Luật sư là gì? Ý nghĩa và quy trình trở thành Luật sư

Luật sư là gì? Quy trình để trở thành Luật sư tại Việt Nam được thực hiện như thế nào? Quyền và nghĩa vụ của Luật sư? Ý nghĩa của nghề Luật sư. Bài viết dưới đây Vietjack.me sẽ cung cấp tới bạn đọc những thông tin cần biết về Luật sư là gì tại Việt Nam như sau:

1 503 09/08/2023


Luật sư là gì? Ý nghĩa và quy trình trở thành Luật sư

I. Luật sư là gì?

1. Khái niệm Luật sư

Hai thuật ngữ "luật gia" và "luật sư" hiện nay ở Việt Nam vẫn còn được hiểu khác nhau và còn có sự nhầm lẫn. Nguyên nhân của hiện tượng này một mặt là do hệ thống luật pháp nói chung và các nghề nghiệp về tư pháp ở Việt Nam nói riêng chưa phát triển; mặt khác có hiện tượng này cũng phần do việc dịch các thuật ngữ có liên quan trong ngôn ngữ nước ngoài chưa chuẩn xác, chưa thống nhất.

Theo cách giải thích của nhiều từ điển và qua tìm hiểu thực tiễn của một số nước, có thể hiểu như sau:

- Jurist là luật gia, là người có kiến thức về pháp luật, chuyên gia luật. Có thể hiểu đó là tất cả những người tốt nghiệp đại học luật (cử nhân luật trở lên); hoặc vận dụng ở nước ta có thể bao gồm cả những người tuy không có bằng cử nhân luật, nhưng có kiến thức về pháp luật đang hoạt động trên các lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Hội viên Hội luật gia Việt Nam được hiểu theo nghĩa này.

- Barrister là luật sư bào chữa tại toà, Solicitor là luật sư tư vấn được đào tạo về kỹ năng hành nghề, được gia nhập Đoàn luật sư, qua đó được công nhân là luật sư hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực tranh tụng và tư vấn hoặc một trong hai lĩnh vực này.

Ở Việt Nam, luật sư được hiểu theo quy định tại Luật Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (Điều 2). Điều kiện hành nghề luật sư được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Chúng ta nên hiểu Luật sư là danh từ chỉ người được công nhận là Luật sư khi có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về hành nghề Luật sư là việc Luật sư được làm những việc theo chuyên môn, nghề nghiệp của mình đã được pháp luật quy định. Nói đến Luật sư là nói đến cái cụ thể, đến con người cụ thể, đến chức danh cụ thể. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào pháp luật và tính truyền thống của từng nước mà khái niệm, tiêu chuẩn Luật sư và điều kiện, phạm vi hành nghề Luật sư, cũng như thủ tục, thẩm quyền công nhận Luật sư được quy định khác nhau.

Theo quy định tại Điều 2 của Luật Luật sư, "Luật sư" là người có đủ tiêu chuẩn luật sư, điều kiện hành nghề luật sư, thực hiện dịch vu pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng).

2. Nguyên tắc hành nghề Luật sư

– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

– Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

– Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

– Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

II. Đặc điểm của Nghề Luật sư

1. Về lĩnh vực hành nghề

Nghề Luật sư là nghề luật, với sự đề cao vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội. Nghề luật có các đặc trưng khác biệt so với các nghề nghiệp khác. Trước hết, nghề luật gắn liền với việc thực thi quyền lực Nhà nước, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ quan, tổ chức, gắn với hoạt động sáng tạo, áp dụng, thực thi, vận dụng pháp luật, là nghề lao động trí óc độc lập và chỉ tuân theo luật pháp, là nghề sử dụng kiến thức tổng hợp của nhiều khoa học khác nhau. Nghề luật là nghề đòi hỏi bản lĩnh kiên định, lòng dũng cảm, tính trung thực, đạo đức trong sáng và nghề đòi hỏi sử dụng nhiều kỹ năng nghề nghiệp thành thạo và chuẩn xác.

Khi xã hội phát triển với sự phân công lao động xã hội ở mức độ ngày càng sâu sắc đã xuất hiện những nghề nghiệp độc lập liên quan đến luật pháp. Nhiều nghề luật cụ thể ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của luật pháp. Nghề luật bao gồm các nghề làm luật, xây dựng pháp luật – lập pháp, lập quy; nghề bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý với tư cách độc lập nhân danh Nhà nước – trong lĩnh vực tư pháp; nghề luật thực thi pháp luật với tư cách nhân danh cơ quan, cá nhân có thẩm quyền – trong lĩnh vực hành pháp; nghề làm công tác bổ trợ tư pháp;nghề làm công tác hành chính – tư pháp. Trong hệ thống các nghề nghiệp và chức danh nghề, Nghề Luật sư là một nghề luật, trong đó Luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp.

2. Về chức năng xã hội và nhân văn

Nghề Luật sư là nghề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ quyền con người, góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Nghề Luật sư có tính nhân văn sâu sắc, Luật sư hành nghề không phải chỉ vì mục tiêu kinh tế đơn thuần, Nghề Luật sư còn có sứ mệnh cao cả, thực hiện chức năng xã hội – nghề nghiệp gắn với số phận con người. Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Nghề Luật sư có tính nhân văn sâu sắc bởi về phương diện lịch sử, Nghề Luật sư xuất hiện gắn liền với nhu cầu và xuất phát tự nhiên nhằm minh oan cho bạn bè, người thân bị giai cấp thống trị bắt giam vô cớ và trừng phạt một cách độc đoán. Mặt khác, Nghề Luật sư xuất phát từ quyền lợi của nhân dân bị áp bức nên nhân dân đồng tình ủng hộ và dần dần thu hút nhiều người tham gia bào chữa trước tòa. Trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, vị trí, vai trò của Luật sư và Nghề Luật sư ngày càng được đề cao, Luật sư góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý và thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử của Tòa án theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

3. Về đối tượng khách thể nghề nghiệp

Nghề Luật sư là nghề có tính chất dịch vụ, cung cấp dịch vụ pháp lý gắn liền với hệ thống tư pháp. So với các nghề nghiệp khác, Nghề Luật sư không trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất hàng hóa hay cung cấp dịch vụ thông thường, mà cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng. Dịch vụ pháp lý là dịch vụ đặc biệt trong xã hội gắn với quyền lực Nhà nước, thực thi pháp luật, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân công dân, gắn liền với thực hiện quyền tư pháp.

Khác với dịch vụ pháp lý của các chức danh khác, dịch vụ pháp lý của Luật sư là dịch vụ pháp lý tư, phân biệt với dịch vụ pháp lý công. Dịch vụ pháp lý công là dịch vụ pháp lý của Nhà nước. Dịch vụ pháp lý của Luật sư là dịch vụ chuyên nghiệp, bởi đây là công việc chuyên làm theo sự phân công lao động xã hội đối với Nghề Luật sư. Dịch vụ pháp lý của Luật sư có phạm vi rộng, bao hàm toàn bộ các lĩnh vực pháp luật từ tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng đến cung cấp các dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng trong mọi lĩnh vực pháp luật.

4. Về quản lý đối với nghề nghiệp Luật sư

Nghề Luật sư là nghề luật trong đó Luật sư có phương thức hành nghề tự do. Luật sư hành nghề dựa trên kiến thức pháp luật và kỹ năng, thể hiện vai trò cá nhân, uy tín và đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, quản lý đối với Nghề Luật sư có nguyên tắc đặc thù. Tính đặc thù ở chỗ Nghề Luật sư là nghề của những người có hiểu biết pháp luật, có tính độc lập cao và luôn muốn tự do trong phương thức hành nghề của mình, mặt khác Nhà nước và xã hội cũng đòi hỏi họ phải gương mẫu, tự giác chấp hành pháp luật.

Theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, Nghề Luật sư và Luật sư được quản lý chặt chẽ không chỉ bằng pháp luật mà còn bằng hệ thống quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nhà nước ban hành hệ thống pháp luật điều chỉnh đối với Luật sư và Nghề Luật sư, đồng thời pháp luật về Luật sư còn quy định Luật sư phải tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư. Hai hệ thống này phối hợp chặt chẽ với nhau điều chỉnh đối với Nghề Luật sư tạo thành nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước và tự quản đối với Luật sư và Nghề Luật sư. Nguyên tắc quản lý trên đảm bảo cho Nghề Luật sư phát triển đúng hướng, đạt mục đích nghề nghiệp của người hành nghề, đồng thời đạt được mục đích và hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của Nhà nước đối với các quan hệ xã hội liên quan đến Luật sư và Nghề Luật sư.

III. Quy trình trở thành Luật sư tại Việt Nam

Căn cứ Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012, trở thành Luật sư tại Việt Nam bao gồm các quy trình như sau:

1. Tiêu chuẩn Luật sư

Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

Trong các tiêu chuẩn luật sư thì tiêu chuẩn có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư là điểm đặc thù so với các chức danh tư pháp khác. Thực tiễn cho thấy, nhiều người sau khi nghỉ hưu mới trở thành luật sư và điều kiện sức khoẻ không bảo đảm đã ảnh hướng không nhỏ đến chất lương hành nghề luật sư. Tuy nhiên, do pháp luật chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khoẻ đối với luật sư, nên cơ quan nhà nước và Đoàn luật sư gặp khó khăn trong khi xem xét cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và cho gia nhập Đoàn luật sư. Để xác nhận một người có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì trong hồ sơ có liên quan phải có Giấy chứng nhận sức khoẻ.

2. Điều kiện trở thành Luật sư

Để trở thành Luật sư, bao gồm những điều kiện như sau:

2.1. Có bằng cử nhân Luật

Tức là cá nhân phải tốt nghiệp trường Luật, khoa Luật của trường Đại học.

Người có Bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư. Cơ sở đào tạo nghề luật sư bao gồm: Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp và cơ sở đào tạo nghề luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai tháng. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.

Người được miễn đào tạo nghề luật sư bao gồm:

– Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

– Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

– Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

– Đã là thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

2.2. Tập sự hành nghề Luật sư

Ngoại trừ những người được miễn tập sự hành nghề Luật sư, người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề Luật sư (công ty Luật, văn phòng Luật sư).

Thời gian tập sự hành nghề Luật sư là mười hai tháng, tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư, trừ những người sau đây được giảm thời gian tập sự:

– Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

– Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.

2.3. Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là người tập sự đã hoàn thành thời gian tập sự. Người được miễn tập sự hành nghề luật sư thì không phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

2.4. Cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư

Điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư là yêu cầu về chuyên môn (có bằng cử nhân luật, đã tốt nghiệp khoá đào tạo nghề, đã hoàn thành thời gian tập sự hành nghề luật sư và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư).

Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư gồm có:

– Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

– Phiếu lý lịch tư pháp;

– Giấy chứng nhận sức khỏe;

– Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

– Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật luật sư.

3. Gia nhập Đoàn Luật sư

Gia nhập một Đoàn luật sư là yêu cầu mang tính nghề nghiệp, thể hiện tính chất đặc thù của nghề luật sư so với các nghề nghiệp khác trong xã hội. Gia nhập một Đoàn luật sư là điều kiện đủ để được hành nghề luật sư.

Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền lựa chọn gia nhập một Đoàn luật sư để hành nghề luật sư.

Người đã gia nhập Đoàn luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức hoặc thành lập, tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này tại địa phương nơi Đoàn luật sư có trụ sở.

Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư gồm có:

– Giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư theo mẫu do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành;

– Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư quá sáu tháng, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

– Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Lưu ý là theo Luật Luật sư thì luật sư phải hành nghề luật sư (luật sư hành nghề), không được sử dụng danh nghĩa luật sư để thực hiện những công việc không thuộc phạm vi hành nghề luật sư. Pháp luật về luật sư của nước ta không thừa nhận luật sư không hành nghề như một số nước khác.

IV. Quyền và nghĩa vụ của Luật sư

1. Quyền của Luật sư

Theo Điều 21 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 Luật sư có các quyền sau đây:

– Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan;

– Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật;

– Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này;

– Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

– Hành nghề luật sư ở nước ngoài;

– Các quyền khác theo quy định của Luật này.

Ở Việt Nam lâu nay vẫn sử dụng các cụm từ "nghề luật sư", "hành nghề luật sư". Thực ra như vậy không hoàn toàn chính xác về mặt ngôn ngữ. Bởi vì "luật sư" là một danh từ chỉ người, chứ không phải dùng để chỉ một nghề. Vì vậy, trong tiếng Anh, người ta dùng Barrister/ Solicitor (luật sư) và Practice law (hành nghề luật). Tuy nhiên, việc sử dụng cụm từ "nghề luật sư" và "hành nghề luật sư" là vẫn phù hợp với thực tiễn của nước ta.

2. Nghĩa vụ của Luật sư

"Hành nghề luật sư" là gì? Đó là việc luật sư tham gia hoạt động tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật, các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật. Theo thông lệ của các nước trên thế giới, cũng như theo quy định của pháp luật Việt Nam thì nội dung của nghề luật sư (Điều 22 Luật Luật sư) bao gồm:

- Tham gia tố tụng với tư cách là người bảo chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sư, người có quyền lợi, nghĩa vu liên quan trong vụ án hình sự.

- Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tránh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tư vấn pháp luật;

- Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật;

- Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này.

Các luật sư được hành nghề tự do, tự do lựa chọn hình thức hành nghề là hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư, làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân. Các luật sư hành nghề theo quy định của pháp luật.

Điều kiện để một người trở thành Luật sư phải thảo mãn điều kiện được quy định trong Luật Luật sư. Người nào không đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà tham gia vào các quan hệ xã hội với chức danh Luật sư dưới bất kì hình thức nào thì coi là hành nghề Luật sư bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

V. Ý nghĩa của nghề luật sư:

Với mỗi một hoạt động hành nghề của mình, Luật sư sẽ mang lại những đóng góp, tầm quan trọng những giá trị thiết thực của mình khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, cụ thể:

Thứ nhất, trong hoạt động tham gia tố tụng: Luật sư sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, công dân, tổ chức kinh tế - xã hội và Nhà nước. Trong hoạt động tư pháp, nếu không có sự tham gia của Luật sự thì sẽ khó có thể xây dựng được một nền tư pháp dân chủ, minh bạch, công khai; niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp, vào công lý sẽ bị suy giảm. Đặc biệt, trong các trường hợp việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng có dấu hiệu oan, sai, hoặc đã xảy ra oan, sai thì nền tư pháp sẽ bị mất niềm tin, công lý sẽ không được đảm bảo, quyền con người, quyền công dân sẽ bị xâm phạm, tổn thương đó sẽ rất khó, thậm chí là không thể bù đắp được. Do đó, hoạt động của Luật sư khi tham gia tố tụng cùng với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng không những góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, góp phần bảo vệ công lý và điều quan trọng hơn cả là tạo được niềm tin của người dân vào một nền tư pháp trong sạch, công bằng, công khai, bảo vê lẽ phải từ đó củng cố niềm tin của người dân vào chế độ chính trị, chế độ xã hội của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, trong các hoạt động dịch vụ pháp lý mà Luật sư cung cấp thông qua tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng hay các dịch vụ pháp lý khác cũng đều xuất phát từ nhiệm vụ bảo về quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho khách hàng trên cơ sở các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của Luật sư. Các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý nói trên không những có khả năng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh một cách văn minh, góp phần làm ổn định tình hình kinh tế - chính trị, an toàn, trật tự xã hội mà còn có khả năng hạn chế, phòng ngừa các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong các mối quan hệ mà các cá nhân, tổ chức tham gia nếu như được sử dụng ngay từ giai đoạn các cá nhân, tổ chức khởi xướng chuẩn bị tham gia vào bất kỳ một mối quan hệ nào đó trong đời sống xã hội.

1 503 09/08/2023