Lợi ích khi tham gia Bảo hiểm y tế? Có thể đăng ký bảo hiểm y tế ở đâu?

Khi tham gia bảo hiểm y tế, người dân sẽ được hưởng một số quyền lợi nhất định khi gặp vấn đề về sức khỏe mà cần đi khám tại các cơ sở khám chữa bệnh. Vậy, nên đăng ký bảo hiểm y tế ở bệnh viện nào? 

1 189 05/01/2024


Lợi ích khi tham gia Bảo hiểm y tế? Có thể đăng ký bảo hiểm y tế ở đâu?

1. Lợi ích khi có bảo hiểm y tế?

Theo quy định tại Khoản 15 Điều 1 của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014: Người bệnh khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến có trong danh sách bệnh viện bảo hiểm y tế sẽ được quỹ bảo hiểm thanh toán với mức viện phí:

- Được thanh toán 100% chi phí đối với các đối tượng:

+ Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an;

+ Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;

+ Trẻ em dưới 6 tuổi;

+ Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;

  • Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo,
  • Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;

- Được thanh toán 95% chi phí đối với trường hợp: Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, hộ gia đình cận nghèo,…

- Được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh với các đối tượng khác.

2. Có thể đăng ký bảo hiểm y tế ở đâu?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008:

Điều 26. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

1. Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

3. Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế.

Như vậy, mỗi người có quyền đăng ký khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh theo tuyến xã, tuyến huyện, không bắt buộc đăng ký theo hộ gia đình thì phải có cơ sở khám chữa bệnh ban đầu giống nhau. Lưu ý: nếu bạn không thuộc đối tượng được đăng ký tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc trung ương thì không được đăng ký tại các bệnh viện tại các tuyến này.

Đồng thời, Điều 8 Thông tư 40/2015/TT-BYT quy định:

Điều 8. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã, tuyến huyện

Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (sau đây gọi tắt là khám bệnh, chữa bệnh ban đầu) tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, mọi người được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở địa điểm mà mình mong muốn nhưng chỉ giới hạn trong các cơ sở khám chữa bệnh được quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư 40/2015/TT-BYT:

Điều 3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã và tương đương

1. Trạm y tế xã, phường, thị trấn;

2. Trạm xá, trạm y tế, phòng y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức;

3. Phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân độc lập;

4. Trạm y tế quân - dân y, Phòng khám quân - dân y, Quân y đơn vị cấp tiểu đoàn và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến huyện và tương đương

1. Bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

2. Trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm y tế huyện có phòng khám đa khoa;

3. Phòng khám đa khoa; phòng khám đa khoa khu vực;

4. Bệnh viện đa khoa hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng thuộc các Bộ, Ngành hoặc trực thuộc đơn vị thuộc các Bộ, Ngành;

5. Bệnh viện đa khoa tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương;

6. Bệnh viện y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương;

7. Phòng Y tế, Bệnh xá trực thuộc Bộ Công an, Bệnh xá Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

8. Trung tâm y tế quân - dân y, Bệnh xá quân y, Bệnh xá quân - dân y, Bệnh viện quân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, bệnh viện quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Như vậy, nếu bạn ở đâu thì nên đăng ký bảo hiểm y tế tại bệnh viện gần nơi cư trú để thuận tiện cho việc đi lại. Thực tế đối với trường hợp vì lý do công việc hoặc thay đổi nơi cư trú mà người tham gia bảo hiểm y tế không thể đến khám bệnh tại cơ sở y tế nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu được. Do đó họ bắt buộc phải khám bệnh tại tỉnh khác. Theo quy định trong Luật bảo hiểm y tế điều này là hoàn toàn được phép và được xét là trường hợp người bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trái tuyến. Tuy nhiên khi đó, người bệnh vẫn được hưởng chế độ BHYT, tuy nhiên mức hưởng sẽ giảm hoặc thấp hơn khi đi khám đúng tuyến (trừ một số trường hợp đặc biệt mà Pháp luật quy định).

1 189 05/01/2024