Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Đặc điểm - Phân loại, xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào?

Đơn vị sự nghiệp công lập chính là các tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật có tư cách pháp nhân. Vậy, đặc điểm của đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

1 305 19/12/2023


Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Đặc điểm - Phân loại, xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào?

1. Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Ví dụ cụ thể

Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Đặc điểm - Phân loại, xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào? (ảnh 1)

Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân và cung cấp các dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước (định nghĩa được nêu tại khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức năm 2010).

Ngoài đơn vị sự nghiệp công lập trong nước thì khoản 1 Điều 3 Nghị định 120/2020/NĐ-CP còn định nghĩa về đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài.

Theo đó, đây là cơ quan thuộc Bộ, ngang Bộ hoặc thuộc cơ quan của Chính phủ do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và đặt trụ sở ở nước ngoài.

Trong đó, để được coi là có tư cách pháp nhân, tổ chức, đơn vị cần phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015:

+ Được thành lập theo đúng quy định của pháp luật;

+ Có cơ cấu tổ chức: Có cơ quan điều hành và các cơ quan khác.

+ Có tài sản độc lập với cá nhân hoặc pháp nhân khác;

+ Tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

+ Được nhân danh mình một cách độc lập khi tham gia các quan hệ pháp luật…

Có thể lấy ví dụ cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập là trường Đại học Luật Hà Nội. Đây là cơ sở đào tạo bậc đại học, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp.

Cụ thể tại Điều 1 Quyết định 1902/QĐ-TTg, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp gồm: Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà Xuất bản Tư pháp, trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, trường Trung cấp Luật Vị Thanh; trường Trung cấp Luật Thái Nguyên; trường Trung cấp Luật Đồng Hới; trường Trung cấp Luật Tây Bắc.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm những loại hình nào?

Tại khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức năm 2010, đơn vị sự nghiệp công lập gồm các loại hình sau đây:

- Được giao quyền tự chủ: Là đơn vị được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.

- Chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn: Ngược lại với loại hình ở trên, đơn vị sự nghiệp công trong trường hợp này chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.

Riêng về mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Điều 9 Nghị định 60/2021/NĐ-CP chia thành các nhóm sau đây:

+ Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

+ Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.

+ Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

+ Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Đây là đơn vị có mức tự bảo đảm chi phí hoạt đồng thường xuyên dưới 10% hoặc không có nguồn thu sự nghiệp.

3. Danh sách đơn vị sự nghiệp công nghiệp

Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể danh sách đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cấp trung ương. Với từng địa phương khác nhau, căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội, văn hoá để xác định các đơn vị sự nghiệp công lập khác nhau.

Có thể ví dụ như đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện. Thông thường tại cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Đài truyền thanh, truyền hình huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, trung tâm phát triển quỹ đất, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm dịch vụ đôi thị, trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, thư viện, trung tâm văn hoá - thể thao huyện…

Tuỳ vào từng điều kiện của từng địa phương mà có huyện sẽ có đầy đủ các đơn vị sự nghiệp nêu trên, có huyện sẽ không có đầy đủ các đơn vị sự nghiệp công lập nêu trên.

4. Xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào?

Việc xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg. Theo đó, việc xếp hạng thực hiện như sau:

- Thời hạn xếp lại hạng: 05 năm kể từ ngày có quyết định xép hạng lần trước. Ngoài ra, có thể rút ngắn thời gian và được xếp lại vào hạng liền kề trong trường hợp đặc biệt và đơn vị sự nghiệp công lập liên tục bảo đảm đạt tiêu chí cao hơn.

- Nhóm tiêu chí xếp hạng:

+ Nhóm tiêu chí về quy mô tổ chức, khối lượng công việc;

+ Nhóm tiêu chí về cơ cấu, trình độ lao động và độ phức tạp quản lý;

+ Nhóm tiêu chí về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ, phương tiện làm việc;

+ Nhóm tiêu chí về hiệu quả sử dụng các nguồn lực, kết quả hoạt động có thu và mức độ đáp ứng nhu cầu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; phát huy vai trò, tác dụng thực tế.

- Gồm 11 hạng: Hạng đặc biệt, hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn, hạng năm, hạng sáu, hạng bảy, hạng tám, hạng chín, hạng mười.

5. Hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thế nào?

Sau khi nắm rõ định nghĩa đơn vị sự nghiệp công lập là gì, bài viết sẽ trình bày cụ thể về hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể căn cứ Nghị định 120/2020/NĐ-CP:

5.1 Nguyên tắc thành lập, tổ chức lại, giải thể

- Đảm bảo đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

- Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại.

- Khi được thành lập mới, đơn vị sự nghiệp công lập phải tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trừ trường hợp thành lập để cung ứng dịch vụ sự nghẹp công cơ bản, thiết yếu. Riêng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư thì phải đảm bảo hai tiêu chí này.

- Giải thể hoặc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả nhưng không được làm tăng số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã cấp, đảm bảo đúng số lượng cấp phó và thực hiện tinh giản biên chế.

5.2 Quỹ lương

Về chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công, theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, sẽ tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, khoản đóng góp theo tiền lương, phụ cấp lương theo chế độ với đơn vị sự nghiệp công hoặc theo lương căn cứ vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, các khoản đóng góp; định mức lao động.

Ngoài ra, khi chế độ tiền lương thực hiện sau khi cải cách tiền lương được áp dụng, việc xây dựng quỹ lương phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tiền lương để chi trả cho viên chức và người lao động.

Cụ thể:

- Đơn vị tự bảo đảm 70% đến dưới 100% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,5 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị;

- Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên: Được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,3 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị.

5.3 Cơ cấu quản lý hoạt động

Về việc tổ chức bộ máy trong đơn vị sự nghiệp công lập, Điều 6 Nghị định 120 nêu rõ:

- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư: Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị thuộc và trực thuộc theo Đề án tựu chủ đã được phê duyệt, đảm bảo phù hợp chức năng, nhiệm vụ, tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn.

- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền khi đáp ứng tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn (với đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành) và xây dựng phương án sắp xếp lại (đơn vị cấu thành).

- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Phải xây dựng phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

5.4 Mức tự chủ tài chính

Mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được phân thành:

- Tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (mức tự chủ tài chính bằng hoặc lớn hơn 100%);

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên: Tự chủ tài chính bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư.

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: Mức tự chủ tài chính từ 10% đến dưới 100%.

- Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Mức tự chủ tài chính dưới 10%.

Đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Đặc điểm - Phân loại, xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào? (ảnh 1)

5.5 Có bắt buộc phải cổ phần hoá không?

Việc cổ phần hoá đơn vị sự nghiệp công lập là một cách để xã hội hoá cung cấp dịch vụ công nhằm đưa đến cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất. Đồng thời, tại các văn bản về việc cổ phần hoá đơn vị sự nghiệp công lập cũng không có yêu cầu bắt buộc phải thực hiện điều này.

Tuy nhiên, có thể thấy, đây là một trong những mục tiêu thiết yếu, nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị đưa ra tai Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017.

Để được cổ phần hoá, các đơn vị sự nghiệp công lập bắt buộc phải đáp ứng được các điều kiện nêu tại Điều 4 Nghị định 150 sau đây:

- Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm chuyển đổi.

- Sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập thì còn vốn nhà nước.

- Nằm trong danh mục các ngành, lĩnh vực thực hiện cổ phần hoá do Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng không bao gồm các ngành, lĩnh vực pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện cổ phần hoá.

- Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt.

Do đó, có thể thấy, việc chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần là không bắt buộc mà nó còn phụ thuộc vào việc đơn vị sự nghiệp đó có đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyển đổi theo quy định nêu trên không.

6. Đơn vị sự nghiệp công lập khác gì với ngoài công lập?

Bên cạnh đơn vị sự nghiệp công lập thì còn tồn tại một loại hình nữa là đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Vậy đơn vị sự nghiệp ngoài công lập khác với đơn vị sự nghiệp công lập là gì? Cùng theo dõi bảng so sánh dưới đây:

Tiêu chí

Đơn vị sự nghiệp công lập

Đơn vị sự nghiệp

ngoài công lập

Định nghĩa

Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.

Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập là tổ chức sự nghiệp không thuộc khu vực nhà nước mà do các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân… thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Đặc điểm

- Là đơn vị thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.

- Được nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hoặc có thể được hỗ trợ ngân sách

- Hoạt động theo chế độ thủ trưởng, có Hội đồng quản lý

Là đơn vị không thuộc cơ quan Nhà nước, thành lập theo mô hình doanh nghiệp

Ví dụ

- Đài truyền hình và truyền thanh

- Bệnh viện 115

- Trường đại học Luật Hà Nội…

- Bệnh viện tư

- Trường học tư

- Bảo tàng tư…

Người làm việc

- Là viên chức, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước

- Được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm theo hợp đồng làm việc

- Là người lao động, hưởng lương theo thoả thuận ghi trong hợp đồng lao động

- Tuyển dụng theo nhu cầu, làm việc theo hợp đồng lao động

7. Hướng dẫn chi thu nhập tăng thêm tại đơn vị sự nghiệp công lập

Quy định về thu nhập tăng thêm tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định chi tiết tại Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC. Cụ thể, tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương thường xuyên và trước hạn của đơn vị sự nghiệp công lập được tính theo cơ sở quỹ tiền lương, tiền công.

Căn cứ dự toán thu, chi của năm cùng kết quả hoạt động tài chính của quý trước, đơn vị sự nghiệp công lập trích không quá 70% số chênh lệch thu lớn hơn chi xác định theo quý để tạm trích quỹ bổ sung thu nhập, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi hàng quý.

Trong đó, trước ngày 31/01 năm sau khi kết thúc năm ngân sách, đơn vị tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ và trích vào các quỹ trên.

Nếu đơn vị đã tạm trích các quỹ thấp hơn số được trích lập thì tiếp tục trich bổ sung để chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động hoặc dự phòng chi bổ sung thu nhập cho năm sau.

Nếu đơn vị tạm trích các quỹ vượt quá số được trích lập thì phải trừ số đã trích vượt vào nguồn quỹ bổ sung thu nhâp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của năm trước còn dư. Nếu vẫn thiếu thì trừ vào nguồn các quỹ trên của năm sau hoặc trừ vào quỹ tiền lương năm sau.

Sau khi quyết toán năm, nếu số chêch lệch thu lớn hơn chi thực tế cao hơn số đã tự xác định thì tiếp tục trích lập các quỹ và chi trả thu nhập tăng thêm…

1 305 19/12/2023