Cơ quan nhà nước là gì? Đặc điểm - Phân loại Cơ quan Nhà nước? Phân biệt Cơ quan nhà nước với cơ quan của tổ chức xã hội khác

Bài viết làm rõ khái niệm cơ quan nhà nước là gì? Cơ quan nhà nước có đặc điểm nào và được phân loại ra sao? Trên cơ sở đó đưa ra phân biệt giữa cơ quan nhà nước và cơ quan của tổ chức xã hội khác. Mời các bạn theo dõi để hiểu rõ hơn về nội dung này:

1 386 28/11/2023


Cơ quan nhà nước là gì? Đặc điểm - Phân loại Cơ quan Nhà nước? Phân biệt Cơ quan nhà nước với cơ quan của tổ chức xã hội khác

1. Cơ quan nhà nước là gì ?

Cơ quan Nhà nước là bộ phận cấu thành của bộ máy Nhà nước, là tổ chức (cá nhân) mang quyền lực Nhà nước được thành lập và có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật nhằm thực hiện nhiệm vụ và chức năng của Nhà nước.

Cơ quan nhà nước là gì? Đặc điểm - Phân loại Cơ quan Nhà nước? Phân biệt Cơ quan nhà nước với cơ quan của tổ chức xã hội khác (ảnh 1)

2. Đặc điểm của Cơ quan nhà nước ?

Cơ quan nhà nước có những đặc điểm sau:

- Cơ quan nhà nước là bộ phận cơ bản cấu thành nhà nước và đó chỉ là những bộ phận then chốt, thiết yếu của nhà nước.

Mỗi cơ quan nhà nước gồm một số lượng người nhất định, có thể gồm một người (Nguyên thủ quốc gia ở nhiều nước) hoặc một nhóm người (Quốc hội, Chính phủ…).

- Cơ quan nhà nước do nhà nước và nhân dân thành lập. Tùy thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, cơ chế tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước… mà nhà nước có thể thành lập mới, sáp nhập, chia tách hay xóa bỏ một cơ quan nào đó trong bộ máy nhà nước. Nhà nước có thể tổ chức các cuộc bầu cử để nhân dân bầu cử ra các cơ quan nhà nước mới, tức là tổ chức cho nhân dân tham gia thành lập các cơ quan nhà nước. Ví dụ, bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở nước ta.

- Tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước do pháp luật quỵ định. Pháp luật quy định cụ thể về vị trí, tính chất, vai trò, con đường hình thành, cơ cấu tổ chức, nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động… của mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước.

- Mỗi cơ quan nhà nước có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng do pháp luật quy định. Ví dụ, chức năng của Nghị viện (Quốc hội) là lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước;… chức năng của Toà án là xét xử các vụ án.

- Mỗi cơ quan nhà nước được trao cho những quyền năng nhất định để thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định. Toàn bộ nhiệm vụ và quyền hạn mà một cơ quan nhà nước được thực hiện và phải thực hiện tạo nên thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước nhân danh và sử dụng quyền lực nhà nước, sử dụng những quyền năng nhất định để thực hiện thẩm quyền của mình.

Quyền năng mà cơ quan nhà nước được sử dụng để thực hiện thẩm quyền của mình gồm có:

+ Có quyền ban hành những quyết định nhất định dưới dạng quy tắc xử sự chung (ví dụ, luật của Quốc hội) hoặc quyết định cá biệt (ví dụ, bản án của Tòa án) là những quyết định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan;

+ Có quyền yêu cầu các tổ chức và cá nhân có liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh những quyết định do nó hoặc các chủ thể khác có thẩm quyền ban hành;

+ Có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quyết định đó;

+ Có quyền sử dụng các biện pháp cần thiết, trong đó có cả các biện pháp cưỡng chế nhà nước để bảo đảm thực hiện các quyết định đó.

3. Phân loại Cơ quan nhà nước

Có thể phân loại cơ quan nhà nước theo các cách sau:

Thứ nhất, căn cứ vào thẩm quyền theo phạm vi lãnh thổ

Căn cứ vào thẩm quyền theo phạm vi lãnh thổ, có thể chia thành các cơ quan nhà nước ở trung ương và các cơ quan nhà nước ở địa phương:

- Cơ quan nhà nước ở trung ương là cơ quan có thẩm quyền hoạt động trên toàn lãnh thổ, ví dụ: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao…

- Cơ quan nhà nước ở địa phương là cơ quan có thẩm quyền hoạt động trong phạm vi một địa phương. Ví dụ: Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân các địa phương…

Thứ hai, căn cứ vào chức năng của các cơ quan nhà nước

Căn cứ vào chức năng của các cơ quan nhà nước, có thể chia thành cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.

- Cơ quan lập pháp là cơ quan ban hành luật. Ví dụ: Quốc hội hay Nghị viện.

- Cơ quan hành pháp là cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật. Ví dụ: Chính phủ, Nội các.

- Cơ quan tư pháp là cơ quan bảo vệ pháp luật. Ví dụ: Tòa án.

Thứ ba, căn cứ vào thời gian hoạt động

Căn cứ vào thời gian hoạt động, các cơ quan nhà nước được chia thành cơ quan thường xuyên và cơ quan lâm thời.

- Cơ quan thường xuyên là cơ quan được thành lập để thực hiện những công việc thường xuyên của nhà nước, tồn tại thường xuyên trong bộ máy nhà nước.

- Cơ quan lâm thời là cơ quan được thành lập để thực hiện những cồng việc có tính chất nhất thời của nhà nước, sau khi thực hiện xong công việc đó nó sẽ tự giải tán, ví dụ, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, các cơ quan bầu cử ở nước ta…

Thứ tư, căn cứ vào con đường hình thành, tính chất, chức năng, các cơ quan nhà nước

Căn cứ vào con đường hình thành, tính chất, chức năng, các cơ quan nhà nước được chia thành cơ quan quyền lực nhà nước, nguyên thủ quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát.

- Cơ quan quyền lực nhà nước là cơ quan do nhân dân bầu ra, đại diện cho nhân dân để thực thi quyền lực nhà nước.

- Nguyên thủ quốc gia là cơ quan đứng đầu nhà nước, đại diện chính thức cho nhà nước trong các quan hệ đối nội và đối ngoại.

- Cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan được hình thành từ cơ quan quyền lực nhà nước, thực hiện chức năng quản lý, điều hành công việc hàng ngày của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

- Cơ quan xét xử có chức năng xét xử các vụ án.

Cơ quan nhà nước là gì? Đặc điểm - Phân loại Cơ quan Nhà nước? Phân biệt Cơ quan nhà nước với cơ quan của tổ chức xã hội khác (ảnh 1)

4. Phân biệt Cơ quan nhà nước với cơ quan của tổ chức xã hội khác

4.1. Về định nghĩa

Định nghĩa cơ quan nhà nước: Cơ quan Nhà nước là bộ phận cấu thành của bộ máy Nhà nước, là tổ chức (cá nhân) mang quyền lực Nhà nước được thành lập và có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật nhằm thực hiện nhiệm vụ và chức năng của Nhà nước. (ví dụ: Quốc hội là một cơ quan nhà nước)

Định nghĩa cơ quan của các tổ chức khác: Cơ quan của tổ chức xã hội khác là bộ phận cơ bản cấu thành nên tổ chức đó, bao gồm số lượng người nhất định, được tổ chức và hoạt động theo quy định của tổ chức, nhân danh tổ chức để thực hiện các hoạt động của tổ chức (ví dụ: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đoàn là một cơ quan của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

4.2. Phân biệt Cơ quan nhà nước và cơ quan của tổ chức xã hội khác

Cơ quan nhà nước và cơ quan của tổ chức xã hội khác có các điểm khác biệt sau:

Cơ quan nhà nước Cơ quan của tổ chức khác
- Cơ quan nhà nước là bộ phận cơ bản cấu thành nhà nước và đó chỉ là những bộ phận then chốt, thiết yếu của nhà nước. - Cơ quan của tổ chức khác là bộ phận cơ bản cấu thành nên tổ chức và đó chỉ là những bộ phận then chốt, thiết yếu của tổ chức.
- Cơ quan nhà nước do nhà nước và nhân dân thành lập.
Ví dụ: Nhà nước tổ chức bầu cử Quốc hội để nhân dân bầu ra Quốc hội khóa mới.
- Cơ quan của tổ chức khác do tổ chức và hội viên của nó thành lập.
Ví dụ: Tổ chức Đoàn tổ chức bầu cử để đoàn viên thanh niên toàn quốc bầu ra Đại hội đại biểu toàn quốc của Đoàn.
- Tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước do pháp luật quy định. Pháp luật quy định cụ thế về vị trí, tính chất, vai trò, con đường hình thành, cơ cấu tổ chức, nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động... của mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước. - Tổ chức và hoạt động của cơ quan của tổ chức khác do điều lệ của tổ chức đó quy định. Điều lệ quy định cụ thế về vị trí, tính chất, vai trò, con đường hình thành, cơ cấu tổ chức, nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động... của mỗi cơ quan trong tổ chức.
- Mỗi cơ quan nhà nước có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng do pháp luật quy định.
Ví dụ: pháp luật quy định chức năng của Quốc hội là lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...
- Mỗi cơ quan của tổ chức khác có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng do Điều lệ quy định.
Ví dụ: Điều lệ Đoàn quy định chức năng, nhiệm vụ của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đoàn là thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn...
- Cơ quan nhà nước nhân danh và sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện thẩm quyền của mình. - Cơ quan của tổ chức khác nhân danh và sử dụng quyền lực của tổ chức đó để thực hiện các hoạt động của mình.
- Cơ quan nhà nước có các quyền:
+ Ban hành những quyết định nhất định dưới dạng quy tắc xử sự chung (ví dụ, luật của Quốc hội) hoặc quyết định cá biệt (ví dụ, bản án của Tòa án) là những quyết định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan;
+ Yêu cầu các tổ chức và cá nhân có liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh những quyết định do nó hoặc các chủ thể khác có thẩm quyền ban hành;
+ Sử dụng các biện pháp cần thiết, trong đó có cả các biện pháp cưỡng chế nhà nước để bảo đảm thực hiện các quyết định đó;
- Cơ quan của tổ chức khác có các quyền:
+ Ban hành những quyết định nhất định dưới dạng quy tắc xử sự chung (ví dụ, Điều lệ, nghị quyết) hoặc quyết định cá biệt (ví dụ, quyết định kỷ luật hội viên) là những quyết định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với các cơ quan và hội viên có liên quan trong tổ chức;
+ Yêu cầu các cơ quan và hội viên có liên quan phải thực hiện nghiêm chỉnh những quyết định do nó hoặc cơ quan khác của tổ chức ban hành;
+ Sử dụng các biện pháp cần thiết, trong đó có cả các hình thức kỷ luật của tổ chức để bảo đảm thực hiện các quyết định đó;
- Kinh phí hoạt động do nhà nước cấp. - Kinh phí hoạt động do tổ chức đó cấp.

5. Câu hỏi thường gặp về cán bộ, cơ quan nhà nước

5.1 Kinh phí hoạt động của cơ quan nhà nước từ nguồn nào?

Kinh phí hoạt động của cơ quan nhà nước từ nguồn ngân sách nhà nước.

5.2 Cán bộ nhà nước là gì?

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

5.3 Cán bộ nhà nước có quyền gì?

1. Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.

2. Được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.

3. Được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

4. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.

1 386 28/11/2023