Ngoại tệ là gì? Quy định về hoạt động mua bán, đổi ngoại tệ?

Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc sử dụng ngoại tệ? Nội dung bài viết sẽ làm rõ thắc mắc đó.

1 160 lượt xem


Ngoại tệ là gì? Quy định về hoạt động mua bán, đổi ngoại tệ?

1. Cơ sở pháp lý quy định về ngoại tệ

Ngoại tệ là gì? Quy định về hoạt động mua bán, đổi ngoại tệ? (ảnh 1)

- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017

- Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2013

- Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối

- Nghị định 89/2016/NĐ-CP điều kiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ hoạt động dịch vụ nhận chi trả ngoại tệ 2016

- Thông tư 07/2012/TT-NHNN quy định về trạng thái ngoại tệ tổ chức tín dụng

- Thông tư 15/2015/TT-NHNN giao dịch ngoại tệ tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

2. Ngoại tệ là gì?

Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (khoản 1 Điều 2 Thông tư 07/2012/TT-NHNN).

Trên thực tế giao thương, thường coi trọng ngoại tệ mạnh, là những đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong giao dịch quốc tế, có giá trị quy đổi cao và ít chịu ảnh hưởng của tỷ giá đồng tiền khác. Một số đồng ngoại tệ mạnh thông dụng nhất thế giới được thừa nhận trong thời gian dài là USD (Đô la Mỹ), EURO (Đồng tiền chung châu Âu), GBP (Bảng Anh), CAD (Đô la Canada), CHF (Phrăng Thụy Sỹ), YJP (Yên Nhật).

Đến năm 2019, có 26 nước có đơn vị tiền tệ gọi là đô la, trong đó đồng USD là phổ biến nhất.

Thị trường ngoại tệ là nơi diễn ra hoạt động mua bán các loại ngoại tệ. Thị trường ngoại tệ của Việt Nam bao gồm thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại tệ giữa ngân hàng với khách hàng. (khoản 18 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005)

Người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng để thanh toán nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; để chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ cho các nhu cầu hợp pháp; để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài: (khoản 1 Điều 7, khoản 3 Điều 8, Điều 17 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005).

3. Tỷ giá hối đoái là gì?

Ngoại tệ là gì? Quy định về hoạt động mua bán, đổi ngoại tệ? (ảnh 1)

Tỷ giá hối đoái (tỷ giá) giữa các đồng tiền là vấn đề quan trọng hàng đầu trong giao dịch ngoại tệ, được pháp luật quy định như sau:

Thứ nhất, tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam. (khoản 5 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam)

Thứ hai, tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá, thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và thực hiện phương án can thiệp trên thị trường ngoại tệ.

Thứ ba, chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ. (Điều 15 Nghị định 70/2014/NĐ-CP)

Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước điểu hành chính sách tỷ giá bằng việc công bố “Tỷ giá trung tâm” hằng ngày trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước. “Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ”, là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

4. Pháp luật về hoạt động mua bán ngoại tệ

Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động ngoại hối nói chung, hoạt động mua bán và đổi ngoại tệ nói riêng nhằm “thực hiện mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam. (Điều 3 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2017).

4.1. Giao dịch mua bán ngoại tệ là gì?

Giao dịch ngoại tệ (còn gọi là giao dịch hối đoái) bao gồm: giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay; giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; giao dịch hoán đổi ngoại tệ và giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ. Trong đó, giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay là giao dịch hai bên thực hiện mua, bán với nhau một lượng ngoại tệ với Đồng Việt Nam hoặc với một ngoại tệ khác theo tỷ giá giao ngay xác định tại ngày giao dịch. (khoản 5, 6 Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-NHNN)

Giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay là một hoạt động ngoại hối cơ bản của các ngân hàng và công ty tài chính được cấp phép hoạt động ngoại hối. Các đối tượng khác được mua ngoại tệ theo các quy định sau đây:

Thứ nhất, người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng để thanh toán nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ;

Thứ hai, người cư trú, người không cư trú được mua ngoại tệ để chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu hợp pháp;

Thứ ba, công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiêu vặt, đi lại nước ngoài liên quan đến các mục đích học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.

Công dân Việt Nam chỉ được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép bán ngoại tệ (không được mua tại đại lý đổi ngoại tệ). Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ bán 100 USD/người/ ngày (hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong thời hạn lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày, trên cơ sở hồ sơ, chứng từ xuất trình. Trường hợp tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt, thì tổ chức tín dụng có thể bán vượt mức quy định này;

Thứ tư, cá nhân mang hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp được mua ngoại tệ của đại lý đổi ngoại tệ đặt tại khu cách ly ở cửa khẩu quốc tế.

Thứ năm, nhà đầu tư nước ngoài được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng để chuyển ra nước ngoài (Nghị định 70/2014/NĐ-CP)

Đối với việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân chỉ được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ của tổ chức tín dụng và đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng.

4.2. Giao dịch đổi ngoại tệ là gì?

Vì là sự trao đổi giữa hai đồng tiền, nên việc mua bán còn được gọi là việc đổi ngoại tệ. Do đó, quy định về đại lý đổi ngoại tệ, nhưng nội dung lại là việc đại lý mua ngoại tệ của khách hàng (riêng đại lý đổi ngoại tệ cửa khẩu quốc tế thì còn bán ngoại tệ cho khách hàng).

Pháp luật quy định, việc đổi ngoại tệ chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và các đại lý đổi ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. (Nghị định 89/2016/NĐ-CP)

Tổ chức kinh tế chỉ được cấp phép thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ, cơ sở vật chất, nhân viên, quy trình nghiệp vụ và được chấp nhận làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng. (Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP)

Đối với việc tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và các tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ.

Tổ chức kinh tế được xem xét, chấp thuận thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ nếu đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định về trang thiết bị và cơ sở vật chất, hợp đồng với đối tác nước ngoài, phương án thực hiện dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ. (Điều 5 Nghị định 89/2016/NĐ-CP)

Tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ khi đáp ứng được các điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất và được tổ chức tín dụng ủy quyền làm đại lý chi, trả ngoại tệ. (khoản 1 Điều 6 Nghị định 89/2016/NĐ-CP)

Đại lý đổi ngoại tệ phải bán toàn bộ số ngoại tệ mua được (ngoài số ngoại tệ tồn quỹ được để lại không quá 2.000 USD, trừ trường hợp đặc biệt) cho tổ chức tín dụng vào cuối mỗi ngày làm việc, trường hợp khoảng cách xa, đi lại khó khăn thì cũng không quá 07 ngày làm việc. Đồng thời đại lý đổi ngoại tệ phải niêm yết công khai tỷ giá mua ngoại tệ tiền mặt với đồng Việt Nam tại địa điểm đặt đại lý và thực hiện mua ngoại tệ với khách hàng theo đúng tỷ giá đã niêm yết

Ngoại tệ là gì? Quy định về hoạt động mua bán, đổi ngoại tệ? (ảnh 1)

5. Xử phạt đối với hành vi trả nợ trong nước bằng ngoại tệ?

Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP thì, hành vi trả nợ trong nước bằng ngoại tệ trái quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

6. Cá nhân có được phép tích trữ ngoại tệ không?

Tại Điều 13 Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi quy định về sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân như sau:

1. Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định này, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

2. Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.

Theo đó, bạn có thể mua, cất giữ hoặc gửi tiết kiệm ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý: Pháp luật hiện hành không cho phép sử dụng ngoại tệ khi thực hiện các giao dịch dân sự giữa các cá nhân với nhau tại Việt Nam.

Về thủ tục mua ngoại tệ để gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng: Trước hết, bạn đến một tổ chức được phép và cung cấp các giấy tờ xác minh thông tin cá nhân, các giấy tờ chứng minh lý do mua ngoại tệ (nếu có) để thực hiện việc mua và gửi tiết kiệm ngoại tệ. Vì mỗi tổ chức tín dụng sẽ có những chính sách khác nhau về quy trình, thủ tục và các giấy tờ cần thiết để lập tài khoản và gửi tiền tiết kiệm hay gửi tiền trong tài khoản vì vậy, bạn cần tham khảo cụ thể đơn vị tổ chức tín dụng mà bạn muốn gửi tiết kiệm để được hướng dẫn cụ thể và chính xác.

1 160 lượt xem