FDI là gì? Hoạt động đầu tư của FDI? Nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI

FDI là một thuật ngữ thường được rất nhiều người sử dụng trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Vậy các bạn có bao giờ thắc mắc FDI là gì hay không? Nó có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!

1 155 24/04/2024


FDI là gì? Hoạt động đầu tư của FDI? Nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI

1. FDI là gì?

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

FDI là viết tắt của cụm từ Foreign Direct Investment.

(Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)

2. Đặc điểm của FDI

Một số đặc điểm đặc trưng của FDI:

  • Lợi nhuận: Phần này sẽ là mục đích chính mà FDI muốn đem lại, ở bất kỳ hình thức nào liên quan đến đầu tư, mục đích sẽ là tối đa hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư.
  • Cơ sở tính lợi nhuận từ FDI là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được đầu tư. Bởi vì, FDI mục đích là lợi nhuận, bất kỳ một doanh nghiệp nào khi đầu tư đều muốn đem lại lợi nhuận cao.
  • Sự tham gia của các nhà đầu tư: Việc có được can thiệp vào việc tham gia hoặc điều hành các hoạt động của công ty là điều các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đưa tiền đầu tư vào doanh nghiệp đó hay không.

3. Hoạt động đầu tư của FDI

Hiện nay, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư 2020 như sau:

- Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác;

Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác;

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

+ Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

+ Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

- Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác;

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC (Hợp đồng hợp tác kinh doanh)

- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.

4. Thành lập tổ chức doanh nghiệp FDI

Căn cứ Điều 63 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về thành lập tổ chức FDI như sau:

- Trừ trường hợp quy định tại Điều 67 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục sau:

+ Trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

+ Trường hợp nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

Về hồ sơ, trình tự, thủ tục

Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

- Vốn điều lệ của tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án đầu tư không nhất thiết phải bằng vốn đầu tư của dự án đầu tư.

Tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập thực hiện góp vốn và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

5. Điều kiện, nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn của doanh nghiệp FDI

Tại Điều 65 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện, nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp FDI như sau:

- Nhà đầu tư trong nước đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam thực hiện theo các điều kiện, thủ tục quy định tại Luật Doanh nghiệp và pháp luật tương ứng đối với từng loại hình tổ chức kinh tế.

- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trên thị trường chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

- Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải tuân thủ điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan khi thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác.

- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư, gồm:

+ Các điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Đầu tư và các Điều 15, 16 và 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

+ Điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh và điều kiện sử dụng đất đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong trường hợp tổ chức kinh tế đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển;

Khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trừ tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được thành lập theo quy định của Chính phủ.

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài nhận cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam thông qua hợp đồng trao đổi, tặng cho, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc thừa kế phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 65 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và thực hiện thủ tục theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

6. Vai trò của FDI trong việc phát triển kinh tế

Phát triển kinh tế

FDI giúp tăng cường nguồn vốn đầu tư, cải thiện công nghệ, tạo việc làm và thúc đẩy xuất khẩu, từ đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia. Sự đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng giúp mở rộng quy mô hoạt động của các doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này có thể tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tạo điều kiện giao thương

Mỗi quốc gia có mức thuế nhập khẩu khác nhau, điều này khiến hoạt động giao thương trở nên khó khăn hơn. Có FDI, các khía cạnh thương mại quốc tế có thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, bởi nhiều lĩnh vực kinh tế yêu cầu sự hiện diện của nhà sản xuất quốc tế nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu.

Tạo việc làm cho người dân

Các doanh nghiệp FDI thường có quy mô hoạt động lớn và có nhu cầu sử dụng lực lượng lao động để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào một quốc gia mới, họ cần xây dựng và trang bị các nhà máy, văn phòng, nhà kho và các cơ sở hạ tầng khác. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu về lao động để thực hiện các công việc này.

Đồng thời, khi thu nhập tăng lên, sức mua của người dân địa phương cũng tăng theo, giúp thúc đẩy tổng thể mục tiêu kinh tế của một quốc gia.

Tạo ra nguồn thuế trực tiếp

FDI thường phải trả thuế trực tiếp cho chính phủ, bao gồm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác. Các nguồn thuế này đóng góp vào nguồn thuế của quốc gia nhận đầu tư.

Phát triển nguồn nhân lực

Doanh nghiệp FDI thường đưa vào quốc gia nhận đầu tư các công nghệ hiện đại và phương pháp quản lý tiên tiến, từ đó giúp cải thiện năng lực sản xuất và cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Điều này tạo ra cơ hội cho người lao động trong nước học hỏi và tiếp cận với các công nghệ, phương pháp quản lý mới, từ đó giúp phát triển nguồn nhân lực mạnh mẽ.

Chuyển giao tài nguyên

Thông qua quá trình đầu tư, các doanh nghiệp FDI có thể chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật, quy trình sản xuất và các tài nguyên khác từ quốc gia đầu tư sang quốc gia thu hút đầu tư.

Điều này có thể giúp các quốc gia nhận đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các sản phẩm/ dịch vụ có giá trị cao hơn. Thông qua quá trình chuyển giao tài nguyên, các quốc gia nhận đầu tư có thể học hỏi và áp dụng các công nghệ, phương pháp quản lý hiện đại, tăng cường hiệu suất công việc.

Tăng thu nhập của một quốc gia

Vai trò của FDI bao gồm việc gia tăng thu nhập của nước thu hút đầu tư. Với cơ hội việc làm nhiều hơn, mức lương cao hơn, thu nhập quốc gia tăng, điều này góp phần lớn vào việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

7. Phân biệt giữa hình thức đầu tư FDI và FPI

Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) và Đầu tư Cổ phần Nước ngoài (FPI) đều là các hình thức đầu tư quốc tế, nhưng có những khác biệt đáng kể:

  • FDI: Đặc trưng bởi sự đầu tư dài hạn, thường liên quan đến việc mua hoặc xây dựng tài sản cố định và tham gia vào quản lý doanh nghiệp. FDI thường có ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương, như tạo việc làm và chuyển giao công nghệ.

  • FPI: Đây là hình thức đầu tư ngắn hạn, chủ yếu vào cổ phiếu, trái phiếu, hoặc các công cụ tài chính khác. FPI không liên quan đến quyền kiểm soát doanh nghiệp và thường ít ảnh hưởng đến kinh tế thực so với FDI.

Bảng phân biệt giữa FDI và FPI với các yếu tố:

Tiêu Chí

FDI (Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài)

FPI (Đầu tư Cổ phần Nước ngoài)

Mục đích

Đầu tư vào tài sản cố định và quản lý doanh nghiệp

Đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, và các công cụ tài chính khác

Thời gian đầu tư

Dài hạn (thường nhiều năm)

Ngắn hạn (thường dưới 1 năm)

Mức độ ảnh hưởng

Cao, thường đi kèm với quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng đáng kể đến quản lý

Thấp, không có quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến quản lý

Rủi ro và Lợi nhuận

Cao hơn do đầu tư dài hạn và sâu rộng

Thấp hơn do tính thanh khoản cao và dễ dàng chuyển nhượng

Tác động kinh tế

Thường tạo ra việc làm, chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng

Tác động ít hơn đến nền kinh tế thực, chủ yếu ảnh hưởng đến thị trường tài chính

Quy mô đầu tư

Lớn, đòi hỏi đầu tư và cam kết lớn

Nhỏ hơn, có thể thực hiện thông qua mua bán cổ phiếu,trái phiếu

8.Thách thức của FDI hiện nay

  • Đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường chính trị mới, xung đột vũ trang, những tranh chấp nội bộ, mâu thuẫn về tư duy truyền thống,...

  • Nếu doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, sẽ có lỗ hổng về khoản đầu tư trong nước. Gây khó khăn cho việc tìm nguồn vốn để phát triển, giải quyết vấn đề việc làm trong nước, điều này có thể gây suy thoái kinh tế

  • Sự thay đổi liên tục về các luồng vốn khi có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, dẫn đến việc cán cân kinh tế phải di chuyển theo.

Những tác động tích cực hay tiêu cực của FDI đều ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới môi trường sinh thái cũng như đời sống của người dân. Đối với các nước nhỏ hơn hoặc đang phát triển, FDI có thể là một nguồn vốn đáng kể trong tổng GDP. Do đó, cần có những chính sách phù hợp, đàm phán tích cực và sẵn sàng hợp tác nếu có cơ hội, đồng thời đảm bảo các hoạt động kinh doanh diễn ra tuân thủ theo quy định của Pháp luật.

1 155 24/04/2024