộ máy nhà nước giản đơn không cồng kềnh, không quan liêu, tất cả để phục vụ cho kháng chiến, kiến quốc.

2. Giai đoạn chuyển từ cách mạng dân tộc dân chủ sang cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam (1959 – 1975)

Trong giai đoạn này, bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tổ chức theo Hiến pháp năm 1959 bao gồm:
- Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nhiệm kỳ 4 năm; Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủy ban Thường vụ quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội do Quốc hội bầu ra, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.
- Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ CỘng hòa do Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu ra là người thay mặt cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mặt đối nội và đối ngoại.
- Hội đồng Chính phủ do Quốc hội thành lập, là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội đồng Chính phủ bao gồm: Thủ tướng, các Bộ trưởng, các CHủ nhiệm các Ủy ban Nhà nước, Tổng giám đốc ngân hàng Nhà nước.
- Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính địa phương các cấp:
+ Hội đồng nhân dân được thành lập ở các cấp hành chính, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương do Nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương.
+ Ủy ban hành chính các cấp do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân địa phương, là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương.
+ Chính quyền ở các khu vực tự trị: Ngoài các đơn vị hành chính như tỉnh, huyện, xã, nước Việt Nam giai đoạn này còn tổ chức thêm khu tự trị Việt Bắc và Khu tự trị Tây Bắc.
- Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân
+ Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt.
+ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân địa phương và Viện kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật.
So với giai đoạn trước, bộ máy nhà nước được chia thành 4 cấp (bỏ cấp bộ); thành lập thêm Hội đồng nhân dân cấp huyện; Tòa án chỉ còn lại 3 cấp và tương đương là 3 cấp Viện kiểm sát (từ năm 1975 đã thành lập thêm Viện kiểm sát để kiểm sát việc tuân thủ thêm pháp luật); thành lập Hội đồng Chính phủ; Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan hoạt động thường xuyên của Quốc hội.

1 348 30/11/2023