Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường là gì?
Trong nền kinh tế thị trường, nhà nước và thị trường đều có vai trò và chức năng riêng. Bản thân thị trường luôn vận hành theo các quy luật vốn có khách quan và trên thực tế cơ chế thị trường là cơ chế hiệu quả trong phân bổ và khai thác các nguồn lực.
Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường là gì?
1. Khái quát chung về mối quan hệ Nhà nước và thị trường
Quan hệ nhà nước và thị trường là mối quan hệ cơ bản trong nền kinh tế thị trường. Trên bề mặt xã hội, biểu hiện dễ nhận thấy nhất của chính trị là nhà nước với cấu trúc tương ứng của nó.
Về phương diện kinh tế, trong điều kiện kinh tế thị trường, biểu hiện tập trung của mặt kinh tế là hoạt động của thị trường với các quy luật kinh tế đặc trưng của nó như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu….
==> Do đó trong thực tiễn, ở một góc độ nhất định,việc xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị biểu hiện tập trung thành mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.
Bên cạnh đó, bản thân thị trường, cơ chế thị trường là phương tiện hiệu quả nhất mà loài người đã phát hiện để huy động và khai thác các nguồn lực cho phát triển, cho hiện thực hóa nền tảng kinh tế của một xã hội. Khi nhà nước xuất hiện với tư cách chủ thể có chức năng kiến tạo xây dựng nền tảng kinh tế của một xã hội, thì việc xử lý quan hệ mục tiêu và phương tiện được biểu hiện thành mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.
Mối quan hệ nhà nước và thị trường còn được thể hiện ra là mối quan hệ giữa chủ thể với khách thể, khi nhà nước đóng vai trò là chủ thể quản lý nền kinh tế thị trường; hay đó là mối quan hệ giữa các chủ thể trong nền kinh tế, khi nhà nước xuất hiện với tư cách là một chủ thể trên thị trường, sẽ quan hệ bình đẳng với các chủ thể khác theo luật định.
Quan hệ nhà nước và thị trường cũng phản ánh mối quan hệ giữa cái chủ quan với khách quan, bởi lẽ thị trường luôn vận động theo các quy luật khách quan và chịu sự điều tiết của nhà nước, lúc đó nhà nước xuất hiện là các quy định, luật lệ, và các công cụ điều tiết khác. Các công cụ này là sản phẩm chủ quan để định hướng thị trường, tạo luật chơi cho thị trường. Thị trường sẽ hiệu quả khi các công cụ này hợp lý, không làm méo mó thị trường.
2. Vai trò của Nhà nước trong quốc phòng và trong việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hoá công cộng
Với chức năng kinh tế, nhà nước không chỉ là người quản lý, người ban hành các quy định, các luật chơi trên thị trường, mà còn đóng vai trò chủ thể hoạt động sản xuất (nhất là các hàng hóa và dịch vụ công), là người mua và bán các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Như vậy lúc này quan hệ giữa nhà nước và thị trường biểu hiện ra là quan hệ giữa các chủ thể trên thị trường, quan hệ giữa những người mua và người bán hàng hóa và dịch vụchịu sự tương tác, giàng buộc của các quy luật kinh tế trên thị trường, cũng như sự quản lý điều hành của nhà nước thông qua hệ thống quy định luật pháp và các công cụ quản lý.
Quốc phòng là một ví dụ chứng tỏ vai trò tối quan trọng của Nhà nước. Điều đó được quyết định bởi quốc phòng là một kiểu hàng hoá hoàn toàn khác hẳn với các loại hàng hoá vật thể khác ở chỗ, người ta không trả tiền cho mỗi đơn vị sử dụng mà mua nó như một tổng thể nhằm mục đích bảo vệ an ninh của cả một quốc gia. Ở đây, bảo vệ cho một cá nhân không có nghĩa là giảm bảo vệ cho người khác, bởi tất cả mọi người tiêu thụ các dịch vụ quốc phòng một cách đồng thời.
Các loại hàng hoá kiểu như vậy được gọi là hàng hoá công cộng, bởi không một doanh nghiệp tư nhân nào có thể bán quốc phòng của toàn dân cho các công dân riêng lẻ và coi đó là nghề kinh doanh thu lãi. Đơn giản là không thể có chuyện dịch vụ quốc phòng lại được đem rao bán cho những người cần hoặc không thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia, cho những người từ chối chi trả kinh phí cho quốc phòng. Hơn nữa, hàng hoá công cộng là thứ hàng hoá không thể định giá chính xác được, cho nên tư nhân không thể cung cấp. Đấy là nguyên nhân chính giải thích vì sao quốc phòng phải do Nhà nước điều hành và chi phí cho quốc phòng phải được lấy từ nguồn tài chính công, từ ngân sách Nhà nước có được thông qua thuế.
3. Vai trò của Nhà nước đối với các yếu tố ngoại vi
Yếu tố ngoại vi được hiểu như là những hoạt động của một chủ thể nhất định nào đó gây tác động đến các đối tượng này không được đền bù hoặc không phải bị đền bù.
Các chủ thể và đối tượng tác động ở đây có thể là cá nhân hoặc các đơn vị sản xuất kinh doanh. Sự tác động của các chủ thể này là sự tác động tốt hoặc tác động xấu. Các chủ thể này không chịu bất cứ một trách nhiệm kinh tế nào về sự tác động của họ, cũng như họ không đòi hỏi một sự đền bù nào.
==> Như vậy, yếu tố ngoại vi là một sự thể hiện mối quan hệ sản xuất – sản xuất, sản xuất – tiêu dùng, tiêu dùng – tiêu dùng, tiêu dùng – sản xuất. Hoạt động của người này tác động đến hoạt động của người khác. Kết quả hoạt động của người này chịu ảnh hưởng bởi kết quả hoạt động của người khác.
Những chi phí ngoại vi cho sản xuất bao gồm:
- sự tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường mà nhà máy hoặc xí nghiệp sản xuất tạo ra..
Những yếu tố này gây nên sự giảm sút về phúc lợi của những người dân sống xung quanh hoặc có thể buộc những nhà máy khác gần đó phải tốn kém thêm chi phí để làm sạch nước sông đã bị ô nhiễm mà mình phải sử dụng trong sản xuất. Vì phía thứ ba không được đền bù cho những khoản chi phí ngoại vi, nên các phí tổn sản xuất không được tính đến trong hệ thống giá. Trong nền kinh tế thị trường tự do, người ta chỉ mưu toan sử dụng tối đa những phương tiện hay lợi nhuận riêng của mình, và nhưng chi phí hay lợi ích ngoại vi sẽ không được phản ánh trong giá cả của các đồ vật. Ví dụ, trường hợp một nhà máy có thể làm ra một loại sản phẩm rất rẻ nhưng lại làm ô nhiễm môi trường, gây ra sự giảm sút về phúc lợi cho nhưng người khác.
==> Và do vậy, vai trò kinh tế của Nhà nước là điều chỉnh lại sự bất hợp lý này. Bằng sự can thiệp, Nhà nước buộc tất cả những ai hưởng lợi từ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều phải trả toàn bộ chi phí sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ấy.
4. Vai trò của Nhà nước đối với vấn đề thu nhập và phúc lợi
Phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối lại, ngoài phân phối theo lao động. Bảo đảm phúc lợi xã hội cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng. Đại hội XIII của Đảng đã có bước phát triển mới về nhận thức lý luận và định hướng chính sách đối với vấn đề phúc lợi xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong nền kinh tế thị trường, khả năng kiếm sống ở một số người là rất hạn chế, trong khi đó, số khác lại có nguồn thu nhập rất lớn. Vai trò của Nhà nước là không thể thiếu được trong việc phân phối lại thu nhập để trong chừng mực cho phép, có thể thu hẹp lại khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Trên thực tế, các chính phủ đều luôn thực hiện điều đó thông qua chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập nhằm tạo ra sự công bằng hơn trong phân phối.
Trong hầu hết các nền kinh tế thị trường, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao phúc lợi công cộng, xoá đói, giảm nghèo. Các vấn đề như việc làm, sức khoẻ, bảo hiểm y tế, lương hưu, trợ cấp khó khăn… luôn là những vấn đề rất cần đến sự quan tâm của Nhà nước. Rõ ràng, điều bàn cãi không còn là ở chỗ Nhà nước có nên tạo ra quỹ phúc lợi hay không, có nên thực hiện phân phối lại thông qua thuế thu nhập hay không... mà là mức độ thực hiện ra sao để vẫn có thể khích lệ được mọi thành phần lao động trong việc tạo ra của cải và tiết kiệm trong việc chi dùng những của cải ấy.
5. Vai trò của Nhà nước trong các chính sách tài chính và tiền tệ
Khi tăng chi tiêu vào thời điểm thất nghiệp cao và lạm phát thấp, Nhà nước đã tăng cung ứng tiền, dẫn tới giảm lãi suất (tức giám giá đồng tiền), nhờ đó ngân hàng mới có nhiều điều kiện cho vay và chi tiêu cho tiêu dùng được tăng lên. Điều đó có nghĩa là kích cầu vì tiêu dùng là bộ phận cấu thành lớn nhất và ổn định nhất của tổng cầu.
Khi cả thất nghiệp và lạm phát xảy ra đồng thời, chính phủ có thể rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bởi vì, các chính sách tài chính và tiền tệ đều điều chỉnh lại mức chi tiêu của cả một nền kinh tế quốc dân, nhưng lại không thể đối phó với sự giảm đột ngột về cung - một nhân tố có thể đẩy nhanh cả lạm phát lẫn thất nghiệp. Tình trạng này đã xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi có lệnh đình chỉ xuất khẩu đầu của các nước sản xuất dầu, dẫn tới giá cả tăng nhanh trong nền kinh tế các nước công nghiệp hoá. Như vậy, sự giảm cung sẽ dẫn đến tình trạng giá cả tăng nhanh trong khi đó thì sản xuất và việc làm lại giảm. Để đối phó với cú sốc cung này đối với nền kinh tế quốc dân, Nhà nước có thể tăng cường các biện pháp khuyến khích sản xuất, tiết kiệm và đầu tư, tăng hiệu quả cạnh tranh băng cách giảm sự độc quyền, khắc phục sự trì trệ và kìm hãm của các nguồn lực quan trọng.
Như vậy, có thể nói, dẫu Nhà nước không thể cung cấp phương thuốc bách bệnh trong cuộc đấu tranh muôn thuở với lạm phát và thất nghiệp trong các nền kinh tế thị trường thì nó vẫn được coi là nhân tố tích cực trong việc điều hoà các ảnh hưởng của chúng. Hầu hết các nhà kinh tế hiện nay đều thừa nhận tầm quan trọng của Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống lạm phát và thất nghiệp thông qua các chính sách ồn định dài hạn.
Xem thêm các chương trình khác: