Chế độ chính trị là gì? Các quy định về chế độ chính trị theo Hiến pháp?

Chế độ chính trị là hệ thống các nguyên tắc, phương thức, biện pháp, thủ đoạn thực hiện quyền lực nhà nước. Bài viết phân tích khái niệm, cách hiểu về chế độ chính trị, đồng thời phân tích mối quan hệ giữa nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội ... cụ thể:

1 532 11/12/2023


Chế độ chính trị là gì? Các quy định về chế độ chính trị theo Hiến pháp?

1. Chế độ chính trị là gì?

Từ góc độ chính trị học, chế độ chính trị được hiểu là một tổng thể thống nhất tổ chức (thiết chế) chính trị, các quy tắc (thể chể) chính trị, những nguyên tắc xác lập và thực hiện quyền lực chính trị của các tổ chức chính trị mà tiêu biểu nhất là nguyên tắc thiết lập và thực hiện quyền lực nhà nước, các nguyên tắc xác lập mối quan hệ chính trị trong nền chính trị của một quốc gia.

Chế độ chính trị là gì? Các quy định về chế độ chính trị theo Hiến pháp? (ảnh 1)

Khoa học Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật coi chế độ chính trị là một trong những khái niệm công cụ cơ bản của mình, đồng thời là một trong 3 yếu tố cấu thành khái niệm hình thức nhà nước, theo đó “chế độ chính trị là toàn bộ các phương pháp, thủ đoạn, cách thức mà giai cấp chính trị sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước của mình. Chế độ chính trị quan hệ chặt chẽ với bản chất, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động của Nhà nước và các điều kiện khác về kinh tế, chính trị, xã hội, thể hiện mức độ quan tâm của Nhà nước”.

Trong khoa học Luật Hiến pháp, chế độ chính trị là một trong những chế định cơ Bản của ngành Luật Hiến pháp, bao gồm tổng thể các quy phạm Luật Hiến pháp quy định về chính thể của Nhà nước, bản chất của Nhà nước, nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước.

2. Các quy định về chế độ chính trị theo Hiến pháp

Trong các hiến pháp của Nhà nước ta qua các thời kỳ và trong hiến pháp của nhiều nước, các điều khoản về chế độ chính trị quy định về tính chất của quyền lực, sự phân bố, tổ chức và mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực, về quan hệ giữa Nhà nước với công dân, tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội, giữa các giai cấp và tầng lớp, giữa các dân tộc trong nước và thế giới.

Do tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của chế độ chính trị đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội nên trong tất cả các bản Hiến pháp của Nhà nước ta và Hiến pháp nhiều nước, chế độ chính trị được ghi nhận trong chương đầu tiên với vị trí là chế độ pháp lý cơ bản, chi phối nội dung của các quy định khác trong Hiến pháp. Theo đó, khi nghiên cứu về Hiến pháp của một quốc gia, nội dung đầu tiên thường được quan tâm, đề cập đến đó là các quy định về chế độ chính trị. Các quy định về chế độ chính trị trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013) được quy định tại Chương I.

Tên Chương này được viết gọn lại trên cơ sở tên Chương I của Hiến pháp năm 1992. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Chế độ chính trị thành “Chế độ chính trị” và đưa các quy định về quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đô, ngày Quốc khánh của Chương XI Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001 – gọi chung là Hiến pháp năm 1992) vào Chương I vì đây là những nội dung quan trọng gắn liền với chế độ chính trị của quốc gia. Nội dung các điều, khoản của Chương I đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn kiện của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu và những quan điểm cơ bản, định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế thừa những nội dung còn phù hợp của Hiến pháp năm 1992, cụ thể là:

– Tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992. Đó là, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

– Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

– Tiếp tục khẳng định chế độ dân chủ ở nước ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm để dân chủ được thực hiện trong cuộc sống. Khẳng định nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

– Khẳng định và thể hiện rõ tư tưởng phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giữ quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công đoàn như Hiến pháp hiện hành; đồng thời bổ sung, làm rõ vai trò của Mặt trận, Công đoàn và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội trong việc động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình…

Cụ thể hóa các quy định, định hướng nêu trên Chương I gồm 13 điều, từ Điều 1 đến Điều 13, tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của chế độ chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992; đồng thời quy định để làm rõ hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn các nội dung: Quyền dân tộc; bản chất và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước; trách nhiệm của Nhà nước đối với nhân dân; vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chính sách đại đoàn kết dân tộc; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước; mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chính sách đối ngoại

Chế độ chính trị là gì? Các quy định về chế độ chính trị theo Hiến pháp? (ảnh 1)

3. Một số nội dung trong chương Chế độ chính trị của Hiến pháp 2013

Hiến pháp năm 2013, các nội dung như quốc kỳ, quốc ca, thủ đô, ngày quốc khánh được đưa vào chương chế độ chính trị, vì đây là những nội dung gắn liền với thể chế chính trị của quốc gia; đồng thời chương này tiếp tục thừa kế và phát triển, bổ sung, làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn những vấn đề cụ thể về chính trị.

Trước hết, Hiến pháp tiếp tục khẳng định Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Hai là, Hiến pháp tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời bổ sung một điểm mới quan trọng là: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ. Tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Ba là, Hiến pháp đã bổ sung và phát triển nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” để các cơ quan lập pháp và tư pháp thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp quy định “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Bốn là, Hiến pháp đã bổ sung quy định “nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp”, cùng với hình thức dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Năm là, Hiến pháp tiếp tục kế thừa, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan về sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Hiến pháp đã khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; quy định trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Sáu là, Hiến pháp bổ sung quy định ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt; đồng thời tiếp tục khẳng định: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Bảy là, Hiến pháp tiếp tục kế thừa và bổ sung vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội. Đối với Công đoàn, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hiến pháp ghi nhận vị trí, vai trò, của các tổ chức này trong việc đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tám là, Hiến pháp khẳng định Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị.

1 532 11/12/2023