Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì? Khái niệm và đặc điểm công ty TNHH

Bạn đang khởi nghiệp và tìm hiểu về loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

1 364 lượt xem


Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì? Khái niệm và đặc điểm công ty TNHH

1. Lịch sử hình thành và phát triển loại hình Công ty TNHH

Pháp luật công ty của các nước châu Âu lục địa phân biệt khá rõ công ty trách nhiệm hữu hạn với công ty cổ phần, theo đó, công tytrách nhiệm hữu hạn thường có số lượng thành viên ít; vốn điều lệ của công ty không chia thành cổ phần; công ty không được phát hành chứng khoán để công khai huy động vốn trong công chúng. Pháp luật công ty của các nước Anh - Mĩ không phân biệt rõ ràng công ty trách nhiệm hữu hạn với ccông ty cổ phần. Cả hai loại này đều gọi chung là công ty (company ~ theo Bếnh gọi của luật Anh và corporation ~ theo cách gọi của luật Mi). Luật Mĩ sử dụng thuật ngữ close corporation để chỉ những công ty chỉ phát hành cổ phần cho một số đối tượng xác định. Luật Anh sử dụng thuật ngữ limited liability company hay private limited company để chỉ những công ty có tương đối ít thành viên và không phát hành rộng rãi cổ phần ra công chúng. Các close corporation hay limited liability company có nhiều nhiều nét giống công ty trách nhiệm hữu hạn theo luật của các nước châu Âu lục địa.

Khác với tất cả các loại hình công ty, công ty TNHH ra đời là sản phẩm của hoạt động lập pháp. Các loại hình công ty khác do các thương gia sáng tạo và lập ra, pháp luật thừa nhận và góp phần hoàn thiện nó. Năm 1892, Luật về Công ty TNHH ở Đức được ban hành, trước đó đã có Luật Công ty cổ phần ban hành năm 1870. Các nhà làm luật cho rằng:

- Mô hình Công ty cổ phần không thích hợp với các nhà đàu tư vừa và nhỏ. Các quy định quá phức tạp trong luật Công ty cổ phần không cần thiết cho loại công ty vừa và nhỏ có ít thành viên và thường là họ quen biết nhau.

- Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của công ty đối nhân không thích hợp với tất cả các nhà đầu tư. Biết phân tán rủi ro là một trong các lý do để thành đạt trong kinh doanh. Công ty TNHH là loại công ty kết hợp được ưu điểm về chế độ chịu TNHH của Công ty cổ phần và ưu điểm các thành viên quen biết nhau của công ty đối nhân. Nó khắc phục được nhược điểm về sự phức tạp khi thành lập và quản lý của Công ty cổ phần và nhược điểm không phân chia được rủi ro của công ty đối nhân.

Đúng như dự đoán của các nhà làm luật, sau khi có Luật Công ty TNHH, các nhà đầu tư đã nhiệt tình hưởng ứng. số lượng các công ty TNHH tăng nhanh và hiện nay nó là một trong những loại hình công ty quan trọng nhất ở Cộng hoà Liên bang Đức. Sau năm 1892, ở hầu hết các nước châu Âu lục địa, Nam Mỹ cũng có Luật Công ty TNHH. Thực tể ở Việt Nam chứng minh, các nhà đầu tư rất ưa thích thành lập công ty TNHH. Từ sau khi có Luật Công ty đến nay, số lượng các công ty TNHH nhiều hơn hẳn các Công ty cổ phần.

Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì? Khái niệm và đặc điểm công ty TNHH (ảnh 1)

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì?

Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. 

Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 Luật Doanh nghiệp 2020.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). 

Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

(Khoản 7 Điều 2, khoản 1 Điều 46, khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020)

2. Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn

Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn, gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Điều lệ công ty.

- Danh sách thành viên.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định Luật Đầu tư.

(Điều 21 Luật Doanh nghiệp 2020)

3. Đặc điểm và vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì? Khái niệm và đặc điểm công ty TNHH (ảnh 1)

3.1. Đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2020..

(Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020)

3.2. Góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

- Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

Thời hạn góp vốn:

- Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. 

Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. 

- Trường hợp không góp vốn đúng loại tài sản cam kết:

Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.

Trường hợp quá thời hạn vẫn chưa góp vốn hoặc góp chưa đủ:

Sau thời hạn quy định nêu trên mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:

+ Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

+ Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

+ Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định nêu trên.

Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.

Lưu ý: Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật , người góp vốn trở thành thành viên của công ty kể từ thời điểm đã thanh toán phần vốn góp và những thông tin về người góp vốn quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên. Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.

(Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020)

3.3. Giấy chứng nhận phần vốn góp

Nội dung giấy chứng nhận vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, gồm:

- Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

- Vốn điều lệ của công ty;

- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;

- Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;

- Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;

- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Lưu ý: Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty.

(Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020)

4. Đặc điểm và vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì? Khái niệm và đặc điểm công ty TNHH (ảnh 1)

4.1.  Đặc điểm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan; 

Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2020.

(Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020)

4.2 Quy định về vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn

- Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

- Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn nêu trên, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Trường hợp không đủ vốn góp đã cam kết đối với nghĩa vụ tài chính

Trường hợp không đủ vốn góp đã cam kết đối với nghĩa vụ tài chính, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020 .

5. So sánh công ty TNHH 1 thành viên và 2 thành viên trở lên

 

Công ty TNHH 1 thành viên

Công ty TNHH 2 thành viên

Số lượng thành viên

Do một cá nhân hoặc một tổ chức góp vốn và làm chủ sở hữu.

Do nhiều thành viên là cá nhân hoặc tổ chức cùng góp vốn và làm chủ sở hữu. Số lượng thành viên phải trên 02 và không vượt quá 50.

Tăng, giảm vốn điều lệ

Công ty TNHH tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.

Lưu ý: Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

- Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

+ Tăng vốn góp của thành viên;

+ Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.

- Công ty có thể giảm vốn bằng cách mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020.

Quyền chuyển nhượng vốn góp

Chủ sở hữu công ty có toàn quyền chuyển nhượng và định đoạt toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty.

Thành viên của công ty muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác thì phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại.

Các thành viên còn lại có quyền ưu tiên mua trong vòng 30 ngày kể từ ngày chào bán và sau đó nếu các thành viên còn lại không mua, thành viên đó có quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba với cùng điều kiện và điều khoản đã chào bán cho các thành viên còn lại.

Cơ cấu tổ chức

- Không bắt buộc phải có Hội đồng thành viên.

- Công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

+ Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

+ Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Trách nhiệm đối với vốn góp

Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.

6. Một số điểm mới về công ty TNHH từ 2021

Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 có nhiều thay đổi liên quan đến công ty TNHH, và ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu tổ chức và hoạt động các loại hình công ty này.

Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì? Khái niệm và đặc điểm công ty TNHH (ảnh 1)

* Đối với công ty TNHH 1 thành viên

Công ty TNHH có duy nhất một điểm mới nổi bật là được tự do phát hành trái phiếu (khoản 4 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020).

* Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Luật Doanh nghiệp 2020 có khá nhiều điểm mới quan trọng:

- Được tự do phát hành trái phiếu để huy động vốn;

- Cơ cấu công ty không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

- Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên soát phải có bằng đại học chuyên ngành

- Bổ sung các trường hợp đặc biệt phải xử lý phần vốn góp như: Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

7. Thủ tục thành lập công ty TNHH mới nhất

Mặc dù đều là hình thức công ty TNHH nhưng mỗi loại hình công ty TNHH lại có những ưu và nhược điểm khác nhau, vì vậy căn cứ theo nhu cầu và những đặc điểm sẵn có của mình, cá nhân, tổ chức lựa chọn thành lập 1 trong 2 mô hình công ty TNHH.

Công ty trách nhiệm hữu hạn là gì? Khái niệm và đặc điểm công ty TNHH (ảnh 1)

4.1. Thành phần hồ sơ

Hồ sơ thành lập công ty TNHH 1 thành viên;

Hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 thành viên.

4.2. Nơi nộp hồ sơ

Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn) bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh.
(Đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hồ sơ bắt buộc phải nộp qua mạng)

4.3. Thời gian giải quyết

03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4.4. Phí, lệ phí cần nộp

- 50.000 đồng/lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (theo Thông tư 47/2019/TT-BTC).

- Miễn lệ phí đối với hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử.

 

1 364 lượt xem