Giới là gì - Ngũ giới (Pañca- sīla) trong Đạo Phật

Đức Phật dạy: “- Sīlena sugatiṃ yanti, sīlena bhoga sampadā; sīlena nibbutiṃ yanti, tasmā sīlam visodhaye”. Nghĩa là: Nhờ giới được an lạc. Nhờ giới được của cải, tài sản. Nhờ giới được hạnh phúc tối cao. Vậy giới là gì và trong đạo Phật có nhưng giới nào, hãy tìm hiểu cùng Vietjack.me nhé!

1 174 16/03/2024


Giới là gì - Ngũ giới (Pañca- sīla) trong Đạo Phật

A. Giới là gì?

Giới là gì - Ngũ giới (Pañca- sīla) trong Đạo Phật (ảnh 1)

Giới là hàng rào ngăn ngừa, ngăn giữ những hành động và nói năng xấu ác của thân và khẩu để cho mình được tốt hơn, hiền thiện hơn, cao đẹp hơn. Giới của Phật giáo không có tính bắt buộc, không áp đặt người khác tin và thực hành theo như giới điều, tín điều của một số tôn giáo khác. Trước khi tin để thực hành theo những giới này, người Phật tử có quyền hoài nghi, suy luận, nhận thức - rằng là điều nào thật sự đem đến lợi ích thiết thực cho mình và mọi người xung quanh; rằng là điều nào giúp mình tiến bộ tinh thần và rời xa những quả báo đau khổ trong mai hậu. Như vậy, giới của Phật giáo có tính cách tự do: Tự do trong nhận thức và tự do trong sự phát nguyện.

B. Ngũ giới (Pañca- sīla) trong Đạo Phật

Giới là gì - Ngũ giới (Pañca- sīla) trong Đạo Phật (ảnh 1)

1. Không sát sanh

Khi thọ trì giới này, người Phật tử thành tâm đọc:

“- Pānātipātā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi”.

Nghĩa: Tôi thọ trì điều học là tránh xa giết hại các loài hữu tình. Người Phật tử giữ giới này thì phải biết tránh xa hành động chém giết, sát hại sanh mạng các loại hữu tình; tức là những chúng sanh có hơi thở, có thức tánh, có sự sống. Ngoài ra, lúc thọ trì giới này, người Phật tử phải xem nó như là một bài học. Bài học ấy phải được rút tỉa và chiêm nghiệm từ những điều sau đây:

1.1. Giết hại có những trạng thái tâm với tính chất và cường độ khác nhau:

- Với tâm độc ác, hận thù, bạo tàn

- Do cố ý, cố tình

- Để giải trí, vui chơi

- Do cứu mình, cứu người

- Do vô tâm, vô ý, không cố tình

Đức Phật dạy: Tư tác (cetanā) là nghiệp. Tức là làm việc gì có chủ tâm, cố ý, có chủ định, quyết định. Vậy giết hại với trường hợp cuối, không có tội. Trường hợp thứ tư, tội nhẹ. Với 3 trường hợp đầu đều là tội nặng cả.

1.2. Đối tượng giết hại

- Giết các vị thánh A-la-hán, những bậc phước trí vô lậu là tội rất nặng, thuộc về ngũ nghịch đại tội (Ngũ nghịch đại tội: Giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm Phật chảy máu, chia rẽ Tăng.), chắc chắn đọa địa ngục vô gián.

- Giết cha, mẹ - những bậc có công ơn sinh thành dưỡng dục - tội rất nặng, thuộc ngũ nghịch đại tội.

- Giết người bình thường tội nặng hơn giết vật, vì sanh làm người rất khó, phải có rất nhiều nhân duyên và phước báu.

- Giết vật có thức tánh cao, tội nặng hơn vật có thức tánh thấp.

1.3 Tại sao Đức Phật cấm chế sự giết hại ?

- Vì sự sống vốn bình đẳng, ai cũng yêu quý và muốn bảo vệ sự sống của mình. Vậy tại sao ta quý trọng sự sống của ta mà đang tâm hủy diệt mạng sống của chúng sanh khác?

- Vì sự đau khổ vốn bình đẳng, ai ai cũng sợ gươm đao, sợ bị giết hại, sợ chết, sợ đau khổ giống nhau. Tại sao ta biết tránh đau khổ lại nỡ gieo đau khổ cho chúng sanh khác?

- Gieo nhân giết hại thì phải bị quả báo giết hại. Vì muốn ngăn quả báo bị giết hại nên ta phải biết tránh xa nhân giết hại.

1.4. Lợi ích của người giữ giới không sát sanh

Người giữ giới này sẽ được 11 lợi ích sau đây:

- Nhờ ngăn ngừa được hành động hung dữ thuộc bản năng, thú tính; người giữ giới này không tạo quả đau khổ cho mình và cho chúng sanh khác.

- Nuôi dưỡng tâm từ.

- Tránh nhân khổ địa ngục.

- Sống lâu, không yểu thọ, sức khoẻ, ít bệnh tật.

- Không bị chết dữ như xử giảo (Xử giảo: Trọng hình thắt cổ cho đến chết); lăng trì (Lăng trì: Xẻo từng miếng thịt), đâm chém, giết mổ, cưa xẻ tay chân. Ngoài ra, không bị quả hành hạ thân xác như đánh đập, tra tấn...

- Sắc thân xinh đẹp.

- Người, trời, phi nhân mến ưa. Mọi người thích gần gũi.

- Giấc ngủ an lành.

- Thân tâm thư thái, nhẹ nhàng.

- Nét mặt hiền hòa, mát mẻ.

- Nhân sinh cõi trời, người.

Tóm lại, thấy rõ tất cả điều nguy hại cũng như lợi ích của người không có giới này và người có thọ trì giới này - mới đúng là tinh thần "giác ngộ bài học" vậy.

2. Không trộm cắp

Thọ trì giới này, người Phật tử phải đọc:

“- Adinnādānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi”.

Nghĩa: Tôi thọ trì điều học là tránh xa trộm cắp.

Người Phật tử giữ giới này - là không nên lấy bất cứ một vật gì, dù lớn, dù nhỏ, dù có giá trị hay không có giá trị mà chủ nhân chưa cho, chưa vừa lòng cho.

Ta phải chiêm nghiệm điều học này.

2.1. Có trường hợp được lấy, được phép lấy mà không phạm giới trộm cắp.

Người Phật tử giữ giới này nên hiểu là có những trường hợp được phép lấy như sau:

- Bạn bè thâm giao, thâm tình, biết lấy mà chủ nhân không giận, không tiếc của hoặc biết rằng chủ nhân sẵn sàng biếu tặng.

- Nếu lấy mà biết rằng chủ nhân sẽ hoan hỷ, mừng vui. Như tích thời Đức Phật Kassapa:

“- Khi cốc của Đức Phật bị mưa dột, ngài bảo Chư Tăng xuống gỡ tranh trên mái nhà của ông thợ gốm Ghāṭikāra - vốn là một vị Thánh cư sĩ - lên lợp mà không hỏi, không xin, chưa được cho. Sở dĩ vậy là vì Đức Phật biết tâm của đệ tử mình, được lấy tranh như vậy là vị Thánh sẽ vô cùng hoan hỷ. Mà quả đúng thế, người thợ gốm và cả cha mẹ mù lòa, hỷ lạc phát sanh cả tuần lễ. Còn ngôi nhà không mái của ông thợ gốm, chư thiên phải thường trực đứng canh, dùng thần lực ngăn mưa, đỡ nắng”.

2.2. Có rất nhiều hình thức lấy cắp

- Cậy sức mạnh, ỷ quyền thế để lấy, tước đoạt của người.

- Bắt chẹt người trong lúc Tứng quẩn để cho vay nặng lãi.

- Cầm đồ của người ta với giá rẻ mạt.

- Cân non, đong thiếu.

- Trốn xâu, lậu thuế.

- Mượn của người rồi lấy luôn.

- Được của người mà không tìm cách trả lại.

Nói tóm lại, nếu lấy bằng bất cứ hình thức nào mà do lòng tham bất chánh đều phạm giới trộm cắp cả. Nếu vì nghèo nàn, Tứng thiếu, vợ con đau ốm, thiếu cơm cháo, thuốc thang mà sinh tâm trộm cắp, dĩ nhiên vẫn mang tội, định luật nhân quả nghiệp báo vẫn làm việc; nhưng tội ấy mọi người có thể châm chước, thông cảm, khả dung. Trái lại, những người giàu có, ăn sung mặc sướng, của dư của để mà còn lường gạt của người, mưu mô thủ đoạn để ăn chặn, cướp giật của người; sống trên mồ hôi, nước mắt của kẻ đói nghèo thì tội ấy quả thật là bất nhân, quả báo sẽ rất nặng nề vậy.

2.3. Lý do không nên trộm cắp

- Tôn trọng quyền sở hữu: Bất cứ thời đại nào, xã hội nào cũng tôn trọng quyền sở hữu của mọi người bằng luật pháp hoặc bằng một hình thức, quy chế nào đó. Ai ai cũng có quyền giữ gìn và bảo vệ của cải, tài sản của mình. Vậy tại sao ta biết bảo vệ quyền sở hữu của mình - mà ta lại cướp đoạt của cải, tài sản, xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác? Quyền sở hữu bình đẳng là một nguyên tắc đạo lý mà người có ý thức phải biết tôn trọng.

- Nuôi dưỡng tâm bi: Ai ai cũng phải đổ mồ hôi, lao tâm, lao lực mới có được của cải, tài sản. Ai mất của cải, tài sản cũng xót xa, tiếc rẻ, sầu muộn, đau khổ. Chỉ những người có trái tim sắt đá, tán tận lương tâm, thiếu nhân tính mới không rung động, không cảm thấy trắc ẩn, thương tâm trước sự đau khổ của kẻ khác. Giữ được giới này là người Phật tử tiêu diệt được sự tham lam, đồng thời nuôi dưỡng tâm bi nữa vậy.

- Tránh quả báo tội tù, nghèo đói hoặc làm thân trâu ngựa: Trong một xã hội có pháp luật, tôn trọng quyền sở hữu, lẽ công bằng thì tội trộm cắp bao giờ cũng bị trừng trị, tùy theo nặng nhẹ mà xử phạt tử hình, chung thân hoặc tù ngục, bồi thường...

Khi chưa bị bắt, kẻ trộm cắp luôn nơm nớp lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên; luôn tìm trăm phương nghìn cách để trốn tránh, nhất là tội trộm cắp lớn thuộc của cải công cộng, tài sản quốc gia dưới nhiều hình thức như biển thủ (Biển thủ: Thụt két, lấy gian, thâm tiền két...), tham nhũng, hối lộ, lừa đảo hoặc mánh mung, gian lận...

Khi bị bắt, bị tội tù, tử hình... phận mình đau khổ đã đành, mà còn liên lụy đến cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc nữa. Sự xấu hổ, tủi nhục do đánh mất tư cách đạo đức, nhân phẩm, phẩm giá, thanh danh gia đình đối với một số người, còn đau khổ gấp trăm lần sự đau khổ thân xác.

Lại nữa, nếu trốn tránh được luật pháp thế gian, người trộm cướp cũng không thoát khỏi luật nhân quả báo ứng trừng trị. Trộm cướp của người thì bị người trộm cướp lại. Nhân trộm cướp thường bị quả báo thân tàn ma dại, làm ngạ quỷ đói nhiều đời kiếp, làm người nghèo khổ, bần tiện, hèn hạ, thiếu cơm rách áo, lê lất xin ăn nơi quán chợ, góc đình. Lại rất nhiều đời kiếp nữa phải làm thân trâu ngựa để trả nợ cho người. Đúng như câu thơ khuyến cáo sau đây:

“- Bẻ khóa, chui phòng cướp của ai Tính toán, vắt óc bởi tham tài

Tội tù, hình ngục luôn chờ sẵn Bao kiếp ngựa trâu trả nợ dài!”

2.4. Lợi ích của người giữ giới

Được 11 quả báu tốt lành:

- Tránh xa được những nhân đau khổ cho mình và người.

- Tránh nhân ngạ quỷ, tù tội, đói nghèo, làm thân trâu ngựa...

- Đời sống hiện tại được an ổn, thảnh thơi.

- Được mọi người tin cậy, kính trọng, giao phó những chức vụ quan trọng.

- Được tiếng tốt, danh thơm.

- Phước quả giàu sang, không bị cưỡng đoạt, lường gạt.

- Người, trời và phi nhân mến ưa.

- Giấc ngủ an lành.

- Nuôi dưỡng những đức tính chân thật, liêm khiết trong sạch, phát triển tâm bi.

- Tướng mạo, phong thái, ngôn ngữ, cử chỉ… tất thảy đều toát ra vẻ oai nghiêm và đoan chính.

- Nhân sinh cõi trời, người.

3. Không tà dâm

Người thọ trì phải đọc: “- Kāmesumicchācārā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi”.

Nghĩa: Tôi thọ trì điều học là tránh xa tà hạnh.

Người Phật tử giữ giới này thì phải biết tránh xa sự tà dâm, tà hạnh; chỉ nên duy trì quan hệ một vợ, một chồng. Thủy chung và đức hạnh vẫn là cái đẹp muôn đời trong truyền thống gia đình ấm cúng của đạo lý Đông phương.

Vợ chồng có cưới hỏi đủ lễ gọi là chơn chánh, không được chính thức mà phi lễ, lang chạ với vợ chồng người thì gọi là tà hạnh. Ngay cả mở lời sàm sỡ, tục tĩu, chọc ghẹo vợ con người, Phật tử cũng không nên có. Ăn nói hoa tình, mắt liếc mày đưa, ưỡn ẹo vô duyên với trai, người nữ như vậy là đã thiếu đoan chính, dẫn đến phạm giới này không mấy hồi.

3.1. Lý do để giữ giới này

- Bảo vệ hạnh phúc gia đình mình: Không có gì bất hạnh, đen tối hơn khi trong một gia đình mà người chồng hoặc vợ có dạ riêng tư, tà vạy. Hạnh phúc gia đình đâu còn khi vợ chồng mà "ông thì ăn chả, bà thì ăn nem?" Sự yên ấm đâu còn khi vợ chồng không tin nhau, nghi ngờ, nghi kỵ lẫn nhau? Điều kiện thiết yếu để giữ vững nền tảng hạnh phúc gia đình chính là sự yêu thương, chung thủy, tin cậy giữa hai vợ chồng. Những chuyện ghen tuông, cãi vã, đánh đập nhau kéo theo biết bao nhiêu là đổ vỡ, thống khổ, vợ chồng con cái ly tán, đều do một trong hai người không kiêng cử giới này vậy.

- Tôn trọng hạnh phúc gia đình người khác: Ai cũng muốn gia đình mình được hạnh phúc ấm êm. Ai cũng muốn vợ chồng thương yêu, chung thủy với nhau đến răng long đầu bạc. Vậy giới không tà hạnh vừa giúp ta bảo vệ, hạnh phúc gia đình mình, đồng thời, biết tôn trọng hạnh phúc gia đình người khác nữa.

- Tránh quả báo xấu xa, oán thù và đau khổ: Đức Phật dạy: “Kẻ bị bao trùm trong ái dục, kinh hoàng như thỏ nằm trong rọ; bị dây trói buộc, siết chặt, kẻ ấy còn phải chịu đau khổ triền miên”.

Xưa nay, những hậu quả thảm khốc, đen tối do sự đắm say sắc dục gây nên thật là khôn lường. Biết bao cảnh nhà tan, cửa nát, đau thương, bất hạnh xẩy ra hằng ngày trên thế gian thường do tà hạnh bất chánh cả. Trong các sự oán thù, không có sự oán thù nào mãnh liệt hơn do lừa dối, ngoại tình hay phụ tình gây nên. Các án mạng, thanh toán đẫm máu, hận thù dai dẳng; tội ngoại tình đóng góp nguyên nhân, viết lên trang sử cũng không nhỏ vậy.

Người phạm tội này, nhiều kiếp sau còn bị quả báo trừng trị:

- Gia đình bị phân ly, tan nát.

- Làm người bị thiến, vật bị thiến.

- Bán nam, bán nữ.

- Đọa cảnh giới tối tăm, đau khổ.

3.2. Lợi ích của người giữ giới không tà hạnh

Có được 11 phước báu:

- Bảo vệ được hạnh phúc gia đình mình.

- Nuôi dưỡng tâm đoan chính.

- Tránh được nhiều quả báo đau khổ.

- Tình duyên không trắc trở.

- Gia đình trọn đời không bị ai quấy nhiễu, xâm phạm, được ấm êm, đoàn tụ.

- Sắc thân cân đối, vẹn toàn, tươi sáng, xinh đẹp.

- Giấc ngủ an lành.

- Thân tâm thư thái, nhẹ nhàng.

- Vô thù oán.

- Người, trời, phi nhân, mến ưa.

- Nhân sinh cõi trời, người.

4. Không nói dối

Người thọ trì đọc: “- Musāvādā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi”.

Nghĩa: Tôi thọ trì điều học là tránh xa nói dối.

Người Phật tử thọ giới này thì không nên nói sai sự thật mà phải nói đúng sự thật. Đừng dựng đứng câu chuyện mà nói. Đừng đặt điều, thêm thắt khác xa với sự thật. Đừng nói vu oan, vu cáo để hại người. Gặp trường hợp nói đúng sự thật có thể hại người, đưa người vào tù tội; hoặc sự thật ấy nói ra có thể gây oan trái, oán thù, gây ngộ nhận, bất mãn thì nên giữ im lặng tốt hơn. Lại còn có những chuyện nhạt nhẽo, vô duyên, dung tục, phù phiếm thì cũng không nên nói làm gì!

Sống ở đời với công ăn việc làm, với phải trái, đục trong phức tạp, người Phật tử khó giữ giới này cho trọn vẹn, nên có thể linh động chút ít. Nói dối để đùa vui, nói dối mà không hại mình, hại người thì có thể châm chước. Tuy nhiên, nếu thiếu chánh niệm, tỉnh giác thì sự nói dối ấy có thể đưa đến thói quen nguy hại, trở thành "thường nghiệp" thì rất nguy hiểm! Khi "nói dối mà chơi" nhiều quá, ta sẽ dần dần đánh mất sự đứng đắn, chững chạc cần thiết của một nhân cách trưởng thành; sẽ không còn ai tin cậy để giao phó những công việc quan trọng có tính mô phạm, giáo dục. Tốt nhất, có sao nói vậy, sự thật sao nói vậy, để tự rèn luyện phẩm chất đứng đắn, cao đẹp của con người.

Người xuất gia thì cần phải giữ giới này nghiêm Tức hơn, vì rằng, có tội nói dối sẽ bị trục xuất khỏi Tăng đoàn. Ví dụ mình chưa đắc pháp bậc cao nhơn mà nói rằng mình đã đắc pháp bậc cao nhơn! Đây là 1 trong 4 tội bất cộng trụ (không cho ở cùng với Tăng). Lại nữa, lời nói chân thật phát sanh từ suy nghĩ chơn chánh (chánh tư duy); suy nghĩ chơn chánh phát xuất từ thấy biết chơn chánh (chánh tri kiến). Chánh kiến và chánh tư duy thuộc về tuệ phần, quan trọng nhất trong Bát Chánh Đạo, con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát.

4.1. Lý do giữ giới không vọng ngữ

- Tôn trọng sự thật: Đạo Phật là đạo như thật, là đạo của sự thật; nên người Phật tử phải biết tôn trọng sự thật. Người quen có nói không, không nói có, phải nói trái, trái nói phải, điều nghe nói không nghe, điều không thấy nói thấy lâu ngày sẽ quen với sự dối trá, đánh mất hẳn sự chân thật thì khó bước theo con đường như chân như thật, tôn trọng sự thật của đạo Phật vậy.

- Bảo vệ sự trung tín: Trong một xã hội mà ai cũng không tin ai, ai ai cũng sống trong lừa phỉnh, dối trá, thiếu chân thật thì xã hội ấy, con người ấy sẽ đen tối, sa đọa và bất hạnh như thế nào? Hạnh phúc gia đình và xã hội không thể có được khi mọi người lấy lời nói không thật để gạ gẫm, láo lường, bất tín mà đối xử, giao tiếp với nhau. Đức trung tín, chân thật đối với cuộc đời như những đóa hoa tươi thắm, nở giữa vùng sỏi đá khô cằn, hiến dâng mùa xuân cho sa mạc lòng người và nắng cháy tình đời vậy.

- Tránh những quả báo đau khổ: Người nói dối tùy mức độ nặng nhẹ mà bị những quả báo sau đây:

- Đọa địa ngục nếu do tâm ác độc, nói dối để hại chết người hoặc đẩy người vào chốn tội tù.

- Đọa ngạ quỷ nếu lời nói dối đưa người khác đến chỗ phá sản, đói cơm rách áo.

- Nhiều đời kiếp đau khổ nếu lời nói dối do tâm ác độc, tham lam, khát vọng, mưu đồ đê hèn, bất chánh.

- Nhiều đời mặt mũi bị khuyết tật, nhất là miệng méo, miệng hôi, miệng xấu, miệng bị lở loét, sứt môi hoặc kỳ hình dị dạng.

- Mọi người khinh rẻ, xem thường; chẳng ai tin tưởng để giao phó những công việc quan trọng, đúng như sách Nho nói: "Nhân vô tín, bất lập" (người không có chữ tín – không giữ lời hứa - không đặt để vào đâu được cả, nghĩa là bỏ đi).

- Nghèo đói, túng thiếu, không thể có công danh, địa vị, sự nghiệp vững bền.

- Chết đọa vào bốn đường khổ.

4.2. Lợi ích của người giữ giới không vọng ngữ

Được cả thảy 13 phước báu sau đây:

- Ngăn ngừa được rất nhiều quả báo đau khổ.

- Được người đời nể nang, tin cậy.

- Nuôi dưỡng đức tính chân thật, trực hạnh, thiện hạnh, ưng lý hạnh, pháp hạnh.

- Công danh, sự nghiệp, địa vị bền lâu, vững vàng và sang cả.

- Mặt mũi đoan chính.

- Tránh được nhân họa hại, ly gián, vu oan.

- Tâm hồn thư thái, mát mẻ.

- Giấc ngủ an lành.

- Không có kẻ thù hiềm, ganh ghét.

- Vào hội chúng nào cũng không sợ hãi.

- Tướng miệng và lưỡi đẹp đẽ. Miệng thơm tho, lưỡi dài rộng; âm thanh vang như chuông ngân, du dương, trầm bỗng.

- Dễ thuyết phục mọi người, lời nói ra ai cũng nghe, cũng tin.

- Nhân sanh cõi trời, người.

5. Không uống rượu và các chất say

Người thọ trì đọc:

“- Surā meraya majjapamādaṭṭhānā veramanī sikkhāpadaṃ samādiyāmi”.

Nghĩa: Tôi thọ trì điều học là tránh xa uống rượu và các chất say.

Rượu và các chất say (men, ma túy) làm lú lẫn tâm trí, rối loạn thần kinh. Người say sưa hoặc ghiền ma Túy thường không làm chủ được mình, dễ bị đánh mất tư cách, nhân phẩm, mất tác phong đạo đức. Chúng là nguyên nhân của mọi bất hạnh gia đình, nhà tan cửa nát, vợ chồng, con cái bất hòa, ly tán...

Rượu và chất say tuy không trực tiếp tạo những tội ác như giết người, cướp của, tà hạnh, nói dối... nhưng nó là nguyên nhân gián tiếp. Khi không còn làm chủ được mình, đã mất nhân tính thì nó không từ nan bất cứ một hành động xấu xa, hèn hạ hoặc hung dữ, bạo tàn nào trên cuộc đời nầy. Vậy, người Phật tử nên dứt khoát xa lìa nó vì hạnh phúc của mình và hạnh phúc của những người xung quanh mình.

5.1. Lý do cấm chế giới này

- Bảo toàn định và tuệ: Rượu và các chất say là nguyên nhân đánh mất sự định tĩnh tâm hồn (định) và sự sáng suốt của tâm trí (tuệ).

Rượu còn nguy hại hơn độc dược. Độc dược chỉ làm chết một thân, một đời; nhưng rượu có thể làm chết nhiều thân, nhiều đời. Khi say sưa, nghiện ngập, tâm trí mê muội, người ta có thể tạo nên những ác nghiệp không lường được... Nếu lỡ bị đọa một kiếp rồi, thì dòng trầm luân còn kế tục trôi chảy đau khổ cho đến nhiều đời, không biết bao giờ trở lại thân người để tiếp tục tu học.

- Bảo vệ hạnh phúc gia đình mình: Người say rượu, ghiền ma Túy khó bảo toàn hạnh phúc gia đình, khó gìn giữ sự nghiệp, gia sản, địa vị trong xã hội. Cha mẹ mà say sưa rượu chè hoặc ghiền ma Túy, không những đánh mất hạnh phúc gia đình, mà đời sống con cái sẽ trở nên đen tối, bấp bênh, bất hạnh dễ dẫn đến lêu lổng, tội phạm; là gánh nặng cho xã hội vậy.

- Tránh hậu quả đau khổ: Một số tội ác mà người say, nghiện tạo ra, có thể phạm ngũ nghịch đại tội (giết cha, mẹ) hoặc giết cả vợ con. Họ có thể hành động như kẻ điên nên sự tai hại của nó thật vô lường vậy. Ta có thể điểm một số tiêu biểu sau đây:

- Của cải rơi mất.

- Thiếu trầm tĩnh, ổn định.

- Tăng trưởng tâm ác hại.

- Trí tuệ kém dần.

- Sự nghiệp chẳng thành.

- Thế gian khinh bỉ.

- Nhiều thống khổ.

- Thân tật bệnh.

- Nóng nảy, dễ giận dữ.

- Tâm sân phát triển.

- Tính khí bồng bột.

- Phước đức tiêu mòn.

- Tuổi thọ thối giảm.

- Tán gia, bại sản.

- Vợ chồng bất hòa.

- Con cái hư hỏng.

- Thiếu thốn, đói nghèo.

- Bất nhân, bất tín, bất nghĩa.

- Ngu si điên đảo.

- Mệnh chung, đoạ 4 đường dữ.

5.2 Lợi ích của giới này

Vừa ngăn chặn các điều tai hại kể trên vừa thâu hái 11 kết quả tốt lành sau đây:

- Luôn định tĩnh, sáng suốt.

- Gia đình có hạnh phúc.

- Dễ dạy bảo con cái.

- Bảo toàn được danh vọng, địa vị, sự nghiệp.

- Người đời nể trọng.

- Thần sắc đạm nhiên, ôn hoà.

- Giữ gìn được của cải, tài sản.

- Đời sống ấm no.

- Sức khoẻ tốt, ít bệnh tật.

- Tăng tuổi thọ.

- Nhân sanh trời, người.

Kết luận: Người học Phật ai cũng không quên câu nói: "Ngũ giới bất trì, nhơn thiên lộ triệt" - nghĩa là người không giữ ngũ giới là tự cắt đứt con đường đến cõi người và cõi trời.

Ngũ giới là nền tảng an vui và hạnh phúc cho gia đình và cho xã hội. Ngày nay, xã hội văn minh, tiến bộ; những thiếu thốn vật chất áo cơm, tuy còn tồn tại nhiều nơi nhưng cơ bản là có thể giải quyết được trong chừng mực nào đó. Tuy nhiên, những thực trạng đau thương, thống khổ, bất hạnh xẩy ra hàng ngày trên thế giới do chiến tranh tôn giáo, chiến tranh kinh tế, chiến tranh lãnh thổ, sự khủng bố mà giết chóc, tàn hại lẫn nhau không là vấn đề để chúng ta ý thức hay sao? Những thảm trạng cướp của giết người, mãi dâm, tham nhũng, hối lộ; vợ giết chồng, chồng giết vợ, rượu say, ma Túy làm băng hoại, thiêu rụi các giá trị nhân luân và đạo đức; không là hồi chuông báo động bức thiết cho con người hiểu rõ lợi ích của ngũ giới hay sao?

Là một người Phật tử, con của đấng Đại Giác; giữ ngũ giới không những là bổn phận mà còn là trách nhiệm nữa. Bổn phận là để giữ gìn hạnh phúc cho chính mình, gia đình mình. Trách nhiệm là mang lại hạnh phúc cho người và cứu nguy cho xã hội. Ngũ giới không những là nền tảng đức lý cao đẹp cho trần gian mà nó còn là nấc thang của những bước tiến bộ tinh thần dẫn ta trên lộ trình hướng đến giác ngộ, giải thoát nữa vậy.

6. Câu hỏi thường gặp liên quan đến giới trong Đạo phật

6.1. Làm sao để nhận biết được hành uẩn?

Đáp:

Bất cứ khi nào mình cố ý làm một việc gì đó thì đó là hành uẩn, ví dụ:

Khi mình cố ý sát sinh thì đó là hành uẩn = tạo ác nghiệp sát sinh.

Hoặc mình cố ý tránh xa sự sát sinh thì đó cũng là hành uẩn = tạo thiện nghiệp giữ giới.

Bất cứ hành động gì có sự chủ tâm, cố ý tạo tác đều là hành uẩn.

6.2. Muốn sống một cuộc đời thanh tịnh nhất thì phải làm gì?

Đáp: Phải xuất gia

Giữ giới thanh tịnh: Không tạo lỗi lầm

Định tâm thanh tịnh: Ly dục và ác bất thiện pháp

Tri kiến thanh tịnh: Không nhiễm tham ái, si mê, tà kiến...

6.3. Muốn thực hành thiền định thì cần có những điều kiện gì?

Đáp : Cần những điều kiện sau:

1. Giữ giới:

- Giới căn bản: 5 - 8 - 10 ...

- Giới thu thúc: tránh ngoại cảnh không thích hợp

- Giới nuôi mạng: kiếm ăn chân chánh

- Giới tri túc: biết đủ với những vật dùng hàng ngày

2. Viễn ly:

- Tránh xa chỗ ở ồn ào không thích hợp

- Tránh xa: hội chúng không thích hợp

- Tránh xa người thô lỗ, người quá thân thiết, người khác phái..

3. Buông xả:

- Buông bỏ đời sống hưởng thụ dục lạc như:

- Ưa thích sự sang trọng

- Ưa thích ăn ngon - ngủ nhiều

- Ưa thích tụ tập bạn bè, nói chuyện thế tục

- Ưa thích vui chơi giải trí xem nghe ca kịch

- Ưa thích giàu sang quyền lực, danh vọng

- Ưa thích hẹn hò đôi lứa...

- Ưa thích những việc lặt vặt như: nấu ăn, dọn dẹp, trồng cây, nuôi thú, đọc báo, nghe đài...

4. Cần hỗ trợ:

Người thầy: có kinh nghiệm về pháp hành thiền định tận tình chỉ dạy

Người hộ độ: có người hộ độ những vật dụng cần dùng như: sàng tọa, y phục, thuốc men, vật thực khi cần

5. Niềm tin:

Tin vào sự hành thiền đã đạt được sự giác ngộ của đức Phật

Tin vào sự thực hành thiền nên đã đạt được sự giảt thoát của các đệ tử đức Phật

Tin vào sự thực hành thiền của mình cũng sẽ đi đến giải thoát

6. Tinh tấn:

- Dù thân này có mệt mỏi cũng không lo sợ

- Dù thân này có đau đớn cũng không lo sợ

- Dù thân này có bệnh tật cũng không lo sợ

- Dù phải thực hành nhiều năm tháng cũng không lo sợ

- Dù thân này có kiệt sức cũng không lo sợ

- Dù thân này có gặp nguy hiểm cũng không lo sợ

- Dù thân này có phải chết cũng không lo sợ

7. Chánh niệm:

- Giữ chánh niệm trên đề mục thiền trong khi ngồi thiền

- Giữ chánh niệm trong lúc đi thiền hành

- Giữ chánh niệm ở mọi lúc, mọi nơi

8. Định tập trung tâm trên đề mục:

- Nhất tâm trên đề mục

- Định tĩnh trên đề mục

- Không suy tư sang những chuyện khác như:

+ Tham dục

+ Sân hận

+ Hôn trầm

+ Trạo hối

+ Hoài nghi

9. Tuệ hiểu rõ mục đích của việc hành thiền:

Hiểu rõ lợi ích của việc hành thiền

Hiểu biết rõ đề mục - cách nhận biết và duy trì đề mục đó

1 174 16/03/2024