Phân biệt Giấy khai sinh và trích lục Giấy khai sinh?

Phân biệt Giấy khai sinh và trích lục Giấy khai sinh? Tìm hiểu cùng Vietjack.me nhé!

1 107 lượt xem


Phân biệt Giấy khai sinh và trích lục Giấy khai sinh?

1. Giấy khai sinh là gì?

Phân biệt Giấy khai sinh và trích lục Giấy khai sinh? (ảnh 1)

Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của giấy khai sinh như sau:

Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Theo đó, giấy khai sinh chính là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi người. Mọi hồ sơ, giấy tờ khác có nội dung liên quan đến nhân thân người đó đều phải phù hợp với Giấy khai sinh.

2. Trích lục giấy khai sinh là gì?

Căn cứ theo khoản 9 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 giải thích về trích lục hộ tịch như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

...

9. Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.

...

Theo đó, trích lục giấy khai sinh có thể hiểu là văn bản chứng minh việc một người đã được đăng ký khai sinh, là bản sao có các thông tin giống như giấy khai sinh gốc do cơ quan nhà nước cấp và cấp ngay sau khi đăng ký khai sinh.

3. Phân biệt Giấy khai sinh và trích lục giấy khai sinh?

Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực như sau:

Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực

1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

...

Theo đó, bản trích lục giấy khai sinh có thể có giá trị thay thế giấy khai sinh gốc trong một số giao dịch nhất định. Tùy từng giao dịch cụ thể mà người có thẩm quyền sẽ yêu cầu người dân cung cấp giấy khai sinh bản gốc hoặc trích lục.

Tóm lại, giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc phát sinh từ lúc một người được đăng ký khai sinh còn trích lục giấy khai sinh là bản sao chứng minh việc một người đã được đăng ký khai sinh, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và có giá trị sử dụng thay giấy khai sinh bản gốc trong một số trường hợp cụ thể.

3. Ai có thẩm quyền cấp bản sao trích lục giấy khai sinh?

Bản chính trích lục giấy khai sinh sẽ được cấp ngay sau khi đăng ký khai sinh và nếu sau khi đã được cấp bản chính trích lục mà người dân muốn cấp tiếp thì chỉ được cấp bản sao trích lục giấy khai sinh.

Căn cứ theo Điều 63 Luật Hộ tịch 2014 quy định về cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký như sau:

Cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký

Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.

Đồng thời căn cứ tại khoản 5 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 giải thích về Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

...

5. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

...

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao trích lục giấy khai sinh là Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm những cơ quan sau:

- Cơ quan đăng ký hộ tịch;

- Bộ Tư pháp;

- Bộ Ngoại giao;

- Cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

1 107 lượt xem