Quê quán trong giấy khai sinh được xác định như thế nào?

Thông tin về quê quán được ghi trên giấy khai sinh được xác định như thế nào (được hiểu là như thế nào). Và ngoài thông tin về quê quán thì trên giấy khai sinh cần phải thể hiện những nội dung bắt buộc nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1 178 lượt xem


Quê quán trong giấy khai sinh được xác định như thế nào?

1. Quy định về quê quán trên giấy khai sinh

Theo từng thời kỳ pháp luật về hộ tịch có những quy định khác nhau về cách xác định thông tin quê quán của công dân trên giấy khai sinh. Vì những lý do đó cho nên sẽ có những trường hợp thông tin về quê quán của cha, mẹ, con; anh chị em ruột trong gia đình được ghi trên giấy khai sinh không giống nhau. Đối với những trường hợp công dân được đăng ký khai sinh theo các quy định của Điều lệ về hộ tịch cũ năm 1961 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 05-NV ngày 21/01/1961 của Bộ nội vụ về hướng dẫn thi hành một số điều của Điều lệ về hộ tịch thì văn bản này không có hướng dẫn thông tin về quê quán. Trường hợp công dân đăng ký khai sinh vào thời điểm trước ngày 01/4/2006, thì việc thực hiện đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch và Thông tư số 12/1999/TT-BTP ngày 25/06/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 83/1998/NĐ-CP. Thời điểm này, việc xác định quê quán trong giấy khai sinh được hướng dẫn tại biểu mẫu giấy khai sinh TP/HT-1999-A.2 được ban hành kèm theo Quyết định số 1203-QĐ/TP-HT ghi mục “Quê quán”:

“Ghi theo nơi sinh trưởng của cha đẻ; nếu không rõ cha đẻ là ai, thì ghi theo nơi sinh trưởng của mẹ đẻ; trong trường hợp không xác định được cha, mẹ đẻ, thì để trống”.

Quê quán trong giấy khai sinh được xác định như thế nào? (ảnh 1)

Từ ngày 01/4/2006 đến 01/1/2016, Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính Phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, mục “quê quán” trong giấy khai sinh được hướng dẫn xác định theo quy định tại Tại điểm e mục 1 phần II Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Nghị định 158/2005/NĐ-CP:

"Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người mẹ”

Bắt đầu từ thời điểm ngày 1/1/2016, thời điểm Luật hộ tịch năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành thì việc xác định quê quán trong giấy khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 8 Điều 4, Luật hộ tịch năm 2014 cụ thể như sau:

"8. Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh".

Ngoài ra cũng căn cứ theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định thì: Quê quan của một cá nhân khi được đăng ký khai sinh sẽ được xác định theo quê quán của người cha hoặc người mẹ đẻ của cá nhân đó theo nội dung đã được thỏa thuậ của cha và mẹ; hoặc quê quán cũng được xác định theo phong tục tập quán hoặc theo thông lệ của từng địa phương và thông tin về quê quán sẽ được người đi khai sinh ghi trong nội dung tờ khai đăng ký khai sinh khi đi làm thủ tục đăng ký khai sinh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Do vậy mà khi đi đăng ký khai sinh thì việc ghi mục quê quán của người được đăng ký khai sinh sẽ do người đi làm thủ tục tự kê khai trong tờ khai đăng ký khai sinh dựa trên nội dung thông tin về quê quán của người cha, người mẹ và sự thỏa thuận của họ hàng hoặc theo tập quán của từng địa phương.

2. Cải chính thông tin về quê quán trên giấy khai sinh

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định những vấn đề liên quan đến việc thay đổi, cải chính hộ tịch cụ thể như sau:

"Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch

1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.

2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch".

Ngoài ra Khoản 1, 2 Điều 17 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

"Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính hộ tịch trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác. Việc sai sót trong đăng ký hộ tịch là sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch".

Do đó, trường hợp người dân muốn đề nghị cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền (Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã) giải quyết yêu cầu cải chính thông tin quê quán của mình (ví dụ: cải chính thông tin quê quán của con cho giống với cha, mẹ hoặc anh, chị, em ruột cho giống nhau...), thì trước tiên cần xác định được cụ thể có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc lỗi của người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Đối với các thông tin được đăng ký đúng theo quy định của pháp luật về hộ tịch (tại thời điểm đăng ký), không có căn cứ chứng minh, xác định được sai sót thì không có cơ sở để giải quyết yêu cầu cải chính thông tin quê quán.

3. Các thông tin ghi trên giấy khai sinh

Điều 14 Luật hộ tịch năm 2014 quy định cụ thể về các nội dung đăng ký khai sinh bao gồm những nội dung sau:

"Điều 14. Nội dung đăng ký khai sinh

1. Nội dung đăng ký khai sinh gồm:

a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

2. Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.

3. Nội dung đăng ký khai sinh quy định tại khoản 1 Điều này là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.

Chính phủ quy định việc cấp số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh".

Ngoài ra Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP cũng quy định chi tiết về các nội dung đăng ký khai sinh bao gồm những nội dung cụ thể như sau:

- Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

- Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định này;

- Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.

- Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch.

Quê quán trong giấy khai sinh được xác định như thế nào? (ảnh 1)

4. Quy định về thủ tục đăng ký khai sinh

Căn cứ theo Quyết định số 1872/2020/QĐ-BTP ngày 4/9/2020 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh, cụ thể như sau:

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

  • Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu)
  • Bản chính giấy chứng sinh của trẻ; trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Người đi khai sinh cho trẻ phải xuất trình được các giấy tờ tùy thân của mình như hộ chiếu/chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh do cơ quan nhà nước cấp.

- Bước 2: Nộp giấy tờ tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ. Nếu không xác định được nơi cư trú của cha, mẹ thì nộp tại UBND cấp xã, nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế.

- Bước 3: Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã, ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, lấy Số định danh cá nhân. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người yêu cầu.

1 178 lượt xem