Nghĩa vụ dân sự là gì? Căn cứ - Thời hạn - Đặc điểm của nghĩa vụ dân sự

Hợp đồng dân sự, hành vi dân sự đơn phương; việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; việc gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật; thực hiện công việc không có ủy quyền…đều phát sinh giữa các bên quyền và nghĩa vụ dân sự. Bài viết này của Vietjack.me sẽ làm rõ vấn đề hơn nhé:

1 361 16/03/2024


Nghĩa vụ dân sự là gì? Căn cứ - Thời hạn - Đặc điểm của nghĩa vụ dân sự

1. Nghĩa vụ dân sự là gì ?

Nghĩa vụ dân sự là gì? Căn cứ - Thời hạn - Đặc điểm của nghĩa vụ dân sự (ảnh 1)

Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) quy định

"Điều 274. Nghĩa vụ

Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)."

Nghĩa vụ dân sự là cách xử sự bắt buộc của người có nghĩa vụ. Cách xử sự của các chủ thể cũng rất khác nhau tuỳ theo từng quan hệ dân sự cụ thể. Trong các quy phạm pháp luật dân sự, các quy phạm tuỳ nghi cho phép các chủ thể lựa chọn cách thực hiện khi tham gia vào các quan hệ dân sự phát huy quyền tự định đoạt của mình. Các quy phạm mệnh lệnh dưới dạng "cấm không được làm" hoặc "phải làm" có một ý nghĩa đặc biệt. Từ các quy phạm này, phát sinh nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự. Những nghĩa vụ dạng này do pháp luật quy định cho tất cả các bên tham gia vào quan hệ dân sự không chỉ có ý nghĩa đối với các bên tham gia mà đó còn là nghĩa vụ của các chủ thể và có ý nghĩa đối với Nhà nước, đối với xã hội.

Người có nghĩa vụ có thể phải thực hiện những hành vi tích cực dưới dạng hành động (như trả tiền, giao vật trong mua bán,...). Trong một số trường hợp, nội dung của quan hệ pháp luật quy định người có nghĩa vụ có thể lựa chọn cách thức xử sự có lợi nhất định cho họ (ví dụ: để bồi thường thiệt hại do hành vi thiệt hại gây ra, người có nghĩa vụ có thể bồi thường bằng tiền,...). Nếu người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của họ một cách tự nguyện sẽ bị "buộc" phải thực hiện đúng nghĩa vụ đó. Ngoài ra, nếu do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy dủ nghĩa vụ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ

"Điều 275. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ

Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ sau đây:

1. Hợp đồng.

2. Hành vi pháp lý đơn phương.

3. Thực hiện công việc không có ủy quyền.

4. Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

5. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật.

6. Căn cứ khác do pháp luật quy định."

Có 06 căn cứ phát sinh để thực hiện nghĩa vụ dân sự, cụ thể là:

- Hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 “là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên về việc mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, cho thuê, mượn tài sản hoặc về việc thực hiện một công việc, theo đó làm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên trong hợp đồng. Với tính chất này, khi các bên thỏa thuận nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của nhau thì đây sẽ là căn cứ hình thành nghĩa vụ

- Hành vi pháp lý đơn phương là hành vi của cá nhân thể hiện ý chí tự do, tự nguyện, tự định đoạt của bản thân nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Khi một người thực hiện một hành vi pháp ký đơn phương thì có thể làm phát sinh nghĩa vụ của người đó với người khác hoặc phát sinh nghĩa vụ của người khác với người thứ ba.

- Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.

- Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật: Khi một người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật sẽ làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả của người đó kể từ khi người đó có khoản lợi trong tay. Từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc được lợi thì phải hoàn trả khoản lợi mà mình đã thu được.

- Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật: Thực hiện hành vi gây thiệt hại trái pháp luật sẽ phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại. Trong quan hệ này, bên gây thiệt hại phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bên bị thiệt hại.

- Căn cứ khác do pháp luật quy định: Trường hợp này do pháp luật khác quy định, để tránh sự bỏ sót phát sinh trong thực tiễn. Đó là những căn cứ pháp lý do pháp luật quy định điều chỉnh các quan hệ nghĩa vụ về tài sản giữa các chủ thể trong quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực dân sự.

Nghĩa vụ dân sự là gì? Căn cứ - Thời hạn - Đặc điểm của nghĩa vụ dân sự (ảnh 1)

3. Đối tượng của nghĩa vụ

Căn cứ Điều 276 BLDS 2015 quy định

- Về đối tượng của nghĩa vụ là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện

Thứ nhất, về tài sản

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 tài sản bao gồm:

+ Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

+ Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Đây là những gì các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ tác động tới để qua đó thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.

Thứ hai, về công việc phải thực hiện

Không có văn bản quy phạm pháp luật giải thích thuật ngữ “công việc phải thực hiện” là gì. Tuy nhiên, thuật ngữ “công việc” có thể hiểu là một dạng hoạt động cụ thể mà một bên mong muốn xác lập quan hệ nghĩa vụ để bên còn lại thực hiện hoạt động này. Hoạt động này có thể thông qua hoặc không thông qua hành vi cụ thể. Và qua hoạt động này, bên yêu cầu có thể thỏa mãn được các nhu cầu về lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần. Do đó, công việc phải thực hiện được hiểu là những hoạt động thể hiện thông qua hành vi cụ thể.

Thứ ba, về công việc không được thực hiện

Công việc không được thực hiện là những hoạt động không thông qua hành vi – tức là thể hiện dưới dạng không hành động cụ thể. Hoạt động này cũng sẽ là đối tượng của quan hệ nghĩa vụ khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định mà thông qua hoạt động này, một trong các bên có được những quyền và lợi ích của mình.

- Đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định

Một trong những nguyên tắc để thực hiện được quyền và nghĩa vụ từ sự thỏa thuận hoặc pháp luật của các bên, đối tượng là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện cần phải xác định được một cách rõ ràng. Điều này hoàn toàn là sự phù hợp, khi đối tượng không thể xác định thì các bên chủ thể không thể tác động vào đó để thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của mình. Đồng thời, các bên chủ thể càng không thể tạo ra các quyền và nghĩa vụ một cách cụ thể.

4. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Căn cứ vào quy định trên thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ có thể được xác định như sau:

- Là nơi các bên thỏa thuận

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ nghĩa vụ đã xác lập, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên chủ thể xác định vị trí không gian để thực hiện nghĩa vụ của mình. Đây cũng được xác định là nguyên tắc tối cao trong quan hệ pháp luật dân sự.

- Trong trường hợp các bên chủ thể không có thỏa thuận, pháp luật dự liệu như sau:

+ Nơi có bất động sản. nếu đối tượng của quan hệ nghĩa vụ là bất động sản.

+ Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đốĩ tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.

Cách xác định nơi thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp các bên không thỏa thuận mà pháp luật quy định sẽ căn cứ vào đối tượng của quan hệ nghĩa vụ là gì. Nếu là một tài sản không thể di dời được về mặt vật lý hay còn gọi là bất động sản thì nơi để các bên thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ là nơi có tài sản đó. Và ngược lại, đối tượng của quan hệ nghĩa vụ là động sản, nơi thực hiện nghĩa vụ sẽ là nơi cự trú hoặc trụ sở của bên có quyền.

Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mang quyền hoàn toàn có thể thay đổi trong quá trình các bên thực hiện nội dung quan hệ nghĩa vụ của mình. Do đó, pháp luật quy định nếu việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền diễn ra, bên chủ thể này phải thông báo cho bên có nghĩa vụ biết, đồng thời sẽ phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ

"Điều 278. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ

1. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Trường hợp bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.

3. Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý."

1 361 16/03/2024