Phân loại thẩm quyền dân sự của tòa án nhân dân các cấp

Thẩm quyền dân sự của toà án là quyền xem xét giải quyết các vụ việc và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó theo thủ tục tố tụng dân sự của toà án. Dưới đây là những vấn đề liên quan đến thẩm quyền dân sự của tòa án nhân dân các cấp, cụ thể:

1 362 11/12/2023


Phân loại thẩm quyền dân sự của tòa án nhân dân các cấp

1. Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo loại việc

Phân loại thẩm quyền dân sự của tòa án nhân dân các cấp (ảnh 1)

Gồm bốn loại việc như vụ việc dân sự, vụ việc hôn nhân gia đình, vụ việc kinh doanh thương mại, vụ việc lao động

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo loại việc là tổng hợp các loại vụ việc về dân sự mà Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Thẩm quyền về loại việc của Tòa án sẽ phân định với những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác.
Được quy định tại mục 1 Chương II từ các Điều 26 đến Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án có thẩm quyết giải quyết những tranh chấp dân sự trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, sở hữu trí tuệ…

1.1. Thẩm quyền của tòa án theo vụ việc dân sự

+ Tòa án dân sự có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp theo quy định tại điều 26, 27 BLTTDS năm 2015 như sau:
– Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.
– Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
– Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.
– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận
– Tranh chấp về thừa kế tài sản.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
– Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước năm 2012.
– Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
– Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí.
– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
– Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

1.2. Thẩm quyền của tòa án theo vụ việc hôn nhân và gia đình

+ Tòa án Hôn nhân Gia đình ( điều 28,29 BLTTDS năm 2015) có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp sau:
– Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
– Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
– Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
– Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
– Tranh chấp về cấp dưỡng.
– Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
– Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.
– Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

1.3. Thẩm quyền của tòa án theo vụ việc thương mại

+ Tòa án Thương mại ( điều 30,31 năm BLTTDS năm 2015) có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp sau:
– Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
– Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
– Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
– Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật

1.4. Thẩm quyền của tòa án theo vụ việc lao động

+ Tòa án lao động ( điều 32,33 BLTTDS năm 2015) có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp sau:
– Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định
– Tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết.
– Tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm: Tranh chấp về học nghề, tập nghề. Tranh chấp về cho thuê lại lao động. Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn. Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp.
– Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật

2. Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo cấp

Việc xác định đúng thẩm quyền của Tòa án theo cấp chính là việc xác định xem đối với một vụ án dân sự cụ thể Tòa án nhân dân cấp huyện hay Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp được quy định tại Điều 35, 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 dựa trên tính chất phức tạp của từng loại vụ việc, dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thực tế của đội ngũ cán bộ Tòa án.
Theo đó, thẩm quyền của Tòa án cấp huyện hiện nay được quy định:
(i) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 Bộ luật này;
(ii) Tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật này; (iii) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 Bộ luật này;
(iiii) Những tranh chấp trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy tác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.
Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 35 “Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con,…”, trường hợp này xuất hiện yếu tố đương sự ở nước ngoài nhưng vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.
Theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Có thể nhận thấy thẩm quyền của Tòa án cấp huyện và cấp tỉnh được phân định rõ ràng, tránh tình trạng vượt cấp hay thụ lý nhầm.
Phân loại thẩm quyền dân sự của tòa án nhân dân các cấp (ảnh 1)

3. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của các bên đương sự

Về nguyên tắc việc phân định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ phải được tiến hành dựa trên cơ sở bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án được nhanh chóng, đúng đắn, bảo đảm việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nhưng vẫn đảm bảo Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án thuận lợi nhất cho việc tham gia tố tụng của đương sự, là Tòa án có điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết vụ án. Về căn bản các quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ tại Điều 39 và Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã kế thừa các quy định trước đây. Tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt nhất định.
Ví dụ như quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì theo hướng cụ thể hơn là “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.
Quy định này của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 dường như đã đi theo hướng giới hạn hơn thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản chỉ đối với trường hợp có đối tượng tranh chấp là bất động sản chứ không bao hàm cả trường hợp tranh chấp về quyền tài sản liên quan đến bất động sản.
Quy định này là hợp lý Tòa án nơi có bất động sản là Tòa án có điều kiện thuận lợi hơn cả trong việc tiến hành các biện pháp xác minh, đảm bảo cho việc giải quyết vụ kiện sát với thực tế sự việc như xem xét, thẩm định tại chỗ (xác minh thực địa); tiến hành định giá tài sản; thu thập tài liệu từ cơ quan nhà đất… Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa có một quy định có tính định nghĩa chính thức như thế nào là trường hợp “đối tượng tranh chấp là bất động sản” để khi vận dụng có thể bao quát và xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền đối với các tranh chấp dân sự.
Ngoài ra, điểm b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn…”. Như vậy, quyền tự định đoạt của các đương sự đã được pháp luật đề cao, tôn trọng, theo đó nếu bị đơn đồng ý với nguyên đơn về việc giải quyết vụ án tại Tòa án nguyên đơn cư trú làm việc thì Tòa án đó không được từ chối thụ lý. Tuy nhiên, đối với tranh chấp mà đối tượng tranh chấp là bất động sản thì các bên không được thỏa thuận mà vẫn là Tòa án nơi có bất động sản giải quyết.
Bên cạnh các quy định về xác định thẩm quyền như trên thì để đảm bảo thuận tiện cho nguyên đơn trong việc tham gia tố tụng, tại điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định nguyên đơn, người yêu cầu có thể lựa chọn Tòa án mà không cần sự đồng ý của bị đơn, người yêu cầu. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt cho chủ thể khởi kiện thực hiện việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết cho mình, trao cho họ sự chủ động trong việc lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp trong một số trường hợp nhất định như: Nguyên đơn không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn; tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;…
Việc gửi đơn khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết là một yếu tố rất quan trọng để xem xét việc thụ lý vụ án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, nếu gửi đơn khởi kiện đến sai Tòa án có thẩm quyền xét xử theo cấp hay theo lãnh thổ thì sẽ phải chuyển đơn khởi kiện sang đúng Tòa án có thẩm quyền. Do đó, để tránh mất thời gian, công sức người khởi kiện phải hết sức chú ý đến vấn đề này để đảm bảo đơn khởi kiện của mình có thể được thụ lý nhanh chóng.

1 362 11/12/2023