Pháp chế là gì? Nguyên tắc pháp chế? Sự khác nhau giữa pháp luật và pháp chế

Pháp chế là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến nhưng pháp chế là gì thì không phải ai cũng biết, thậm chí pháp chế hay bị nhầm lẫn với pháp luật. Hãy cùng làm rõ các vấn đề này qua bài viết sau.

1 405 01/01/2024


Pháp chế là gì? Nguyên tắc pháp chế? Sự khác nhau giữa pháp luật và pháp chế

1. Pháp chế là gì? Nguyên tắc pháp chế

Pháp chế là gì? Nguyên tắc pháp chế? Sự khác nhau giữa pháp luật và pháp chế (ảnh 1)

“Pháp chế là sự hiện diện của một hệ thống pháp luật cần và đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, làm cơ sở cho sự tồn tại của một trật tự pháp luật; là sự tuân thủ và thực hiện đầy đủ pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, của cơ quan, đơn vị, tổ chức và mọi công dân” - Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và pháp luật, Viện Nhà nước và pháp luật (1995).

Theo đó, pháp chế được xác lập trong toàn bộ đời sống xã hội. Và để bảo đảm pháp chế được xây dựng cần nghiêm túc thực hiện những nguyên tắc sau:

- Bảo đảm tính thống nhất của việc xây dựng, ban hành và thực hiện pháp luật

Pháp luật phải được nhận thức và thực hiện thống nhất trong cả nước và ở tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị. Nội dung này thể hiện ở 02 khía cạnh:

Một là, trong hệ thống văn bản pháp luật thì Hiến pháp và luật là những văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Các văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành dựa trên Hiến pháp và các luật. Sự thống nhất của pháp chế được bảo đảm bằng hiệu lực tối cao của Hiến pháp và luật so với các văn bản dưới luật. Các văn bản dưới luật phải phù hợp với Hiến pháp và luật.

Văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước ở địa phương phải phù hợp, không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành.

Hai là, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải chấp hành Hiến pháp và pháp luật một cách nghiêm minh, thường xuyên, liên tục.

- Bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp của công dân

Quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được Hiến pháp quy định và cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, được các cơ quan nhà nước bảo đảm và bảo vệ.

- Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật

Bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng đều xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, xã hội và công dân. Bởi vậy, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm đó.

Trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phải thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, không phân biệt đối tượng vi phạm pháp luật là ai, địa vị xã hội như thế nào; xử lý đúng pháp luật, đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.

2. Sự khác nhau giữa pháp luật và pháp chế

Pháp chế là gì? Nguyên tắc pháp chế? Sự khác nhau giữa pháp luật và pháp chế (ảnh 1)

Pháp luật được hiểu là hệ thống các quy phạm (quy tắc hành vi hay quy tắc xử sự) có tính chất bắt buộc chung và được thực hiện lâu dài nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của Nhà nước và được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp tổ chức, giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế bởi bộ máy Nhà nước.

Pháp luật là cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của đời sống xã hội và Nhà nước, là công cụ để Nhà nước thực hiện quyền lực của mình.

Như bản chất của Nhà nước, pháp luật mang bản chất giai cấp và xã hội.

Ý chí của giai cấp thống trị được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật và nhờ có pháp luật ý chí của giai cấp thống trị trở thành ý chí của Nhà nước.

Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nên pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và những người lao động khác trong xã hội. Pháp luật thể hiện và bảo vệ lợi ích của số đông nhân dân trong xã hội. Thông qua pháp luật, ý chí của nhân dân trở thành ý chí của Nhà nước.

Pháp luật không chỉ mang tính giai cấp và tính xã hội mà pháp luật còn phản ánh hiện thực xã hội và các quy luật khách quan của đời sống xã hội.

Pháp luật có các đặc điểm sau:

- Pháp luật mang tính quy phạm phổ biến;

- Pháp luật được thể hiện dưới hình thức xác định;

- Pháp luật có tính cưỡng chế;

- Pháp luật được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Qua những phân tích trên, có thể thấy, nếu pháp luật là ý chỉ người dân được nâng lên thành luật thì pháp chế lại là việc đưa ý chí đó vào đời sống, trở thành hiện thực.

Nói cách khác, theo nghĩa rộng, pháp chế bao gồm hệ thống pháp luật và việc thực hiện pháp luật trong đời sống.

1 405 01/01/2024