Điều khoản về hàng hóa, giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các điều khoản về hàng hóa và giao hàng đều là những điều khoản cơ bản khi hai bên có nguyện vọng kí kết hợp đồng với nhau. Dưới đây là một số nội dung quan trọng và một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề này.

1 268 10/01/2024


Điều khoản về hàng hóa, giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam

I. Điều khoản về hàng hóa trong hợp đồng mua bán quốc tế

1. Hàng hóa là gì?

Điều khoản về hàng hóa, giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam (ảnh 1)

Hàng hóa ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực, mỗi thời điểm có sự khác nhau. ở Việt Nam, theo quy định tại khoản 2 điều 3 Luật Thương Mại năm 2005 thì khái niệm hàng hóa được quy định cụ thể như sau:

“Hàng hóa bao gồm:

a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

b) Những vật gắn liền với đất đai.”

Ngoài ra, trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 cũng có đưa ra khái niệm tương tự nhưng không dùng thuật ngữ “hàng hóa” mà thay vào đó là “tài sản”. Tại điều 105 BLDS năm 2015 có quy định về tài sản:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Tuy có nhiều điểm chung với hàng hóa nói chung nhưng tóm lại, hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng quốc tế phải là hàng hóa hợp pháp, không phải là hàng hóa cấm mua bán trong nước và giữa các quốc gia, là hàng hóa hữu hình, có thể trao đổi được, có thể trị giá được bằng tiền, có thể di chuyển buôn bán qua biên giới giữa các nước.

2, Điều khoản về hàng hóa

Trong mua bán hàng hóa quốc tế, mỗi một loại sản phẩm đều có tên gọi riêng, có chất lượng xác định với một số lượng nhất định, vì vậy các điều khoản về hàng hóa có vai trò rất quan trọng, không thể thiếu để thiết lập nên hợp đồng. Trong hợp đồng nên quy định rõ các điều khoản liên quan đến hàng hóa như:

a. Điều khoản về tên của hàng hóa: hàng hóa phải được biểu đạt rõ ràng, cụ thể, tránh gây nhầm lẫn với loại hàng hóa khác; có thể thêm những miêu tả chính xác, phù hợp với hàng hóa để có thêm tính rõ ràng. Tên hàng cần phù hợp với tên gọi quốc tế, tránh sử dụng tên địa phương của hàng hóa, bởi trên thực tế đã có tranh chấp liên quan đến tên gọi khác nhau ở các địa phương dẫn đến cách hiểu sau về hàng hóa, hậu quả là giao nhầm hàng hóa cho bên bán.

b. Điều khoản vể chất lượng hàng hóa: Điều khoản chất lượng cần rõ ràng, chính xác, cụ thể, không được dùng các câu, từ mơ hồ, đa nghĩa hoặc vô nghĩa. Cần trích hoặc dẫn chiếu cụ thể qui định của nước nhập khẩu áp dụng cho điều khoản chất lượng hàng hóa. Điều này rất có lợi cho bên xuất khẩu, để bên xuất khẩu có thể nắm được tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu đối với hàng hóa liên quan, đồng thời giới hạn trách nhiệm bảo đảm chất lượng của mình trong tiêu chuẩn này, nếu tiêu chuẩn luật định liên quan có bị thay đổi hoặc không còn hiệu lực thì bên nhập khẩu không có quyền từ chối nhận hàng. Bên xuất khẩu cần đàm phán để có được quy định mềm dẻo trong điều khoản chất lượng để có lợi thêm cho mình.

c. Điều khoản về số lượng hàng hóa: đây là điều khoản khá quan trọng. Hai bên cần thống nhất chung về đơn vị để sử dụng cho việc xác định số lượng hàng hóa, thông thường hàng hóa sẽ được xác định cụ thể, rõ ràng số lượng theo đơn vị đo lường quốc tế. Ngoài ra, đối với một số hàng hóa có độ tiêu hao nhất định trong quá trình vận chuyển, trong hợp đồng cũng xuất hiện các thỏa thuận về độ co giãn của số lượng. Độ co giãn nên ở mức hợp lý và thường sử dụng tỷ lệ %.

d. Điều khoản về đóng gói hàng hóa: Hàng hóa thường được đóng gói trong bao bì gồm hai loại bao bì là bao bì vận chuyển và bao bì lưu thông (bao bì tiêu thụ). Bao bì không chỉ được sử dụng để bảo vệ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, mà trong nhiều trường hợp (đặc biệt đối với bao bì lưu thông) còn là sự bắt buộc của pháp luật. Do vậy, trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế các bên cần thỏa thuận cụ thể về đóng gói bao bì. Hợp đồng quy định cụ thể về đặc tính vật lý và hóa học của bao bì; vật lý và hóa học của bao bì; chi phí cho việc đóng bao bì (chi phí là bao nhiêu, ai phải chịu chi phí này,…).

e. Điều khoản về kiểm tra, kiểm định hàng hóa: trong hợp đồng quy định các nội dung liên quan đến vấn đề gồm có: thời gian; địa điểm; người có trách nhiệm kiểm tra, kiểm định; chi phí kiểm tra, kiểm định; các giấy tờ có liên quan khác.

f. Điều khoản về giá cả của hàng hóa và phương thức thanh toán: trong hợp đồng nêu rõ, chính xác, hợp lí giá cả của hàng hóa, đồng tiền dùng để thanh toán giá cả hàng hóa, cách thức và phương thức thanh toán (bằng tiền mặt, chuyển khoản, L/C,...)

Ngoài ra, còn có thể có những nội dung khác tùy thuộc vào ý chí của các bên nhưng đều phải quy định rõ ràng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

3. Điều khoản về giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Các điều khoản liên quan đến giao hàng thường có các nội dung như: địa điểm giao hàng, thời gian giao hàng, điều kiện giao hàng, các chi phí liên quan đến giao hàng. Bên cạnh đó, các bên kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thỏa thuận thống nhất về phương thức giao hàng, phương tiện giao hàng. Ngoài ra, điều khoản này còn quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ cụ thể của người mua và người bán trong hợp đồng. Thông thường, trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay dùng các điều kiện giao hàng nằm trong Incoterms để dễ dàng xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Ví dụ như:

- Các điều kiện giao hàng áp dụng cho phương thức vận tải chung:

+ ExW (Ex Work): Giao hàng tại xưởng – Giá xuất xưởng/ giao tại xưởng.

Theo điều kiện này, người bán sẽ hoàn thành trách nhiệm giao hàng khi hàng đã giao cho người mua tại xưởng của mình, nhưng người bán không phải chịu chi phí và rủi ro trong việc bốc hàng lên phương tiện vận tải. Người bán không phải ký hợp đồng vận tải và bảo hiểm cho lô hàng XK. Ngoài ra người mua phải làm thủ tục XK cho lô hàng. Đây là điều kiện mà nghĩa vụ của người bán là ít nhất. Điều kiện này từng xuất hiện trong Incoterms 2010 nhưng đến Incoterms 2020 thì bị lược bỏ vì một phần lí do chủ yếu được dùng ttrong thương mại nội địa.

+ FCA (Free carrier): Giao cho người chuyên chở đầu tiên.

Theo điều kiện này, người bán sẽ hoàn thành trách nhiệm giao hàng khi hàng đã giao cho người mua thông qua người chuyên chở. Nếu địa điểm giao hàng nằm ngoài cơ sở

của người bán thì người bán không phải chịu chi phí bốc hàng lên phương tiện vận tải, ngược lại người bán chịu chi phí đó. Người bán không phải ký hợp đồng vận tải và bảo hiểm cho lô hàng XK. Tuy nhiên người bán phải làm thủ tục XK cho lô hàng.

+ CPT (Carriage paid To): Cước phí trả tới

Ðây là điều kiện mà theo đó người bán có nghĩa vụ gánh chịu rủi ro, phí tổn và tiền cước để thuê tàu chở hàng đến tận địa điểm nhận hàng của người mua. Người chuyên chở trong điều kiện này là do người bán thuê.

Ngoài ra, còn có các điều kiện giao hàng khác như CIP-cước phí và phí bảo hiểm trả tới (về cơ bản chính là điều kiện CPT mở rộng, khác ở chỗ người bán phải mua bảo hiểm hàng hóa cho người mua theo điều kiện bảo hiểm tối thiểu); DDP (Delivered duty paid)- Giao hàng đã trả thuế ( xuất hiện trong incoterms 2010 nhưng bị loại bỏ khỏi incoterms 2020); DAT (Delivery at terminal)- Giao tại bến; DAP (Delivery at place)- Giao tại địa điểm và một số điều kiện khác.

Điều khoản về hàng hóa, giao hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam (ảnh 1)

- Các điều kiện giao hàng áp dụng cho phương thức vận tải biển, đường thủy nội địa:

+ FOB (Free on Board): Giao hàng lên tàu

Người bán phải có trách nhiệm mang hàng từ kho người bán ra cảng và xếp hàng lên tàu mà người mua đã chỉ định. Người bán chịu mọi chi phí vận chuyển hàng hóa và phải làm thủ tục thông quan xuất khẩu. Người mua sẽ book tàu vận chuyển hàng hóa, chịu chi phí cước biển và thủ tục thông quan nhập khẩu cho đến khi hàng về đến kho người mua. Thời điểm chuyển rủi ro khi hàng hóa giao qua lan can tàu tại cảng xếp.

+ CIF (Cost, Insurance and Freight): Tiền hàng, bảo hiểm, cước phí.

Người bán đưa hàng từ kho ra cảng, phải làm thủ tục thông quan xuất khẩu, chịu chi phí thuê tàu và bảo hiểm của hàng khi đến cảng giao hàng. Thời điểm chuyển rủi ro từ người bán sang người mua khi hàng đến cảng xếp hàng. Người bán làm thủ tục thôn quan xuất khẩu, người mua làm thủ tục nhập khẩu.

+ DES: (giao tại tàu)

Ðây là điều kiện theo đó người bán phải thuê phương tiện chở hàng đến cảng dỡ hàng thoả thuận để giao cho người mua ngay trên tàu tại cảng dỡ.

+ DEQ: (giao tại cầu cảng)

Ðiều kiện DEQ là sự mở rộng của điều kiện DES, theo đó người bán phải chịu thêm rủi ro, chi phí cho đến khi hàng được dỡ xuống và đặt dưới sự định đoạt của người mua trên cầu cảng do hai bên thoả thuận. Theo Incoterms 1990, khi bán hàng theo điều kiện này, người bán phải chịu rủi ro chi phí để hoàn thành thủ tục nhập khẩu và các phí tổn liên quan. Nhưng Incoterms 2000 đòi hỏi người mua phải thực hiện thủ tục này.

Ngoài ra còn có điều kiện giao hàng CFR (Cost and Freight) - Tiền hàng và cước phí; FAS (Free Alongside ship)- Giao dọc mạn tàu; và một số điều kiện khác.

II. Một số lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam khi xác định các điều khoản về hàng hóa và giao hàng

1. Đối với điều khoản về hàng hóa

Như đã xác định ở trên, đối với tên hàng hóa cần quy định rõ ràng, chính xác, có thể dùng tên quốc tế hoặc có thể kèm theo tên thường gọi tại địa phương để dễ xác định, tránh gây nhầm lẫn. ngoài ra, cũng cần lưu ý quan trọng về phương pháp định giá hàng hóa, có thể xác định theo một số cách như:

  • giá xác định ngay- quy định vào lúc ký kết hợp đồng; giá quy định sau - được xác định trong quá trình thực hiện hợp đồng;
  • giá có thể xem xét lại là giá quy định trong hợp đồng nhưng có thể được xem xét lại nếu vào lúc giao hàng, hàng hóa có sự biến động đến một mức nhất định;
  • giá di động hay giá trượt là giá cả được tính toán khi thực hiện hợp đồng trên cơ sở giá quy định ban đầu có tính đến những biến động về chi phí sản xuất trong kỳ thực hiện hợp đồng.

Ngoài ra cũng cần phải chú ý về hàng hóa nào thuộc loại cấm buôn bán nội địa và tại nước kí kết để tránh vi phạm pháp luật và tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao hiểu biết hơn. Ví dụ tại Việt Nam, pháp luật quy định không được buôn bán, lưu thông ma túy, thuốc nổ, nội tạng người trái phép,…

Đối với việc thanh toán, đồng tiền thanh toán có thể giống hoặc khác với đồng tiền tính giá. Khi đó, cần xác định tỷ giá quy đổi hai đồng tiền này, trong đó đặc biệt lựa chọn tỷ giá của công cụ thanh toán nào, tỷ giá mua vào hay bán ra…

Điều kiện đảm bảo hối đoái cũng nên quy định rõ do các bên thỏa thuận để tránh tổn thất có thể xảy ra khi các đồng tiền sụt giá hoặc tăng giá. Kèm theo đó, các bên nên quy định rõ việc người bán phải cung cấp cho người mua những chứng từ chứng minh đã giao hàng cho người vận tải như hai bên đã thỏa thuận: hối phiếu, vận đơn, hóa đơn bán hàng, bảng kê chi tiết hàng hóa, giấy chứng nhận xuất xứ…

2. Đối với điều khoản về giao hàng

Các bên cần xác định rõ thời hạn giao hàng là một thời điểm cụ thể hoặc một giới hạn thời gian. Đồng thời, đối với phương thức vận chuyển, các bên có thể tự thỏa thuận và đưa ra lựa chọn về phương thức vận chuyển và thời điểm chuyền rủi ro. Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế năm 1980 có quy định về vấn đề chuyển rủi ro, tuy nhiên lại không rõ ràng về thời điểm chuyển rủi ro, cũng như trách nhiệm cụ thể của các bên.

=> Chính vì vậy, doanh nghiệp có thể lựa chọn những phương thức giao hàng theo quy định trong Incoterm như FOB, CIF,… Khi sử dụng các điều kiện giao hàng này, cần lưu ý chỉ rõ tên điều kiện giao hàng, Incoterms năm bao nhiêu, và chú ý quy định cụ thể trong hợp đồng về việc sử dụng toàn bộ điều khoản giao hàng được quy định hay có sửa đổi. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý phải quy định rõ về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của cả người được giao nhiệm vụ giao hàng để tránh rủi ro không cần thiết.

1 268 10/01/2024