Dân quân thường trực là gì? Chế độ, chính sách đối với dân quân thường trực
Dân quân thường trực là gì? Độ tuổi, thời hạn tham gia dân quân thường trực như thế nào? Chế độ, chính sách đối với dân quân thường trực ra sao? Cùng bài viết dưới đây giải đáp nhé!
Dân quân thường trực là gì? Chế độ, chính sách đối với dân quân thường trực
1. Dân quân thường trực là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Dân quân tự vệ 2019, dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế gọi là tự vệ.
Khoản 3 Điều 6, khoản 4 Điều 2 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định dân quân thường trực là một trong các thành phần của Dân quân tự vệ. Dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.
2. Độ tuổi, thời hạn tham gia dân quân thường trực
Điều 8 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực như sau:
- Về độ tuổi: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
- Về thời hạn: Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực là 02 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực được kéo dài nhưng không quá 02 năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực.
3. Chế độ, chính sách đối với dân quân thường trực
3.1 Định mức bảo đảm trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực
Theo Điều 11, 12 Nghị định 72/2020/NĐ-CP, định mức bảo đảm trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực được quy định như sau:
(1) Mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm, tiền ăn được quy định như sau:
- Mức trợ cấp ngày công lao động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 119.200 đồng.
Trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 59.600 đồng.
- Mức tiền ăn bằng tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
* Đối với dân quân thuộc hải đội dân quân thường trực thực hiện theo quy định như sau:
- Khi làm nhiệm vụ, trừ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển:
+ Mức trợ cấp ngày công lao động bằng 178.800 đồng.
Trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 59.600 đồng.
+ Mức tiền ăn như hạ sĩ quan, binh sĩ hải quân trên tàu cấp 1 neo đậu tại căn cứ.
- Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển:
+ Mức trợ cấp ngày công lao động mỗi người mỗi ngày bằng 372.500 đồng; mức tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 149.000 đồng.
+ Đối với thuyền trưởng, máy trưởng, mức phụ cấp trách nhiệm tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển, mỗi ngày bằng 119.200 đồng.
Bên cạnh đó, dân quân thường trực còn được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.
(2) Mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 2.980.000 đồng.
Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau:
- Dưới 01 tháng không được trợ cấp;
- Từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1.490.000 đồng;
- Từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2.980.000 đồng.
(3) Mức trợ cấp đặc thù đi biển được quy định như sau:
Mức phụ cấp đặc thù đi biển của dân quân khi làm nhiệm vụ trên biển thực hiện theo quy định của Nhà nước về chế độ bồi dưỡng đi biển đối với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng khi làm nhiệm vụ trên biển.
(4) Mức hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
(5) Tiêu chuẩn vật chất hậu cần như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ.
3.2 Chế độ, chính sách đối với dân quân thường trực khi làm nhiệm vụ
Điều 13 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với dân quân thường trực khi làm nhiệm vụ như sau:
- Khi làm nhiệm vụ, trừ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách theo chế độ hiện hành.
- Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển:
+ Được hưởng nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách theo chế độ hiện hành.
+ Hưởng thêm 50% lương ngạch bậc tính theo ngày thực tế huy động, tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 149.000 đồng;
Nếu mức thực tế thấp hơn quy định trên thì được áp dụng quy định sau:
+ Mức trợ cấp ngày công lao động bằng 178.800 đồng;
+ Trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 59.600 đồng.
+ Mức tiền ăn như hạ sĩ quan, binh sĩ hải quân trên tàu cấp 1 neo đậu tại căn cứ.
Xem thêm các chương trình khác: