Công đoàn Việt Nam là gì? Quy định và vai trò của Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động giúp chăm lo và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động trên cơ sở tự nguyện. Cùng tìm hiểu xem Quy định về Công đoàn như thế nào? Trong quan hệ lao động, Công đoàn có vai trò ra sao? Những đối tượng và thủ tục tham gia Công đoàn. Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1 560 07/09/2023


Công đoàn Việt Nam là gì? Quy định và vai trò của Công đoàn Việt Nam

I. Công đoàn Việt Nam là gì?

1. Khái niệm Công đoàn Việt Nam

Theo Điều 10 Hiến pháp 2013 - Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

“Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”.

2. Cơ cấu tổ chức của Công Đoàn Việt Nam

2.1. Hệ thống tổ chức công đoàn

Hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam

Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, có các cấp cơ bản như sau:

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cấp trung ương)

- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.

- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Liên đoàn Lao động cấp huyện, công đoàn ngành đại phương, công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp, công đoàn tổng công ty...

- Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn.

2.2. Tổ chức bộ máy Công đoàn Việt Nam

Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; 20 công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.

3. Nguyên tắc Hoạt động của Công Đoàn Việt Nam

3.1. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị xã hội Việt Nam. Tất cả những thành viên trong hệ thống chính trị trong đó có Công đoàn đều đặt hoạt động của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động tức là đảm bảo hoạt động của Công đoàn luôn theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng vào chương trình hoạt động của mình. Thường xuyên tham mưu tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng thông qua việc thông tin báo cáo tình hình và kết quả hoạt động.

3.2. Liên hệ mật thiết với quần chúng

Công đoàn là tổ chức quần chúng rộng lớn của CNVCLĐ, ngược lại CNVC LĐ là cơ sở xã hội của Công đoàn. Sức mạnh của Công đoàn là mối liên hệ mật thiết với quần chúng để thu hút, tập hợp, thống nhất ý chí hành động. Nếu xa rời quần chúng Công đoàn sẽ không còn “đất hoạt động”. Cán bộ công đoàn cần nhận thức đầy đủ về vai trò quyết định của quần chúng tăng cường mối quan hệ với quần chúng, hoà mình với quần chúng, giành được niềm tin của quần chúng, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ để hướng hoạt động của Công đoàn đáp ứng được yêu cầu ngày càng mới càng cao của quần chúng.

Liên hệ mật thiết với quần chúng của công đoàn thường được cụ thể bằng sự tiếp cận, đi lại thăm hỏi trong những dịp sinh nhật, hiếu, hỷ, lễ, tết; tổ chức các hoạt động quần chúng; chia sẻ, lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng.

3.3. Đảm bảo tính tự nguyện của quần chúng

Tính tự nguyện của quần chúng trong hoạt động Công đoàn là người đoàn viên tự nguyện ra nhập tổ chức Công đoàn, tự nguyện tham gia, thực hiện các nhiệm vụ được giao trên cơ sở nhận thức được trách nhiệm và lợi ích của công việc mà chính mình có bổn phận hoàn thành.

Phát huy tính tự nguyện của người lao động, cán bộ công đoàn cần có lòng tin vào họ, hiểu rõ vai trò quyết định của người lao động, tránh mệnh lệnh, gò ép, áp đặt mà để đoàn viên tự giác tham gia hoạt động. Trước khi tiến hành một việc dù nhỏ, dù lớn cũng cần có sự giải thích, tuyên truyền thuyết phục để đoàn viên hiểu ý nghĩa, nhận thức trách nhiệm, tự nguyện hành động. Muốn vậy, những hoạt động của Công đoàn phải có nội dung sát thực với những vấn đề mà quần chúng quan tâm, hình thức thể hiện hấp dẫn lôi cuốn quần chúng tham gia.

3.4. Tập trung dân chủ

Trong hoạt động Công đoàn, tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản của công đoàn Việt Nam đảm bảo sự thống nhất giữa ý chí và hành động chống sự “tập trung quan liêu” và “dân chủ vô tổ chức”. Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện qua các nội dung cơ bản sau:

- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi cấp công đoàn là đại hội công đoàn cấp đó.

- Ban Chấp hành công đoàn mỗi cấp do đại hội công đoàn cấp đó bầu ra và là cơ quan thường trực giữa 2 kỳ đại hội.

- Nghị quyết của Ban Chấp hành phải được đa số thành viên ban chấp hành biểu quyết và thi hành nghiêm chính theo quy định:Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên; cá nhân phục tùng tổ chức.

II. Những quy định về công đoàn theo Luật công đoàn

Ở phía trên, bài viết đã nêu rõ khái niệm, giải thích Công đoàn là gì, nhưng các bạn cũng cần phải nắm rõ được các quy định về công đoàn theo Luật Công đoàn hiện hành.

1. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động của công đoàn

Đối với việc thành lập công đoàn đều dựa trên sự tự nguyện, chính vì vậy nên người lao động là người Việt Nam đang hoạt động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động. Tất cả đều phải tuân thủ đúng quy định của Luật công đoàn và các bộ luật khác có liên quan.

2. Hệ thống tổ chức công đoàn

Hệ thống tổ chức công đoàn được quy định theo Điều 7 Luật Công đoàn năm 2012:

Hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Công đoàn cơ sở được tổ chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Những hành vi bị nghiêm cấm

Những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến công đoàn đã được quy định tại Điều 9 Luật Công đoàn năm 2012.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không được ép buộc người lao động, gây khó khăn hay gây cản trở trong việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn bởi Luật đã quy định rõ việc này dựa trên sự tự nguyện.

Bên cạnh đó cũng không được yêu cầu, ép buộc người lao động rời khỏi tổ chức công đoàn và cũng không được yêu cầu người lao động không tham gia tổ chức công đoàn.

Tổ chức công đoàn ra đời nhằm đảm bảo giải quyết các vấn đề phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Đảm bảo quyền lợi của người lao động như về hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, môi trường làm việc. Đồng thời đảm bảo về các vấn đề bảo hộ sức khỏe, trang bị thiết bị bảo hộ lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Những hành vi sử dụng biện pháp kinh tế hoặc bất kỳ biện pháp nào khác để gây bất lợi, làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức và hoạt động công đoàn.

Đặc biệt, bất kỳ cá nhân, tập thể lao động nào cũng không được phép lợi dụng quyền hạn của công đoàn để trục lợi, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến lợi ích của Đảng và Nhà nước.

4. Quyền và trách nhiệm của công đoàn

Công đoàn có vai trò quan trọng đối với người lao động và người sử dụng lao động, nên quyền và trách nhiệm của công đoàn cũng được quy định rõ ràng tại Chương II, Mục 1, Điều 10 của Luật Công đoàn năm 2012.

Điều đầu tiên là việc công đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đây cũng là vai trò quan trọng của công đoàn. Việc ký kết hợp động lao động hay xây dựng các thỏa hiệp lao động, nội quy, tranh chấp cũng như lợi ích dành cho người lao động.

Đồng thời tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội để đẩy mạnh phát triển đời sống, phục vụ lợi ích của người lao động, ứng dụng khoa học công nghệ theo tiêu chuẩn bảo hộ lao động.

Công đoàn có quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị những ý kiến cần thiết nhằm xây dựng chính sách, sửa đổi và bổ sung những điều luật có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến công đoàn.

Công đoàn có quyền tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động với mục đích quyết định những vấn đề liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Công đoàn cũng có trách nhiệm và quyền trong việc phát triển đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở để công đoàn vững mạnh, đem lại nhiều lợi ích cho người lao động.

Vì công đoàn đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nên đối với những nơi chưa thành lập được công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên sẽ đại diện thay cho người lao động để yêu cầu.

III. Mối quan hệ giữa Công Đoàn với Đảng, Nhà nước và các tổ chức, các nhân khác

1. Quan hệ giữa công đoàn với Đảng Cộng sản Việt Nam:

Đảng cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đông thời, là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

Mối quan hệ giữa công đoàn với Đảng được thể hiện:

- Đảng lãnh đạo công đoàn; Công đoàn tham gia xây dựng Đảng.

Đảng lãnh đạo công đoàn bằng đường lối, nghị quyết, chỉ thị; lãnh đạo về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; thông qua cấp ủy và vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động công đoàn.

Đảng tôn trọng tính độc lập tương đối về mặt tổ chức của công đoàn, tạo điều kiện cho công đoàn phát huy vai trò của mình.

- Trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với Đảng.

Công đoàn tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; thường xuyên phản ánh với Đảng những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để Đảng lãnh đạo nhà nước hoàn thiện pháp luật, chế độ, chính sách.

Công đoàn bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp; vận động người lao động tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng.

2. Quan hệ giữa công đoàn với Nhà nước

Quan hệ giữa công đoàn với Nhà nước: Là mối quan hệ hợp tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

- Trách nhiệm của Nhà nước đối với tổ chức công đoàn.

+ Bảo đảm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động, công đoàn và quy định khác của pháp luật có liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về công đoàn; phối hợp với Công đoàn chăm lo và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

+ Lấy ý kiến của Công đoàn khi xây dựng chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.

+ Phối hợp và tạo điều kiện để Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

- Trách nhiệm của công đoàn đối với Nhà nước tổ chức:

Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội; tham gia xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động.

Tổ chức và vận động người lao động tham gia phong trào thi đua yêu nước; lao động sản xuất, công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; vận động người lao động tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước.

3. Quan hệ giữa Công đoàn Việt Nam với quốc tế

Hợp tác quốc tế về công đoàn được thực hiện trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, phù hợp với luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

- Công đoàn Việt nam là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)

- Công đoàn Việt Nam có quan hệ với nhiều tổ chức công đoàn trên thế giới và là thành viên tích cực của Liên hiệp Công đoàn Thế giới.

4. Quan hệ giữa công đoàn với các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội khác:

Công đoàn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau với các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội khác, cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung dưới sự lãnh đạo của Đảng:

Các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh.

5. Quan hệ giữa công đoàn với người sử dụng lao động:

Là mối quan hệ giữa 02 đại diện trong quan hệ lao động tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh để xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển.

- Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với công đoàn:

Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc; Phối hợp giải quyết vướng mắc, bức xúc của người lao động.

- Trách nhiệm của Công đoàn với người sử dụng lao động:

Tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển; Phối hợp phát động thi đua; Kiểm tra, giám sát quy chế, thực hiện chế độ, chính sách của người lao động.

6. Quan hệ giữa công đoàn với người lao động

- Tuyên truyền vận động NLĐ gia nhập tổ chức CĐ; PTĐV, thành lập CĐCS

- Phản ánh tâm tư nguyện vọng của người lao động với Đảng, Nhà nước và người sử dụng lao động.

- Đại diện người lao động đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động, giải quyết các nội dung trong quan hệ lao động.

- Tư vấn hỗ trợ pháp lý cho người lao động.

- Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

IV. Vai trò của công đoàn trong quan hệ lao động

Để xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định và hài hòa, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng chủ trương phát triển bảo vệ quyền lợi lao động.

Công đoàn có vai trò rất quan trọng trong việc giúp người lao động xây dựng và ký kết các bản hợp đồng lao động, đồng thời giúp họ tránh được các rủi ro vi phạm pháp lý, nắm được nội dung hợp đồng thỏa hiệp có lợi cho người lao động.

Hiện nay thị trường lao động đang ngày một phát triển đa dạng, không chỉ riêng người lao động hay người sử dụng lao động trong nước mà có cả lao động từ nước ngoài vào. Sự cạnh tranh trong công việc, mối quan hệ lao động trở nên phức tạp hơn.

Chính bởi những điều này nên việc thành lập các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp công đoàn càng cần thiết, sẽ tác động sâu sắc đảm bảo quyền lợi của người lao động, cải thiện chất lượng nguồn lao động một cách tốt hơn.

Tổ chức công đoàn sẽ đại diện người lao động, người sử dụng lao động, đảm bảo quyền và lợi ích của cả hai bên, giữ ổn định và hài hòa các mối quan hệ để cùng phát triển kinh tế sản xuất.

Khi lợi ích được đảm bảo, người lao động cũng có cơ sở, nền tảng vững chắc để tập trung chuyên môn, nâng cao tay nghề và kiến thức. Từ đó công việc thuận lợi, nâng cao chất lượng đời sống của người lao động nói riêng và của người dân nói chung.

V. Đối tượng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam

Tại Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) và hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 quy định:

Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn bao gồm những người hưởng lương, định suất lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

- Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

- Người lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức, nếu có nguyện vọng, được gia nhập Công đoàn Việt Nam và được sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở.

- Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

- Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam

+ Người nước ngoài lao động tại Việt Nam;

+ Người lao động làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty;

+ Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

+ Xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp;

+ Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án;

VI. Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam

Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 như sau:

- Người gia nhập công đoàn phải tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam, đơn phải có chữ ký của người viết đơn (bao gồm chữ ký điện tử). Trường hợp đơn của tập thể người lao động phải có chữ ký của từng người lao động.

- Nơi đã có công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở), ban chấp hành công đoàn cơ sở nhận đơn, xem xét, quyết định kết nạp và tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.

+ Trong buổi lễ có thể cùng lúc kết nạp nhiều đoàn viên; những người được kết nạp phải có mặt tại buổi lễ (trừ trường hợp vắng có lý do chính đáng), công đoàn cơ sở công bố quyết định kết nạp đoàn viên, trao quyết định và trao thẻ cho đoàn viên công đoàn (nếu có).

+ Những đơn vị có đông đoàn viên, ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể ủy quyền cho công đoàn cơ sở thành viên hoặc công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận (gọi chung là công đoàn bộ phận), tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn (gọi chung là tổ công đoàn) trực thuộc tổ chức lễ kết nạp đoàn viên.

- Nơi chưa có công đoàn cơ sở:

+ Người lao động nộp đơn xin gia nhập công đoàn cho công đoàn cấp trên nơi gần nhất hoặc ban vận động thành lập công đoàn cơ sở (nếu có).

++ Trường hợp nộp đơn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nộp đơn, công đoàn cấp trên phải xem xét, quyết định việc kết nạp hoặc không kết nạp đoàn viên và giới thiệu nơi sinh hoạt cho đoàn viên khi có quyết định kết nạp.

++ Trường hợp người lao động nộp đơn cho ban vận động: Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nộp đơn, nếu nơi người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn, chưa đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở thì:

Người lao động có quyền chuyển đơn lên công đoàn cấp trên xem xét, quyết định kết nạp đoàn viên và được giới thiệu sinh hoạt tại công đoàn cơ sở gần nơi đoàn viên đang làm việc nhất, cho đến khi công đoàn cơ sở tại nơi làm việc được thành lập.

+ Trường hợp có đủ người lao động liên kết thành lập công đoàn cơ sở theo quy định, thì ban vận động tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở và đề nghị công đoàn cấp trên công nhận theo quy định tại Mục 12.1 và 12.2 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020.

+ Việc kết nạp lại đoàn viên công đoàn: Đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu có nguyện vọng gia nhập lại tổ chức Công đoàn Việt Nam phải có đơn xin ra nhập lại gửi công đoàn cơ sở nơi làm việc.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm xem xét, thẩm định nếu đủ điều kiện thì đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định kết nạp lại.

- Sử dụng thẻ đoàn viên công đoàn trong các trường hợp sau:

+ Biểu quyết tại đại hội, hội nghị của tổ chức công đoàn khi cần thiết.

+ Xuất trình thẻ đoàn viên khi: Chuyển sinh hoạt công đoàn; tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức (khi có yêu cầu); cần tư vấn, giúp đỡ của công đoàn các cấp.

+ Xuất trình thẻ đoàn viên với công đoàn cấp trên để được tham gia sinh hoạt tạm thời khi nơi làm việc chưa có tổ chức công đoàn, tổ chức công đoàn nơi làm việc bị giải thể hoặc trong thời gian nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động chưa tìm được việc làm.

+ Sử dụng thẻ đoàn viên để được hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ từ các thiết chế công đoàn, các hình thức liên kết, hợp tác khác của công đoàn.

- Công tác quản lý đoàn viên công đoàn:

+ Đoàn viên công đoàn được quản lý thông qua thẻ đoàn viên, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thống nhất quản lý về phôi thẻ, mã số thẻ, phân cấp cho liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương thực hiện in thẻ đoàn viên.

+ Thẻ đoàn viên được trao trong buổi lễ kết nạp hoặc sau khi được kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đoàn viên nhận thẻ phải thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng thẻ đoàn viên, khi mất hoặc hỏng phải báo ngay với công đoàn cơ sở nơi đang sinh hoạt để được cấp lại hoặc đổi thẻ đoàn viên.

Khi phát hiện thẻ đoàn viên giả phải báo cáo kịp thời với công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên.

+ Đoàn viên ra khỏi tổ chức công đoàn, bị khai trừ khỏi tổ chức công đoàn thì công đoàn cơ sở nơi đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt hoặc công đoàn cấp trên xóa tên trong danh sách đoàn viên.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Công đoàn Việt Nam do Vietjack.me tổng hợp. Hy vọng bài viết đã cung cấp tới quý bạn đọc những thông tin hữu ích.

1 560 07/09/2023