Thủ tục tách hộ cần những giấy tờ gì? Thực hiện ở đâu?

Do từ ngày 01/7/2021, không cấp mới sổ hộ khẩu, tiến tới bãi bỏ hoàn toàn sổ này vào năm 2023, vì thế, khái niệm tách sổ hộ khẩu đã được bãi bỏ. Thay vào đó, tách hộ ra đời đê thay thế. Tách hộ nghĩa là việc một người đang đăng ký thường trú cùng một hộ gia đình nay làm các thủ tục xóa tên trong hộ đó và đăng ký hộ mới. Bài viết dưới đây Vietjack.me sẽ làm rõ:

1 233 25/01/2024


Thủ tục tách hộ cần những giấy tờ gì? Thực hiện ở đâu?

1. Thủ tục tách hộ thực hiện ở đâu?

Thủ tục tách hộ cần những giấy tờ gì? Thực hiện ở đâu? (ảnh 1)

Theo Điều 25 Luật Cư trú, sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để tách hộ, người dân nộp hồ sơ này đến cơ quan đăng ký cư trú.

Theo đó, cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm:

- Công an xã, phường, thị trấn;

- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Quyết định 5548/QĐ-BCA-C06, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Cổng dịch vụ công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật).

2. Thủ tục tách hộ cần những giấy tờ gì, tiến hành thế nào?

Căn cứ: Điều 25 Luật Cư trú 2020; Quyết định 5548/QĐ-BCA-C06

2.1. Điều kiện để được tách hộ

Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;

- Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này.

Thủ tục tách hộ cần những giấy tờ gì? Thực hiện ở đâu? (ảnh 1)

2.2. Hồ sơ tách hộ

- Hồ sơ tách hộ thông thường chỉ cần: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

- Trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được ở cùng chỗ ở hợp pháp, hồ sơ gồm:

+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.

2.3. Trình tự thực hiện tách hộ

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ nêu trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Công an cấp xã.

Bước 3: Cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người đăng ký;

+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho người đăng ký;

+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người đăng ký.

Bước 4: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).

2.4. Thời hạn giải quyết

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin.

Trường hợp sau khi thẩm định, nhận thấy không đủ điều kiện tách hộ, Công an từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

1 233 25/01/2024