Tổng hợp thông tin cần biết về giám sát hành trình xe [mới nhất 2024]

Nhằm phát hiện và ghi nhận nhanh chóng các tình huống vi phạm Luật Giao thông, giúp tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, hạn chế tai nạn và nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe là vô cùng cần thiết. Cùng với đó, thiết bị giám sát hành trình xe còn có chức năng: Giám sát vị trí xe tức thời; Chống mất cắp xe, chống cướp hoặc thông báo tai nạn, biến cố bằng chưa năng nút bấm SOS; Nhắc nhở lịch bảo dưỡng định kỳ. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây xem Thiết bị giám sát hành trình xe là gì? Quy chuẩn và những quy định của pháp luật về thiết bị giám sát hành trình xe như thế nào?

1 508 26/09/2023


Tổng hợp thông tin cần biết về giám sát hành trình xe [mới nhất 2024]

I. Giám sát hành trình xe là gì?

1. Khái niệm giám sát hành trình xe

Giám sát hành trình xe là là thiết bị lắp xe có thể là xe ô tô hoặc xe máy. Giám sát hành trình xe giúp người quản lý phương tiện có thể biết được vị trí xe mà họ quản lý đang ở đâu, đang đi cung đường nào, đi được quãng đường là bao nhiêu.

Giám sát hành trình xe là thiết bị không thể thiếu cho các hãng xe taxi, các đơn vị vận tải, các đơn vị cho thuê xe, cầm đồ xe ô tô, hoặc ngay cả cá nhân tổ chức có xe ô tô thì việc lắp thiết bị giám sát hành trình xe cũng rất tiện lợi và hữu ích.

2. Giám sát hành trình xe bao gồm những gì?

          Giám sát hành trình xe bao gồm các phần chính đó là thiết bị giám sát hành trình nó được hiểu như là phần cứng để hoạt động được thì cần phần mềm giám sát hành trình xe ô tô. Đối với thiết bị giám sát hành trình xe có nhiều phụ kiện kèm theo nó thì tích hợp với nó càng nhiều phần mềm và tính năng hữu ích cho xe ô tô của bạn.

2.1. Thiết bị giám sát hành trình xe

Thiết bị giám sát hành trình thường là những thiết bị chuyên dụng được gắn trên xe và sử dụng các công nghệ như: biến cảm biến, đầu đọc dữ liệu xe,… nhằm mục đích theo dõi vị trí của xe, đồng thời, giữ vai trò như một chiếc hộp đen bao gồm: bộ phận 2G, bộ phận GPS, bộ phận xử lý thông tin,…

Thiết bị giám sát hành trình có tính năng tổng hợp và thống kê đoạn đường mà xe đi trong khoảng thời gian nào đó tùy lựa chọn của bạn, độ chính xác lên tới từng mét. Chính điều này sẽ giúp người quản lý phương tiện của 1 công ty hay cá nhân dễ tính toán được chi phí nhiên liệu, chi phí lao động, thời gian bảo dưỡng xe

Thông thường, camera giám sát hành trình là thiết bị phổ biến nhất được lắp đặt trên các dòng xe giúp đảm bảo an toàn và hỗ trợ người điều khiển xe bao gồm nhiều loại như: camera quan sát cabin, camera lùi, camera truyền thống, camera gương chiếu hậu,… Bên cạnh đó, loại thiết bị này thường có góc quay rộng, đồng thời cho phép ghi lại toàn bộ những hình ảnh và âm thanh trên suốt chặng đường xe di chuyển.

Tính năng giám sát định vị của thiết bị giám sát hành trình là tính năng vô cùng tuyệt vời, nó giúp bạn tránh được việc sử dụng xe sai mục đích ví dụ cho mượn xe, nhân viên đi không đúng quãng đường hay địa điểm mà bạn giao cho. Nguy hiểm hơn nữa là tình huống bị trộm xe thì bạn sẽ tìm được vị trí xe ô tô của mình.

Thiết bị giám sát hành trình được thiết kế có tính bảo mật rất cao, an toàn về thông tin ngoài ra nó rất dễ sử dụng giúp cho doanh nghiệp giám sát phương tiện, nhân viên và điều hành quản lí nhân viên tối ưu, không thất thoát chi phí.

2.2. Phần mềm giám sát hành trình xe ô tô

Phần mềm giám sát hành trình xe ô tô có thể được cài trên camera hành trình, màn hình android, máy tính, laptop, ipad hoặc bạn tải app trên điện thoại.

Đa số phần mềm giám sát hành trình xe ô tô được thiết kế với giao diện thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng.

Trên phần mềm giám sát hành trình xe ô tô có hiển thị vị trí xe ô tô

Một số phần mềm giám sát hành trình xe ô tô có thể tính toán được vận tốc thực tế xe ô tô đang di chuyển. Bằng cách lấy quãng đường di chuyển chia cho thời gian di chuyển quãng đường đó. Nếu bạn lấy mốc thời gian càng ngắn thì càng tính chính xác được vận tốc của xe tại thời điểm đó

Một số phần mềm giám sát hành trình xe ô tô còn hiển thị vận tốc hiện tại của xe đang là bao nhiêu km/h đồng thời có thể cài đặt chế độ cảnh báo tốc độ tối đa của xe. Hoặc tính năng nhận diện biển báo tốc độ để cảnh báo cho người lái xe không chạy vượt quá tốc độ

Tính năng xem lại được lịch sử di chuyển của xe trong 1 khoảng thời gian dài, lập báo cáo file excel cho người quản lí, tổng hợp vi phạm giao thông của xe, cảnh báo tiêu hao nhiên liệu, báo thời gian bảo dưỡng.

Ngoài ra nó còn có tính năng giám sát hành trình xe trực tuyến. Giám sát hành trình xe trực tuyến tức là bạn có thể thấy được xe ô tô của bạn đang di chuyển như thế nào trên bản đồ.

3. Một số tính năng nổi bật của hệ thống giám sát hành trình ô tô

Hệ thống giám sát giám sát hành trình ô tô cung cấp nhiều tính năng quan trọng giúp người dùng quản lý cũng như vận hành xe một cách hiệu quả và an toàn. Đặc biệt, hệ thống này không những mang lại những lợi ích cho chủ sở hữu phương tiện mà còn giúp hỗ trợ cho quá trình hoạt động của các doanh nghiệp lớn.

3.1. Đối với cá nhân:

Hệ thống giám sát hành trình ô tô có chức năng lưu trữ toàn bộ thông tin về hành trình di chuyển của xe như: quãng đường đã đi, thời gian di chuyển, tốc độ, thời gian dừng lại,… Đặc biệt, hệ thống này còn mang lại nhiều lợi ích khác như: báo động khi người điều khiển xe vi phạm luật giao thông, định vị và hạn chế tình trạng xe bị trộm cắp,…

3.2.Đối với doanh nghiệp:

Thông thường, một doanh nghiệp vận tải sẽ phải quản lý hàng trăm chiếc xe khác nhau, do đó quá trình quản lý sẽ mất khá nhiều thời gian nếu không có sự hỗ trợ từ các hệ thống đặc biệt.

Trong đó, hệ thống giám sát hành trình xe đã được nhiều doanh nghiệp lựa chọn với chức năng thu thập thông tin về xe, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình kiểm soát cũng như theo dõi thông tin của phương tiện được thực hiện dễ dàng hơn. Theo đó, hệ thống này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể kịp thời nhắc nhở tài xế để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng năng suất hoạt động của công ty.

II. Quy trình hoạt động của hệ thống giám sát hành trình ô tô

Thông qua việc sử dụng thiết bị giám sát được tích hợp trên xe, hệ thống giám sát hành trình ô tô sẽ thu thập những thông tin như: tốc độ, vị trí hiện tại của xe, tọa độ GPS,… Sau đó, thông qua sóng điện thoại di động, hệ thống sẽ truyền thông tin này về bộ phận trung tâm. Tiếp theo, máy chủ sẽ tiếp nhận toàn bộ tín hiệu, đồng thời lưu trữ lại toàn bộ những thông tin này. Cuối cùng, người dùng có thể sử dụng phần mềm giám sát đã được liên kết và theo dõi trước đó để xem lại hành trình di chuyển của xe.

Người dùng có thể dễ dàng sử dụng phần mềm giám sát đã được liên kết và theo dõi trước đó để xem lại hành trình di chuyển của xe.

III. Quy chuẩn về thiết bị hành trình xe theo quy định pháp luật

Để thiết bị giám sát hành trình của xe phát huy được những vai trò, chức năng, có những quy định về yêu cầu đối với thiết bị giám sát hành trình như sau:

Thứ nhất, Về kết cấu của thiết bị giám sát hành trình được định nghĩa tại Thông tư 08/2011/TT – BGTVT: “Thiết bị GSHT bao gồm phần cứng (bộ vi xử lý, bộ phận ghi, lưu giữ, truyền phát dữ liệu, đồng hồ đo thời gian thực, bộ phận nhận tín hiệu định vị toàn cầu GPS, bộ phận thu nhận thông tin lái xe, cổng kết nối, bộ phận thông báo trạng thái hoạt động thiết bị, …) và phần mềm phân tích dữ liệu”.

Thứ hai, về những thông tin cần được thể hiện, xử lý ở bộ truyền phát thiết bị giám sát. Về cơ bản, bộ thu phát tín hiệu giám sát cần phải thể hiện những thông tin cơ bản theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 31:2014/BGTVT về thiết bị giám sát hành trình của ô tô như sau:

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Chức năng hoạt động

TBGSHT phải có các chức năng tối thiểu sau đây:

2.1.1. Chức năng thông báo trạng thái hoạt động

TBGSHT phải có chức năng tự kiểm tra (khi khởi động ban đầu và trong suốt quá trình hoạt động) và có các tín hiệu thông báo trạng thái hoạt động, bao gồm: tình trạng có sóng, mất sóng GSM; tình trạng có kết nối, mất kết nối với máy chủ; tình trạng có tín hiệu, mất tín hiệu GPS; tình trạng hoạt động của bộ nhớ lưu trữ dữ liệu; trạng thái đăng nhập, đăng xuất của lái xe. Tín hiệu thông báo các trạng thái hoạt động phải được hiển thị bằng đèn hoặc màn hình.

2.1.2. Chức năng ghi nhận thay đổi lái xe

TBGSHT phải ghi lại được thời điểm, tọa độ đăng nhập, đăng xuất của lái xe đồng thời phải có báo hiệu để nhận biết sự thay đổi lái xe và phân biệt được trạng thái đăng nhập, đăng xuất. Việc đăng nhập, đăng xuất của lái xe chỉ thực hiện được khi xe dừng hoặc đỗ.

Các thông tin về lái xe sau đăng nhập, đăng xuất phải được lưu trữ tại TBGSHT và truyền về máy chủ.

2.1.3. Chức năng cảnh báo đối với lái xe

TBGSHT phải phát tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh với âm lượng không nhỏ hơn 65 dB (A) khi đo ở khoảng cách 10 cm, tần suất từ 60 đến 120 lần trên phút, bảo đảm người lái xe có thể nghe được khi đang lái xe trong các trường hợp sau:

- Xe chạy quá tốc độ giới hạn theo quy định, âm thanh cảnh báo phải được duy trì liên tục cho đến khi tốc độ xe nhỏ hơn hoặc bằng tốc độ giới hạn.

- Tối thiểu 05 phút trước thời điểm 04 giờ lái xe liên tục, âm thanh cảnh báo phải được duy trì liên tục cho đến khi xe dừng hoặc lái xe thực hiện đăng xuất.

2.1.4. Chức năng ghi và lưu trữ dữ liệu trên thiết bị

TBGSHT phải ghi và lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ thiết bị các thông tin tối thiểu như sau:

a) Hành trình xe chạy

Hành trình xe chạy (thời gian, tọa độ, tốc độ), tần suất ghi và lưu trữ không quá 30 giây trên một lần khi xe hoạt động và không quá 15 phút trên một lần khi xe dừng.

b) Tốc độ vận hành của xe

Tốc độ tức thời trong suốt hành trình xe chạy, thông tin này phải trích xuất được thông qua cổng kết nối của TBGSHT với máy tính hoặc thông qua máy chủ tại các thời điểm bất kỳ trong suốt hành trình xe chạy.

Đơn vị đo tốc độ là km/h, dải đo tốc độ của TBGSHT từ 0 km/h đến tối thiểu 150 km/h và độ phân giải của toàn thang đo nhỏ hơn hoặc bằng 01 km/h.

Độ chính xác đo tốc độ của TBGSHT phải đảm bảo sai số không quá ± 3 km/h.

c) Thông tin về lái xe

Thời điểm, tọa độ bắt đầu và kết thúc làm việc của từng lái xe gắn với xe (tên lái xe, số giấy phép lái xe, biển số xe); thời gian lái xe liên tục của từng lái xe.

d) Thông tin về số lần và thời gian dừng, đỗ xe

Tọa độ, thời điểm, khoảng thời gian của mỗi lần dừng, đỗ xe trong suốt hành trình xe chạy.

...”

Thứ ba, Thiết bị giám sát hành trình phải nhỏ gọn, có vỏ bọc cứng, đảm bảo trong môi trường làm việc của xe phải hoạt động bình thường, không làm mất hay thay đổi những dữ liệu đã được ghi, lưu trữ trong thiết bị giám sát hành trình.

Thứ tư, thiết bị giám sát hành trình cần phải có chức năng trao đổi và cung cấp thông tin về dữ liệu. Cụ thể cần đảm bảo những nội dung sau:

– Phải đảm bảo trích xuất thông qua cổng kết nối để in hoặc sao lưu các dữ liệu thông tin tối thiểu tức thời liên quan trong quá trình khai thác, vận hành của xe quy định;

– Khi in, sao lưu hoặc truyền dữ liệu, không được thay đổi hoặc xóa bỏ các dữ liệu đã được lưu lại trong bộ nhớ của thiết bị giám sát hành trình;

– Phải đảm bảo kết nối với máy in di động cầm tay (loại in kim hoặc in nhiệt) để in ra trực tiếp từ thiết bị giám sát hành trình các loại dữ liệu cần in nêu trên theo các chuẩn thống nhất.

IV. Quy định của pháp luật về thiết bị giám sát hành trình xe

1. Các loại phương tiện vận tải bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật giao thông Việt Nam:

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 91/2009/NĐ – CP được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 93/2012/NĐ – CP thì các loại phương tiện sau đây cần phải có thiết bị giám sát hành trình xe khi tiến hành hoạt động kinh doanh:

– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 ki lô mét trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình;

– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình;

– Xe ô tô của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình của xe.

Như vậy, pháp luật đã có quy định cụ thể về đối tượng là phương tiện giao thông cần lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của xe. Chủ yếu việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của xe hướng tới đối tượng là các đơn vị kinh doanh dịch vụ hành khách nhằm hai mục đích: thứ nhất, quản lý được phương tiện vận tải của doanh nghiệp, tổ chức mình khi hoạt động; thứ hai, đảm bảo được quyền lợi của hành khách khi sử dụng dịch vụ vân tải.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý thiết bị giám sát hành trình của xe:

Cơ quan Nhà nước trên cơ sở sự phối hợp của các chủ thể sử dụng, cung cấp thiết bị giám sát hành trình của xe thực hiện việc quản lý Nhà nước về vấn đề cung cấp, khai thác sử dụng thiết bị này.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông vận tải của các địa phương thực hiện việc quản lý sử dụng thiết bị giám sát hành trình của xe. Cụ thể như sau:

– Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý hệ thống thông tin thống nhất trong phạm vi cả nước, tổng hợp dữ liệu đầu vào được truyền về từ đơn vị kinh doanh vận tải hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ;

– Sở Giao thông vận tải thực hiện việc khai thác, quản lý thông tin về biển kiểm soát xe, trọng tải xe (số lượng hành khách hoặc tấn trọng tải cho phép), tên đơn vị kinh doanh vận tải và các thông tin vi phạm về hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày của từng đơn vị kinh doanh vận tải thuộc Sở trực tiếp quản lý thông qua tài khoản đăng nhập và mật khẩu được cung cấp để truy cập vào hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

V. Một số câu hỏi liên quan

1. Nếu không lắp thiết bị giám sát hành trình với xe khách có bị xử phạt không?

Thứ nhất, thiết bị giám sát hành trình với xe khách theo luật hiện hành

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đơn vị kinh doanh vận tải bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

2. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.”

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 10/2020/ NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 12. Quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe

1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.”

Như vậy, theo quy định trên xe khách phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Thứ hai, mức phạt lỗi không gắn thiết bị giám sát hành trình với xe khách

Căn cứ điểm g khoản 5 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ

5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

g) Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với loại xe có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định;”

Đồng thời căn cứ theo điểm đ khoản 4 Điều 28 của Nghị định này quy định như sau:

Căn cứ theo quy định tại điểm đ Khoản 6 và điểm h Khoản 11 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

“Điều 28. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô;

10. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm h khoản 2; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm l, điểm o, điểm p, điểm q, điểm r, điểm s, điểm t khoản 4; điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm o, điểm p, điểm q khoản 6; điểm e, điểm i khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm;

11. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

h) Thực hiện hành vi quy định tại điểm q khoản 4; điểm đ, điểm n, điểm o khoản 6 Điều này buộc phải lắp đặt camera, dây an toàn, đồng hồ tính tiền cước, thiết bị in hóa đơn, thiết bị giám sát hành trình trên xe theo đúng quy định;”

Theo như quy định trên, mức phạt cụ thể của từng chủ thể cụ thể như sau:

Đối với người điều khiển không gắn Thiết bị giám sát hành trình với xe khách: phạt tiền từ 1. 000. 000 đồng đến 2. 000. 000 triệu đồng và không bị tước GPLX.

Đối với chủ phương tiện không gắn Thiết bị giám sát hành trình với xe khách: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức và bị tước phù hiệu từ 01 tháng đến 03 tháng.

2. Có thể lắp thiết bị giám sát hành trình ở vị trí khuất tầm nhìn của người lái xe hay không?

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe ô tô được quy định tại tiểu mục 2.6 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 31:2014/BGTVT về thiết bị giám sát hành trình của ô tô như sau:

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

...

2.6. Quy định về lắp đặt TBGSHT trên xe ô tô

Phải lắp đặt TBGSHT ở vị trí lái xe quan sát được đèn báo trạng thái hoạt động của thiết bị; phía trên mặt bảng điều khiển của lái xe phải có đầy đủ các bộ phận: cổng kết nối máy tính, bảng hướng dẫn sử dụng TBGSHT, các tín hiệu thông báo trạng thái hoạt động theo quy định tại mục 2.1.1 của Quy chuẩn này.

Trường hợp lắp đặt TBGSHT ở vị trí khuất tầm nhìn của lái xe thì phải gắn cố định trên mặt bảng điều khiển các bộ phận sau: cổng kết nối máy tính, bảng hướng dẫn sử dụng TBGSHT, các đèn báo hiệu lặp lại tín hiệu thông báo trạng thái hoạt động theo quy định tại mục 2.1.1 của Quy chuẩn này.

Bảng hướng dẫn sử dụng TBGSHT phải thể hiện các thông tin sau:

+ Số điện thoại, địa chỉ liên hệ của nhà cung cấp TBGSHT;

+ Thao tác đăng nhập, đăng xuất lái xe;

+ Trạng thái hoạt động của thiết bị thông qua tín hiệu, báo hiệu;

+ Thao tác kết nối máy tính với TBGSHT.”

Như vậy, có thể lắp thiết bị giám sát hành trình ở vị trí khuất tầm nhìn của người lái xe.

Tuy nhiên cần phải gắn cố định thiết bị trên mặt bảng điều khiển các bộ phận sau: cổng kết nối máy tính, bảng hướng dẫn sử dụng TBGSHT, các đèn báo hiệu lặp lại tín hiệu thông báo trạng thái hoạt động theo quy định tại mục 2.1.1 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 31:2014/BGTVT.

 

 

 

 

1 508 26/09/2023