Tìm hiểu về cơ cấu, tổ chức của Đại học quốc gia theo quy định pháp luật

Cơ cấu, tổ chức của Đại học quốc gia nói chung các các cơ sở giáo dục đại học thành viên được quy định tại quyết định số 26/2014/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính Phủ ban hành ngày 26/3/2014, có hiệu lực ngày 10/5/2014.

1 136 lượt xem


Tìm hiểu về cơ cấu, tổ chức của Đại học quốc gia theo quy định pháp luật

1. Cơ cấu tổ chức của Đại học quốc gia

Tìm hiểu về cơ cấu, tổ chức của Đại học quốc gia theo quy định pháp luật (ảnh 1)

Đại học quốc gia là một trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đại học quốc gia được biết đến là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao và được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.

Theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg, cơ cấu tổ chức của Đại học quốc gia gồm:

- Hội đồng Đại học quốc gia.

- Giám đốc, phó giám đốc Đại học quốc gia.

- Văn phòng và các ban chức năng (nếu có).

- Các trường đại học thành viên; các viện nghiên cứu khoa học thành viên (hay còn gọi là các đơn vị thành viên).

- Các khoa trực thuộc; các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ; phân hiệu (nếu có); các tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bệnh viện, nhà xuất bản, tạp chí khoa học (các đơn vị trực thuộc).

- Hội đồng khoa học và đào tạo; một số hội đồng tư vấn khác.

2. Quy định về Hội đồng Đại học quốc gia

Hội đồng Đại học quốc gia do Đại học quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn, thông qua Đảng ủy Đại học quốc gia và trình Giám đốc Đại học quốc gia quyết định thành lập với nhiệm kỳ là 05 năm, theo nhiệm kỳ của Giám đốc Đại học quốc gia.

Các thành viên trong Hội đồng đại học quốc gia có thành viên đương nhiệm, thành viên mời, có Chủ tịch và Thư ký Hội đồng. Số lượng thành viên Hội đồng phải là số lẻ, có từ 17 đến 35 thành viên, trong đó số lượng thành viên mời chiếm không quá 1/3 so với tổng số thành viên. Trong đó:

- Giám đốc, các Phó Giám đốc; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của Đại học quốc gia; Hiệu trưởng các trường đại học thành viên; Viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học thành viên là thành viên đương nhiên.

- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước; một số thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh, nhà khoa học, doanh nhân có uy tín trong và ngoài Đại học quốc gia,.. là thành viên mời.

Hội đồng Đại học quốc gia có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Phê duyệt chiến lược, quy hoạch và các kế hoạch phát triển của Đại học quốc gia.

- Quyết nghị về các phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học của Đại học quốc gia.
- Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng phát triển của Đại học quốc gia.
- Quyết nghị về việc thành lập, giải thể, chia, tách, sáp nhập các tổ chức và thông qua đề án thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức của Đại học quốc gia theo quy định của Luật giáo dục đại học, Luật khoa học và công nghệ;
- Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Đại học quốc gia và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của Đại học quốc gia.

Miễn nhiệm thành viên Hội đồng Đại học Quốc gia:

Căn cứ xem xét quyết nghị, đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm thành viên Hội đồng Đại học quốc gia:

- Thứ nhất là có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia Hội đồng;

- Thứ hai là thành viên Hội đồng không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhiệm chức trách nhiệm vụ được giao hoặc đã chuyển vị trí công tác không còn phù hợp theo quy định;

- Thứ ba là có trên 1/2 số thành viên Hội đồng kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm;

- Thứ tư là thành viên Hội đồng bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tìm hiểu về cơ cấu, tổ chức của Đại học quốc gia theo quy định pháp luật (ảnh 1)

3. Hoạt động của Hội đồng Đại học quốc gia

Nguyên tắc làm việc của Hội đồng: Nguyên tắc tập thể, quyết nghị theo đa số.

Phiên họp của Hội đồng: Hội đồng Đại học quốc gia họp thường kỳ 2 lần/1 năm hoặc có thể tổ chức các phiên họp bất thường nếu: Có đề nghị họp bằng văn bản của trên 1/3 tổng số thành viên Hội đồng hoặc để giải quyết các vấn đề cần thiết, cấp bách theo đề nghị của Giám đốc Đại học quốc gia hay Chủ tịch Hội đồng Đại học quốc gia.

- Các phiên họp của Hội đồng được coi là hợp lệ nếu có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự.

- Quyết nghị của Hội đồng chỉ có giá trị pháp lý khi có trên 1/2 tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết nhất trí.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Đại học quốc gia

Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng ĐHQG: Thủ tướng Chính phủ.

Tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng ĐHQG: có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có uy tín trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học; có ít nhất 5 năm tham gia quản lý từ cấp khoa, phòng hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học; có trình độ tiến sĩ và chức danh phó giáo sư trở lên; có sức khỏe tốt, độ tuổi khi bổ nhiệm lần đầu đủ tham gia ít nhất một nhiệm kỳ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng ĐHQG:

- Tổ chức xây dựng và ban hành Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng;

- Triệu tập và chủ trì các cuộc họp thường kỳ hoặc bất thường của Hội đồng;

- Giám sát việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng.

- Được huy động bộ máy tổ chức và sử dụng con dấu của Đại học quốc gia trong các hoạt động theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng;

- Được ký các văn bản, quyết nghị của Hội đồng và bổ nhiệm, miễn nhiệm Thư ký Hội đồng;

- Được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo chế độ hiện hành đối với Chủ tịch Hội đồng trường đại học.

Tiêu chuẩn đối với Thư ký Hội đồng Đại học quốc gia

Thư ký Hội đồng đại Học quốc gia do Hội đồng lựa chọn thông qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm và ra quyết nghị và được Chủ tịch Hội đồng Đại học quốc gia bổ nhiệm sau khi thống nhất với Giám đốc Đại học quốc gia.

Thư ký Hội đồng ĐHQG phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Có uy tín trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học;

- Có ít nhất 3 năm tham gia quản lý từ cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học;

- Có trình độ tiến sĩ;

- Có sức khỏe tốt, độ tuổi khi bổ nhiệm phải bảo đảm để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Hội đồng Đại học quốc gia:

- Giúp Chủ tịch Hội đồng Đại học quốc gia trong việc chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu và làm thư ký các cuộc họp của Hội đồng.

- Xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ các văn bản của Hội đồng.

- Thông tin về hoạt động của Hội đồng, mời họp, gửi tài liệu và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng giao.

- Thư ký có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm và được hưởng phụ cấp trách nhiệm (nếu có) tương đương phụ cấp chức vụ của Trưởng ban Đại học quốc gia.

4. Giám đốc, Phó Giám đốc Đại học quốc gia

Theo quy định tại Điều 6 Quyết định 26/2014/QĐ-TTg, Giám đốc Đại học Quốc gia là người đứng đầu, là đại diện pháp lý của Đại học quốc gia trong các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định pháp luật. Giám đốc là người chịu trách nhiệm quản lý và điều hành tất cả các mặt hoạt động của Đại học quốc gia, có nhiệm kỳ là 5 năm và không giữ quá 2 nhiệm kỳ liên tục.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc Đại học quốc gia phụ trách các lĩnh vực công tác do Giám đốc Đại học quốc gia phân công và có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Giám đốc Đại học quốc gia

Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Đại học quốc gia:

- Giám đốc Đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Phó Giám đốc Đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Đại học quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Tiêu chuẩn của Giám đốc, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia:

Giám đốc, Phó Giám đốc Đại học quốc gia phải có các tiêu chuẩn sau:

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Có uy tín trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học;

- Có ít nhất 5 năm tham gia quản lý từ cấp khoa, phòng hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học đối với Giám đốc và có ít nhất 5 năm tham gia quản lý từ cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục đại học đối với Phó Giám đốc.

- Có trình độ tiến sĩ và chức danh phó giáo sư trở lên;

- Có sức khỏe tốt, độ tuổi khi bổ nhiệm lần đầu đủ tham gia ít nhất một nhiệm kỳ.

5. Các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc

Theo quy định tại Điều 7, các đơn vị thành viên của Đại học quốc gia gồm:

- Trường đại học thành viên - hoạt động theo Điều lệ của trường đại học và Quy chế ban hành kèm theo quyết định số 26/2014/QĐ-TTg.

- Viện nghiên cứu khoa học thành viên hoạt động theo các quy định hiện hành của Nhà nước đối với các tổ chức khoa học công nghệ công lập và Quy chếban hành kèm theo quyết định số 26/2014/QĐ-TTg.

Các đơn vị trực thuộc của Đại học quốc gia được quy định tại Điều 8 bao gồm:

- Văn phòng và các ban chức năng của Đại học quốc gia có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Đại học quốc gia trong công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành các hoạt động của Đại học quốc gia.

- Khoa trực thuộc Đại học quốc gia có chức năng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và nghiên cứu khoa học và công nghệ; chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Đại học quốc gia.

- Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ trực thuộc Đại học quốc gia có chức năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, không có chức năng đào tạo, liên kết đào tạo cấp văn bằng.

- Các tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trực thuộc Đại học quốc gia có vai trò phục vụ cho đào tạo (nhưng không có chức năng đào tạo cấp văn bằng), nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, triển khai các hoạt động có liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, các dịch vụ về thông tin, tư vấn, phổ biến và ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

1 136 lượt xem