Pháp luật là gì? Vai trò của pháp luật thế nào? Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật

Pháp luật là thuật ngữ đã quá quen thuộc, tuy nhiên bản chất, nguồn gốc, nguyên tắc của pháp luật thế nào thì không phải ai cũng nắm rõ. Vậy, pháp luật là gì? Vai trò, nguồn gốc pháp luật thế nào?

1 427 13/12/2023


Pháp luật là gì? Vai trò của pháp luật thế nào? Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật

1. Pháp luật là gì? Nguồn gốc pháp luật thế nào?

Pháp luật là gì? Vai trò của pháp luật thế nào? Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật (ảnh 1)

1.1 Pháp luật là gì?

Pháp luật được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự chung được đặt ra bởi nhà nước và mang tính bắt buộc thực hiện với mọi chủ thể trong xã hội. Nội dung của pháp luật thể hiện ý chí, bản chất của giai cấp thống trị.

Cụ thể, định nghĩa về pháp luật gồm các yếu tố sau:

- Pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc chấp nhận đối với những tập quán ban đầu có sẵn.

- Là hệ thống các quy tắc xử sự chung, được áp dụng với quy mô cả nước, đối với mọi chủ thể trong xã hội.

- Pháp luật mang tính bắt buộc áp dụng, bởi vậy các chủ thể sẽ không có quyền thực hiện hay không thực hiện pháp luật.

- Nội dung của pháp luật thể hiện ý chí, bản chất của giai cấp thống trị.

Tóm lại, khi nói đến pháp luật thường sẽ nói đến những quy phạm mang tính bắt buộc và phổ biến, áp dụng trong toàn xã hội và được áp dụng nhiều lần.

1.2 Nguồn gốc của pháp luật

Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Nhà nước cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp luật. Pháp luật hình thành bằng ba con đường chủ yếu sau:

- Nhà nước thừa nhận những tập quán đã có từ trước phù hợp với lợi ích của mình và nâng lên thành pháp luật;

- Nhà nước thừa nhận các quyết định có trước về từng vụ việc cụ thể của cơ quan xét xử hoặc cơ quan hành chính cấp trên để trở thành khuôn mẫu cho các cơ quan cấp dưới tương ứng giải quyết những vụ việc tương tự xảy ra sau này;

- Nhà nước ban hành những quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới nảy sinh do nhu cầu quản lí và duy trì trật tự xã hội.

Riêng với con đường thứ ba này, hình thức pháp luật thứ ba ra đời, đó chính là các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Pháp luật có những đặc điểm gì?

Để tìm hiểu rõ hơn pháp luật là gì, cần tìm hiểu các đặc điểm của pháp luật, dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của pháp luật:

2.1 Tính quy phạm phổ biến

Tính quy phạm phổ biến được hiểu là tính bắt buộc thực hiện mọi quy định của pháp luật hiện hành đối với mọi cá nhân, tổ chức chứ không riêng cho mỗi cá nhân hay tổ chức nào. Từ đó ràng buộc các chủ thể trong quyền, nghĩa vụ hay các hoạt động cấm thực hiện để nhằm tạo ra khuôn mẫu, chuẩn mực chung trong xã hội.

Pháp luật cũng được tiếp cận bằng nhiều hình thức khác nhau, đến tất cả mọi người. Mọi người cần nhận thức rõ ràng về các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đây không phải lựa chọn mà tất cả mọi người bắt buộc phải tuân thủ theo và chịu quản lý của nhà nước thông qua hệ thống pháp luậ. Nhà nước sẽ đảm bảo thực thi pháp luật bằng giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế. Do đó mọi người trong xã hội cần tuân theo các quy định của pháp luật đã được ban hành.

Như vậy, có thể thấy pháp luật có tính quy phạm phổ biến vì pháp luật được áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đối với mọi đối tượng trong xã hội. Các quy phạm phổ biến, rộng khắp và điều chỉnh hành vi của con người để từ đó tạo ra khuôn mẫu, chuẩn mực chung được nhà nước xây dựng, áp dụng trong đời sống xã hội.

2.2 Tính xác định chặt chẽ

Pháp luật luôn được thể hiện dưới những hình thức nhất định hay nói cách khác, những quy định pháp luật phải được chứa đựng trong các nguồn luật như tập quán pháp, tiền lệ pháp, văn bản quy phạm pháp luật …

Sự xác định chặt chẽ về hình thức là điều kiện để phân biệt giữa pháp luật với những quy định không phải là pháp luật, đồng thời, tạo nên sự thống nhất, chặt chẽ, rõ ràng, chính xác về nội dung của pháp luật.

2.3 Tính bắt buộc thực hiện

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội, được nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước và là cơ sở pháp lý cho đời sống xã hội có nhà nước.

Nhà nước là đại diện cho quyền lực công. Pháp luật do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước, là quy định bắt buộc với tất cả mọi cá nhân, tổ chức, ai cũng phải xử sự theo pháp luật, nếu không sẽ bị áp dụng những biện pháp cần thiết, kể cả cưỡng chế để buộc họ tuân theo hoặc để khắc phục những hậu quả do việc làm trái pháp luật của họ gây nên.

Ngoài ra, căn cứ vào pháp luật, các tổ chức và cá nhân trong xã hội sẽ biết mình được làm gì, không được làm gì, phải làm gì, làm như thế nào khi ở vào một điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nào đó. Pháp luật là tiêu chuẩn để đánh giá hành vi con người, căn cứ vào pháp luật có thể xác định được hành vi nào là hợp pháp, hành vi nào là trái pháp luật, hoạt động nào mang tính pháp lý và hoạt động nào không mang tính pháp lý.

Với những lý do nêu trên, pháp luật có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội, có tác động thường xuyên trên toàn lãnh thổ và trong nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội.

Ví dụ, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Do đó tất cả người dân đều buộc phải tuân thủ quy định này, không được phép tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.

3. Pháp luật có vai trò thế nào?

Nếu chỉ hiểu pháp luật là gì thôi thì chưa đủ, cần tìm hiểu rõ về vai trò của pháp luật. Theo đó, pháp luật là công cụ quan trọng và chủ yếu để Nhà nước thực hiện quản lý trật tự xã hội. Do đó, khi nói đến vai trò của pháp luật, cần đề cập đến vai trò đối với nhà nước và đối với xã hội.

3.1 Đối với nhà nước

- Pháp luật tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho sự tồn tại của Nhà nước, bởi lẽ bất cứ một chính quyền nào được tạo nên đều phải đảm bảo tính hợp pháp, trong khi đó pháp luật chính là công cụ để đảm bảo sự hợp pháp đó.

- Pháp luật là công cụ kiểm soát quyền lực Nhà nước và được thể hiện thông qua việc pháp luật quy định về cách thức tổ chức, hoạt động của cơ quan nhà nước; quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân; các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm…

- Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Theo đó, với những đặc điểm của mình như tính quy phạm phổ biến, tính bắt buộc chung, tính cưỡng chế… pháp luật có khả năng được triển khai phổ biến, nhanh chóng, đồng bộ, có hiệu quả và rộng khắp trong phạm vi cả nước thông qua các chính sách phổ biển pháp luật. Qua đó, nhà nước đưa ra các chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… của đất nước….

3.2 Đối với xã hội

- Pháp luật có vai trò giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội. Bởi có thể thấy, trong xã hội việc phát sinh các mâu thuẫn là điều không tránh khỏi, khi các mâu thuẫn phát sinh, cần phải có căn cứ để các bên dựa vào đó để giải quyết các mẫu thuẫn của mình. Và khi đó, pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất.

Pháp luật là gì? Vai trò của pháp luật thế nào? Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật (ảnh 1)

4. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật

Để đảm bảo việc ban hành và áp dụng pháp luật được hiệu quả, công bằng, ngoài việc hiểu rõ pháp luật là gì cần tìm hiểu về các nguyên tắc của pháp luật.

4.1. Nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân

Tại Điều 2 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ:

Điều 2

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Theo đó, với nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân đòi hỏi nội dung của pháp luật cũng như hoạt động tổ chức, thực hiện, áp dụng pháp luật phải thể hiện được tính toàn quyền của nhân dân, quán triệt tư tưởng nhân dân là chủ thể cao nhất của quyền lực.

Trong những năm gần đây, nguyên tắc này nhìn chung đã được thực hiện tương đối tốt thể hiện ở chỗ người dân đã được tham gia góp ý xây dựng các văn bản pháp luật, kiểm tra giám sát các hoạt động của Nhà nước và xã hội, nhất là trong hoạt động tư pháp.

4.2 Nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa

Nguyên tắc này được thể hiện ở việc ghi nhận các quyền tự do, dân chủ của công dân, quy định những hình thức pháp lí để đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào quản lí nhà nước, quản lí xã hội. Tính dân chủ được thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ pháp lý của cá nhân, tổ chức và phải thông qua sự ghi nhận của pháp luật, bảo đảm thực hiện bằng Nhà nước và xã hội dưới những hình thức phù hợp.

Theo đó, pháp luật quy định những hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và gián tiếp (đại diện), nội dung và cách thức thực hiện, cơ chế thực hiện các hình thức đó.

Biểu hiện của nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa của pháp luật ở chỗ Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về quy chế dân chủ cơ sở, tiêu biểu như Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;…

4.3 Nguyên tắc nhân đạo

Nguyên tắc nhân đạo thể hiện các biện pháp xử lý đối với người vi phạm pháp luật không nhằm mục đích xúc phạm thể xác và danh dự, nhân phẩm. Nhân đạo còn thể hiện trong hệ thống các quy định theo hướng có lợi nhất cho con người trong khuôn khổ hợp pháp và hợp đạo đức.

Nguyên tắc nhân đạo xuất phát từ sự tôn trọng, quan tâm và bảo vệ con người. Nhân tố con người, hệ thống các quyền và tự do của họ phải được luật định, có cơ chế hữu hiệu đảm bảo thực hiện trên nguyên tắc thống nhất quyền và nghĩa vụ, tự do và trách nhiệm, phát huy tính tích cực, tự do sáng tạo của con người.

Ví dụ, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay các quy định có liên quan đến việc ân xá, đặc xá cho phạm nhân.

4.4 Nguyên tắc công bằng

Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng không thể thiếu khi ban hành, áp dụng pháp luật. Một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là mục đích mọi quốc gia đang hướng tới.

Nguyên tắc công bằng của xã hội thể hiện trên nhiều phương diện như việc quy định và áp dụng các biện pháp xử lý phải phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, quy định mức độ hưởng thụ tương xứng với sự đóng góp, cống hiến,….

Trong từng lĩnh vực quan hệ xã hội, công bằng lại có những đặc điểm riêng, như công bằng trong chính sách lao động, việc làm, y tế và giáo dục,…

4.5 Nguyên tắc nhất quán giữa quyền và nghĩa vụ pháp lý

Gắn liền với quyền lợi là nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý, về vấn đề này tại Điều 15 Hiến pháp 2013 khẳng định:

Điều 15.

1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Nguyên tắc này cũng thể hiện rõ nét mới quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong điều kiện Nhà nước pháp quyền. Giữa nhà nước và cá nhân có mối quan hệ bình đẳng, đồng trách nhiệm.

Nguyên tắc này có thể dễ dàng thấy trong các quy định của pháp luật có liên quan đến giao dịch mua bán hàng hóa, vay nợ,… theo đó trong hợp đồng dân sự bên cạnh quyền của các bên còn cần ghi nhận về nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng đi kèm.

1 427 13/12/2023