TOP 4 Cách tra cứu thông tin doanh nghiệp nhanh chóng và chính xác nhất [Năm 2024]

Hiện nay, việc tra cứu thông tin doanh nghiệp đã thành lập rất đơn giản chỉ cần mất vài phút là có được những thông tin cơ bản. Bên cạnh đó, để được cung cấp những thông tin chi tiết và quan trọng hơn, tổ chức, cá nhân có thể gửi yêu cầu đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

1 477 03/08/2023


TOP 4 Cách tra cứu thông tin doanh nghiệp nhanh chóng và chính xác nhất [Năm 2024]

I. Thông tin tra cứu doanh nghiệp để làm gì?

Doanh nghiệp có nghĩa vụ công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (khoản 2 Điều 8 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14).

Theo đó, tra cứu thông tin doanh nghiệp sẽ bao gồm đầy đủ những nội dung được thể hiện trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Căn cứ vào Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020, những thông tin đó sẽ là:

- Tên doanh nghiệp (tên tiếng nước ngoài, tên viết tắt): đây là tên gọi chính thức của doanh nghiệp, được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước.;

- Mã số doanh nghiệp (mã số thuế công ty): là số mã định danh doanh nghiệp được cấp bởi cơ quan thuế, giúp phân biệt doanh nghiệp với các đối tượng khác.;

- Địa chỉ doanh nghiệp: địa chỉ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước.;

- Thông tin (họ, tên, địa chỉ liên hệ, quốc tịch, CMND/CCCD/hộ chiếu) người đại diện pháp luật, thành viên hợp danh, chủ doanh nghiệp;

- Người đại diện pháp luật: là người được ủy quyền đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh.

- Vốn điều lệ: là số vốn mà doanh nghiệp cam kết đóng góp để thực hiện hoạt động kinh doanh;

- Ngành nghề kinh doanh: là lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp;

- Tình trạng hoạt động: là tình trạng hoạt động hiện tại của doanh nghiệp, bao gồm đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động hoặc đã bị giải thể.

Việc tra cứu thông tin doanh nghiệp thường nhắm đến một số mục đích như:

- Kiểm tra tính pháp lý của doanh nghiệp: Bao gồm thông tin về tên gọi, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, mã số thuế, vốn điều lệ, người đại diện pháp luật, tình trạng hoạt động, giấy phép kinh doanh,... Giúp người dùng có thể xác định được tính hợp pháp của doanh nghiệp trước khi tiến hành giao dịch hoặc hợp tác với doanh nghiệp đó.

- Tìm kiếm đối tác kinh doanh: Bằng cách tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp hoạt động trong ngành kinh doanh tương tự hoặc liên quan đến mình, bạn có thể xác định được các đối tác tiềm năng và tìm hiểu về các thông tin quan trọng của họ.

- Nghiên cứu thị trường: Tìm hiểu về các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực, bạn có thể phân tích được thị trường, tìm hiểu về các sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh, đưa ra các chiến lược kinh  doanh phù hợp và giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh.

- Đánh giá độ tin cậy của đối tác: Tra cứu thông tin doanh nghiệp giúp bạn dễ dàng đánh giá độ tin cậy của đối tác trước khi tiến hành giao dịch hoặc hợp tác với họ. Bằng cách tìm hiểu về lịch sử hoạt động, tình hình tài chính, quy mô và uy tín của doanh nghiệp.

II. Ai có quyền tra cứu thông tin doanh nghiệp?

Bất kỳ cá nhân/tổ chức nào cũng có quyền tra cứu thông tin doanh nghiệp nếu có nhu cầu. Tuy nhiên sẽ có trường hợp thông tin doanh nghiệp được tra cứu miễn phí nhưng cũng có trường hợp cá nhân/tổ chức phải gửi đơn đề nghị và trả phí mới xem được thông tin cần biết của doanh nghiệp.

Không phải tất cả các doanh nghiệp đều được công khai thông tin trên mạng. Theo Khoản 1, Điều 33, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cá nhân, tổ chức có quyền đề nghị Cơ quan Nhà nước về đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những thông tin doanh nghiệp có thể tra cứu miễn phí và cũng có những thông tin phải mất phí để được cung cấp theo quy định.

Cụ thể, Điều 36, Nghị định 01/2021/NĐ-CPĐiều 5, Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT quy định về các hình thức và nội dung tra cứu thông tin doanh nghiệp như sau:

1) Các thông tin về doanh nghiệp được công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ gồm các thông tin sau:

- Tên, mã số, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp;

- Thông tin về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

- Tình trạng pháp lý của doanh nghiệp.

2) Các thông tin khác về doanh nghiệp không được công khai trên mạng, mà phải được cung cấp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan và phải trả phí theo quy định của pháp luật.

Cá nhân, tổ chức có thể gửi yêu cầu cung cấp thông tin đến Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để được cung cấp thông tin chi tiết hơn.

III. Có bao nhiêu cách tra cứu thông tin doanh nghiệp?

1. Tra cứu miễn phí

Để tìm kiếm thông tin về một doanh nghiệp bạn có thể sử dụng một trong các cách tra cứu thông tin doanh nghiệp trên mạng quốc gia sau:

(1) Tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ nhập tên mã số thuế, mã số doanh nghiệp hoặc địa chỉ của doanh nghiệp vào ô tìm kiếm để tra cứu. Bạn sẽ được xem các thông tin công khai của doanh nghiệp mà không phải trả phí.

(2) Web tra cứu thông tin công ty trên Tổng cục thuế tại địa chỉ: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/. Nhập mã số thuế của doanh nghiệp vào ô tìm kiếm bạn sẽ được xem các thông tin về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp trong đó bao gồm cả thông tin về doanh nghiệp.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi đề nghị cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để được cung cấp thông tin chi tiết hơn nhưng phải trả phí theo quy định của pháp luật và chờ thời gian giải quyết.

Tùy theo thông tin doanh nghiệp người tra cứu có thể phải trả phí

2. Tra cứu trả phí

Tra cứu thông tin doanh nghiệp có trả phí giúp cá nhân, tổ chức nắm được những thông tin chi tiết hơn về doanh nghiệp như: báo cáo danh sách doanh nghiệp, thông tin lịch sử doanh nghiệp trong 3 năm gần đây nhất. 

Để được cấp những thông tin doanh nghiệp có trả phí cá nhân, tổ chức có nhu cầu cần gửi đơn đề nghị hoặc công văn đến Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh để được cung cấp thông tin chi tiết.

Theo quy định tại Thông tư số 47/2019/TT-BTC, mức phí cung cấp thông tin doanh nghiệp như sau:

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Mức thu

1

Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

Đồng/Bản

20.000

2

Cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; Cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp

Đồng/Bản

40.000

3

Cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp gồm:

- Báo cáo tổng hợp về người thành lập, quản lý doanh nghiệp trong 03 năm;

- Báo cáo tổng hợp về lịch sử doanh nghiệp trong 03 năm;

- Báo cáo tổng hợp về thông tin đăng ký doanh nghiệp mới nhất;

- Báo cáo thống kê về danh sách doanh nghiệp; Báo cáo tổng hợp về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong 03 năm; Danh sách 100 doanh nghiệp theo yêu cầu; Các sản phẩm thông tin khác được xây dựng trên cơ sở chiết xuất, tổng hợp dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

 

Đồng/báo cáo

150.000

4

Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Đồng/lần

100.000

5

Cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên

Đồng/tháng

4.500.000

Bảng lệ phí cung cấp thông tin doanh nghiệp

Bạn có thể chọn một trong những cách trên để tra cứu sao cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện của bạn. Trong trường hợp bạn đã biết mã số thuế của doanh nghiệp, bạn có thể tham khảo thêm các cách tra cứu khác ngay sau đây.

IV. HƯỚNG DẪN CÁCH TRA CỨU THÔNG TIN DOANH NGHIỆP

1. Tra cứu doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp được xem là một trong những trang tra cứu chính xác và có độ tin cậy cao. Đây là trang tra cứu phổ biến và được nhiều người sử dụng nhất.

Trên trang này, bạn có thể tra cứu thông tin doanh nghiệp qua mã số thuế, tra cứu ngành nghề doanh nghiệp, tra cứu tên công ty, địa chỉ trụ sở chính doanh nghiệp, thông tin người đại diện pháp luật…

Để tra cứu, bạn thực hiện 3 bước sau:

Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn

Bước 2: Tại ô tìm kiếm à Nhập mã số thuế/mã số doanh nghiệp/tên doanh nghiệp à Bấm vào nút tìm kiếm;

Bước 3: Kết quả tìm kiếm hiện ra tên các doanh nghiệp liên quan. Bạn chọn doanh nghiệp cần tra cứu thông tin. Sau đó trang sẽ hiển thị các thông tin về doanh nghiệp đó, như là:

- Tên doanh nghiệp; Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài; Tên doanh nghiệp viết tắt;

- Tình trạng hoạt động;

- Mã số doanh nghiệp;

- Loại hình pháp lý;

- Ngày bắt đầu thành lập;

- Tên người đại diện theo pháp luật;

- Địa chỉ trụ sở chính;

- Ngành nghề kinh doanh teho Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Lưu ý:

- Nếu tra cứu theo mã số doanh nghiệp/MST, kết quả sẽ là tên chính xác của doanh nghiệp cần tìm.

- Nếu tra cứu theo tên, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, kết quả sẽ là các doanh nghiệp có tên giống hoặc gần giống với doanh nghiệp cần tìm.

2. Tra cứu thông tin doanh nghiệp trên Sở Kế hoạch - Đầu tư

Điều 36 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã quy định: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Doanh nghiệp gửi đề nghị cung cấp thông tin đến cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh để được cung cấp thông tin.

Theo đó, nếu cá nhân, tổ chức có nhu cầu tra cứu thông tin doanh nghiệp thì có thể gửi đơn đề nghị (đối với cá nhân) hoặc công văn (đối với tổ chức). Trong đó ghi rõ các thông tin quan trọng như: doanh nghiệp muốn được cung cấp thông tin, lý do xin cung cấp, những thông tin cần cung cấp...

Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có văn bản trả lời kèm thông tin doanh nghiệp cần cung cấp (nếu được chấp thuận).

3. Cách tra cứu thông tin doanh nghiệp qua mã số thuế

Khi biết mã số thuế của doanh nghiệp, muốn tra cứu thêm một số thông tin khác về: Tên đầy đủ và chính xác của công ty, Địa chỉ công ty, Danh tính người đại diện theo pháp luật, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thực hiện theo 2 cách sau:

3.1. Tra cứu thông tin doanh nghiệp Tổng cục thuế

Hiện nay, Tổng cục Thuế đã tích hợp tính năng tra cứu thông tin doanh nghiệp nội thuế tại địa chỉ: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp

Bước 1: Truy cập web tra cứu doanh nghiệp Tổng cục Thuế tại địa chỉ: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp

Tra cứu doanh nghiệp bằng mã số thuế công ty

Bước 2: Điền Mã số thuế của doanh nghiệp cần tra cứu vào ô “Mã số thuế”. Tiếp đó, nhập Mã xác nhận theo các ký tự có sẵn tại ô bên phải.

Bước 3: Chọn “Tra cứu” và xem thông tin doanh nghiệp hiện ra trong bảng thông tin, bạn chọn một doanh nghiệp để xem các thông tin chi tiết.

Bảng kết quả chi tiết thông tin công ty theo mã số thuế

3.2. Tra cứu thông tin doanh nghiệp trên trang masothue.com

Website mã số thuế giúp người dùng tra cứu công ty/ doanh nghiệp nhanh chóng bằng mã số thuế của doanh nghiệp.

Bước 1: Truy cập địa chỉ website: https://masothue.com/

Bước 2: Nhập mã số thuế doanh nghiệp vào ô tìm kiếm và nhấn chọn “biểu tượng tìm kiếm” để xem kết quả trả về.

Thông tin doanh nghiệp nhận được khi thực hiện tra cứu

Như vậy, việc tra cứu thông tin doanh nghiệp là quyền của tất cả các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Những thông tin này giúp ích trong việc kiểm tra đặc điểm, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là hữu ích trong việc hợp tác và trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau.

4. Tra cứu thông tin doanh nghiệp nước ngoài

Một số tỉnh, thành hiện nay đã cung cấp thông tin về doanh nghiệp nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương.

Tại đây, chỉ cần nhập tên doanh nghiệp/thương nhân, chọn Quốc gia và kèm theo một số nội dung khác, có thể tra cứu được thông tin về doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả địa chỉ và ngành, nghề kinh doanh.

Trang tra cứu thông tin doanh nghiệp nước ngoài của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh

V. Một số câu hỏi về tra cứu thông tin doanh nghiệp

1. Có tra cứu doanh nghiệp bằng CMND được không?

Như phân tích ở trên, hiện chỉ có 03 cách tra cứu thông tin của doanh nghiệp gồm: Tra cứu online trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, gửi văn bản (công văn) đến Phòng đăng ký kinh doanh và thông qua Tổng cục Thuế để biết về thông tin của doanh nghiệp.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp nước ngoài thì tra cứu online trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương.

Do đó, hiện nay sử dụng Chứng minh nhân dân (CMND) thì không tra cứu được thông tin doanh nghiệp. CMND chỉ là giấy tờ tuỳ thân, thể hiện các thông tin cơ bản của cá nhân. Trong khi đó, thông tin về doanh nghiệp được thể hiện thông qua mã số doanh nghiệp.

Bởi vậy, có thể khẳng định, dùng CMND không tra cứu được thông tin doanh nghiệp mà thường sử dụng CMND sẽ tra cứu được thông tin mã số thuế, mã số bảo hiểm xã hội… của cá nhân.

2. Tra cứu thông tin doanh nghiệp ở đâu?

Theo bài viết ở trên, hiện nay có ba cách để tra cứu thông tin của bất kỳ một doanh nghiệp nào, cụ thể:

- Tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

- Tại Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch - Đầu tư.

- Tại Tổng cục Thuế.

Với mỗi địa chỉ nêu trên lại áp dụng hình thức tra cứu riêng. Độc giả có thể thực hiện theo hướng dẫn đã nêu ở trên.

3. Tra cứu thông tin doanh nghiệp theo ngành, nghề được không?

Hiện nay, theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, ngành kinh tế Việt Nam đang được ban hành kèm theo Quyết định này gồm 05 cấp với tổng số lượng ngành như sau:

- Cấp 01 gồm 21 ngành, được mã hoá theo bảng chữ cái từ A đến U.

- Cấp 02 gồm 88 ngành, được mã hoá bằng hai số theo ngành cấp 01 tương ứng.

- Cấp 03 gồm 242 ngành, được mã hoá bằng hai số theo ngành cấp 02 tương ứng.

- Cấp 04 gồm 486 ngành, được mã hoá bằng hai số theo ngành cấp 03 tương ứng.

- Cấp 05 gồm 734 ngành, được mã hoá bằng hai số theo ngành cấp 04 tương ứng.

Như vậy, có thể thấy, hiện Việt Nam đang tồn tại rất nhiều ngành, nghề kinh doanh. Nếu tra cứu bằng ngành, nghề thì sẽ nhận được kết quả trùng lặp rất nhiều.

Đồng thời, theo các cách hướng dẫn ở trên, không có cách tra cứu thông tin của doanh nghiệp nào chỉ căn cứ vào ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ có tra cứu bằng mã số thuế hoặc mã số doanh nghiệp.

Với cách gửi Công văn cho Phòng Đăng ký kinh doanh, người yêu cầu cũng cần phải cung cấp mã số doanh nghiệp cùng các thông tin khác của doanh nghiệp đó.

Do đó, có thể thấy, ngành, nghề kinh doanh có thể chỉ là một trong các yếu tố để người có yêu cầu có thể sử dụng để kiểm tra thông tin của doanh nghiệp. Nếu chỉ dựa vào ngành, nghề kinh doanh thì hoàn toàn không thể tra cứu được thông tin của doanh nghiệp cụ thể cần biết.

 

1 477 03/08/2023