Trách nhiệm vô hạn là gì? Trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn

Trách nhiệm vô hạn là trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp, theo đó chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình, kể cả những tài sản không được huy động vào kinh doanh thông qua doanh nghiệp.

1 284 07/12/2023


Trách nhiệm vô hạn là gì? Trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn

1. Khái niệm trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn trong kinh doanh

1.1. Trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh

Trách nhiệm vô hạn là gì? Trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn (ảnh 1)

Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh được hiểu là một chế độ mà theo đó sẽ phải chịu trách nhiệm không giới hạn trong bất kì một phạm vi giá trị tài sản nào, chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ các nguồn tài sản của mình để đảm bảo cho các nghĩa vụ của doanh nghiệp hay được hiểu là doanh nghiệp nợ bao nhiêu thì chủ doanh nghiệp phải trả bấy nhiêu cho đến khi thanh toán được hết các khoản nợ.

Loại hình doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn hiện nay bao gồm có doanh nghiệp tư nhân và các thành viên góp vốn của các công ty hợp danh.

Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân X do ông Nguyễn Văn A là chủ sở hữu được thành lập và hoạt động với số vốn điều lệ là 2.000.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động thì làm ăn thua lỗ dẫn tới công nợ đến tháng 12/2019 là 10.000.000.000 đồng và buộc doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục phá sản. Khi đó doanh nghiệp tư nhân X sẽ phải thanh toán hết tất cả các khoản công nợ và chịu trách nhiệm về mặt tài chính, thanh toán các nghĩa vụ về thuế, nghĩa vụ với người lao động theo quy định. Tuy nhiên với số vốn điều lệ nêu trên thì doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả và lúc này ông A là chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ phải sử dụng các tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân của mình để thanh toán cho các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.

1.2. Trách nhiệm hữu hạn trong kinh doanh

Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn trong kinh doanh được hiểu là chế độ mà các chủ thể trong kinh doanh bao gồm cả chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ, các nghĩa vụ tài chính, tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi phần giá trị vốn góp của mình.

Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn thường gặp ở những loại hình như doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn Y do 03 người là anh A, anh B và chị C đứng ra thành lập, góp vốn với tỷ lệ vốn góp lần lượt là 03 tỷ đồng, 02 tỷ đồng và 01 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ là 50%; 33,33% và 16,67%. Giả thiết đặt ra trong quá trình Công ty trách nhiệm hữu hạn Y hoạt động, làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản và số nợ trong quá trình kinh doanh cần phải thanh toán là 10 tỷ đồng. Lúc này, các cá nhân chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ tương ứng với phần vốn đã góp, còn lại 04 tỷ đồng bị thiếu thì cả 03 người không ai phải chịu trách nhiệm thêm từ nguồn tài sản cá nhân của mình.

2. Ưu điểm và nhược điểm của trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn trong kinh doanh

Trách nhiệm vô hạn là gì? Trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn (ảnh 1)

2.1. Trách nhiệm vô hạn

* Ưu điểm của trách nhiệm vô hạn:

– Đây là loại trách nhiệm mà theo đó chủ sở hữu có khả năng huy động nguồn vốn vay lớn hơn số vốn đầu tư vào kinh doanh.

– Tạo được sự tin tưởng cho các đối tác, khách hàng và giúp cho các doanh nghiệp ít phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác theo chế độ trách nhiệm hữu hạn. Điều này rất tốt bởi doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh đóng vai trò khá quan trọng trong các hoạt động kinh tế đối ngoại thời “mở cửa”, đặc biệt là trong các lĩnh vực thu hút nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.

– Đối với người cho vay sẽ có khả năng thu hồi vượt quá giá trị tài sản còn lại đầu tư vào kinh doanh của chủ sở hữu vì chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng cả tài sản của bản thân không đầu tư vào kinh doanh.

– Chủ sở hữu doanh nghiệp có thể hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đem đến sự thống nhất mang tính tuyệt đối, tránh được tình trạng phân hóa ý chí, chia bè phái trong nội bộ doanh nghiệp vì sự khác nhau giữa quyền và lợi ích của mỗi bên chủ sở hữu.

– Đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân theo chế độ trách nhiệm vô hạn thì việc quản lý và điều hành doanh nghiệp thường đơn giản hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác theo chế độ trách nhiệm hữu hạn vì việc quản lý và điều hành doanh nghiệp tư nhân do một mình chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân đảm nhận mà không chịu sự can thiệp, chi phối từ bất kỳ ai. Loại hình doanh nghiệp tư nhân không có số lượng cổ đông, người góp vốn lớn như các loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, ở đó có những cổ đông không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông đối kháng nhau về mặt lợi ích.

– Việc thành lập doanh nghiệp tư nhân cũng rất dễ dàng về mặt thủ tục, điều kiện thành lập vì không chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật so với loại hình doanh nghiệp khác.

* Nhược điểm của trách nhiệm vô hạn:

Ngoài những ưu điểm nhất định thì những doanh nghiệp theo chế độ trách nhiệm vô hạn cũng có những nhược điểm nhất định mà các cá nhân cần phải cân nhắc, cụ thể như vậy:

– Mức độ rủi ro đối với chủ sở hữu doanh nghiệp cao vì chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của bản thân chứ không chỉ chịu trách nhiệm tương ứng với giới hạn số vốn mà chủ thể kinh doanh đã đầu tư vào doanh nghiệp.

– Đối với người cho vay thì khó có khả năng kiểm soát, xác định nguồn, giá trị tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp bảo đảm cho khoản tiền vay.

– Rủi ro đối với chủ doanh nghiệp tư nhân là họ phải đứng ra đại diện cho doanh nghiệp tư nhân trong tất cả các giao dịch của doanh nghiệp vì doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Có thể là chịu trách nhiệm tất cả các món nợ giữa các chủ nợ với doanh nghiệp, có thể là nguyên đơn, bị đơn trước Tòa án trong các tranh chấp và vụ kiện liên quan đến doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của doanh nghiệp mà còn phải chịu trách nhiệm trong các giao dịch khác mà doanh nghiệp tham gia. Vì vậy vai trò của người chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc lãnh đạo, điều hành cũng như đại diện cho doanh nghiệp của mình là vô cùng quan trọng và có không ít khó khăn, rủi ro.

– Mức độ rủi ro của các loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô hạn là rất lớn, có thể dẫn đến phá sản, đồng thời nếu không thanh toán đủ số nợ thì chủ doanh nghiệp có khả năng bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó loại hình này không khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư trực tiếp vào kinh doanh nhất là các lĩnh vực mạo hiểm, có tính rủi ro cao.

2.2. Trách nhiệm hữu hạn

* Ưu điểm của trách nhiệm hữu hạn:

– Đối với chủ sở hữu:

+ Mức độ rủi ro đối với chủ sở hữu doanh nghiệp thấp. Nếu theo chế độ trách nhiệm này sẽ tạo ra sự phân tán rủi ro, từ người góp vốn đầu tư trực tiếp vào kinh doanh sang các chủ nợ, tạo thuận lợi trong việc huy động nguồn vốn góp từ các tổ chức, cá nhân khác nhau đầu tư trực tiếp vào kinh doanh. + Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mạo hiểm vì rủi ro thấp từ đó giúp cho nền kinh tế cân đối.

+ Bản thân chủ sở hữu doanh nghiệp trong một số trường hợp sẽ không phải một mình chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hành vi pháp lý của doanh nghiệp mà có thể những chủ sở hữu khác cũng phải chịu trách nhiệm cùng.

– Đối với người cho vay: dễ dàng trong việc xác định, kiểm soát tài sản đảm bảo tiền vay.

* Nhược điểm của trách nhiệm hữu hạn:

Tương tự như chế độ trách nhiệm vô hạn, chế độ trách nhiệm hữu hạn cũng tồn tại những nhược điểm nhất định. Khi bước vào kinh doanh cần phải nắm rõ cả những yếu tố tích cực và cả tiêu cực, cụ thể như sau:

– Đối với chủ sở hữu:

+ Hạn chế trong việc huy động nguồn vốn vay để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Vì nếu muốn huy động thì phải bằng việc góp vốn của các chủ sở hữu hoặc các cổ đông, việc huy động vốn được thực hiện theo một quy trình, quy định chặt chẽ của pháp luật.

+ Chủ sở hữu doanh nghiệp không thể hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vì phải chịu sự chi phối bởi các thành viên góp vốn khác theo quy định của công ty và theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Điều này dẫn tới hệ quả là hoạt động quản lý, điều hành thiếu sự thống nhất mang tính tuyệt đối, xảy ra tình trạng phân hóa ý chí, chia bè phái trong nội bộ doanh nghiệp vì sự khác nhau giữa quyền và lợi ích của mỗi bên chủ sở hữu.

– Đối vơi người cho vay: Khó có khả năng đòi các khoản nợ nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Vì chủ sở hữu hoặc mỗi thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm với đúng số vốn góp của mình vào doanh nghiệp và không bao gồm tài sản cá nhân. Vì thế, nếu số nợ vượt quá số vốn điều lệ thì người cho vay sẽ rất khó lấy được tài sản. Đây chính là nhược điểm lớn nhất của chế độ này.

– Việc thành lập doanh nghiệp khá phức tạp về mặt thủ tục, hồ sơ, điều kiện thành lập vì chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật so với loại hình doanh nghiệp theo chế độ trách nhiệm vô hạn.

Như vậy đối với các trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định của riêng từng loại trách nhiệm, các cá nhân có thể cân nhắc để lựa chọn áp dụng loại hình doanh nghiệp cho phù hợp.

1 284 07/12/2023