Người được ủy quyền có được phép ủy quyền lại cho người khác không?

Thời hạn hợp đồng ủy quyền theo quy định pháp luật là gì? Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền theo quy định pháp luật thế nào? Cùng giải đáp với Vietjack.me nhé!

1 112 lượt xem


Người được ủy quyền có được phép ủy quyền lại cho người khác không?

1. Khái niệm và thời hạn hợp đồng ủy quyền theo quy định pháp luật

Người được ủy quyền có được phép ủy quyền lại cho người khác không? (ảnh 1)

1.1. Khái niệm hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

1.2. Thời hạn ủy quyền theo quy định pháp luật

Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

2. Quy định về việc ủy quyền lại

- Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:

  • Có sự đồng ý của bên ủy quyền.
  • Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

-. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

- Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

3. Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền

3.1 Quyền của bên được ủy quyền

- Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.

- Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.

3.2. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền

- Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

- Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

- Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

- Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

- Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.

4. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền theo quy định pháp luật

4.1. Quyền của bên ủy quyền

- Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.

- Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật dân sự 2015 về nghĩa vụ của bên được ủy quyền.

4.2. Nghĩa vụ của bên ủy quyền

- Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.

- Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.

- Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

Người được ủy quyền có được phép ủy quyền lại cho người khác không? (ảnh 1)

5. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

- Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

- Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.

6. Trình tự và thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

- Lập hợp đồng chuyển nhượng bất động sản

  • Khi tặng cho, chuyển nhượng bất động sản, Pháp luật Việt Nam yêu cầu phải lập thành văn bản và thực hiện công chứng hợp đồng đó. Do vậy khi thực hiện lập hợp đồng chuyển nhượng/ tặng cho bất động sản người bên chuyển nhượng/cho tặng và bên nhận chuyển nhượng được cho tặng cần lập hợp đồng mua bán như sau:
  • Hợp đồng chuyển nhượng/cho tặng phải được lập thành văn bản. Văn bản này có thể viết tay hoặc đánh máy, những điều khoản trong hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật.
  • Sau khi hai bên đã soạn thảo được hợp đồng mua bán/ tặng cho, hai bên sẽ tiến hành ký xác nhận vào hợp đồng đó trước mặt công chứng viên. Công chứng viên sẽ xác nhận và ghi lời chứng về việc tặng cho/ chuyển nhượng bất động sản của hai bên. Khi đến văn phòng công chứng để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng các bên phải mang theo bản gốc các giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; sổ hộ khẩu; đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Hồ sơ sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (theo mẫu)
  • Đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (theo mẫu, đơn này chỉ nộp kèm hồ sơ trong trường hợp người nhận chuyển nhượng/ được tặng cho muốn cấp đổi sổ đỏ).
  • Tờ khai lệ phí trước bạ nhà đất (theo mẫu)
  • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (theo mẫu)
  • Hợp đồng chuyển nhượng/ tặng cho quyền sử dụng đất (bản gốc)
  • Chứng minh thư nhân dân, Sổ hộ khẩu của bên tặng cho/chuyển nhượng và bên được tặng cho/ nhận chuyển nhượng. (Bản sao có chứng thực)
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bản gốc)

Thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Bước 1: Nộp hồ sơ sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Cá nhân, tổ chức sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ theo hướng dẫn về hồ sơ như trên và nộp tại Bộ phận một cửa của UBND cấp Quận (huyện) nơi có bất động sản. Tuy nhiên một số địa phương như Hà Nội, cơ quan thực hiện tiếp nhận hồ sơ sang tên sổ đỏ sẽ tiếp nhận theo địa bàn như: Văn phòng đăng ký nhà đất chi nhánh Ba Đình- Hoàn Kiếm- Đống Đa;
Khi đi nộp hồ sơ, người nộp hồ sơ sẽ phải lấy số thứ tự và chờ tới lượt. Khi đến lượt lên làm thủ tục, cá bộ một cửa sẽ đối chiếu hồ sơ và làm phiếu hẹn trả kết quả.

Bước 2. Thực hiện nộp thuế tại chi cục thuế nơi có bất động sản
Sau 15 ngày làm việc, người đã nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ sẽ đến cơ quan thuế để nhận thông báo nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạn (nếu có phát sinh). Thông thường các khoản thuế này thường phát sinh trong trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất.Khi có thông báo nộp thuế, người có nghĩa vụ nộp thuế sẽ phải nộp tiền thuế phát sinh tại kho Bạc Nhà Nước trong thời hạn quy định.

Bước 3. Nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Sau khi hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, đến ngày hẹn người đã nộp hồ sơ có mặt tại Bộ phận một cửa đã tiếp nhận hồ sơ để nhận kết quả.
Lưu ý: khi đi nhận kết quả phải mang theo: giấy hẹn trả kết quả, Chứng minh thư nhân dân, Văn bản ủy quyền (trong trường hợp được ủy quyền đi nhận kết quả.

- Thuế, phí sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Thuế thu nhập cá nhân: Người chuyển nhượng bất động sản sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế này được như sau: Thuế TNCN = Giá chuyển nhượng x thuế suất 2%

Lưu ý: Đối với trường hợp tặng cho khi sang tên sổ đỏ thuế TNCN đối với trường hợp này là 10% nếu không thuộc các trường hợp được miễn (vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau)

Lệ phí sang tên trước bạ nhà đất: Lệ phí này có thể do bên chuyển nhượng/ tặng cho hoặc bên nhận chuyển nhượng/tặng cho chịu tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng đã lập. Lệ phí sang tên trước bạ nhà đất được tính như sau: Lệ phí trước bạ = Giá chuyển nhượng x thuế suất 0.5%

Lệ phí thẩm định cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đối với trường hợp người sử dụng đất có yêu cầu cấp đổi sổ đỏ sẽ phải nộp thêm khoản phí thẩm định, cấp đổi sổ đỏ theo quy định của từng địa phương tối đa là 0.15% giá trị chuyển nhượng và không quá 5.000.000 VNĐ. Giá chuyển nhượng ở trên được tính bằng giá trị chuyển nhượng trên hợp đồng hoặc giá đắt theo quy định của UBND tỉnh từng địa phương đưa ra và tính theo giá cao hơn. Khách hàng lưu ý để thỏa thuận mức giá có thuế thấp nhất.

1 112 lượt xem