Luật là gì? Mục đích - Nội dung - Quá trình ban hành văn bản pháp luật

Luật là gì? Văn bản quy phạm pháp luật là gì? Chắc hẳn đây là khái niệm quen thuộc với hầu hết chúng ta, nhưng thực tế có không ít người chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng về khái niệm này. Vậy, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1 245 28/03/2024


Luật là gì? Mục đích - Nội dung - Quá trình ban hành văn bản pháp luật

1. Khái niệm về Luật?

Luật là gì? Mục đích - Nội dung - Quá trình ban hành văn bản pháp luật (ảnh 1)

Luật là đơn vị cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định.

Luật là một loại văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội (Nghị viện) ban hành, có hiệu lực pháp lí cao nhất, chỉ dưới Hiến pháp.

Ví dụ: Luật tổ chức Quốc hội; Luật tổ chức Chính phủ... Tất cả các văn bản pháp luật khác do các cơ quan nhà nước khác ban hành đều là văn bản dưới luật.

Văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, các bộ luật và các đạo luật. Trong một số ngữ cảnh nhất định, luật có thể hiểu là pháp luật nói chung. Ví dụ: khoa học luật, đại học luật, sinh viên luật, tiến sĩ luật, nghề luật, luật sư, luật gia.

Pháp luật không chỉ là công cụ quản lý Nhà nước hiệu quả mà còn là yếu tố quan trọng và cần thiết trong nhiều lĩnh vực khác. Hầu như các lĩnh vực trong xã hội ngày nay đều cần đến pháp luật để bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển vững mạnh.

2. Văn bản quy phạm pháp luật là gì?

Về thế nào là một văn bản quy phạm pháp luật: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định cụ thể về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 2:

“Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này”.

Khoản 1 Điều 3 giải thích:

“Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.

Theo định nghĩa trên thì dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để nhận biết một VBQPPL là văn bản đó có chứa đựng "quy phạm pháp luật” hay không? xác định yếu tố “chứa đựng quy phạm pháp luật" là công việc đầu tiên cần được thực hiện trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành một VBQPPL. Nếu văn bản cần ban hành có chứa “quy phạm pháp luật” thì việc soạn thảo, ban hành văn bản đó phải tuân theo trình tự, thủ tục của việc ban hành VBQPPL. Ngược lại, nếu không chứa quy phạm pháp luật thì việc soạn thảo và ban hành văn bản đó không phải tuân theo trình tự, thủ tục soạn thảo của VBQPPL. Cần lưu ý “chứa đựng quy phạm pháp luật” được hiểu là ngay cả khi văn bản đó chỉ chứa duy nhất một quy phạm pháp luật.

Như vậy, từ ý kiến nêu trên thì chúng ta có thể rút ra khái niệm và cũng là đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật như sau:

- Văn bản phải chứa quy phạm pháp luật, quy tắc xử sự chung và điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội;

- Do cơ quan Nhà nuớc ban hành hoặc phối hợp ban hành;

- Được soạn thảo và ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục do luật định;

- Có hiệu lực bắt buộc, được Nhà nước đảm bảo thực hiện.

3. Hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật hiện hành?

Luật là gì? Mục đích - Nội dung - Quá trình ban hành văn bản pháp luật (ảnh 1)

1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

2. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

4. Nghị định của Chính phủ.

5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

10. Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

4. Quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục phức tạp hơn với 6 giai đoạn là:

+ Lập chương trình xây dựng pháp luật;

+ Thành lập ban soạn thảo;

+ Soạn thảo;

+ Thẩm định;

+ Thông qua;

+ Công bố văn bản quy phạm pháp luật

1 245 28/03/2024