8/3 là ngày gì? Ý nghĩa, nguồn gốc của ngày 8/3

1 45 01/09/2024


8/3 là ngày gì? Ý nghĩa, nguồn gốc của ngày 8/3

A. 8/3 là ngày gì? Ý nghĩa ngày 8/3

Ngày mùng 8 tháng 3 là ngày Quốc tế Phụ nữ. Trong ngày này, người ta thường dành để vinh danh, thể hiện sự tôn trọng với những người phụ nữ trên thế giới. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ tình cảm, sự quan tâm đến các chị em, các bà, các mẹ, những người phụ nữ tuyệt vời xung quanh mình.

2. Nguồn gốc ngày 8 tháng 3

Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8 tháng 3 ra đời từ phong trào đấu tranh của công nhân nữ ở Mỹ nhằm đòi quyền sống. Vào khoảng cuối thế kỉ 19 là thời kì chủ nghĩa tư bản thịnh vượng đặc biệt là ở Mỹ. Công nghiệp kỹ nghệ thời đó phát triển, người ta tuyển dụng rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, thời buổi bấy giờ quyền lợi của phụ nữ bị xem nhẹ, tư bản đã chèn ép, bóc lột sức lao động của phụ nữ và trẻ em đến cùng cực nhưng trả lương lại rất rẻ mạt. Cuộc sống của phụ nữ, trẻ em ngày càng nghèo túng, khắc nghiệt.

Phản đối sự bóc lột tàn nhẫn đó, vào ngày 8/3/1899 thành phố Chicago lẫn New York đã bùng nổ cuộc đấu tranh của nữ công nhân ngành dệt may với mục đích đòi tăng lương, giảm giờ làm. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này nhanh chóng bị đàn áp thẳng tay, các nữ công nhân bị đuổi khỏi nhà máy. Song điều đó không làm nhụt chí tinh thần đấu tranh của chị em phụ nữ, họ vẫn sôi sục ý chí vùng dậy buộc tư bản phải nhượng bộ.

Tháng 2 năm 1909 tất cả phụ nữ ở mọi nơi trên nước Mỹ đã tổ chức cuộc họp “Ngày phụ nữ” sôi nổi đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho nữ giới.

Phong trào đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã lan tỏa, có sức cổ vũ mạnh mẽ đến chị em phụ nữ trên toàn thế giới. Hai nữ chiến sĩ Cách mạng nổi bật là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan) cùng bà Nadezhda Krupskaya (vợ của Lê-nin) đã vận động phụ nữ thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo các phong trào đấu tranh.

Phong trào ngày càng lớn mạnh thu hút được nhiều người tham gia, chất lượng cũng ngày càng được tăng cao. Vì vậy, tại đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ trên thế giới được tổ chức tại Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch) vào ngày 26, 27 tháng 8 năm 1910. Cuộc họp này có sự tham dự của 100 nữ đại biểu đến từ 17 nước. Theo đó, hội nghị quyết định lấy ngày mùng 8 tháng 3 là ngày quốc tế phụ nữ, đòi bình đẳng, các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

3. Các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ

3.1. Ngày Quốc tế Phụ nữ ở các nước trên Thế giới

Ở nước ngoài, vào ngày này đàn ông sẽ tặng những người phụ nữ xung quanh họ như bạn bè, mẹ, vợ, bạn gái, con gái, đồng nghiệp, … những đóa hoa, món quà nhỏ và lời chúc thay cho lời cảm ơn vì đã hi sinh, ở bên cạnh họ trong suốt những năm qua.

Tại một số quốc gia như Cameroon, Croatia, Romania, Bosnia, Herzegovina, Bulgaria và Chile, dù ngày 8/3 không phải là một kỳ nghỉ lễ những vẫn được tổ chức rộng rãi.

Ở một số quốc gia như Bulgari và Romania, ngày này cũng được coi là tương đương với Ngày của Mẹ, trong ngày này những đứa trẻ sẽ dành tặng những món quà nhỏ cho mẹ và bà mình.

Tại Ý, đàn ông thường tặng hoa mimosa vàng tươi, đẹp dịu dàng thanh thoát cho phụ nữ vào ngày 8/3 như một sự tôn vinh.

Tại một số quốc gia khác, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỉ niệm bằng những cuộc diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới về mức lương, giáo dục, thăng tiến trong công việc, an sinh xã hội, chống lại nạn mại dâm và bạo lực đối với phụ nữ, … Mạnh mẽ hơn là phụ nữ Châu Âu và Bắc Mỹ vào ngày 8/3, họ còn từ chối nhận hoa, để đòi quyền bình đẳng và cho rằng điều đó không thực tiễn.

3.2. Ngày Quốc tế Phụ nữ ở Việt Nam

Trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đàn ông Việt Nam nói chung và những người con nói riêng sẽ tặng cho những người phụ nữ thân yêu xung quanh mình những món quà ý nghĩa, đoá hoa, bữa tiệc lãng mạn kem theo đó là những lời chúc tốt đẹp nhất.

Bên cạnh đó, ngày 8/3 còn được coi là ngày kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi Việt. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước. Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua, lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay)

1 45 01/09/2024