Giấy tờ tùy thân bao gồm những gì? Có thể thay thế giấy tờ tùy thân bằng giấy tờ nào?

Giấy tờ tùy thân là loại giấy tờ quan trọng có vai trò xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người. Vậy giấy tờ tùy thân là gì? Bao gồm những loại giấy tờ nào? Có thể thay thế bằng các loại giấy tờ khác không? Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1 727 17/08/2023


Giấy tờ tùy thân bao gồm những gì? Có thể thay thế giấy tờ tùy thân bằng giấy tờ nào?

I. Giấy tờ tùy thân là gì?

Hiện nay chưa có một văn bản nào quy định về khái niệm Giấy tờ tùy thân tuy nhiên dựa vào tầm quan trọng và phổ biến của nó thì có thể hiểu Giấy tờ tùy thân là vật bất ly thân của công dân, dùng để xác định danh tính và nhận dạng. Phạm vi các loại giấy tờ tùy thân được xác định tùy vào quy định pháp luật của từng quốc gia. Nhưng nhìn chung các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân (hay thẻ căn cước), hộ chiếu, thẻ công dân, thẻ cư trú.... đều được coi là giấy tờ tùy thân. Thông thường, giấy tờ tùy thân là các loại giấy tờ có dán ảnh hợp lệ và có đóng dấu giáp lai lên ảnh tuy nhiên trong một số loại không nhất thiết bắt buộc về chi tiết này.

II. Giấy tờ tùy thân gồm những gì?

Thực tế hiện nay chúng ta thấy có những loại giấy tờ tùy thân phổ biến và quan trọng trong mọi công việc của công dân như: Chứng minh thư nhân dân (CMTND) hoặc Căn cước công dân (CCCD), Hộ chiếu chúng được quy định tại văn văn bản cụ thể như:

- Chứng minh nhân dân: Tại Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định về Chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. CMND có hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt in hoa văn màu xanh trắng nhạt. - Mặt trước: Bên trái, từ trên xuống: Hình Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm).

Từ ngày 01/7/2021, sẽ thu lại Chứng minh nhân dân (CMND) cũ khi làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ căn cước công dân gắn chip.

Cụ thể, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 59/2021/TT-BCA quy định: “Thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân”. Như vậy, từ ngày 01/7/2021, mọi trường hợp đổi từ CMND 9 số, 12 số sang CCCD gắn chip đều sẽ bị thu hồi CMND cũ.

- Căn cước công dân: Cũng như CMND căn cước công dân cũng là một trong các loại giấy tờ chính và quan trọng của công dân VN, bản chất nó giống CMND tuy nhiên nó được đổi mới theo quy định của Luật căn cước công dân năm 2014 có hiệu lực 2016 (Theo quy định Luật Căn cước công dân quy định "thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam".)

Theo Luật căn cước công dân 2014 tại điều 19, người từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân. Về giá trị sử dụng của thẻ thì căn cứ tại khoản 1 Điều 20 Luật căn cước công dân 2014 quy định về giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân:

"Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.”

Mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; Dòng chữ “Căn cước công dân”; Ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; Ngày, tháng, năm hết hạn.

Mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm: Bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; Vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; Ngày, tháng, năm cấp thẻ;  Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Hiện nay đã xuất hiện CCCD gắn chíp thay cho CCCD thông thường và CCCD gắn chip có thể thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế Cụ thể tại Công văn 931/BYT-BH năm 2022 đã hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh bằng Căn cước công dân gắn chíp. Khi đó, người dân có CCCD gắn chíp sẽ được sử dụng thay cho thẻ BHYT giấy, tức khi đi khám chữa bệnh BHYT chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp thay vì phải xuất trình CCCD mã vạch hoặc CMND đi kèm với thẻ BHYT.

"Sử dụng căn cước công dân gắn chíp tạo nhiều thuận tiện cho công dân trong các giao dịch hành chính, dễ dàng sửa đổi thông tin, giúp cơ quan Nhà nước khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý dễ dàng hơn. Đồng thời, CCCD gắn chíp cũng cho thấy một sự đột phá trong quá trình chuyển đổi số".

Thẻ CCCD gắn chip

- Hộ chiếu: Căn cứ theo Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế Chứng minh nhân dân ta có thể hiểu: Hộ chiếu là một giấy thông hành, thường do chính phủ của một quốc gia cấp cho công dân của quốc gia đó, xác nhận danh tính và quốc tịch của người giữ hộ chiếu chủ yếu cho mục đích đi lại quốc tế.

Theo Thông tư 73/2021/TT-BCA, có 03 loại hộ chiếu gồm:

- Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG): Cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước được quy định tại Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh; được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.

- Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV): được cấp cho đối tượng thuộc Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội… được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.

- Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh tím (mẫu HCPT): cấp cho công dân Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều văn bản luật cũng đề cập đến giấy tờ tùy thân trong thành phần hồ sơ của đương sự như Luật Công chứng (điều 40), Bộ luật Lao động (điều 17), Luật Xử phạt vi phạm hành chính (điều 130). Tuy nhiên, tùy trường hợp mà giấy tờ tùy thân bao gồm các loại giấy tờ khác nhau.

Ví dụ: đối với Luật Công chứng thì giấy tờ tùy thân được hiểu theo nghĩa như giấy tờ cá nhân, gồm: Chứng minh nhân dân, kết hôn, khai sinh, sổ hộ khẩu…

Như vậy, có thể hiểu giấy tờ tùy thân là những giấy tờ có giá trị xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người. Nhưng hiện nay chỉ có Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu là được xác định cụ thể là giấy tờ tùy thân.

III. Số giấy tờ tùy thân ở đâu?

Số của Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân in ngay ở mặt trước.

Từ lần đầu tiên được cấp vào năm 1957, Chứng minh nhân dân đã được thay đổi đến 06 lần. Cho đến nay, có 02 loại Chứng minh nhân dân vẫn còn được sử dụng là Chứng minh nhân dân 9 số và Chứng minh nhân dân 12 số.

Đối với số của thẻ Căn cước công dân, đây chính số định danh cá nhân. Theo Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, dãy số này gồm 12 số.

Số của Hộ chiếu được in ở trang đầu tiên hoặc ở góc bên phải, phía trên của trang thứ 2 của cuốn hộ chiếu. Số hộ chiếu chính là một dãy chữ số gồm 8 ký tự, được bắt đầu bằng một chữ cái in hoa trong bảng chữ cái Việt Nam, tiếp theo đó 07 chữ số tự nhiên trong hệ thống bảng chữ số.

IV. Một số câu hỏi liên quan

1. Có thể thay thế giấy tờ tùy thân bằng các giấy tờ khác được không?

Câu trả lời là có - Vì không có sự đồng nhất về khái niệm và cách hiểu về giấy tờ tùy thân nên mỗi lĩnh vực áp dụng những loại giấy tờ tùy thân khác nhau nên nhiều trường hợp, một số loại giấy tờ có thể thay thế Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu như một loại giấy tờ tùy thân phù hợp cho trường hợp đó ví dụ đối với sinh viên có thể dùng thẻ sinh viên trong mỗi kỳ thi hay Giấy phép lái xe; Giấy chứng minh của các lực lượng vũ trang; Thẻ Đảng viên; Thẻ Nhà báo

Tại Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP cũng quy định, người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ sau để chứng minh về nhân thân:

- Giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.

Theo đó, một số giấy tờ có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng được xác định là giấy tờ tùy thân như: Giấy phép lái xe, thẻ Đại biểu Quốc hội, thẻ Đảng viên…

Như vậy, tùy theo từng trường hợp và từng lĩnh vực mà giấy tờ tùy thân có thể là các loại giấy tờ khác, nhưng 03 loại giấy tờ tùy thân chung nhất vẫn là: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân.

2. Loại giấy tờ tùy thân nào được phép dùng trên chuyến bay nội địa?

          Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị trong ngành về một số nội dung liên quan cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không. Và theo quy định tại thông tư số 45/2017/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018 thì công dân Việt Nam đi trên các chuyến bay nội địa có thể sử dụng 14 loại giấy tờ tùy thân như sau:

- Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời

- Thẻ thường trú, thẻ tạm trú

- Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân

- Giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang

 - Thẻ Đại biểu Quốc hội

- Thẻ đảng viên

- Thẻ nhà báo

- Giấy phép lái xe ô tô, giấy phép lái mô tô

- Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay

- Thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia

 - Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam

- Giấy khai sinh (nếu trẻ em dưới 14 tuổi) hoặc giấy chứng sinh (nếu em bé chưa có giấy khai sinh)

Ngoài ra, còn có hai loại giấy tờ không phổ biến khác đó là giấy xác nhận nhân thân được cấp bởi công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú. Và giấy của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án. Cả hai loại giấy tờ này sẽ phải được dán ảnh và đóng dấu giáp lai. Tuy nhiên hành khách nên lưu ý loại giấy tờ chứng nhận này chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 30 ngày kể từ khi xác nhận.

Đặc biệt nếu hành khách dưới 14 tuổi muốn đi máy bay mà không có hộ chiếu riêng hoặc kèm hộ chiếu của cha mẹ trên các chuyến bay nội địa thì cần phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:

- Giấy khai sinh; trường hợp dưới 01 tháng tuổi chưa có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh (không quá 2 tháng vẫn có thể xin bay được).

- Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng, chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xác nhận.

Nếu bạn đi cùng trẻ nhỏ dưới 14 cần phải có giấy khai sinh

3. Dùng giấy tờ tùy thân giả bị phạt thế nào?

Hành vi sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả sẽ bị phạt hành chính từ 04 - 06 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trường hợp sử dụng hộ chiếu giả thì bị phạt hành chính từ 05 - 10 triệu đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

4. Có được cầm cố giấy tờ cá nhân, giấy tờ tùy thân không?

Thứ nhất, về cầm cố tài sản, Điều 309 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”.

Theo đó, giữa các bên hình thành một giao dịch dân sự, việc cầm cố tài sản là để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên. Bên cầm cố dùng tài sản của mình giao cho bên nhận cầm cố nhằm cam kết thực hiện đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng và những hậu quả phát sinh nếu như bên cầm cố vi phạm thỏa thuận của các bên.

Như vậy, việc cầm cố chỉ áp dụng đối với trường hợp, đối tượng dùng để cầm cố là tài sản của bên cầm cố. Việc xác định đối tượng nào được xem là “tài sản” được làm rõ tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

– Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

– Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Những giấy tờ tùy thân (như Chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe hay bằng tốt nghiệp, Giấy đăng ký kinh doanh, bằng thạc sĩ…) là những giấy tờ có giá trị với bản thân chủ sở hữu những giấy tờ đó nhưng trên thực tế, những giấy tờ này không thể quy đổi thành vật chất, và không có giá trị trên thị trường. Những giấy tờ này được xem như vật của chủ sở hữu. Vì vậy, nó được xem là một tài sản và được phép cầm cố nên cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ có hoạt động cầm cố những giấy tờ đó là hợp pháp.

5. Cầm cố chứng minh thư nhân dân có bị phạt hay không?

Căn cứ dựa trên Nghị định Số: 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.

Tại Điều 9. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân quy định:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân;

c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ chứng minh nhân dân khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân;

c) Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân;

b) Làm giả chứng minh nhân dân;

c) Sử dụng chứng minh nhân dân giả.

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi thế chấp chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2, Khoản 3 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”

Như vậy, Việc cầm cố chứng minh thư nhân dân có thể bị Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi thế chấp chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. và Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

1 727 17/08/2023