Khung giá đất là gì? Nội dung & Thủ tục xây dựng khung giá đất
Khung giá đất là các quy định của Chính phủ xác định giá đất từ tối thiểu đến tối đa cho từng loại đất cụ thể.
Khung giá đất là gì? Nội dung & Thủ tục xây dựng khung giá đất
1. Khung giá đất là gì?
Khung giá đất có thể được hiểu là các quy định của Chính phủ xác định giá đất từ tối thiểu đến tối đa cho từng loại đất cụ thể và là cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh làm căn cứ xây dựng và công bố bảng giá đất ở từng địa phương áp dụng.
2. Nội dung khung giá đất
Nội dung khung giá đất theo Điều 7 Nghị định 44/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP) như sau:
- Quy định mức giá tối thiểu, tối đa đối với các loại đất sau đây:
+ Nhóm đất nông nghiệp:
++ Khung giá đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
++ Khung giá đất trồng cây lâu năm;
++ Khung giá đất rừng sản xuất;
++ Khung giá đất nuôi trồng thủy sản;
++ Khung giá đất làm muối.
+ Nhóm đất phi nông nghiệp:
++ Khung giá đất ở tại nông thôn;
++ Khung giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
++ Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
++ Khung giá đất ở tại đô thị;
++ Khung giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;
++ Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.
- Khung giá đất được quy định theo các vùng kinh tế, loại đô thị sau đây:
+ Vùng kinh tế gồm: vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ, vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc quy định khung giá đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp tại nông thôn của mỗi vùng kinh tế được xác định theo 3 loại xã đồng bằng, trung du, miền núi.
+ Các loại đô thị gồm: Đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV, đô thị loại V.
Việc quy định khung giá đất phi nông nghiệp tại đô thị được xác định theo vùng kinh tế và loại đô thị.
- Khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định bảng giá đất tại địa phương.
- Giá đất trong khung giá đất, bảng giá đất đối với đất sử dụng có thời hạn được tính tương ứng với thời hạn sử dụng đất là 70 năm.
Đối với địa phương mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quy định thời hạn sử dụng đất để tính giá đất trong bảng giá đất khác với quy định tại khoản này thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
3. Khung giá đất nhà nước mới nhất hiện nay
Nghị định số 96/2019/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành quy định về khung giá đất mới được áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2024 bắt đầu tính từ ngày 19/12/2019. Nghị định này thay thế cho Nghi định số 104/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định khung giá đất.
Theo Nghi định mới nhất về khung giá đất quy định 7 vùng kinh tế như sau:
Vùng trung du và miền núi phía Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh. Với vùng kinh tế này, khung giá đất quy định giá đất ở tại đô thị loại 1 đến loại 5 tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 65 triệu đồng/m2.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Giá đất ở tại khu vực này được quy định với các đô thị đặc biệt, đô thị từ loại 1 đến loại 5 có mức tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2, tối đa là 162 triệu đồng/m2.
Vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có khung giá đất ở tại đô thị từ loại 1 đến loại 5 tối thiểu là 40 nghìn đồng/m2, tối đa là 65 triệu đồng/m2.
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, với các đô thị từ loại 1 đến loại 5, giá đất ở tại đô thị tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 76 triệu đồng/m2.
Vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng có khung giá đất ở tại đô thị từ loại 1 đến loại 5 tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 48 triệu đồng/m2.
Vùng Đông Nam Bộ gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và TP.HCM. Giá đất ở tại đô thị vùng này với các đô thị: đặc biệt, từ loại 1 đến loại 5, tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2, tối đa 162 triệu đồng/m2.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Khung giá đất ở tại đô thị vùng này theo loại đô thị từ 1 đến 5, có giá tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa 65 triệu đồng/m2.
Theo nghị định, khung giá đất trên được sử dụng làm căn cứ để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.
Nghị định cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tăng của cùng loại đất trong khung giá đất.
4. Thủ tục xây dựng khung giá đất
Theo Điều 8 Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về thủ tục xây dựng khung giá đất như sau:
- Trình tự xây dựng khung giá đất thực hiện theo quy định sau đây:
+ Xác định loại đất, vùng kinh tế, loại đô thị trong xây dựng khung giá đất;
+ Điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất thị trường; các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất;
+ Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện khung giá đất hiện hành;
+ Xây dựng khung giá đất và Tờ trình về việc ban hành khung giá đất;
+ Tổ chức lấy ý kiến về dự thảo khung giá đất;
+ Thẩm định dự thảo khung giá đất;
+ Hoàn thiện khung giá đất trình Chính phủ ban hành.
- Hồ sơ xây dựng khung giá đất trình Chính phủ ban hành bao gồm:
+ Tờ trình về việc ban hành khung giá đất;
+ Dự thảo khung giá đất;
+ Báo cáo thuyết minh xây dựng khung giá đất;
+ Văn bản thẩm định khung giá đất.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức xây dựng, trình Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần. Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức thẩm định khung giá đất.
5. Tác động của khung giá đất đến thị trường bất động sản
Việc điều chỉnh khung giá được điều chỉnh ít nhiều sẽ có sự ảnh hưởng đến thị trường bất động sản hiện tại.
Trên thực tế khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20 - 30% khung giá đất thị trường. Tại các địa phương, khung giá đất cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 - 60% giá đất thị trường. Điều này đã dẫn đến bất cập khi thu hồi đất khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận. Vì thế khi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, dự án công cộng... thì mặt bằng luôn là một trong những “điểm nghẽn” khiến các công trình chậm tiến độ.
Độ chênh lệch giữa giá đất ban hành trong khung và giá giao dịch trên thị trường càng cao thì càng gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Nhà nước. Nguồn thu từ đất chiếm trên dưới 10% ngân sách địa phương. Nhưng hiện nay, nguồn thu này đang bị thất thoát trong hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển công năng sử dụng của công trình xây dựng gắn liền với đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở.... Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo thành nguồn thu lâu dài, bền vững cho ngân sách.
Giá đất tăng, khó để nói giá nhà không thể tăng. Giá đất là một trong những yếu tố cấu thành nên giá nhà nên khi giá đất tăng thì tất yếu sẽ đẩy giá nhà tăng, ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp phát triển nhà ở, nhất là khi thu nhập của người dân hiện tại còn chưa theo kịp giá nhà.
“Với thị trường bất động sản, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành nhà phố; trên dưới 50% giá thành biệt thự.
Do vậy, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng. Mà giá nhà nhà hiện đang quá cao so với thu nhập, có thể mấy chục năm thì người dân mới đủ tiền mua một căn nhà. Nếu giá đất tiếp tục tăng thì cơ hội sở hữu nhà ở của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp sẽ ngày càng xa vời”.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, khi tăng giá đất thì phải tính đến việc sẽ giảm đầu tư, làm chững thị trường, trong khi nhu cầu về nhà ở đang rất bức thiết.
Một vấn đề quan trọng ngoài giá đất ra là vấn đề thuế và phí, giá đất đã cao thì thuế, phí phải giảm hay có những ưu đãi riêng cho nhà đầu tư ở những khu vực cần phát triển nhà ở. Đây là bài toán khó, nên cần tính toán phù hợp với sức dân, cần có những đề án của Nhà nước, của các cơ quan chức năng, tổ chức nghiên cứu xây dựng và đưa ra các giải pháp cụ thể.
Xem thêm các chương trình khác: