Giao dịch dân sự là gì? Nội dung & Mục đích của Giao dịch dân sự

Chắc hẳn chúng ta thường nghe đến giao dịch dân sự nhưng không phải ai cũng biết giao dịch dân sự là gì? Bài viết dưới đây của Vietjack.me sẽ giải đáp chi tiết về vấn đề này.

1 285 21/03/2024


Giao dịch dân sự là gì? Nội dung & Mục đích của Giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự là gì?

Giao dịch dân sự là gì? Nội dung & Mục đích của Giao dịch dân sự  (ảnh 1)

Giao dịch dân sự là khái niệm được định nghĩa tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, giao dịch dân sự gồm có hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương, là căn cứ để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Trong đó:

  • Hợp đồng được hiểu là căn cứ dùng để ghi nhận lại sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Có thể ví dụ hợp đồng là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán ô tô, hợp đồng hợp tác kinh doanh…
  • Hành vi pháp lý đơn phương là hành vi của một phía cá nhân nhằm thay đổi, bắt đầu hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, có thể kể đến giấy ủy quyền, lập di chúc, hứa thưởng…

Trong đó, hình thức của giao dịch dân sự có thể thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản (bao gồm giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử) hoặc bằng hành vi cụ thể.

Lưu ý: Nếu hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện để giao dịch đó có hiệu lực thì phải tuân theo quy định đó. Ví dụ như một số trường hợp yêu cầu giao dịch phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực thì các bên tham gia giao dịch dân sự phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng đó.

2. Hình thức của giao dịch dân sự

Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015, các hình thức của giao dịch dân sự bao gồm:

- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

- Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

- Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

3. Giao dịch dân sự có hiệu lực trong trường hợp nào?

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, giao dịch dân sự chỉ được coi là có hiệu lực nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây:

3.1. Về chủ thể

- Những cá nhân, tổ chức giao kết giao dịch dân sự phải là chủ thể có năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự phù hợp với giao dịch mà mình xác lập.

Ví dụ: Giao dịch dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được thực hiện thông qua người giám hộ hoặc khi các bên giao kết hợp đồng mua bán nhà, đất thì các bên là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…

- Các đối tượng tham gia trong giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và sự tự nguyện, công bằng… của cá nhân, tổ chức trong giao kết, thực hiện giao dịch dân sự.

Ví dụ: Trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tinh thần và sự tự nguyện, không bị đe dọa, cưỡng ép hay lừa dối khi lập di chúc (theo điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015)…

3.2. Về mục đích, nội dung giao dịch dân sự

- Không vi phạm điều cấm của luật. Tức là, giao dịch đó phải thực hiện theo những gì pháp luật không cấm, không cho phép chủ thể thực hiện. Ví dụ: Pháp luật Việt Nam cấm cá nhân, tổ chức buôn lậu. Do đó, các bên không thể thỏa thuận ký kết hợp đồng mua bán tài sản để phục vụ cho việc buôn lậu…

- Không trái đạo đức xã hội. Những quy tắc, quy chuẩn đạo đức xã hội thường được áp dụng trong một cộng đồng dân cư hoặc trong cả xã hội. Do đó, các thỏa thuận trong giao dịch dân sự không được vi phạm điều đó.

Có thể kể đến ví dụ như: Anh A vay anh B 01 triệu đồng nhưng không có khả năng trả nợ. Anh A đưa ra đề nghị, anh B phải cùng với anh A cô lập anh C vì anh A ghét anh C thì khi đó anh A sẽ xóa nợ cho anh B. Đây là giao dịch dân sự vi phạm đạo đức xã hội.

Ngoài ra, còn một số hành vi vi phạm đạo đức xã hội như kỳ thị người khác, gian lận, phân biệt đối xử… Đặc biệt, hành vi vi phạm đạo đức xã hội có thể đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật.

3.3. Về hình thức của giao dịch dân sự

Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự nêu rõ, ngoài những điều kiện nêu trên, nếu pháp luật có quy định hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.

Ví dụ: Khi cá nhân, tổ chức muốn mua bán nhà, đất với nhau thì hợp đồng mua bán bắt buộc phải được lập thành văn bản và phải có công chứng hoặc chứng thực. Do đó, các bên trong giao dịch dân sự này bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện này.

Giao dịch dân sự là gì? Nội dung & Mục đích của Giao dịch dân sự  (ảnh 1)

4. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu

Có 07 trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu như sau:

- Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. (Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015)

- Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo. (Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015)

- Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện. (Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015)

- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn. (Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015)

- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. (Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015)

- Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. (Điều 128 Bộ luật Dân sự 2015)

- Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. (Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015)

5. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

Căn cứ theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định.

6. Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

- Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 Bộ luật Dân sự 2015 là 02 năm, kể từ ngày:

+ Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

+ Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

+ Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

+ Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

+ Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

- Hết thời hiệu quy định trên mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.

- Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

1 285 21/03/2024