Khu công nghệ cao là gì? 03 khu công nghệ cao lớn nhất cả nước [năm 2023]

Khu công nghệ cao từ khi ra đời đã tạo nên rất nhiều giá trị thiết thực cho sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng như nền kinh tế Việt Nam. Vậy, khu công nghệ cao là gì? Các quy định, ưu đãi dành cho doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao ra sao? Tham khảo bài viết để được giải đáp thắc mắc!

1 425 08/08/2023


Khu công nghệ cao là gì? 03 khu công nghệ cao lớn nhất cả nước [năm 2023]

I. Khu công nghệ cao là gì?

Tại khoản 1 Điều 31 Luật Công nghệ cao 2008 quy định về khu công nghệ cao như sau:

Khu công nghệ cao là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

II. Quy định chung về khu công nghệ cao

Trong khu công nghệ cao có thể có khu chế xuất, kho ngoại quan, khu bảo thuế và khu nhà ở.

Mục tiêu của việc thành lập khu công nghệ cao là nhằm góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu - phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao của đất nước; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ cao, nhân lực công nghệ cao trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực phát triển kinh tế, đặc biệt đối với các vùng kinh tế trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu - phát triển công nghệ cao với sản xuất và dịch vụ, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và thương mại hoá công nghệ cao; góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ.

Trong khu công nghệ cao thành lập các doanh nghiệp khu công nghệ cao là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động trong khu công nghệ cao, bao gồm doanh nghiệp phát triển hạ tầng, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp dịch vụ công nghệ cao, công tỉ phát triển khu công nghệ cao và doanh nghiệp dịch vụ dân sinh.

III. Nhiệm vụ của khu công nghệ cao

Tại khoản 2 Điều 31 Luật Công nghệ cao 2008 quy định về nhiệm vụ của khu công nghệ cao như sau:

- Thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao;

- Liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao;

- Đào tạo nhân lực công nghệ cao;

- Tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm công nghệ cao từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao;

- Thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động công nghệ cao.

IV. Các ưu đãi mà doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng:

- Doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế cụ thể theo quy định của Luật khoa học và công nghệ năm 2013

Điều 64. Chính sách thuế đối với hoạt động khoa học và công nghệ

Các trường hợp sau đây được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế:

1. Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

2. Thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm;

3. Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao;

4. Dịch vụ khoa học và công nghệ;

5. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;

6. Kinh phí tài trợ của tổ chức, cá nhân cho hoạt động nghiên cứu khoa học; khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học;

7. Chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

8. Các trường hợp khác được quy định tại các luật về thuế.

Doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng theo quy định của pháp luật về thuế cụ thể theo quy định của Luật khoa học và công nghệ năm 2013

"Điều 65. Chính sách tín dụng đôi với hoạt động khoa học công

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ vay vốn trung và dài hạn để hoạt động khoa học và công nghệ được hưởng lãi suất ưu đãi khi vay vốn tại Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, các quỹ khác của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ được ưu đãi về tín dụng theo điều lệ của quỹ nơi vay vốn.

3. Tổ chức, cá nhân vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt hoạt động triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm được Ngân hàng phát triển Việt Nam xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư, dành tỷ lệ nhất định dư nợ tín dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ.

4. Những chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của Nhà nước và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, đặc biệt dự án triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm có yêu cầu sử dụng vốn lớn, được ưu tiên xét cho sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức theo phương thức sau đây:

a) Tài trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

b) Cho vay đối với dự án đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ hoặc cho vay có thu hồi đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.”

V. Thành lập khu công nghệ cao

1. Điều kiện thành lập khu công nghệ cao:

Theo Điều 31 của Văn bản hợp nhất Luật Công nghệ cao năm 2019, thì để thành lập khu công nghệ cao cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, thành lập khu công nghệ cao phải phù hợp với chính sách của đảng và nhà nước trong lĩnh vực phát triển công nghệ và công nghiệp, đáp ứng được các quy định của pháp luật về công nghệ hiện hành.

Thứ hai, khu công nghệ cao đó phải đáp ứng được quy mô diện tích phù hợp, khu công nghệ phải được đặt tại địa điểm thuận lợi về địa thế giao thông cũng như có sự liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đồng thời phải có trình độ đào tạo đạt ở mức cao hơn so với các khu công nghệ bình thường.

Thứ ba, khu công nghệ cao phải có hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đáp ứng được những yêu cầu trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, phải hoạt động nhằm mục đích ươm tạo công nghệ cao cũng như sản xuất và ứng dụng ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao phục vụ cho đời sống nhân dân.

Thứ tư, nhân lực làm việc trong khu công nghiệp cao phải là nguồn nhân lực chuyên nghiệp đặt dưới sự quản lý chặt chẽ và khoa học.

Như vậy để thành lập một khu công nghiệp cao, đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nêu trên do đây là một loại hình mang nhiều đặc biệt.

2. Thủ tục thành lập khu công nghệ cao:

Để thành lập khu công nghệ cao sẽ phải thực hiện theo các bước cơ bản sau đây:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ hợp lệ và đầy đủ. Các chủ thể thành lập khu công nghệ cao có thể nộp thông qua nhiều hình thức khác nhau, nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện đến trụ sở của Bộ Khoa học và công nghệ. Một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm những thành phần cơ bản sau đây:

– Đơn đề nghị công nhận thành lập khu công nghệ cao theo mẫu như quy định của pháp luật hiện hành;

– Bản sao có công chứng chứng thực của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư, nếu không có thì có thể thay bằng giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ…;

– Bản thuyết minh của các chủ thể có nhu cầu thành lập khu công nghệ cao khi đáp ứng được các điều kiện về: sản xuất và cung ứng các sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục được chính phủ khuyến khích phát triển, tổng chi bình quân của chủ thể đó trong thời hạn ba năm liên tiếp cho hoạt động nghiên cứu nhằm phát triển công nghệ cao ít nhất bằng 1% tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi thì phải đạt trên 1% tổng doanh thu hằng năm, Đặc biệt là từ năm thứ năm trở đi thì phải đặt trên 70% trở lên, ngoài ra số lượng lao động trong các doanh nghiệp đó thì phải đạt tới trình độ đại học trở lên, Đồng thời các chủ thể đó phải áp dụng được các biện pháp thân thiện với môi trường cũng như phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

Bước 2. Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ hợp lệ thì sẽ tiến hành nộp đến chủ thể có thẩm quyền đó là Bộ Khoa học và công nghệ. Trường hợp xét thấy hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Khoa học và công nghệ sẽ gửi văn bản yêu cầu bổ sung hoàn thiện đối với các chủ thể có nhu cầu thành lập khu công nghệ cao, thông qua phương thức trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Trong thời hạn theo quy định của pháp luật là 10 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được văn bản của chủ thể có thẩm quyền là Bộ Khoa học và công nghệ, thì các cụ lại có nhu cầu thành lập khu công nghệ cao phải có trách nhiệm bổ sung sửa chữa theo như yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền đưa ra.

Bước 3. Trong thời hạn theo quy định của pháp luật là năm ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Khoa học và công nghệ sẽ tổ chức để lấy ý kiến thăm dò đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có liên quan đến lĩnh vực này để xin ý kiến.

Bước 4. Trong thời hạn theo quy định của pháp luật là 30 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Khoa học và công nghệ tiến hành thẩm định và cấp giấy chứng nhận thành lập khu công nghệ cao và gửi cho những chủ thể có yêu cầu. Đối với trường hợp mà từ chối cấp giấy chứng nhận thì Bộ Khoa học và công nghệ sẽ phải có lý do rõ ràng bằng văn bản gửi đến cho chủ thể có yêu cầu.

3. Thẩm quyền thành lập khu công nghệ cao:

Căn cứ theo Điều 2 Quy chế Khu công nghệ cao, đã quy định rõ ràng khu công nghệ cao là một khái niệm để chỉ những khu kinh tế kỹ thuật thực hiện nhiều chức năng khác nhau và có ranh giới xác định cụ thể rõ ràng. Khu công nghệ cao do chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật quyết định thành lập là Thủ tướng chính phủ. Như vậy đối địch đối chiếu theo quy định đó thì thẩm quyền quyết định việc thành lập đối với những khu công nghệ cao thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập khu công nghệ cao nhầm nhiều mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là để nghiên cứu và phát triển cũng như ứng dụng khoa học công nghệ hoặc đào tạo ra các nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh các sản phẩm công nghệ. Đồng thời thì nhà nước ta nói chung và chính phụ nói riêng cũng sẽ dành phần nhiều ngân sách để áp dụng những cơ chế đặc thù phục vụ cho quá trình thực hiện chủ trương nhiệm vụ về đề án công nghệ cao, bởi nhìn chung thì đây là một lĩnh vực có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong phát triển an ninh quốc phòng cũng như kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Vì thế, các chủ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan trình lên Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ tiến hành xem xét, quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động của khu công nghệ cao.

VI. 03 khu công nghệ cao lớn nhất cả nước

1. Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Khi hỏi đến những cái tên khu công nghệ cao là gì thì không thể bỏ qua khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

1.1. Giới thiệu về khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Được thành lập từ ngày 24/10/2002, khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là SHTP) sở hữu thế mạnh vượt bậc nhờ vị trí địa lý chiến lược, có nhiều tiềm năng kinh tế. Đồng thời được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nghiễm nhiên trở thành nơi đầu tư lý tưởng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

1.2. Vị trí địa lý của khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Nằm tại nút giao các xa lộ lớn, đem lại cho khu công nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh vị trí đắc địa. Chỉ cách trung tâm thành phố 15km, Đại học Quốc gia gần 3km, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 18km và cảng Cát Lái gần 15km.

Bên cạnh đó, khu công nghệ cao còn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Nam với hơn 40 khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, nhỏ xung quanh. Nhờ đó, SHTP hình thành nên mạng lưới cung ứng và khách hàng cho các doanh nghiệp đầu tư tại đây.

Trong tương lai không xa, tuyến Metro sẽ hoàn thành, giúp khoảng thời gian đến trung tâm thành phố được rút ngắn rất nhiều, tạo điều kiện giao thương thuận lợi.

Bản quy hoạch khu CNC TPHCM

1.3. Ưu đãi đầu tư khu công nghệ cao là gì?

Về giá thuê đất, doanh nghiệp sẽ trả 10% phí thuê sau khi ký thỏa thuận xác nhận với SHTP. Đóng tiếp 40% khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 50% còn lại sẽ thanh toán trong vòng 1 năm tính theo thời gian quy định trong hợp đồng thuê đất.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp đầu tư dự án nghiên cứu, phát triển còn được hưởng chính sách ưu đãi về giá thuê lên đến 100% từ SHTP.

1.4. Lĩnh vực thu hút đầu tư

Tại khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án hướng đến sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường thường được ưu tiên phát triển. Các lĩnh vực được đẩy mạnh có thể kể đến đó là:

- Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông.

- Cơ khí chính xác - Tự động hóa.

- Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường.

- Năng lượng mới - Vật liệu mới - Công nghệ nano.

2. Khu công nghệ cao Hòa Lạc

2.1. Giới thiệu về khu công nghệ cao Hòa Lạc

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập dựa theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/10/1998. Đây là một trong ba khu công nghệ cao được Nhà nước đầu tư phát triển với mục đích đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của khu vực và cả nước.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc

2.2. Vị trí địa lý của khu công nghệ cao là gì tại Hòa Lạc

Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 30km, thuộc khu vực chiến lược cùng với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. Khu vực này dự kiến sẽ là trung tâm của “thành phố vệ tinh khoa học - công nghệ” trong tương lai.

Khu CNC Hòa Lạc

Bên cạnh đó, khu công nghệ cao Hòa Lạc có vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa. Cách cảng Hải Phòng - cảng Cái Lân khoảng 100km, sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 60km. Có tuyến xe buýt số 107 và 74 kết nối khu công nghệ cao với Thủ đô. Ngoài ra, dự án đường sắt đô thị số 5 cũng hỗ trợ rất lớn trong việc di chuyển giữa khu công nghệ cao Hòa Lạc với trung tâm Hà Nội. Đây là yếu tố thúc đẩy rất lớn cho việc kết nối và thu hút nguồn nhân lực.

2.3. Ưu đãi đầu tư trong khu công nghệ cao là gì?

Các doanh nghiệp khi đầu tư luôn quan tâm nhiều đến ưu đãi trong khu công nghệ cao là gì, chế độ miễn giảm thuế suất càng hấp dẫn, càng thu hút đầu tư. Hiện nay, khu công nghệ cao Hòa Lạc có ưu đãi thuế suất tới 10% dành cho doanh nghiệp đầu tư mới với thời hạn lên đến 30 năm. Trong đó, doanh nghiệp cũng được miễn giảm 100% thuế phải nộp trong 4 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Quy chế Khu công nghệ cao ban hành kèm theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ.

2.4. Lĩnh vực thu hút đầu tư tại khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc

Tại khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, các lĩnh vực đang được thu hút đầu tư đó là:

- Nghiên cứu - sản xuất, bao gồm: công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.

- Đào tạo.

- Phát triển hạ tầng.

- Tài chính - đầu tư.

- Kinh doanh và thương mại.

3. Khu công nghệ cao Đà Nẵng

3.1. Giới thiệu về khu công nghệ cao Đà Nẵng

Khu công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ thành lập khu công nghệ cao Đà Nẵng trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Khu công nghệ cao Đà Nẵng có diện tích 1128,40 ha, thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Trong khu công nghệ cao Đà Nẵng gồm có 6 phân khu:

- Khu sản xuất công nghệ cao.

- Khu nghiên cứu - phát triển đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp.

- Khu quản lý - hành chính.

- Khu nhà ở.

- Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối.

- Khu hậu cần, logistic, dịch vụ công nghệ cao,...

3.2. Vị trí địa lý của khu công nghệ cao là gì tại Đà Nẵng

Khu công nghệ cao Đà Nẵng nằm trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, nối liền các khu kinh tế trọng điểm thuộc miền Trung. Ngoài ra, khu công nghệ này cũng nằm trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 17km, trung tâm thành phố 22km và cảng 25km.

3.3. Ưu đãi đầu tư trong khu công nghệ cao Đà Nẵng

Khu công nghệ cao Đà Nẵng áp dụng các chính sách ưu đãi hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư tại đây theo Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 04/01/2018 quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ cao Đà Nẵng.

3.4. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại khu công nghệ cao là gì?

- Ưu đãi 10% trong 15 năm.

- Miễn thuế trong 4 năm đầu đối với doanh nghiệp mới đầu tư.

- Giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.

- Dự án từ 3000 tỷ đồng được miễn 100% tiền bồi thường và GPMB.

3.5. Ưu đãi tiền thuê đất tại khu công nghệ cao là gì?

- Trong thời gian xây dựng được miễn giảm tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định thuê đất.

 -Miễn giảm toàn bộ thời gian thuê đối với một số dự án liên quan đến công nghệ cao, nghiên cứu, phát triển nhà máy nước, nhà ở, xây dựng cơ sở đào tạo,...

- Miễn giảm 19 năm đối với dự án trung tâm hội chợ, triển lãm, logistic, kho hàng hóa, thể dục, thể thao.

- Miễn 15 năm đối với dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng công nghệ cao và dịch vụ dân sinh.

3.6. Các lĩnh vực thu hút đầu tư tại khu công nghệ cao Đà Nẵng

- Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế.

- Công nghệ vi, cơ, quang điện tử.

- Công nghệ tự động hóa và cơ khí chính xác.

- Công nghệ vật liệu, năng lượng mới.

- Công nghệ thông tin, truyền thông, tin học.

- Công nghệ môi trường, phục vụ hóa dầu.

Cùng một số công nghệ đặc biệt khác.

3.7. Mục tiêu phát triển tại khu công nghệ cao là gì?

Mục tiêu phát triển tại khu công nghệ cao Đà Nẵng đó là thu hút đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hiệu quả kinh tế khu vực cũng như cả nước. Để làm được điều đó, ban quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng luôn nỗ lực hết mình trong việc cải cách các thủ tục tài chính, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và chuẩn bị quỹ đất sản xuất cho nhà đầu tư.

Trên đây là toàn bộ thông tin để doanh nghiệp có thể nắm rõ hơn về khu công nghệ cao là gì cũng như những vấn đề liên quan. Bên cạnh đó là giới thiệu chi tiết về 3 khu công nghệ cao lớn nhất tại Việt Nam. Hy vọng những thông tin này giúp ích được cho quý bạn đọc.

 

1 425 08/08/2023