Những điều Đảng viên không được làm theo Quy định mới nhất 2023

Đảng viên là những người gương mẫu đi theo định hướng của Đảng, cống hiến cho Đảng và Nhà nước để nhân dân noi theo. Vì vậy, Đảng đã ban hành Quy định về những điều Đảng viên không được làm. Cùng tìm hiểu xem những điều Đảng viên không được làm là gì? trong bài viết dưới đây.

1 527 26/09/2023


Những điều Đảng viên không được làm theo Quy định mới nhất 2023

I. Đảng viên là ai?

Theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng thì “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.”

II. Những điều Đảng viên không được làm theo Quy định mới nhất 2023

Theo Chương I Quy định 37-QĐ/TW do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành quy định 19 điều mà Đảng viên không được làm, bao gồm:

(1) Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.

(2) Tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.

(3) Phũ nhân, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng

(4) Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc tàng trữ, tuyên truyền dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

(5) Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác sai sự thật. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam.

(6) Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt; cùng người khác viết, ký tên trong đơn tố cáo; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý.

(7) Tổ chức, tham gia các tổ chức, hội trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; biểu tình, tụ tập đông người gây mất trật tự, an ninh.

(8) Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Lợi dụng việc phản ánh, góp ý Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm tùy tiện.

(9) Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài trái quy định.

(10) Ban hành văn bản có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện không đúng quy định trong quản lý gây thiệt hại tài sản của Đảng, Nhà nước.

(11) Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật; thiếu trách nhiệm xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác.

- Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

- Can thiệp, tác động hoặc để gia đình và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi.

- Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

(12) Có hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức hoặc người khác được thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định.

(13) Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

(14) Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức; tham gia hoạt động rửa tiền, đi vay, cho vay trái quy định của pháp luật.

(15) Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân.

(16) Không thực hành tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công trái quy định.

(17) Can thiệp, tác động để gia đình, bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ công thuộc mình quản lý.

(18) Tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; sử dụng các chất ma túy; sử dụng rượu, bia không đúng quy định hoặc đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác

Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi

Thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội; có hành vi bạo lực trong gia đình; vi phạm chính sách dân số; sống chung với người khác như vợ chồng; vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài

(19) Mê tín, hoạt động mê tín; ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.

III. Những điều Đảng viên không được làm theo Quy định 37-QĐ/TW/2021 và hướng dẫn 02-HD/UBKTTW

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII;

- Căn cứ Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm;

Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định như sau:

I. NỘI DUNG HƯỚNG DẪN

Điều 1. Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.

Đảng viên không được:

1. Phát ngôn, trả lời phỏng vấn, viết bài cho báo chí, trang thông tin điện tử (kể cả báo chí nước ngoài), sử dụng không gian mạng để đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin những nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ hoặc không chỉ đạo, triển khai thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng, của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình.

3. Làm những việc pháp luật cấm hoặc pháp luật chưa quy định khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Điều 2. Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.

Đảng viên không được:

1. Không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng.

2. Tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử người khác vào các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ mà theo quy định phải do cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu.

Điều 3. Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.

Đảng viên không được:

1. Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng. Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng", đòi "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang"...; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

2. Không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng. Thâu tóm quyền lực, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân. Cơ hội, vụ lợi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể. Chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho nhóm lợi ích mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước.

3. Đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; bao che, giấu diếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức; không bảo vệ nhân tố tích cực, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

4. Độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, không tôn trọng ý kiến của tập thể. Quan liêu, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị. Không gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị và của quần chúng nhân dân; không giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.

Điều 4. Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đảng viên không được:

1. Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, chia sẻ, đăng những thông tin, tài liệu mật được quy định tại danh mục bí mật của Đảng và Nhà nước; những việc chưa được phép công bố theo quy định, làm tổn hại đến Đảng, lợi ích quốc gia (gồm: những thông tin, tài liệu, dữ liệu thuộc về chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Đảng, Nhà nước đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo hoặc đã hoàn thành nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép công bố; các tài liệu lưu hành nội bộ hoặc hạn chế lưu hành. Các tài liệu, thông tin về những vụ việc liên quan đến tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đang trong quá trình thẩm tra, xác minh hoặc đã được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, kết luận nhưng chưa được phép công bố...).

2. Tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc ủng hộ, bao che, tiếp tay, tổ chức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu trên không gian mạng, tờ rơi, đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Điều 5. Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác viết, nói, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, bài nói, phỏng vấn, hồi ký, phim, ảnh không đúng quy định.

Đảng viên không được:

1. Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác viết, nói, cho đăng tải tin, chia sẻ tin bài, hình ảnh sai sự thật, không đúng thực tế hoặc không đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vu cáo, bịa đặt những nội dung liên quan đến vụ án hoặc tùy tiện quy kết về tội danh, mức án trước khi tòa án ra phán quyết; đăng tin sai nhưng không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định.

2. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát, chia sẻ trên mạng xã hội các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, bài viết, bài nói, bài phỏng vấn, hồi ký, tranh, phim, ảnh và các ấn phẩm không lành mạnh, không đúng sự thật dưới mọi hình thức có nội dung và tính chất sau đây:

a) Kích động chống Đảng, chống Nhà nước, chống chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, chiến tranh tâm lý, gây hận thù giữa các dân tộc, các tôn giáo, gây hoài nghi, hoang mang trong nhân dân; truyền bá lối sống cơ hội, thực dụng, trái đạo lý.

c) Xuyên tạc lịch sử, độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, phản ánh không đúng sự thật về Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và công lao của cá nhân lãnh tụ đối với sự nghiệp cách mạng; xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của cá nhân.

d) Phản ánh những vấn đề về lịch sử của Đảng, Nhà nước sai sự thật hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công khai hoặc công bố.

đ) Truyền bá văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, có tính chất mê tín, dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam (diễn thuyết, mua, bán, in, sao, tàng trữ, tán phát, tuyên truyền bằng sách, ấn phẩm, băng, đĩa, phim, ảnh và các loại thiết bị khác).

Điều 6. Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt; cùng người khác viết, ký tên trong đơn tố cáo; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Gửi, tán phát đơn khiếu nại, tố cáo dưới mọi hình thức đến nơi không có thẩm quyền giải quyết.

Đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý; kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.

Đảng viên không được:

1. Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt làm mất, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, như: Tạo dựng sự việc không có thật hoặc xuyên tạc sự việc; tố cáo dưới dạng tờ rơi, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, bình luận, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật, lan truyền tin nhắn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Viết đơn khiếu nại, tố cáo giấu tên, mạo tên (ký tên người khác hoặc ký tên người không có hoặc không đúng với địa chỉ), viết đơn đưa cho người khác ký tên.

2. Tổ chức, tham gia, ủng hộ vật chất, cổ vũ tinh thần hoặc kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tổ chức, cá nhân tố cáo, khiếu nại dưới mọi hình thức.

3. Cố ý gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo dưới mọi hình thức đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết hoặc nơi không có thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết theo quy định.

4. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Đảng và pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý.

5. Có hành vi mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm đối với người đã phát hiện, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực (gồm cả các thành viên trong gia đình, người thân) hoặc người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 7. Tổ chức, tham gia các tổ chức, hội trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; biểu tình, tụ tập đông người gây mất trật tự, an ninh.

Đảng viên không được:

1. Tổ chức, tham gia hoặc ủng hộ, vận động, xúi giục, ép buộc người khác tham gia các tổ chức, hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn,... không đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

2. Tổ chức, tham gia hoặc xúi giục, kích động, lôi kéo, tuyên truyền, vận động, tiếp tay, ép buộc người khác tham gia biểu tình, tụ tập đông người trái quy định của pháp luật, gây mất an ninh, trật tự.

Điều 8. Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng, Nhà nước để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với tổ chức, cá nhân.

Đảng viên không được:

1. Tổ chức, tham gia, xúi giục, vận động, mua chuộc, đe dọa, lôi kéo, tập hợp đảng viên, quần chúng mang tính chất cục bộ địa phương, bè phái, dòng họ, nhóm lợi ích nhằm tranh giành lợi ích kinh tế, chính trị, vị trí công tác, chức vụ trong bầu cử, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp một cách không chính đáng hoặc làm mất uy tín của tổ chức, cá nhân.

2. Lợi dụng quyền phê bình, tự do ngôn luận, báo chí, diễn đàn, câu lạc bộ... để phát ngôn hoặc nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng, Nhà nước để nhận xét, bình luận, đánh giá mang tính đả kích, vu cáo, xúc phạm đối với tổ chức và cá nhân.

Điều 9. Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.

Đảng viên không được:

1. Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không đúng, không đầy đủ, không cụ thể, không rõ ràng; che giấu, tẩy xóa, thêm bớt, thay đổi tài liệu, thông tin trong hồ sơ, hoặc kê khai không đúng quy định về nội dung, thời gian, thời điểm, người và nơi quản lý hoặc thủ tục xác nhận.

2. Kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định của pháp luật về số lượng, chủng loại, giá trị và biến động của tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc thu nhập, tài sản tăng thêm không đúng, không đầy đủ.

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập không đúng quy định về nội dung, thời gian; tổng hợp báo cáo kết quả về xác minh tài sản, thu nhập không chính xác, không đúng thời hạn theo quy định, yêu cầu của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

3. Sử dụng hoặc có hành vi bao che, giúp đỡ cho người khác kê khai, sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp để dự thi tuyển, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, thi/xét nâng ngạch, thi/xét nâng hạng chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, bầu cử vào các vị trí, chức danh cao hơn, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước.

4. Nhập quốc tịch nước ngoài, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài không báo cáo, kê khai với tổ chức đảng quản lý trực tiếp, không đúng quy định của pháp luật.

Điều 10. Chủ trì, tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện không đúng quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước.

Đảng viên không được:

1. Chủ trì, tham mưu, thẩm định, đề xuất, phê duyệt, tham gia ban hành các cơ chế, chính sách, quyết định của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, quy định của pháp luật.

2. Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc quy định của cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên trong quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, tài chính, tài sản, về:

a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; mua bán trái phép, sử dụng không đúng mục đích đất được giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các quy định khác về quản lý, sử dụng đất.

b) Quản lý nhà, trụ sở làm việc, tài sản, vốn (cổ phần hóa, thoái vốn, góp vốn liên doanh, liên kết, huy động vốn và thực hiện hoạt động cho vay vốn tín dụng...), tài chính của Đảng và Nhà nước.

c) Tham mưu, thẩm định, phê duyệt, quyết định danh mục đầu tư, chủ trương đầu tư, dự án, đấu thầu dự án, cấp phát, thanh toán vốn,... và những nội dung quản lý nhà nước khác về đầu tư công, đầu tư có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, kinh doanh bất động sản.

d) Tham mưu, thẩm định, phê duyệt, quyết định quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình, giấy phép xây dựng,...; về quản lý, sử dụng nhà ở và các nội dung quản lý nhà nước khác về xây dựng, nhà ở.

đ) Quyết định, cho phép nghiên cứu, thăm dò, khai thác,... tài nguyên, khoáng sản, khai thác hoặc tham gia các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản; đánh giá tác động môi trường... và các nội dung quản lý nhà nước khác về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường.

e) Quy hoạch rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, giao rừng, giao đất trồng rừng; quản lý, bảo vệ rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng,...; vận chuyển, tiêu thụ, nuôi nhốt, sử dụng làm thức ăn hoặc có hành vi gây hại đến động, thực vật quý hiếm thuộc danh mục cấm của Nhà nước và các nội dung quản lý nhà nước khác về lâm nghiệp.

g) Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ, hỗ trợ, từ thiện, an sinh xã hội; hoạt động cứu trợ, cứu nạn.

Điều 11. Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác.

- Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

- Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi.

- Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đảng viên không được:

1. Vi phạm các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; quy tắc, chuẩn mực đạo đức của ngành, nghề mình đang làm việc, công tác. Không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác, chọn việc dễ, né tránh hoặc bỏ việc khó; làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc để trục lợi; không khách quan trong việc sử dụng các nguồn lực, đánh giá các vấn đề thuộc quyền quản lý.

2. Là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị nhưng thiếu trách nhiệm, không nắm chắc, nắm rõ tình hình nội bộ; không giao hoặc giao việc cho cấp dưới không cụ thể rõ ràng; thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công việc, nhiệm vụ được phân công; không có các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm có thể xảy ra.

3. Biết mà không báo cáo hoặc cố tình báo cáo, phản ánh không đúng, không đầy đủ, không khách quan, không kịp thời các vi phạm; để xảy ra mất đoàn kết tại cơ quan, đơn vị, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách; không xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bao che, dung túng, tiếp tay cho cấp dưới vi phạm.

4. Có hành vi can thiệp, tác động, đe dọa, gây sức ép... để giúp bố, mẹ, vợ (chồng), con (con đẻ, con nuôi), anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác được tham gia, thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kinh doanh và các ưu đãi không đúng quy định (thuế, thủ tục sản xuất, kinh doanh, mua bán cổ phần...).

5. Lợi dụng chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để tham mưu, đề xuất, quyết định, thực hiện thí điểm các đề án nhằm mục đích tham nhũng, tiêu cực hoặc bao che cho việc làm sai trái của tổ chức, cá nhân.

Điều 12. Có hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được tiếp nhận, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, khen thưởng, phong tặng danh hiệu, đi học, đi nước ngoài, thực hiện chế độ, chính sách cán bộ trái quy định.

Đảng viên không được:

1. Có hành vi chạy chức, chạy quyền, can thiệp, tác động, gây sức ép; dùng vật chất hoặc các hình thức khác để tác động đến cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giải quyết công việc để bản thân hoặc người khác được tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, được bầu, chỉ định, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, phong tặng danh hiệu, chức danh, học hàm, học vị, đề cử, ứng cử, khen thưởng, đi học, đi nước ngoài, thực hiện chính sách cán bộ trái quy định.

2. Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ nguyên tắc, thủ tục, quy trình về công tác cán bộ; làm sai lệch hoặc tự ý sửa chữa tài liệu, hồ sơ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhận xét, đánh giá cán bộ không có căn cứ, thiếu trung thực, không khách quan. Không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi công tác, học tập.

Điều 13. Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác.

Đảng viên không được:

1. Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ các quy định (quy trình, thủ tục, phương pháp nghiệp vụ) để làm thay đổi, sai lệch kết luận, kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Tham mưu, đề xuất, quyết định giảm trách nhiệm, giảm án, giảm tội, bỏ lọt tội phạm, giảm hình phạt, mức phạt, mức bồi thường vật chất, thời gian thi hành, chấp hành án, xét ân xá... cho người khác không đúng quy định.

3. Thực hiện không nghiêm, không đúng, không đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ, tạm giam, tha...) trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm.

4. Thay đổi, kéo dài thời hạn, thời gian kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xử lý vi phạm mà không có lý do chính đáng; sử dụng kết luận, biên bản và các thông tin có liên quan không có trong quy trình, quy định để gây áp lực, vòi vĩnh tổ chức, cá nhân dưới mọi hình thức. Tạm giữ tiền, tài sản không đúng quy định.

5. Chậm giải quyết hoặc không giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, tin báo tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật; bao che, tiếp tay, dung túng hoặc không xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Có hành vi chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 14. Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức; tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện thực hiện hoạt động rửa tiền, đi vay, cho vay trái quy định của pháp luật.

Đảng viên không được:

1. Chiếm đoạt tài sản của Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế mà mình được giao phụ trách, quản lý.

2. Nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức; tiếp tay, bao che, dung túng cho việc đưa, nhận, môi giới hối lộ; gợi ý, đòi hỏi tổ chức, cá nhân đưa chi phí ngoài quy định trong giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công.

3. Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi vi phạm pháp luật trở thành tiền và các tài sản có nguồn gốc hợp pháp.

4. Tổ chức, tham gia việc huy động vốn, tài sản và cho vay trái quy định của pháp luật.

Điều 15. Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.

Đảng viên không được:

Tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong những việc sau:

1. Ban hành chính sách, chế độ; phê duyệt dự án; bổ nhiệm, đề bạt chức vụ, thăng quân hàm, chuyển đổi vị trí công tác, thay đổi tội danh, mức án, hình thức kỷ luật; quyết định cấp văn bằng, chứng chỉ, giấy phép, khen thưởng, công nhận hoặc xác nhận học hàm, học vị, danh hiệu, sửa điểm, nâng điểm các kỳ thi...

2. Quyết định, biểu quyết trong việc thông qua, phân bổ các nguồn lực như ngân sách, tài nguyên, nhân lực, vốn đầu tư; nâng cấp, mở rộng cơ sở, quy mô, chỉ tiêu đào tạo, dạy nghề...

3. Quyết định thay đổi quy hoạch, dự án, đề án; chuyển đổi mục đích và quyền sử dụng đất, rừng; cấp giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản; thay đổi mục đích sử dụng công trình, vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh...

Điều 16. Không thực hành tiết kiệm; để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công trái quy định.

Đảng viên không được:

1. Dùng tiền ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, quỹ khen thưởng, phúc lợi của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có vốn nhà nước, nguồn hỗ trợ, tài trợ để:

a) Chi tiêu không đúng nội dung, mục đích, yêu cầu.

b) Thăm viếng, tiếp khách, thưởng, biếu, tặng, cho, chiếm giữ, cho vay dưới mọi hình thức trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

2. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

3. Chiếm hữu, định đoạt, sử dụng trái phép tài sản công (vào mục đích cá nhân, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, khai thác tài sản công...), hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

4. Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Không thực hiện đấu thầu, đấu giá với các trường hợp đầu tư xây dựng, mua sắm, cho thuê, bán tài sản công mà theo quy định phải thực hiện đấu thầu, đấu giá.

5. Triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản không đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm thay đổi, kéo dài thời gian thi công, xây dựng, mua sắm gây thất thoát, lãng phí.

Điều 17. Can thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng), bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, lĩnh vực theo dõi, quản lý.

Đảng viên không được:

1. Can thiệp, tác động gây sức ép, gây ảnh hưởng để bản thân hoặc tạo điều kiện để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh chị em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác đi du lịch, học tập, hội thảo, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, chữa bệnh ở trong nước và nước ngoài bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, theo dõi, quản lý.

2. Lợi dụng uy tín của tổ chức, sự ảnh hưởng của cá nhân là lãnh đạo trong các tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, xã hội; người có quyền giải quyết về tài chính, tài sản, cấp giấy phép, xét duyệt dự án về công tác cán bộ, chế độ, chính sách, an sinh xã hội; biết mà không ngăn cản để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) tác động để trục lợi cho mình, người thân hoặc cho người khác.

Điều 18. Tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; sử dụng các chất ma túy; sử dụng rượu, bia không đúng quy định hoặc đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác.

Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục đích vụ lợi.

Thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội; có hành vi bạo lực trong gia đình; vi phạm chính sách dân số; sống chung với người khác như vợ chồng; vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài.

Đảng viên không được:

1. Tổ chức, tham gia đánh bạc, lôi kéo, xúi giục, kích động người khác tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.

2. Sử dụng các chất ma túy, các chất gây nghiện, chất hướng thần khác (trừ trường hợp được bác sỹ chỉ định để chữa bệnh).

3. Uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc; trong sinh hoạt hàng ngày tới mức bê tha, mất tư cách; không làm chủ được hành vi ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông hoặc có hành vi thiếu văn hóa.

4. Có lối sống trụy lạc, sa đọa, suy đồi đạo đức hoặc có hành vi trái với chuẩn mực đạo đức tác động xấu đến cá nhân, gia đình và xã hội.

5. Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, chuyển công tác,...) một cách phô trương hình thức, lãng phí gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, việc tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác.

6. Im lặng, bàng quan để sự việc xấu xảy ra miễn là không đụng chạm đến lợi ích của bản thân, gia đình, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

7. Có hành vi bạo lực hoặc che giấu, dung túng, cản trở việc ngăn chặn các hành vi bạo lực về thể chất và tinh thần (đánh đập, hành hạ, ngược đãi, xua đuổi, ngăn cản,...) đối với người thân trong gia đình.

8. Vi phạm chính sách dân số; sống chung với người khác (không phải vợ, chồng mình) như vợ chồng.

9. Kết hôn hoặc có con kết hôn với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo trung thực với tổ chức đảng quản lý trực tiếp và chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 19. Mê tín, hoạt động mê tín; ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi.

Đảng viên không được:

1. Có hành vi mê tín dị đoan, rải, đốt đồ mã (tiền, vàng, bạc, phương tiện, vật dụng, hình người, động vật,...) với số lượng lớn, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, cháy, nổ...

2. Bao che, tiếp tay cho các hoạt động mê tín, dị đoan. Xem số, xem bói, yểm bùa, trừ tà và những việc mê tín dị đoan khác (tin vào thần linh, ma quỷ, những việc không có thật do tin đồn nhảm nhí mà có); hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói.

3. Tổ chức, tham gia hoặc vận động, ủng hộ cho cá nhân, tổ chức lập mới và xây dựng đền, chùa, miếu thờ, điện thờ, nơi thờ tự của các tôn giáo khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

a) Trực tiếp ủng hộ hoặc vận động tổ chức, cá nhân khác ủng hộ dưới mọi hình thức cho các hoạt động tôn giáo trái quy định. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo" để gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

b) Tổ chức, vận động, lôi kéo, xúi giục, mua chuộc, ép buộc người khác tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra hoặc các hoạt động do các tôn giáo tổ chức khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp:

1.1. Lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương và Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

1.2. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên chấp hành nghiêm chỉnh Quy định và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện (sơ kết hằng năm, tổng kết 5 năm) gửi cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp trên.

2. Đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định, Hướng dẫn về những điều đảng viên không được làm. Đối với nội dung chưa được hướng dẫn trong Quy định này thì căn cứ vào các quy định của Trung ương để thực hiện.

3. Đảng viên vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

4. Hướng dẫn này được phổ biến đến chi bộ và có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định.

Như vậy, một Đảng viên cần nghiêm túc thực hiện những điều mà nhà nước và Đảng đã quy định. Những hành vi này là những hành vi này vi phạm chuẩn mực đạo đức của một Đảng viên và hơn hết là vi phạm pháp luật. Các cán bộ được phép sinh hoạt đời sống như công dân nhưng không được xa hoa lãng phí, và không được tham gia vào hoạt động mê tín dị đoan gây ảnh hướng đến tâm lý người dân. Đây là những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức Đảng viên. Ngoài những quy định trên thì Đảng viên không được làm hoặc không làm những hoạt động vi phạm đạo đức, vi phạm quy định mà pháp luật quy định.

IV. 05 Điểm mới trong quy định về những điều đảng viên không được làm

Điểm mới Những điều Đảng viên không được làm theo Quy định 37-QĐ/TW 2021 so với Quy định 47-QĐ/TW/2011

So với quy định 47-QĐ/TW/2011 thì quy định 37-QĐ/TW/2021 vẫn giữ nguyên số điều mà Đảng viên không được làm là 19 điều. Nhưng theo quy định 37-QĐ/TW/2021 có những điểm mới như sau:

- Chuyển một số nội dung của 2 điều trong quy định 47-QĐ/TW/2011 và một số điều khác.

- Có 2 điều có nội dung mới so với quy định 47-QĐ/TW/2011 là điều 3 và điều 13.

- Bổ sung một số nội dung tại các điều lệ như điều 9 bổ sung nội dung là không được: “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”.

- Tiếp đến là thứ tự các điều được thay đổi vị trí so với quy định cũ.

- Các hình thức và lối diễn đạt cũng được thay đổi rõ ràng, rành mạch hơn.

V. Các hình thức kỷ luật của Đảng viên

Theo đó, Điều 10 Quyết định 22-QĐ/TW quy định các hình thức kỷ luật gồm:

- Đối với tổ chức Đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

-Đối với Đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

-Đối với Đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

 

1 527 26/09/2023