Văn bản pháp luật là gì? Có những loại văn bản pháp luật nào? Vai trò của văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật đề ra nhằm mục đích để đảm bảo sự tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật của các đối tượng. Tuân thủ theo quy định của pháp luật là điều bắt buôc đối với mỗi cá nhân. Cùng tìm hiểu xem văn bản pháp luật là gì? Có những loại văn bản pháp luật nào? Vai trò của văn bản pháp luật? So sánh văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật.
Văn bản pháp luật là gì? Có những loại văn bản pháp luật nào? Vai trò của văn bản pháp luật
I. Văn bản pháp luật là gì?
1. Khái niệm văn bản pháp luật
Thuật ngữ "văn bản pháp luật" cũng có một sắc thái ý nghĩa.
Thứ nhất, nó có nghĩa là hoạt động (hành vi). Chẳng hạn như: hoạt động hợp pháp, hoạt động không hợp pháp (ví dụ: văn bản thực hiện pháp luật được thể hiện ở việc không tuân theo điều cấm, ở việc không thực hiện hoặc việc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, ở việc lạm quyền). Khái quát lại, những hoạt động như vậy được gọi là các sự kiện pháp lý kéo theo những hậu quả pháp lý tương ứng. Do đó, tốt nhất nên gọi các văn bản pháp lý thê’ hiện hành vi hợp pháp được thực hiện với dự định tạo ra (thay đổi, chấm dứt) các quan hệ pháp luật một cách cụ thể là "các văn bản hợp pháp".
Thứ hai, các văn bản pháp luật bao gồm cả các kết quả của các hoạt động hợp pháp, lẫn các kết quả của các hoạt động trái pháp luật. Đối vói các kết quả của các hoạt động hợp pháp được thể hiện trong những yếu tố nội dung có ý nghĩa về mặt pháp lý của hệ thống pháp luật, đó là về các quy phạm pháp luật được thể hiện trong các đạo luật và các văn bản dưới luật; về các quy định cá biệt được thể hiện trong các văn bản áp dụng pháp luật; về các bản hợp đồng, các bản thỏa thuận và các văn bản điều chỉnh khác do các chủ thể kinh doanh khác nhau và công dân ký kết, v.v. (hợp đồng mua bán, văn bản tặng, cho, v.v..). Tuy vậy, trong đời sống pháp luật có không ít kết quả của các hoạt động vi phạm pháp luật một cách công khai, đó là các quy định vi phạm hiến pháp trong các luật của Quốc hội, pháp lệnh của ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành, V.V.; nhiều quy định cá biệt trái luật của những người có chức vụ, quyền hạn (ví dụ: quyết định bổ nhiệm trái pháp luật, quyết định buộc thôi việc trái pháp luật); các hợp đồng vi phạm pháp luật. Các kết quả của cả các hoạt động hợp pháp, lẫn của các hoạt động trái pháp luật "được đưa" vào hiện thực pháp luật do có hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động áp dụng pháp luật cá biệt khác nhau của các chủ thể.
Thứ ba, có thể hiểu văn bản pháp luật là cả các tài liệu pháp lý, tức là sự thể hiện bên ngoài của ý chí được diễn đạt bằng từ ngữ và bằng tài liệu, sự thể hiện việc ghi nhận hành vi hợp pháp hoặc hành vi vi phạm pháp luật và kết quả tương ứng. Văn bản - tài liệu hợp pháp - là sự thê’ hiện bên ngoài bằng văn bản ý chí của nhà nước, của các cơ quan nhà nước, của những người có thẩm quyền cụ thể, sự thê’ hiện với tư cách là người thê’ hiện các yếu tố nội dung của hệ thống pháp luật - các quy phạm pháp luật, các luận điểm pháp luật, các quy định cá biệt, các quyết định khác của những người có thẩm quyền.
2. Đặc điểm văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật có những đặc điểm cơ bản sau đây:
2.1. Văn bản pháp luật do những chủ thể có thẩm quyền ban hành
Ở Viêt Nam những chủ thể có thẩm quyền của cơ quan nhà nước bao gồm: Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Các cơ quan nhà nước chỉ được ban hành văn bản pháp luật trong phạm vi, lĩnh vực do mình quản lý mà pháp luật quy định. Ngoài ra, pháp luật còn quy định cho một số chủ thể khác cũng có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật như: Người đứng đầu các cơ quan nhà nước, thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc các cơ quan nhà nước,…
Những VBPL mà được ban hành bởi chủ thể không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thẩm quyền ban hành thì không có hiệu lực pháp luật.
2.2. Văn bản pháp luật có hình thức do pháp luật quy định
Hình thức văn bản pháp luật bao gồm hai yếu tố cấu thành là tên gọi và thể thức của văn bản.
– Về tên gọi: Hiện nay pháp luật quy định rất nhiều loại văn bản pháp luật có tên gọi khác nhau như: Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, thông tư,…
– Về thể thức: VBPL là quy định cách trình bày văn bản theo một khuôn mẫu, kết cấu nhất định, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa hình thức với nội dung và đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước.
2.3. Văn bản pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục nhất định
– VBPL được ban hành theo thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật khiếu nại, tố cáo,…Với mỗi VBPL cụ thể thì có các quy định về thủ tục riêng nhưng nhìn chung đều bao gồm những hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ có vai trò trợ giúp cho người soạn thảo, tạo cơ chế trong việc phối hợp, kiểm tra giám sát của những cơ quan có thẩm quyền đối với việc ban hành VBPL.
2.4. Văn bản pháp luật chứa đựng ý chí của chủ thể
Nội dung của VBPL chứa đựng ý chí của chủ thể ban hành. Ý chí được biểu hiện qua hai hình thức đó là qua các quy phạm pháp luật thì bao gồm cấm, cho phép, bắt buộc hoặc qua những mệnh lệnh của chủ thể là người có thẩm quyền.
2.5. Văn bản pháp luật mang tính bắt buộc và được nhà nước đảm bảo thực hiện
Nhà nước có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như: tuyên truyền, giáo dục hoặc cưỡng chế. Nếu các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung của văn bản pháp luật thì phải chịu trách nhiệm pháp lý trước nhà nước.
3. Phân loại văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật gồm 03 nhóm như sau: Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính.
3.1. Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Văn bản quy phạm pháp luật có chứa đựng các quy phạm pháp luật được áp dụng nhiều lần trong thực tiễn, là cơ sở để ban hành ra các văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính.
Ví dụ: Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc Hội,Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ,…
3.2. Văn bản áp dụng pháp luật
Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản do những chủ thể có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục quy định, có chứa đựng những mệnh lệnh cá biệt, áp dụng một lần trong một trường hợp cụ thể.
Khác với văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật chứa đựng quy tắc xử sự cụ thể, áp dụng cho một chủ thể xác định và được abn hành trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật.
Ví dụ: Quyết định bổ nhiệm, quyết định khen thưởng, Quyết định trao tặng bằng khen cho Đơn vị A, Quyết định bãi nhiệm Ông B đang giữ chức vụ…
3.3. Văn bản hành chính
Văn bản hành chính là những văn bản được ban hành nhằm triểm khai thực hiện văn bản pháp luật của cấp trên đối với cấp dưới trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Văn bản hành chính không quy định cụ thể về tên gọi, thẩm quyền, nội dung.
Ví dụ: Quyết định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ.
II. Hình thức văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật không chỉ được thể hiện dưới dạng tài liệu mà còn dưới hình thức bằng lời nói. Chẳng hạn, các loại hợp đồng cụ thể khác nhau, các mệnh lệnh và các chỉ thị bằng lời nói của những người có chức vụ, quyền hạn là những ví dụ cho hình thức văn bản bằng lời nói. Những hoạt động như vậy cũng có thể bắt nguồn từ cử chỉ đơn giản hoặc dấu hiệu nào đó, đôi khi dựa trên sự biểu hiện im lặng hoặc sự biểu hiện không rõ ràng ý chí của các bên.
Có những hợp đồng được ký kết bằng lời nói hoặc bằng điện thoại; các quyết định một bên bằng lời nói đôi khi do các cán bộ, công chức hành chính đưa ra; cái gật đầu khẳng định một cách đơn giản trong phòng đấu thầu có ý nghĩa đồng ý vói giá cả đã được đưa ra; tín hiệu màu xanh hoặc màu đỏ của bảng đèn hiệu là quyết định hành chính cho phép tiếp tục chuyển động hoặc tín hiệu bắt buộc tạm dừng, V.V.. Trong nhiều trường hợp, thực tiễn xét xử, trật tự đặc biệt thừa nhận sự im lặng thông thường có ý nghĩa pháp lý nhất định.
III. Vai trò các văn bản pháp luật
Các văn bản pháp luật là yếu tố cấu thành hệ thống rất quan trọng của tất cả các hiện tượng pháp luật.
Công việc liên quan với các văn bản pháp luật là công việc không được tiến hành một cách tự phát, bị động. Công việc đó có tính trật tự và tính nhịp nhàng nhờ có tính định hướng chặt chẽ, rõ ràng đến việc đạt được các mục tiêu sau đây: Văn bản được xây dựng như thế nào? Tìm kiếm được văn bản bằng cách nào? Hiểu văn bản như thế nào? Áp dụng văn bản như thế nào? Bảo vệ văn bản như thế nào?.
Văn bản pháp luật nói riêng và pháp luật nói chung, nó có vai trò sau:
- Là phương tiện để nhà nước quản lý xã hội:
Không có pháp luật, xã hội sẽ không có trật tự, ổn định, không thể tồn tại và phát triển được.
Nhờ có pháp luật, nhà nước phát huy được quyền lực của mình và kiểm tra, kiểm soát được các hoạt động cá nhân, tổ chức.
Pháp luật sẽ bảo đảm dân chủ, công bằng, phù hợp lợi ích chung của các giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau.
Pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hê xã hội một cách thống nhất trong toàn quốc và được đảm bảo bằng sức mạnh quyền lực của nhà nước nên hiêu lực thi hành cao.
- Là phương tiện để công dân thưc hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cùa mình:
Hiến pháp quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong từng lĩnh vực cụ thể.
Công dân thực hiên quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Pháp luật là phương tiên để công dân bảo vê quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
IV. Có bao nhiêu loại văn bản pháp luật?
1. Các loại văn bản pháp luật theo quy định
Các loại văn bản pháp luật được quy định tại Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sau:
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
8a. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.”
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Thứ tự sắp xếp các văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Bạn đọc đối chiếu với phần phân tích ở mục 1 nêu trên, có thể thấy rằng Hiến pháp là văn bản có hiệu lực cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam và Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã là văn bản QPPL có hiệu lực thấp nhất.
3. Giá trị pháp lý của các loại văn bản pháp luật được xác định theo thứ tự?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các văn bản được nêu dưới đây theo thứ tự từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất đến thấp nhất, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan ban hành cao hơn thì có giá trị pháp lý cao hơn.
V. Ví dụ văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật ban hành và sửa đổi hàng năm, số lượng văn bản pháp luật rất nhiều chia theo từng lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ:
Bộ luật như: Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật lao động 2019, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
Luật: Luật thương mại, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật cư trú...
Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP
Quyết định số 36/2021/QĐ-UBND của UBND Tỉnh Bến Tre: Bãi bỏ Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh,...
Như vậy, văn bản pháp luật là những văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức được pháp luật quy định. Các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý theo thứ tự từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất đến thấp nhất, mỗi văn bản được ban hành đều được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, và được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
VI. Phân biệt văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật
Việc phân biệt giữa hai loại hình thức này vô cùng quan trọng để tránh nhầm lẫn và có cái nhìn mơ hồ về luật pháp. Chính bởi vì tính quan trọng của nó cho nên các cơ quan hoạt động trong bộ máy Nhà nước cần nghiên cứu, nhìn nhận đúng vấn đề nhằm đảm bảo triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ chuyên môn thuận lợi khi giúp việc trong bộ máy.
Từ ý thức đi đến hành động, phân biệt giữa văn bản quy phạm pháp luật với văn bản áp dụng pháp luật nhằm giúp xác định được đâu sẽ là văn bản áp dụng pháp luật khi chúng ta tiếp xúc và sử dụng hệ thống nguồn tài nguyên văn bản quốc gia,
Vậy nhìn từ phương diện lý luận, văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật có ranh giới bởi những yếu tố khác biệt sau:
1. Khác biệt về khái niệm
Văn bản quy phạm pháp luật là loại văn bản chứa quy phạm pháp luật, được ban hành tuân thủ đúng theo những gì pháp luật đã quy định bao gồm việc tuân theo thẩm quyền, trình tự, hình thức, các thủ tục. Về bản chất, quy phạm pháp luật chính là những quy tắc ứng xử chung, có hiệu lực theo tính chất bắt buộc và được áp dụng lặp nhiều lần trong mọi cơ quan cho tới cá nhân trong cả nước. Các quy tắc này đã được quy định bởi cơ quan có thẩm quyền và ban hành, được đảm bảo thực hiện bởi Nhà nước.
Trong khi đó, văn bản áp dụng pháp luật là loại văn bản chứa đựng các quy tắc ứng xử cá biệt, được áp dụng chỉ một lần trong đời sống, đảm bảo thực hiện thông qua sự cưỡng chế của nhà nước.
2. Khác biệt từ phạm vi áp dụng
Văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi áp dụng rộng rãi, dành cho tất cả mọi người nằm trong phạm vi điều chỉnh. Ví dụ như Nhà nước ban hành luật Nghĩa vụ quân sự dành cho đối tượng nam từ 18 đến 27 tuổi chẳng hạn.
Còn phạm vi của văn bản áp dụng luật chỉ có hiệu lực đối với một hoặc một vài đối tượng đã được xác định đích danh cụ thể ở trong văn bản. Chẳng hạn như Quyết định của Viện kiểm sát Nhân dân.
3. Sự khác nhau về thời gian có hiệu lực của văn bản
Với các văn bản quy phạm pháp luật, thời gian hiệu lực sẽ dài hơn, dựa vào mức ổn định trong phạm vi áp dụng cũng như đối tượng được điều chỉnh. Trong khi đó, văn bản áp dụng luật có thời gian hiệu lực ngắn hơn và dựa vào từng vụ việc cụ thể, chẳng hạn như Bảng giá dịch vụ ABC hết hạn vào ngày…
4. Phân biệt văn bản quy phạm luật với văn bản áp dụng luật ở cơ sở ban hành
Cơ sở ban hành của văn bản quy phạm pháp luật là Hiến pháp, các bộ luật và những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi người có thẩm quyền. Có nghĩa rằng, văn bản pháp luật/ quy phạm pháp luật chính là văn bản nguồn ban hành luật.
Với văn bản áp dụng luật, cơ sở của nó chính là một hoặc nhiều văn bản quy phạm pháp luật thậm chí còn dựa vào các văn bản áp dụng luật của người có thẩm quyền ban hành. Do đó, văn bản áp dụng luật thì không phải là văn bản nguồn của luật.
5. Phân biệt qua tên gọi, hình thức, chủ thể ban hành
Trong khi văn bản quy phạm pháp luật có hình thức, các gọi hay chủ thể ban hành được xác định rõ qua 15 loại văn bản do tập thể ban hành (gồm các cá nhân, các tổ chức có thẩm quyền) thì văn bản áp dụng luật chưa được pháp điển hóa, thường được ban hành bởi các cá nhân.
Xem thêm các chương trình khác: