Người học là ai? Nhiệm vụ, quyền của người học theo Luật Giáo dục

Người học là thuật ngữ dùng để chỉ chung tất cả các đối tượng đang học tập tạo các cơ sở giáo dục quốc dân gồm: Trẻ em của các cơ sở giáo dục mầm non, Học sinh trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Sinh viên đại học, cao đẳng, Học viên cơ sở đào tạo thạc sỹ, nghiên cứu sinh

1 522 19/12/2023


Người học là ai? Nhiệm vụ, quyền của người học theo Luật Giáo dục

1. Người học là ai?

Người học là ai? Nhiệm vụ, quyền của người học theo Luật Giáo dục (ảnh 1)

Theo Điều 80 Luật Giáo dục 2019, người học là người đang học tập tại cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

- Trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non;

- Học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, lớp đào tạo nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường dự bị đại học;

- Sinh viên của trường cao đẳng, trường đại học;

- Học viên của cơ sở đào tạo thạc sĩ;

- Nghiên cứu sinh của cơ sở đào tạo tiến sĩ;

- Học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên.

2. Các quyền của người học theo Luật Giáo dục

Người học tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân có các quyền được quy định tại Điều 83 Luật Giáo dục 2019, cụ thể như sau:

- Được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

- Được tôn trọng; bình đẳng về cơ hội giáo dục và học tập; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình.

- Được học vượt lớp, học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban, được tạo điều kiện để học các chương trình giáo dục theo quy định của pháp luật.

- Được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

- Được cấp văn bằng, chứng chỉ, xác nhận sau khi tốt nghiệp cấp học, trình độ đào tạo và hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định.

- Được tham gia hoạt động của đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

- Được sử dụng cơ sở vật chất, thư viện, trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể dục, thể thao của cơ sở giáo dục.

- Được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với cơ sở giáo dục các giải pháp góp phần xây dựng cơ sở giáo dục, bảo vệ quyền, lợi ích của người học.

- Được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước trong tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước nếu tốt nghiệp loại giỏi và có đạo đức tốt.

- Được cử người đại diện tham gia hội đồng trường theo quy định.

Người học là ai? Nhiệm vụ, quyền của người học theo Luật Giáo dục (ảnh 1)

3. Các nhiệm vụ của người học theo Luật Giáo dục

Cụ thể tại Điều 82 Luật Giáo dục 2019, người học có các nhiệm vụ như sau:

- Học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục, quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục.

- Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục; chấp hành quy định của pháp luật.

- Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và năng lực.

- Giữ gìn, bảo vệ tài sản của cơ sở giáo dục.

- Góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của cơ sở giáo dục.

4. Các chính sách đối với người học

Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc học tập đối với người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, Nhà nước đã đưa ra các chính sách được quy định từ Điều 84 đến Điều 88 Luật Giáo dục 2019, cụ thể như sau:

* Chính sách tín dụng giáo dục dành cho người học

- Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thời hạn vay tiền để người học có điều kiện học tập.

- Khuyến khích xã hội hóa hoạt động tín dụng giáo dục.

* Chính sách học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt

- Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 Luật Giáo dục 2019 và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học.

- Cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.

- Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật.

- Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.

Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí theo quy định.

* Chính sách miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên

Học sinh, sinh viên được hưởng chế độ miễn, giảm giá vé khi sử dụng các dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa theo quy định của Chính phủ.

* Chế độ cử tuyển đối với người học

- Nhà nước thực hiện tuyển sinh vào trung cấp, cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển đối với học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra phải có chính sách tạo nguồn cử tuyển, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương đề xuất, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển; cử người đi học theo tiêu chuẩn, chỉ tiêu được duyệt; xét tuyển và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm hỗ trợ cho người học theo chế độ cử tuyển để bảo đảm chất lượng đầu ra.

- Người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học; được xét tuyển và bố trí việc làm.

* Chính sách khen thưởng đối với người học

Người học có thành tích trong học tập, rèn luyện được cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục khen thưởng; trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

1 522 19/12/2023