Môi giới thương mại là gì? Quy định của pháp luật về môi giới thương mại hiện nay ra sao?

Môi giới thương mại là hoạt động của thương nhân (người môi giới thương mại) làm trung gian cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại để hưởng thù lao.

1 221 lượt xem


Môi giới thương mại là gì? Quy định của pháp luật về môi giới thương mại hiện nay ra sao?

1. Quy định chung về môi giới thương mại

Môi giới thương mại là gì? Quy định của pháp luật về môi giới thương mại hiện nay ra sao? (ảnh 1)

Môi giới thương mại lần đầu tiên được quy định trong Luật thương mại năm 1997 và tiếp tục được quy định trong Luật thương mại năm 2005. Để thực hiện hoạt động môi giới thương mại, người môi giới phải là thương nhân, có đăng ký kinh doanh để thực hiện dịch vụ môi giới.

Nội dung hoạt động môi giới thương mại thường bao gồm: Tìm kiếm bạn hàng, cung cấp các thông tin cần thiết về bạn hàng cho người được môi giới, giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ cần môi giới, tiến hành các đàm phán ban đầu với bạn hàng, thoả thuận về các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các bên được môi giới, giúp đỡ các bên được môi giới soạn thảo văn bản hợp đồng khi cần thiết.

Các hoạt động môi giới việc làm, môi giới chứng khoán... không được coi là môi giới thương mại và không do Luật thương mại điều chỉnh.

2. Khái niệm môi giới thương mại

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, môi giới được hiểu là người làm trung gian để cho hai bên tiếp xúc, giao thiệp với nhau. Tương tự với cách hiểu thông thường về môi giới, Điều 150 Luật Thương mại năm 2005 đã định nghĩa môi giới thương mại như sau:

“Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới”.

3. Đặc điểm của môi giới thương mại

♦ Thứ nhất, chủ thể của quan hệ môi giới thương mại gồm bên môi giới và bên được môi giới.

Trong đó, bên môi giới phải là thương nhân, có đăng ký kinh doanh để thực hiện dịch vụ môi giới thương mại và không nhất thiết phải có ngành nghề đăng ký kinh doanh trùng với ngành nghề kinh doanh của các bên được môi giới. (Điều 150 Luật Thương mại 2005)

♦ Thứ hai, nội dung hoạt động môi giới rất rộng, bao gồm nhiều hoạt động như: tìm kiếm và cung cấp thông tin cần thiết về đối tác cho bên được môi giới, tiến hành các hoạt động giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ cần môi giới, thu xếp đề các bên được môi giới tiếp xúc với nhau, ….

♦ Thứ ba, phạm vi của môi giới thương mại được mở rộng không chỉ bao gồm những hoạt động môi giới mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thương mại mà bao gồm tất cả các hoạt động môi giới có mục đích kiếm lợi như: môi giới mua bán hàng hóa, môi giới chứng khoán, môi giới bất động sản, …

Chính vì phạm vi của hoạt động này rất rộng nên các quy định trong LTM chỉ là những điều khoản chung, mang tính nguyên tắc. Các hoạt động môi giới trong từng lĩnh vực riêng biệt sẽ được điều chỉnh trong luật chuyên ngành. Ví dụ: Môi giới bảo hiểm được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm; Môi giới hàng hải được quy định trong Bộ luật hàng hải; …

♦ Thứ tư, quan hệ môi giới thương mại được thực hiện trên cơ sở hợp đồng môi giới.

Môi giới thương mại là gì? Quy định của pháp luật về môi giới thương mại hiện nay ra sao? (ảnh 1)

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ môi giới thương mại

4.1 Nghĩa vụ và quyền của bên môi giới đối với bên được môi giới

+ Nghĩa vụ của bên môi giới

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên môi giới thương mại có các nghĩa vụ sau (Điều 151 Luật Thương mại năm 2005):

- Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng môi giới, có thể bên được môi giới phải cung cấp cho bên môi giới một số thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của mình. Bên môi giới chỉ được sử dụng các thông tin này để thực hiện việc môi giới theo hướng có lợi cho bên được môi giới mà không được cung cấp những thông tin đó cho khách hàng hay đối thủ cạnh tranh của người được môi giới.

- Bảo quản mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giời và phải hoàn trả cho bên được môi giới khi kết thúc việc môi giới.

- Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ.

Là người trung gian, bên môi giới có trách nhiệm cung cấp thông tin, tư vấn cho bên được môi giới. Bên môi giới phải có trách nhiệm cung cấp chính xác về tư cách pháp lý của đối tác cho các bên được môi giới. Căn cứ vào bản chất của hoạt động môi giới, bên môi giới, không tham gia vào quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ thương mại đã được giao kết giữa các bên. Do đó, không chịu bất kì trách nhiệm nào trước sự vi phạm hợp đồng của các bên được môi giới với nhau. Tuy nhiên, nếu được sự ủy quyền hợp pháp của một hoặc các bên được môi giới thì bên môi giới có thể thực hiện một số nghĩa vụ theo hợp đồng như giao hàng hay nhận tiền thanh toán...

- Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có ủy quyền của bên được môi giới.

+ Quyền của bên môi giới thương mại

- Được hưởng thù lao môi giới theo mức quy định trong hợp đồng môi giới.

Quyền hưởng thù lao của bên môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá hay cung ứng dịch vụ thương mại với nhau, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 153 Luật Thương mại năm 2005). Điều đó có nghĩa là việc các bên được môi giới không thực hiện hợp đồng đã giao kết hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới quyền hưởng thù lao của bên môi giới, quy định như vậy là phù hợp với chức năng của bên môi giới, bởi bên môi giới không thể chịu trách nhiệm cho khả năng thực hiện hợp đồng hoặc khả năng tài chính của các bên. Tuy nhiên, trong hợp đồng môi giới các bên có thể thỏa thuận thù lao môi giới chỉ phát sinh sau khi hợp đồng giữa các bên được môi giới thực hiện dưới các điều kiện mà bên được môi giới mong muốn.

Trong trường hợp, các bên được môi giới không giao kết được hợp đồng với nhau, bên môi giới không được hưởng thù lao môi giới nhưng nếu các bên không có thỏa thuận khác, bên môi giới vẫn cỏ quyền yêu cầu bên được môi giới thanh toán cho mình các chi phí hợp lý liên quan tới việc môi giới.

Nếu trong hợp đồng, các bên không thỏa thuận mức thù lao thì mức thù lao môi giới được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ (Khoản 2 Điều 153, Điều 86 Luật Thương mại năm 2005).

4.2 Nghĩa vụ và quyền của bên được môi giới đối với bên môi giới thương mại

+ Nghĩa vụ của bên được môi giới

Nếu các bên không có thỏa thuận khác bên được môi giới có các nghĩa vụ sau (Điều 152 Luật Thương mại năm 2005):

- Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hoá, dịch vụ;

- Trả thù lao môi giới và các chi phí khác cho bên môi gỉới.

+ Quyền của bên được môi giới

Luật Thương mại năm 2005 không quy định về quyền của bên được môi giới, tuy nhiên căn cứ vào các nghĩa vụ của bên được môi giới, có thể thấy bên được môi giới có các quyền sau:

- Yêu cầu bên môi giới bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu đã được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;

- Yêu cầu bên môi giới không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của mình.

1 221 lượt xem