Mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh với pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong nền kinh tế thị trường người tiêu dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng, người tiêu dùng quyết định sự tồn tại của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và là thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó việc nghiên cứu vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết.

1 329 19/12/2023


Mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh với pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Khái niệm chung

Mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh với pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (ảnh 1)

Theo cách hiểu trong Từ điển ngôn ngữ tiếng Anh, “compeletition” (cạnh tranh) là “một sự kiện hoặc một cuộc đua, theo đó các đối thủ ganh đua để giành phần hơn hay ưu thế tuyệt đối về phía mình”. Theo Từ điển tiếng Việt, cạnh tranh là “cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình giữa những người, những tổ chức hoạt động nhằm những lợi ích như nhau”.

Trong khoa học kinh tế, cạnh tranh là hiện tượng kinh tế chỉ xuất hiện và tồn tại trong nền kinh tế thị trường, ở mọi lĩnh vực, mọi giai đoạn của quá trình kinh doanh và gắn với mọi chủ thể kinh doanh đang hoạt động trên thị trường

Pháp luật cạnh tranh có thể được hiểu là một lĩnh vực pháp luật điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm bảo đảm cạnh tranh tự do, công bằng và lành mạnh trên thị trường, pháp luật cạnh tranh điều chỉnh 2 quan hệ chính sau:

+ Quan hệ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh trên thị trường

+ Quan hệ giữa cơ quan thi hành luật cạnh tranh với các chủ thể kinh doanh khi họ thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh.

Người tiêu dùng là người tiêu thụ hàng hóa, sử dụng dịch vụ cuối cùng trong chuỗi luân chuyển hàng hóa, hay nói cách khác chính là người thụ hưởng cuối cùng giá trị hàng hóa. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”.

2. Mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh với pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

2.1. Đều tác động đến người tiêu dùng

Người tiêu dùng vừa là đối tượng áp dụng của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vừa là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp việc áp dụng pháp luật về cạnh tranh.

Trong môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng có vai trò rất to lớn, lựa chọn của họ quyết định đến thị phần của chủ thể kinh doanh, tức làm thước đo cho sự tồn tại của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường cũng như vị trí của doanh nghiệp trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh khác. Tuy nhiên, trong hầu hết nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, người tiêu dùng lại là bên yếu thế trong mối quan hệ với chủ thể kinh doanh, quyền lợi của họ dễ bị người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm, cụ thể là:

+ Yếu thế trong việc tiếp cận, xử lý thông tin về hàng hóa, dịch vụ: để lôi kéo khách hàng, chủ thể kinh doanh thường chỉ cung cấp thông tin tốt về sản phẩm, trong khi người tiêu dùng lại không được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất nên không thể biết một cách đầy đủ về công dụng, tính năng cũng như nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ.

+ Yếu thế trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng: hầu hết người kinh doanh đều sử dụng hợp đồng mẫu để giao dịch với khách hàng, khách hàng không có điều kiện để thay đổi điều khoản mà chỉ có thể chấp nhận hoặc không.

+ Yếu thế về khả năng chi phối giá cả, các điều kiện giao dịch trên thị trường.

+ Yếu thế về khả năng gánh chịu rủi ro trong quá trình tiêu dùng sản phẩm.

2.2. Đều là công cụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ nhất, bảo vệ trực tiếp quyền lợi của người tiêu dùng thông qua các quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn quy định các hành vi bị cấm đối với chủ thể kinh doanh và quy định các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như xử phạt hành chính, buộc bồi thường thiệt hại, chịu trách nhiệm hình sự....

Thứ hai, bảo vệ gián tiếp quyền lợi của người tiêu dùng thông qua các quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh của Việt Nam hiện nay gồm 2 bộ phận kiểm soát 2 nhóm hành vi: Một là, nhóm quy định kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh. Hai là, nhóm quy định kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

2.3. Tác động qua lại và bổ trợ cho nhau

Thứ nhất, nguồn của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là Luật cạnh tranh, nó có tính chất kỹ thuật và bổ trợ cho việc bảo vệ người tiêu dùng bằng việc xác định các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhằm lượng hóa các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm có tương xứng. Hiện nay người tiêu dùng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hầu hết đều được bảo vệ dưới 2 góc độ: Được bảo vệ trực tiếp bằng các quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ gián tiếp thông qua các quy định của pháp luật cạnh tranh.

Thứ hai, pháp luật cạnh tranh và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều hướng tới chủ thể là người tiêu dùng, nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Nhờ luật cạnh tranh mà người tiêu dùng được bảo vệ, nhờ người tiêu dùng mà thúc đẩy việc thi hành luật cạnh tranh. luật cạnh tranh được coi là ‘‘bổ trợ’’ cho luật bảo vệ người tiêu dùng.

Luật cạnh tranh có mục đích tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, mà người hưởng lợi của cạnh tranh lành mạnh không ai khác chính là người tiêu dùng, bởi lẽ cạnh tranh lành mạnh bao giờ cũng dẫn đến hệ quả là các doanh nghiệp luôn phải không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để thu hút ngày càng nhiều khách hàng hơn về phía mình. Luật cạnh tranh, bảo đảm quyền được lựa chọn và các quyền khác của người tiêu dùng: Điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh. Bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ. Cạnh tranh thúc đẩy nhà sản xuất bán sản phẩm ở mức giá hấp dẫn nhất với nhiều lựa chọn về chất lượng. Trên thị trường cạnh tranh, các nhà sản xuất phải đạt được mức doanh thu mới, thu hút khách hàng mới bằng cách thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng thông qua việc tăng thêm lựa chọn cho khách hàng, bởi nếu người tiêu dùng không cảm thấy thỏa mãn với lời chào hàng của một người bán, thông tin đó có thể dễ dàng được truyền đến tai người khác. Đó là do sự sẵn có của các sản phẩm thay thế ở mức giá chấp nhận được trên thị trường cạnh tranh giúp người tiêu dùng có thể thay đổi hành vi mua hàng, áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt đối với mỗi người bán để thỏa mãn sở thích của người tiêu dùng.

Bên cạnh việc tăng thêm lựa chọn sẵn có cho người tiêu dùng, trên thị trường cạnh tranh, những chiến lược cạnh tranh lâu dài bắt buộc các nhà sản xuất phải cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích về sản phẩm, thực hiện đầy đủ các cam kết về giá cả, chất lượng và các điều khoản kinh doanh khác, và từ đó nâng cao hình ảnh thương hiệu đối với người tiêu dùng. Các nhà sản xuất cũng cần liên tục sáng tạo nếu họ không muốn bị tụt lại phía sau trong cuộc đua thỏa mãn nhu cầu luôn thay đổi. Do đó, để đảm bảo cho thị trường thực hiện được chức năng cạnh tranh, luật và chính sách cạnh tranh phải trở thành một công cụ hữu hiệu để nâng cao lợi ích cho người tiêu dùng, và đó cũng là mục tiêu của chính sách bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào thị trường cũng tồn tại cạnh tranh có thể do nguyên nhân tự nhiên hay do những ý đồ cá nhân, và sự bất lực của thị trường cũng là một kết quả phụ không tránh khỏi của bất kỳ thị trường mở và tự do nào, do đó hành vi không trung thực hay gian lận của các nhà sản xuất không phải luôn luôn bị phạt hay bị cấm. Bên cạnh đó thông tin không đầy đủ và nhận thức hạn chế cũng làm cho người tiêu dùng dễ bị lừa, lừa đảo hay gian lận. Trong khi luật và chính sách cạnh tranh tập trung xem xét các hành vi cạnh tranh của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, xử lý các trường hợp độc quyền, và phạt các công ty thành lập các-ten,… có thể dễ dàng bỏ qua những tổn thất nhỏ hơn của người bình thường hay là người tiêu dùng. Giá trị của cạnh tranh đã bị phủ nhân trước khi đạt đến đích cuối cùng – lợi ích người tiêu dùng. Chính sách bảo vệ người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này. Chính sách này nhằm đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể đưa ra những quyết định có đầy đủ thông tin về lựa chọn của mình và rằng người bán sẽ giữ lời hứa về sản phẩm mà họ cung cấp. Nói cách khác, chính sách bảo vệ người tiêu dùng ngăn cản các nhà sản xuất tham gia hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm mục đích tăng doanh thu.

Ngoài ra, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bảo vệ người tiêu dùng một cách trực tiếp bằng các quy định cụ thể như:

Áp đặt những điều kiện bắt buộc thương nhân phải tuân thủ để khắc phục những bất lợi của người tiêu dùng trong quan hệ với nhà cung cấp hàng hoá dịch vụ. Cụ thể, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tập trung quy định các vấn đề kiểm soát điều kiện giao dịch chung, cấm các điều khoản không công bằng, trình tự thực hiện giao dịch từ xa, giao dịch điện tử. Việc can thiệp này làm cho nguyên tắc tự do khế ước chỉ còn có ý nghĩa tương đối trong các giao dịch giữa người tiêu dùng và thương nhân.

Bên cạnh đó Luật còn hướng tới các nội dung: quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra Luật cũng quy định những nội dung quan trọng khác, thiết thực và phù hợp với thông lệ các nước như vấn đề kiểm soát các điều kiện giao dịch chung, các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

Mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh với pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (ảnh 1)

2.4. Cách để giúp người tiêu dùng tham gia vào luật cạnh tranh 1 cách hiệu quả

- Trao quyền cho người tiêu dùng bằng cách tổ chức họ lại bằng cách thành lập các tổ chức Bảo vệ Người tiêu dùng.

- Giúp đỡ các Hội hoạt động và hợp tác với nhau

- Có cơ chế định kỳ trao đổi tình hình giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội

- Quan hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý cạnh tranh

- Giúp đỡ Hội về nhân lực và tài chính

- Thành lập và đẩy mạnh hoạt động các văn phòng khiếu nại của Hội

- Luôn hoàn thiện Luật cạnh tranh

- Người tiêu dùng có thể tham gia giám sát và phát hiện ra các hành vi phản cạnh tranh

+ Người tiêu dùng rất nhạy cảm với các hành vi phân cạnh tranh

+ Mạnh dạn phát hiện ra hành vi phản cạnh tranh vì lời ích cộng đồng

+ Tích cực tham gia khiếu nại

+ Cộng tác với cơ quan điều tra và phải hiểu kỹ thuật điều tra để việc cộng tác có hiệu quá .

2.5 Thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định thì trường

Chính sách cạnh tranh đảm bảo duy trì tính năng động và hiệu quả của nền kinh tế. Chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khuyến khích tổ chức, cá nhân ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ an toàn, bảo đảm chất lượng. Khi áp dụng cả hai loại pháp luật này sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế - một nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy kinh doanh lành mạnh và giúp ổn định thị trường.

Không có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nền kinh tế sẽ phát triển một cách lành mạnh, quyền lợi của các doanh nghiệp, của người tiêu dùng được bảo đảm tốt nhất. Việc ổn định của nền kinh tế thị trường cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cả về giá cả.

1 329 19/12/2023