Đấu thầu là gì? Đặc điểm của đấu thầu - Điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu

Đấu thầu là phương thức giao dịch đặc biệt, người muốn Xây dựng một công trình (người gọi thầu) công bố trước các yêu cầu và điều kiện xây dựng công trình,... Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc rõ hơn về một số nội dung trong đấu thầu.

1 189 lượt xem


Đấu thầu là gì? Đặc điểm của đấu thầu - Điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu

1. Khái quát về đấu thầu

Đấu thầu là gì? Đặc điểm của đấu thầu - Điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu (ảnh 1)

Đấu thầu là phương thức giao dịch đặc biệt, người muốn Xây dựng một công trình (người gọi thầu) công bố trước các yêu cầu và điều kiện xây dựng công trình, người dự thầu công bố giá mà mình muốn nhận, người gọi thầu qua so sánh để lựa chọn nhà thầu có lợi nhạt cho mình theo các điều kiện do mình đưa ra,

Đấu thầu là phương thức được áp dụng nhằm tuyển chọn tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và lựa chọn đối tác để thực hiện dự án hoặc từng phần dự án.

Tham gia đấu thầu gồm có:

1) Bên mời thầu (bên gọi thầu) là chủ dự án, chủ đầu tư hoặc pháp nhân đại diện hợp pháp của chủ dự án, chủ đầu tự được giao trách nhiệm thực hiện công việc đấu thầu;

2) Nhà thầu là tổ chức kinh tế có đủ tư cách pháp nhân tham gia đấu thầu. Riêng đối với đấu thầu tuyển chọn tư vấn, nhà thầu có thể là cá nhân, Cuộc đấu thầu chỉ có các nhà thầu trong nước tham dự gọi là đấu thầu trong nước.

Cuộc đấu thầu có các nhà thầu trong nước và nước ngoài tham dự gọi là đấu thầu quốc tế. Đấu thầu quốc tế là hình thức tương đối phổ biến được thực hiện ở các nước đang phát triển, do thiếu khả năng, kĩ thuật để tự đảm nhận xây dựng các công trình cơ bản lớn. Cuộc đấu thầu chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện pháp luật quy định.

Cách thức đấu thầu được áp dụng tùy thuộc vào đối tượng đấu thầu. Quy trình cơ bản của việc tiến hành đấu thầu gồm: Bên mời thầu ra thông báo mời thầu, căn cứ vào thông báo mời thầu, nhà thầu sơ bộ đánh giá nội dung mời thầu và lập hồ sơ tham gia đấu thầu, bên mời thầu sẽ lựa chọn nhà thầu có khả năng đáp ứng yêu cầu của mình một cách có lợi nhất. Khi chọn được nhà thầu, bên mời thầu tiến hành thủ tục phê duyệt và công bố kết quả đấu thầu.

2. Khái niệm đấu thầu

Tại khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 quy định về đấu thầu như sau:

“Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”

3. Đặc điểm của đấu thầu

- Thứ nhất: Đấu thầu là 1 hoạt động thương mại. Trong đó bên dự thầu là các thương nhân có đủ điều kiện và mục tiêu mà bên dự thầu hướng tới là lợi nhuận, còn bên mời thầu là xác lập được hợp đồng mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ với các điều kiện tốt nhất cho họ.

- Thứ hai: Đấu thầu là 1 giai đoạn tiền hợp đồng. Hoạt động đấu thầu luôn gắn với quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trong nền kinh tế đấu thầu không diễn ra như 1 hoạt động độc lập, nó chỉ xuất hiện khi con người có nhu cầu mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Mục đích cuối cùng của đấu thầu là là giúp bên mời thầu tìm ra chủ thể có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng và giá cả tốt nhất. Sau khi quá trình đấu thầu hoàn tất, người trúng thầu sẽ cùng với người tổ chức đấu thầu đàm phán, để kí hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hay xây lắp công trình.

- Thứ ba: Chủ thể tham gia quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ. Theo Luật thương mại, trong hoạt động đấu thầu có thể xuất hiện bên thứ ba như các công ty tư vấn giúp lập hồ sơ mời thầu, chuyên gia giúp đỡ, đánh giá hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên đây là hoạt động không qua trung gian, không có thương nhân làm dịch vụ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân khác nhận thù lao. Trong khi đó, Luật đấu thầu 2013 đã quy định thêm về tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp bao gồm đại lí đấu thầu, đơn vị sự nghiệp được thành lập và chức năng thực hiện đấu thầu chuyên nghiệp.Việc thành lập và hoạt động của đại lí đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Quan hệ đấu thầu luôn được xác lập giữa 1 bên mời thầu và nhiều bên dự thầu. Nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ như trong trường hợp chỉ định đầu tư.

- Thứ tư: Hình thức pháp lí của quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu. Hồ sơ mời thầu là văn bản pháp lí do bên mời thầu lập, trong đó có đầy đủ những yêu cầu về kĩ thuật, tài chính và thương mại của hàng hóa cần mua sắm, dịch vụ cần sử dụng. Còn hồ sơ dự thầu thể hiện năng lực, mức độ đáp ứng của bên dự thầu trước các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.

- Thứ năm: Giá của gói thầu: xét trên góc độ giá cả thì đấu thầu cần thiết phải có sự khống chế về giá, gọi là giá gói thầu hoạc dự toán _ được đưa ra bởi bên mời thầu theo khả năng tài chính của bên mời thầu. Bên dự thầu đưa ra giá cao hơn khẳ năng tài chính của bên mời thầu thì dù có tốt đến mấy cũng khó có thể thắng thầu. bên dự thầu nào đáp ứng được các yêu cầu của bên mời thầu mà có giá càng thấp thì sẽ càng có cơ hội chiến thắng.

4. Điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

- Cơ sở pháp lý: Điều 7 Luật đấu thầu năm 2013

- Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của gói thầu chỉ được phát hành để lựa chọn nhà thầu khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;

+ Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phê duyệt bao gồm các nội dung yêu cầu về thủ tục đấu thầu, bảng dữ liệu đấu thầu, tiêu chuẩn đánh giá, biểu mẫu dự thầu, bảng khối lượng mời thầu; yêu cầu về tiến độ, kỹ thuật, chất lượng; điều kiện chung, điều kiện cụ thể của hợp đồng, mẫu văn bản hợp đồng và các nội dung cần thiết khác;

+ Thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng hoặc danh sách ngắn được đăng tải theo quy định của Luật này;

+ Nguồn vốn cho gói thầu được thu xếp theo tiến độ thực hiện gói thầu;

+ Nội dung, danh mục hàng hóa, dịch vụ và dự toán được người có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung;

+ Bảo đảm bàn giao mặt bằng thi công theo tiến độ thực hiện gói thầu.

- Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của dự án chỉ được phát hành để lựa chọn nhà đầu tư khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Dự án thuộc danh mục dự án do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố theo quy định của pháp luật hoặc dự án do nhà đầu tư đề xuất;

+ Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt;

+ Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phê duyệt;

+ Thông báo mời thầu hoặc danh sách ngắn được đăng tải theo quy định của Luật này.

5. Thông tin và ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu

- Cơ sở pháp lý: Điều 8 và điều 9 Luật đấu thầu năm 2013

Thứ nhất, thông tin về đấu thầu

- Các thông tin phải được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu bao gồm:

+ Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+ Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển;

+ Thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu;

+ Danh sách ngắn;

+ Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+ Kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng;

+ Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;

+ Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu;

+ Danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án có sử dụng đất;

+ Cơ sở dữ liệu về nhà thầu, nhà đầu tư, chuyên gia đấu thầu, giảng viên đấu thầu và cơ sở đào tạo về đấu thầu;

+ Thông tin khác có liên quan.

- Các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này được khuyến khích đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Thứ hai, ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu là tiếng Việt đối với đấu thầu trong nước; là tiếng Anh hoặc tiếng Việt và tiếng Anh đối với đấu thầu quốc tế.
Đối với đồng tiền đấu thầu:
- Nếu là đấu thầu trong nước, nhà thầu chỉ được chào thầu bằng đồng Việt Nam.

- Đối với đấu thầu quốc tế:

+ Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền dự thầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng không quá ba đồng tiền; đối với một hạng mục công việc cụ thể thì chỉ được chào thầu bằng một đồng tiền;

+ Trường hợp hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu quy định nhà thầu được chào thầu bằng hai hoặc ba đồng tiền thì khi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải quy đổi về một đồng tiền; trường hợp trong số các đồng tiền đó có đồng Việt Nam thì phải quy đổi về đồng Việt Nam. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền quy đổi, thời điểm và căn cứ xác định tỷ giá quy đổi;

+ Đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu phải chào thầu bằng đồng Việt Nam;

+ Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài.

1 189 lượt xem