Kinh doanh là gì? Quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh

Kinh doanh là cụm từ thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết kinh doanh là gì và rất nhiều người không nắm được quy định của pháp luật khi bắt đầu kinh doanh. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết.

1 288 21/11/2023


Kinh doanh là gì? Quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh

1. Kinh doanh là gì?

Kinh doanh là gì? Quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh (ảnh 1)

Khái niệm kinh doanh là gì được giải thích tại khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Theo quy định này, có thể hiểu kinh doanh là những công việc được thực hiện liên quan đến mua bán hàng hoá trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi nhuận dù có thể không cần phải thực hiện đầy đủ các bước trong việc tiêu thụ hoặc cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.

Do đó, kinh doanh có thể là hoạt động đầu tư, sản xuất hay cung ứng hàng hoá, dịch vụ hoặc mua bán, trao đổi hàng hoá… để tạo ra lợi nhuận. Trong khi đó, theo nghĩa phổ thông, nhiều người thường chỉ quan niệm kinh doanh là việc buôn bán hàng hoá, dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận.

Như vậy, dù theo nghĩa thông thường hay theo quy định của pháp luật, phân biệt hoạt động kinh doanh với các hành vi khác là mục đích sẽ tạo nên lợi nhuận. Còn những hành vi khác, dùng về mặt hình thức cũng giống kinh doanh nhưng nếu không nhằm tạo ra lợi nhuận thì cũng không được coi là kinh doanh.

2. Loại hình kinh doanh là gì?

Bên cạnh định nghĩa kinh doanh là gì nêu trên, bài viết cũng sẽ giải đáp về các loại hình kinh doanh thường thấy trên thị trường nước ta. Cụ thể:

2.1 Kinh doanh dịch vụ

Đây có lẽ là loại hình kinh doanh thường gặp nhất hiện nay. Theo đó, trên thị trường có nhiều doanh nghiệp đang áp dụng loại hình này bởi không phân biệt ngành, nghề lĩnh vực. Có thể kể đến một số lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phổ biến như:

- Tư vấn: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tư vấn có thể dành cho các dự án tài chính, pháp luật… bởi sự đa dạng, không phân biệt ngành, nghề kinh doanh và không áp đặt cho một ngành, nghề cụ thể.

- Tài chính: Hiểu đơn giản, việc kinh doanh dịch vụ tài chính là thuật ngữ dùng để chỉ các dịch vụ được cung cấp bởi thị trường tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…

- Chuỗi cung ứng và phân phối: Loại hình này thường áp dụng với các doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện việc giao, nhận hàng hoá từ địa điểm này đến địa điểm khác hoặc từ kho này đến kho khác…

2.2 Kinh doanh sản xuất

Ngoài kinh doanh dịch vụ thì việc kinh doanh sản xuất cũng là hình thức kinh doanh được ưa chuộng. Với bất kỳ một sản phẩm hàng hoá nào, sản xuất là khâu có vai trò quan trọng nhất, phục vụ cho quá trình trao đổi, mua bán trên thị trường.

Các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất sẽ tạo ra sản phẩm, đưa sản phẩm đến các nhà phân phối hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Ở hình thức này, có thể kể đến các doanh nghiệp như sản xuất linh kiện điện tử như Samsung, linh kiện máy móc như Honda, Toyota… hoặc sản xuất các sản phẩm thời trang như Coach, Hermes…

2.3 Kinh doanh bán lẻ

Đây là loại hình kinh doanh phổ biến nhất trên thị trường, thậm chí nhiều người đang kinh doanh theo hình thức này nhưng có thể không biết. Hình thức này tập trung hướng tới đối tượng tiêu dùng cá nhân và mua bán với các sản phẩm, số lợi nhuận thấp.

Đây cũng là hình thức trực tiếp đưa sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ… từ các nhà cung cấp, sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hiện có nhiều mô hình kinh doanh bán lẻ nhưng phổ biến nhất là các cửa hàng tạp hoá, siêu thị, trung tâm thương mại…

Việc kinh doanh bán lẻ thường bao gồm các loại hàng hoá khác nhau, vô cùng đa dạng, phong phú. Mỗi quy mô có thể chỉ bán một hoặc một số mặt hàng như vật liệu xây dựng, máy tính… hoặc bán tổng hợp nhiều loại hàng như hàng tạp hoá…

3. Kinh doanh có những đặc điểm gì?

Mục tiêu có lợi nhuận có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất của kinh doanh khi được hỏi đặc điểm của kinh doanh là gì. Đây cũng là đặc điểm dùng để phân biệt hành vi kinh doanh với các hành vi dân sự khác.

Đây có thể được xem là mục tiêu cuối cùng của các hành vi kinh doanh, là thành quả của cả quá trình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ của người kinh doanh.

Đồng thời, kinh doanh còn là quá trình trao đổi hàng hoá, dịch vụ. Đặc điểm này có thể tương tự với một số hành vi khác nhưng cũng là điều kiện cần để tạo nên hành vi kinh doanh.

Tất cả hoạt động kinh doanh đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc trao đổi, mua bán hàng hoá và dịch vụ. Mục tiêu của việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ là đổi lấy tiền hoặc những vật, tài sản tương đương với tiền hay còn gọi là lợi nhuận.

Ngoài ra, kinh doanh còn có các đặc điểm gồm hai đối tượng người mua và người bán; tiếp thị, phân phối hàng hoá; ưu đãi trong kinh doanh; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng…

4. Doanh nghiệp kinh doanh dưới những loại hình nào?

Về tổ chức, cơ cấu của các doanh nghiệp kinh doanh, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, tại nước ta có các loại hình doanh nghiệp gồm:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên: Do một tổ chức/cá nhân làm chủ sở hữu, có tư cách pháp nhân, không phát hành cổ phần nhưng được phát hành trái phiếu…

- Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Gồm từ 02 - 50 thành viên; có tư cách pháp nhân, không phát hành cổ phần, được phát hành trái phiếu…

- Công ty cổ phần: Có tư cách pháp nhân, được phát hành cổ phần, trái phiếu cũng như các loại chứng khoán khác, gồm tối thiểu 03 cổ đông và có vốn điều lệ…

- Công ty hợp danh: Có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung công ty, cùng kinh doanh dưới một tên chung và thành viên góp vốn; không được phát hành bất cứ loại chứng khoán nào; có tư cách pháp nhân…

- Doanh nghiệp tư nhân: Do một cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình; không được phát hành chứng khoán…

5. Ngành nghề bị hạn chế và cấm kinh doanh ở nước ta

Kinh doanh là gì? Quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh (ảnh 1)

Khi thực hiện kinh doanh, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là liệu kinh doanh ngành, nghề nào đó có bị cấm hay hạn chế không? Vậy ngành nghề cấn kinh doanh là gì? Hạn chế kinh doanh là gì?

5.1 Ngành nghề hạn chế kinh doanh

Căn cứ Điều 25 Luật Thương mại năm 2005, hàng hoá hạn chế kinh doanh được nêu tại Phụ lục II ban hành kèm Nghị định số 59/2006/NĐ-CP gồm:

- Hàng hoá: Súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; hàng có chứa chất phóng xạ, thiết bị bức xạ hoặc nguồn phóng xạ; hoá chất theo công ước quốc tế; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm; thuốc lá điếu, xì gà; các loại rượu.

- Dịch vụ: Karaoke, vũ trường.

5.2 Ngành nghề kinh doanh bị cấm

Bên cạnh hàng hoá hạn chế kinh doanh thì tại Phụ lục 1 ban hành kèm Nghị định 59/2006/NĐ-CP, danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh gồm:

- Hàng hoá: Vũ khí quân dụng; quân trang; các chất ma tuý; sản phẩm văn hoá phản động, đồi truỵ, mê tín dị đoan; pháo (trừ loại được kinh doanh); đồ chơi nguy hiểm; thuốc thú ý cấm/chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; khoáng sản đặc biệt, độc hại…

- Dịch vụ: Mại dâm, tổ chức mại dâm; buôn bán trẻ em, phụ nữ; tổ chức đánh bạc, gá bạc; môi giới kết hôn hoặc nhận con nuôi… có yếu tố nước ngoài nhằm kiếm lời…

Lưu ý: Nếu pháp luật có sự thay đổi về các loại hàng hoá cấm hoặc hạn chế kinh doanh thì thực hiện và áp dụng theo sự thay đổi đó.

6. Đăng ký kinh doanh cần thực hiện thủ tục thế nào?

Thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện theo trình tự các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị đăng ký kinh doanh

Ở bước này, người có nhu cầu thành lập cần xác định loại hình công ty, xác định tên công ty, nơi đặt trụ sở, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh

Với mỗi loại hình khác nhau thì hồ sơ cần chuẩn bị cũng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung cần phải có giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của người đứng đầu doanh nghiệp đó.

Bước 3: Nộp hồ sơ

Người có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp online đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của công ty.

7. Trường hợp nào kinh doanh phải đóng thuế?

Kinh doanh là gì? Quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh (ảnh 1)

Trong quá trình hoạt động của mình, người/tổ chức có hoạt động kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế khi có phát sinh thu nhập. Vậy những loại thuế khi kinh doanh là gì? Có thể kể đến:

- Lệ phí môn bài: Mức phí căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gồm mức 01 triệu đồng/năm, 02 triệu đồng/năm và 03 triệu đồng/năm.

- Thuế giá trị gia tăng (VAT): Hiện mức thuế suất VAT đang được áp dụng các mức 0%, 5% và 10% tuỳ theo loại hàng hoá, dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp đó.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Loại thuế này được tính dựa trên doanh thu của doanh nghiệp trong năm. Riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được áp dụng mức thuế ưu đãi thấp hơn thuế suất quy định theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017…

8. 2 vi phạm thường gặp trong hoạt động kinh doanh

Sau khi nắm rõ được kinh doanh là gì, nhiều người sẽ thắc mắc đến những vi phạm thường gặp khi thực hiện kinh doanh gồm những vi phạm nào. Dưới đây là tổng hợp mức phạt trong hoạt động kinh doanh.

8.1 Kinh doanh không có giấy phép

Không có giấy phép khi kinh doanh là một trong những vi phạm phổ biến nhất hiện nay tại nước ta. Tại Điều 7 Luật Thương mại năm 2005, thương nhân khi kinh doanh phải thực hiện đăng ký kinh doanh trừ hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp… buôn bán rông, bán vé số…

Và căn cứ Nghị định 122/2021/NĐ-CP, khi kinh doanh không có giấy phép sẽ bị xử phạt như sau:

STT

Hành vi vi phạm

Mức phạt

(triệu đồng)

1

Doanh nghiệp kinh doanh mà không đăng ký

50 - 100

Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp

(Điểm a khoản 4 Điều 46)

2

Bị thu hồi giấy phép/yêu cầu tạm ngừng/đình chỉ hoạt động mà vẫn kinh doanh

50 - 100

(Điểm b khoản 4 Điều 46)

3

Bị yêu cầu tạm ngừng mà vẫn kinh doanh ngành. Nghề có điều kiện

15 - 20

(Điểm a khoản 2 Điều 48)

4

- Không được quyền vẫn thành lập hộ kinh doanh

- Không đăng ký dù thuộc trường hợp phải đăng ký hộ kinh doanh

05 - 10

(Điểm b, điểm c khoản 1 Điều 62)

5

Vẫn kinh doanh ngành, nghề có điều kiện dù đã bị yêu cầu tạm ngừng

10 - 20

(Điểm b khoản 2 Điều 62)

6

Vẫn kinh doanh trước hạn nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền

05 - 10 triệu đồng (Điểm c khoản 1 Điều 63)

8.2 Không nộp thuế khi kinh doanh

Khi kinh doanh nhưng có hành vi vi phạm pháp luật để giảm số thuế phải nộp hoặc trốn đóng thuế phải nộp bằng cách không nộp hồ sơ; sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp; lập sai số lượng hoá đơn; không xuất hoá đơn…

Căn cứ Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, người có hành vi trốn thuế nêu trên sẽ bị phạt khi thực hiện một trong các hành vi trốn thuế như sau:

STT

Hành vi

Mức phạt

1

Có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên

Số tiền thuế trốn

2

Không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

1,5 lần số tiền thuế trốn

3

Có một tình tiết tăng nặng

2 lần số thuế trốn

4

Có hai tình tiết tăng nặng

2,5 lần số thuế trốn

5

Có ba tình tiết tăng nặng trở lên

3 lần số thuế trốn

Nặng hơn, nếu vi phạm đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì cá nhân sẽ bị phạt tù đến 07 năm tù theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

1 288 21/11/2023