Cấu thành tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm? Mặt khách quan của tội phạm là gì?

Cấu thành tội phạm là gì? Yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm những yếu tố nào?  Mặt khách quan của tội phạm là gì? Ý nghĩa nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm ra sao? Cùng tìm hiểu với Vietjack.me nhé!

1 69 lượt xem


Cấu thành tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm? Mặt khách quan của tội phạm là gì?

1. Cấu thành tội phạm là gì?

Cấu thành tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm? Mặt khách quan của tội phạm là gì? (ảnh 1)

Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu cần và đủ, đặc trưng cho tội phạm cụ thể được quy định trong luật.

Trong đó, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

2. Các yếu tố cấu thành tội phạm

Mặc dù mỗi tội phạm có thể khác nhau về tính chất và mức độ thể hiện, nhưng trong tất cả các tội phạm có thể rút ra được bốn yếu tố cấu thành chung nhất mà bất kỳ một tội phạm nào cũng phải có, đó là:

- Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại. Nếu quan hệ xã hội không bị xâm hại thì không có hành vi nguy hiểm cho xã hội và tất yếu không có tội phạm. Do đó, khi đề cập đến tội phạm thì trước tiên cần phải xác định quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ bị xâm hại.

- Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm, bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, hoàn cảnh phạm tội… Thông qua biểu hiện bên ngoài ở mặt khách quan của tội phạm có thể đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm:

+ Hành vi: Hành vi là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả các tội phạm. Hành vi bao gồm hành vi hành động (ví dụ: hành vi của tội giết người, tội cướp tài sản,…) và hành vi không hành động (ví dụ: hành vi của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,…)

+ Hậu quả: Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả tội phạm. Ví dụ, tội hiếp dâm thì hậu quả không phải là dấu hiệu định tội, tội vứt bỏ con mới đẻ thì hậu quả là dấu hiệu định tội.

+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm.

- Mặt chủ quan của tội phạm: Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm được phản ánh qua hình thức động cơ, mục đích của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm:

+ Lỗi: Lỗi là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả các tội phạm. Lỗi bao gồm:

Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Lỗi vô ý vì quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

- Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội (chủ thể của tội phạm) phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định mà Bộ luật hình sự quy định đối với mỗi loại tội phạm.

3. Mặt khách quan của tội phạm là gì?

Cấu thành tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm? Mặt khách quan của tội phạm là gì? (ảnh 1)

Tội phạm nào khi xảy ra cũng đều có những biểu hiện diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài mà chúng ta có thể nhận biết được. Đó là:

- Hành vi khách quan có tính gây thiệt hại cho xã hội (có thể được gọi tắt là hành vi khách quan);

- Hậu quả thiệt hại cho xã hội (có thể được gọi tắt là hậu quả thiệt hại hoặc được gọi là hậu quả của tội phạm) do hành vi khách quan gây ra; và

- Các điều kiện bên ngoài gắn liền với hành vi khách quan như công cụ, phương tiện, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội...

Tổng hợp những biểu hiện trên tạo thành mặt khách quan của tội phạm. Như vậy, mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.

Trong cấu thành tội phạm, không phải tất cả các biểu hiện của mặt khách quan đều được phản ánh là dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Hành vi khách quan là dấu hiệu được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm cơ bản. Các biểu hiện khác của mặt khách quan chỉ được phản ánh trong những cấu thành tội phạm nhất định, có thể là cấu thành tội phạm cơ bản hoặc cấu thành tội phạm tăng nặng, giảm nhẹ.

Mặt khách quan của tội phạm là một trong bốn yếu tố của tội phạm. Không có mặt khách quan thì cũng không có các yếu tố khác của tội phạm và do vậy cũng không có tội phạm.

4. Những biểu hiện khác trong mặt khách quan của tội phạm

Cấu thành tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm? Mặt khách quan của tội phạm là gì? (ảnh 1)

Công cụ, phương tiện phạm tội: Là những đối tượng vật chất được chủ thể sử dụng để tác động vào đối tượng tác động của tội phạm trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội.
Thủ đoạn phạm tội: Là cách thức thực hiện tội phạm một cách tinh vi khôn khéo, có sự tính toán.
Trong đa số các tội danh trong Bộ luật Hình sự, công cụ, phương tiện phạm tội và phương pháp, thủ đoạn phạm tội là tình tiết định khung tăng nặng. Thủ đoạn phạm tội là tình tiết định tội của tội ngược đãi, hành hạ cha mẹ vợ chồng con cái.
Thời gian phạm tội: Thời gian phạm tội là căn cứ xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung tăng nặng hoặc tình tiết tăng nặng.
Địa điểm phạm tội: Là tình tiết định tội của một số tội như: Tội trốn khỏi nơi giam, tội hoạt động phỉ.
Hoàn cảnh phạm tội: Là tình tiết định tội của tội đầu cơ như phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai, chiến tranh, và là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội khác.

5. Ý nghĩa nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm ?

Việc nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm có các ý nghĩa sau:

- Trong các cấu thành tội phạm cơ bản, dấu hiệu hành vi khách quan và có thể một số biểu hiện khác của mặt khách quan được phản ánh là dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Do vậy, việc nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm là cơ sở để hiểu rõ hơn các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm trong các cấu thành tội phạm và qua đó việc nghiên cứu này có ý nghĩa trong hoạt động định tội. Việc xác định hành vi cụ thể cấu thành tội phạm hay không và cấu thành tội danh nào thường bắt đầu từ việc xem xét mặt khách quan của tội phạm. Chỉ khi đã xác định hành vi có những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm thì vấn đề xem xét mặt chủ quan của tội phạm mới được đặt ra.

- Trong cấu thành tội phạm tăng nặng của một số tội phạm, một số biểu hiện của mặt khách quan (như hậu quả của tội phạm, phương tiện, công cụ, thủ đoạn phạm tội...) được phản ánh là dấu hiệu đinh khung hình phạt tăng nặng. Do vậy, ngoài ý nghĩa trong định tội, nghiên cứu mặt khách quan cùa tội phạm để nhận thức rõ hơn các dấu hiệu này còn có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt tăng nặng.

- Trong các dấu hiệu giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 có nhiều dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm. Do vậy, việc nghiên cứu mặt khách quan của tội phạm còn là cơ sở cho nhận thức rõ hơn các dấu hiệu này để áp dụng khi đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và qua đó có ý nghĩa trong việc xác định mửc độ TNHS của người đã thực hiện hành vi phạm tội đó.

Ngoài ra, việc xem xét các tình tiết thực tế thuộc mặt khách quan của tội phạm trong nhiều trường hợp có ý nghĩa trong việc xác định mặt chủ quan của tội phạm, trước hết là xác định lỗi cũng như đánh giá mức độ lỗi của người phạm tội.

1 69 lượt xem