Ngày sinh, ngày mất của Bác Hồ? Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)?

Bài viết dưới đây giới thiệu tới bạn đọc nội dung: Năm sinh, năm mất và tiểu sử của Bác Hồ trong khoảng thời gian 1890 - 1969

1 63 04/09/2024


Ngày sinh, ngày mất của Bác Hồ? Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)?

1. Bác hồ sinh vào ngày nào, mất vào ngày nào?

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, tên khai sinh của Người là Nguyễn Sinh Cung. Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng và chính khách của Việt Nam. Bác là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, từng là Thủ tướng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm 1945 - 1955 và từng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1951 đến khi Người qua đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào hồi 9 giờ 47 phút sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969, tức ngày 21 tháng 7 Âm lịch tại Thủ đô Hà Nội, Người hưởng thọ 79 tuổi. Do hoàn cảnh thời chiến, để tránh trùng với Ngày Quốc khánh của nước ta, ngày mất của Bác được Ban Lãnh đạo Đảng công bố là ngày 3 tháng 9, tuy nhiên, đến năm 1989, Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng đã công bố lại là ngày 2 tháng 9.

2. Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)?

- Ngày 3-6-1911: Người ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa.

- Năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua.

- Năm 1921, người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa; xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp (1922).

- Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân.

- Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Uỷ viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam.

- Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á, Xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Đường cách mệnh (1927).

- Năm 1925, Người thành lập Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức "Cộng sản đoàn" làm nòng cốt cho Hội đó, đào tạo cán bộ Cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.

- Ngày 3-2-1930, Người chủ tọa Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long (gần Hương Cảng). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng do chính Người soạn thảo. Người ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam và nay là Đảng Cộng sản Việt Nam ).

- Từ năm 1930 đến 1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam của các dân tộc bị áp bức khác trong những điều kiện vô cùng gian khổ và khó khăn.

- Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định đường lối cứu nước, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, chính sách căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

- Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thắng lợi, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946).

Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.

- Ngày 19-12-1946, người kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

- Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (1954).

- Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955) Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

- Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Trên đây là sơ lược về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) đồng thời giải đáp được câu hỏi Bác Hồ mất năm bao nhiêu.

3. Những hình ảnh xúc động ngày Bác mất

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi ở tuổi 79 đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế trên thế giới. Ngay chiều ngày 3/9/1969, Bộ Chính trị đã quyết định triệu tập Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp để bàn và quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang với nghi thức trọng thể nhất, đồng thời quyết định công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 9/9/1969, Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hơn 15 vạn người lúc đó đã thay mặt cho nhân dân cả nước gồm lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ và đại biểu Thủ đô Hà Nội tham gia lễ truy điệu vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng ngài Lê Duẩn đã đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Điếu văn có đoạn: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta". Đồng thời, đồng chí Lê Duẩn cũng đã đọc 5 lời thề vĩnh biệt Người.

Sau đây là những hình ảnh xúc động ngày Bác mất, mời các bạn cùng tham khảo nhé!

1 63 04/09/2024