Truy nã tội phạm là gì ? Quy định về truy nã tội phạm

Truy nã tội phạm là hoạt động tố tụng hình sự, bài viết phân tích và làm rõ những quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay liên quan đến việc truy nã tội phạm, cụ thể như sau:

1 371 12/12/2023


Truy nã tội phạm là gì ? Quy định về truy nã tội phạm

1. Khái niệm truy nã

Truy nã tội phạm là hoạt động tố tụng hình sự - nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát hiện, tìm kiếm, bắt giữ người có hành vi phạm tội đang lẩn trốn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù hoặc tử hỉnh.

Truy nã là việc cơ quan điều tra ra quyết định để truy tìm tung tích của người vi phạm pháp luật hình sự (đã có hoặc chưa có bản án xét xử của tòa án) khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu. Truy nã được thực hiện bằng quyết định truy nã.

Truy nã tội phạm là gì ? Quy định về truy nã tội phạm (ảnh 1)

2. Căn cứ ra quyết định truy nã

Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Đối tượng bị áp dụng: Truy nã có thể được áp dụng với một trong các đối tượng: Bị can, bị cáo; người bị kết án trục xuất, người chấp hành án trục xuất; người bị kết án phạt tù; người bị kết án tử hình; người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

– Có đủ căn cứ xác định đối tượng trên đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;

– Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.

Trong đó, theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC, các đối tượng sau đây nếu bỏ trốn thì sẽ bị truy nã:

- Bị can, bị cáo

- Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất

- Người bị kết án phạt tù, tử hình

- Người đang, tạm đình chỉ hoặc hoãn chấp hành án phạt tù

Khi đó, theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bất cứ ai cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan công an, Viện kiểm sát, ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và báo ngay hoặc giải ngay người bị truy nã đến cơ quan có thẩm quyền.

3. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã

Trong mọi trường hợp, chỉ có cơ quan điều tra mới có thẩm quyền ra quyết định truy nã. Tùy vào giai đoạn tố tụng và tùy từng đối tượng bị truy nã mà cơ quan điều tra có thẩm quyền ra quyết định truy nã được xác định như sau:

– Giai đoạn điều tra:

+) Trong giai đoạn điều tra nếu xác định có bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án phải ra quyết định truy nã và phối hợp với lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm để tổ chức truy bắt.

+) Trường hợp người đang bị tạm giữ hoặc đang bị tạm giam trốn nhà tạm giữ thì Trưởng nhà tạm giữ báo cáo ngay với Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi đối tượng bỏ trốn để Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về “Tội trốn khỏi nơi giam, giữ” theo quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự và ra quyết định truy nã bị can (trong quyết định truy nã ghi rõ các tội danh khác mà người đó đã bị khởi tố).

+) Trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam trốn trại tạm giam thì Giám thị trại tạm giam phải tổ chức ngay lực lượng truy bắt đồng thời thông báo ngay cho Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án đó để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội trốn khỏi nơi giam, giữ theo quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự và ra quyết định truy nã bị can (trong quyết định truy nã ghi rõ các tội danh khác mà người đó đã bị khởi tố).

– Giai đoạn truy tố: Trong giai đoạn truy tố nếu xác định có bị can bỏ trốn thì Viện kiểm sát đang thụ lý hồ sơ có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra đã thụ lý vụ án ra quyết định truy nã bị can.

– Giai đoạn xét xử: Trong trường hợp nhận được thông báo của Viện kiểm sát về việc bị can bỏ trốn sau khi đã được giao bản cáo trạng (không phân biệt hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Tòa án hay chưa) cũng như trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nếu bị can bỏ trốn thì Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra đã thụ lý vị án truy nã bị can.

– Giai đoạn thi hành án:

+) Người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, khi có quyết định thi hành án nhưng bỏ trốn thì Tòa án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù được tại ngoại ra quyết định truy nã.

+) Người đã hết thời hạn được hoãn chấp hành án phạt tù, sau khi Tòa án ra quyết định thi hành án nhưng người này bỏ trốn thì Tòa án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người được hoãn chấp hành án phạt tù cư trú ra quyết định truy nã.

+) Người đã hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, sau khi Tòa án ra quyết định thi hành án nhưng người này bỏ trốn thì Tòa án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù về cư trú ra quyết định truy nã.

+) Người đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam bỏ trốn thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam tổ chức ngaylực lượng truy bắt. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện người đang chấp hành án phạt tù bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh (nếu trốn trại tạm giam Công an cấp tỉnh) ra quyết định truy nã và phối hợp tổ chức truy bắt.

+) Người bị kết án tử hình trong khi chờ quyết định thi hành án mà trốn trại tạm giam thì Giám thị trại tạm giam tổ chức ngay lực lượng truy bắt. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện người bị kết án tử hình bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh (nếu trốn trại tạm giam Công an cấp tỉnh) ra quyết định truy nã và phối hợp tổ chức truy bắt.

+) Người đang chấp hành án phạt tù tại nhà tạm giữ bỏ trốn, thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức ngaylực lượng truy bắt. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện người đang chấp hành án phạt tù bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản đề nghị Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra quyết định truy nã.

+) Trường hợp người bị kết án trục xuất, người chấp hành án trục xuất bỏ trốn thì sau khi nhận được thông báo của cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú chỉ định, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải tổ chức truy bắt ngay; trường hợptruy bắt không có kết quả thì trong thời hạn 07 ngày phải ra quyết định truy nã.

4. Trình tự, thủ tục truy nã

Truy nã tội phạm là gì ? Quy định về truy nã tội phạm (ảnh 1)

– Sau khi xét thấy đủ điều kiện truy nã, cơ quan điều tra ra quyết định truy nã, quyết định truy nã có các nội dung chính sau:

a) Ngày, tháng, năm, địa điểm ra quyết định truy nã;

b) Tên cơ quan; họ tên, chức vụ người ra quyết định truy nã;

c) Họ và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có), ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký thường trú, nơi tạm trú hoặc nơi ở khác (nếu có) của đối tượng bị truy nã;

d) Đặc điểm nhận dạng và ảnh kèm theo (nếu có);

đ) Tội danh bị khởi tố, truy tố hoặc bị kết án, mức hình phạt mà Tòa án đã tuyên đối với người bị truy nã (nếu có);

e) Địa chỉ, số điện thoại liên hệ của cơ quan đã ra quyết định truy nã.

– Gửi, thông báo quyết định truy nã

+) Quyết định truy nã phải được gửi đến:

a) Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã;

b) Công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn hoặc gửi đến tất cả Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an; Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an cấp tỉnh (nơi ra quyết định truy nã);

d) Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ);

e) Viện kiểm sát nhân dân có yêu cầu ra quyết định truy nã; Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định truy nã;

f) Tòa án nhân dân có yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.

+) Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.

– Ra quyết định đình nã: Khi người bị truy nã bị bắt hoặc ra đầu thú thì cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã sẽ ra quyết định đình nã.

5. Cách tính thời hạn truy nã

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà một người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu hết thời hạn đó thì người này sẽ không bị truy cứu nữa. Theo đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể:

- 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

- 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

- 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

- 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Bên cạnh đó, thời hiệu thi hành bản án là thời hạn mà cá nhân hoặc pháp nhân phải chấp hành bản án đã tuyên. Nếu quá thời hạn này thì không phải thực hiện bản án nữa. Cụ thể được nêu tại Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

- 05 năm khi bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 03 năm trở xuống;

- 10 năm nếu bị phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;

- 15 năm nếu bị phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;

- 20 năm nếu bị chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên, đối với các đối tượng đã có quyết định truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ; Thời hiệu thi hành bản án tính lại kể từ khi người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.

Do vậy, chỉ khi người phạm tội ra đầu thú, trình diện hoặc bị bắt giữ thì cơ quan ra quyết định truy nã mới ra quyết định đình nã, dừng việc truy nã lại.

1 371 12/12/2023